Trong vòng nửa năm trở lại đây, tại Việt Nam liên tiếp xảy ra các vụ nổ điện thoại di động: Nokia 8210, Nokia 8250, Nokia 8310, Samsung C100, Nokia 8310, Nokia 8250, Sony và mới đây là Nokia 6610. Nguyên nhân của các vụ nổ được xác định là do sử dụng pin không rõ nguồn gốc. Được biết, sau mỗi vụ nổ này các hãng đều đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng, nhưng rồi điện thoại di động vẫn nổ!. Tháng 4/2003, văn phòng đại diện Nokia tại Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng sử dụng các loại phụ kiện điện thoại di động ngoài luồng. Thông báo này được đưa ra sau khi có một số trường hợp khách hàng tại châu Âu sử dụng pin giả làm pin nóng bất thường gây nên nhiều sự cố cho cả pin và điện thoại. Nhưng chỉ vài tháng sau đợt tuyên truyền, một loạt các vụ nổ điện thoại di động đã xảy ra tại Việt Nam. Nokia dẫn đầu về số lượng các vụ nổ Ngày 8/10/2003, tại TP.HCM, điện thoại di động Nokia 8210 của chị Chung Xảo Lệ đã phát nổ khi chị đang ngồi ăn sáng. Chiếc điện thoại để trong túi quần đã bất ngờ phát nổ khiến chị bị bỏng ở một vùng đùi và vỡ thành 5 mảnh. Khi chiếc điện thoại phát nổ trời không mưa và cũng không có cuộc gọi hay nhắn tin. Được biết, chiếc máy Nokia 8210 của chị Lệ được mua lại từ một người quen mang về từ nước ngoài. Tối 9/10/2003 tại Đà Nẵng lại có thêm một điện thoại Nokia bị cháy. Điện thoại Nokia 8250 của anh Nguyễn Văn Lạc đã tự phát nóng trong túi quần và để lấy lại simcard anh Lạc sử dụng đầu cơ bida gõ mạnh vào điện thoại. Chiếc điện thoại phát ra một tia lửa xanh làm thủng một lỗ sau thân máy còn viên pin thì cong queo. Vết cháy xém đen nên không thể đọc ra số model của máy, nhưng trên thân pin còn thấy nhiều dòng chữ Trung Quốc. Anh Lạc cho biết, trước vụ nổ một tháng rưỡi, anh đã mua một viên pin mới thay pin cũ với giá 150.000 đồng. Sau khi xảy ra vụ việc, anh đến đại lý để hỏi nguyên nhân. Bộ phận kỹ thuật tại đây sau khi xem xét đã trả lời máy của anh Lạc bị cháy không thể sửa được. Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc tiếp thị văn phòng đại diện Nokia tại Việt Nam, nguyên nhân nổ do pin của điện thoại di động sử dụng không rõ xuất xứ. Trước đó vài tháng, Nokia đã điều tra nguồn gốc của nhiều loại pin điện thoại giả mạo. Kết quả cho thấy pin điện thoại không chính hãng đang lưu hành trên thị trường không đảm bảo độ an toàn cũng như đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, thông số kỹ thuật so với pin điện thoại chính hãng do Nokia sản xuất. Một lần nữa cái tên Nokia lại có trong danh sách điện thoại nổ. Chiều 3/12/2003, anh Nguyễn Đình Lý (48 tuổi, ngụ tại số nhà 22/4, khu phố 1, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang dùng điện thoại di động hiệu Nokia 8310 để liên lạc thì máy bị tắt nguồn. Anh Lý bật nguồn lại thì chiếc điện thoại nổ thành nhiều mảnh. Rất may, anh Lý chỉ bị xây sát nhẹ trên mặt. Cùng Nokia, điện thoại Samsung và Sony cũng phát nổ Trong hai ngày liên tiếp 8/1 và 9/1/2004, điện thoại Nokia 8310 và Samsung C100 đã nối đuôi