Đầu tư cho mạng viễn thông di động sẽ tăng, cước sẽ giảm mạnh và có thêm nhiều sản phẩm mới công nghệ cao, giá thành hạ ra mắt thị trường là 3 xu thế mới trên thị trường viễn thông di động Việt Nam trong năm 2005. Cước giảm và đầu tư mạng sẽ tăng Theo dự báo của các nhà cung cấp dịch vụ, trong năm 2005, thị trường thông tin di động Việt Nam có thêm khoảng 3,9 triệu thuê bao mới. Sự tham gia ngày càng nhanh chóng của nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động mới đã buộc các nhà cung cấp phải đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp dịch vụ mạng, giảm giá cước để cạnh tranh. Theo Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), dự kiến trong năm 2005, VinaPhone và MobiFone sẽ mở rộng vùng phủ sóng, mở rộng dịch vụ chuyển vùng (roaming) với các đối tác nước ngoài và tăng thêm nhiều dịch vụ gia tăng trên mạng như GPRS, MMS, Mobile Banking... để quyết tâm thu hút khoảng 2,4 triệu thuê bao mới. Trong tổng số 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư của VNPT, 2 mạng di động chiếm một tỷ lệ không nhỏ, bởi nó đóng góp tới gần 50% doanh thu cho VNPT. Một đại gia khác cũng vươn lên mạnh mẽ không kém là Viettel Mobile với lợi thế 200.000 thuê bao sau vài tháng triển khai. Mạng thông tin 098 này đang "ấp ủ" tham vọng đạt 1 triệu thuê bao trong năm nay. Để đạt mục tiêu này, Viettel đã đầu tư nâng số trạm phát sóng từ 600 lên trên 1.000 trạm trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2005. Ngoài ra, Viettel đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư như đầu tư kênh riêng gọi quốc tế dung lượng 2,5 GB, đầu tư 2 đường trục cáp quang xuyên Việt, một đường trục dung lượng 2,5 GB dọc theo đường dây điện và một đường trục dung lượng 10 GB dọc theo tuyến đường sắt Bắc - Nam… Nối tiếp Viettel, mạng di động CDMA S-Fone cũng công bố giải ngân xong 40 triệu USD cho đầu tư mở rộng mạng lưới trong năm 2005 và đang xúc tiến hình thành kế hoạch đầu tư kế tiếp với kinh phí lớn hơn nhiều vì "chỉ có đầu tư mới có thể trụ vững và phát triển trên thị trường", ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành S-Fone tuyên bố. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã chính thức cấp phép cho Dự án Xây dựng mạng viễn thông di động mặt đất CDMA 2000 của Hanoi Telecom và Hutchison Telecommunicaitons, với tổng vốn đầu tư đạt kỷ lục 655,9 triệu USD. Đây được xem là đối trọng đầu tư nước ngoài thứ hai trên thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông di động của Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, dù đầu tư mạnh nhưng hầu hết các mạng di động hiện hữu tại Việt Nam đều gặp khó khăn là tiến độ đầu tư mở rộng và nâng cấp mạng chưa theo kịp với tốc độ phát triển thuê bao. Cạnh tranh thị trường điện thoại di động Một cuộc cạnh tranh khác đang rất ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt là cạnh tranh giữa các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối. Đây chính là nguyên nhân khiến giá máy di động liên tục giảm. Giá nhiều máy điện thoại, chủ yếu là loại trung và cao cấp giảm tới 2 triệu đồng/máy. Theo điều tra của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK, thị trường Việt Nam hiện có 200 mẫu điện thoại của 20 hãng. Có tới 44% máy bán ra có màn hình 65.000 màu, 33% số máy có màn hình 4.096 màu… Giá máy trung bình trên thị trường là 3,7 triệu đồng/máy. Các chuyên gia GFK nhận định, trong năm 2005, số máy có camera, độ phân giải lớn và màn hình màu, chủ yếu từ 65.000 màu trở lên sẽ phổ biến hơn và người tiêu dùng sẽ chú ý hơn đến việc mở rộng bộ nhớ bằng các thẻ nhớ… Nói cách khác, loại máy điện thoại di động loại trung và cao cấp sẽ được tiêu thụ mạnh hơn. Một điểm đáng lưu ý là năm 2003, máy xách tay chiếm đến 70% thị trường thì trong năm 2004 tỷ lệ này đã giảm còn 50%. Nguyên nhân chính là do thuế nhập khẩu đã giảm từ 10% xuống còn 5% và tỷ lệ hàng chính hãng dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2005. Trong 20 nhãn hiệu điện thoại, 5 hãng là Nokia, Samsung, Sony Ericsson, Motorola và Siemens vẫn dẫn đầu thị phần. Những kiểu dáng được nhiều người ưa chuộng nhất là điện thoại có nắp trượt, xoay, dạng thỏi, dạng gập, màn hình màu và có chức năng chụp ảnh. Đặc biệt, điện thoại CDMA sẽ có thêm nhiều model mới với sự tham gia của Nokia và Motorola. Theo Đầu Tư