nhau nổ. Điện thoại Nokia 8310 thuộc sở hữu của một cán bộ thuộc công ty Kiểm toán và kế toán tại Đà Nẵng đã phát nổ lúc 18g45 ngày 8/1. Một ngày sau, điện thoại Samsung C100 của anh Nguyễn Thế Đăng (61 Hàng Đường, Hà Nội) cũng đã phát nổ trong khi đang sạc pin. Chủ nhân của chiếc điện thoại Nokia 8310 cho biết: ''Trước khi nổ, chiếc ĐTDĐ đang trong tình trạng không liên lạc và nằm trong túi quần. Đột nhiên tôi nghe một tiếng nổ nhỏ, cùng lúc ấy một cảm giác nóng tỏa ra từ chiếc ĐTDĐ. Lôi máy ra thì đã tắt ngấm, không liên lạc được''. Chiếc điện thoại này được mua ngày 3/4/2002 với giá trị 5,3 triệu đồng và bảo hành 12 tháng. Chủ nhân của chiếc máy cho biết thêm từ lúc mua đến nay ông chưa hề thay thế một linh kiện nào bên trong máy, kể cả pin''. Sau khi phát nổ, phần pin của chiếc điện thoại Samsung C100 bị vỡ làm nhiều mảnh, phần thân máy văng mạnh ra xa. Anh Đăng cho biết: ''Chiếc điện thoại di động Samsung C100 này anh mua cách đây gần 1 tháng tại một cửa hàng quen với giá 2,4 triệu đồng. Kể từ khi mua đến lúc phát nổ, chiếc điện thoại này sử dụng rất tốt và chưa từng xảy ra trục trặc gì''. Theo Công ty Samsung Vina, chiếc điện thoại Samsung C100 bị nổ không phải là hàng nhập chính thức và không do Công ty FPT bảo hành. Đây là trường hợp nổ điện thoại Samsung đầu tiên trên thế giới. Sáng 10/1, khi cắm bộ sạc pin cho chiếc điện thoại Nokia 2100, bộ sạc pin của chị Nguyễn Thị Xuân Hà tại 218 Tây Sơn, Hà Nội đã phát nổ. Chiếc điện thoại không bị hư hại do chưa cắm vào nhưng bộ sạc pin sau khi nổ đã hỏng hoàn toàn, không thể sử dụng được. Điện thoại Sony của ông Trịnh Duy Thông ở số 78B10, Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM cũng đã phát nổ trong khi đang sạc pin. Sau vụ nổ, chiếc ĐTDĐ bị biến dạng ở mặt sau và màn hình bị rạn nứt, pin bị hủy hoàn toàn khiến phần vỏ trở nên móp méo. Theo ông Thông, chiếc điện thoại trên do con gái ông mua cách đây khoảng 5 năm và đưa cho ông sử dụng từ tháng 9/2003. Chưa hết, điện thoại Nokia 8250 của anh Tạ Công Ái ở khối 3, phường Chánh Lộ, thị xã Quảng Ngãi, đã gây sự cố trong khi đang sạc điện vào lúc 22h30 ngày 11/3/2004. Toàn bộ phần pin nổ tung, những mảnh vụn của điện thoại đã văng vào chiếc cassette bên cạnh, làm cho chiếc máy này cũng bị hỏng theo. Khổ chủ cho biết, mua chiếc điện thoại này hôm 8/2, tại cửa hàng điện thoại di động Ngọc Hưng, số 617, đường 3 tháng 2, phường 8, quận 10 (TP HCM). Vì là máy cũ nên thời gian bảo hành chỉ đến ngày 8/3/2004. Trên thế giới tên Nokia được gắn liền với những vụ nổ điện thoại di động trong vòng 1,5 năm trở lại đây. Thêm một vụ nổ, lại một vụ nổ, điện thoại di động hiệu Nokia liên tiếp gặp rắc rối với những viên pin rởm. Theo thống kê của Nokia, có khoảng 30-40 trường hợp trên toàn cầu bị nổ điện thoại di động do sử dụng pin rẻ tiền không phải của chính hãng. Trong nhiều trường hợp nổ điện thoại tại châu Á, châu Âu, châu Phi cho thấy người tiêu dùng sử dụng pin trôi nổi. Trong số các vụ nổ này, mẫu điện thoại Nokia 3310 bị nổ nhiều nhất: ở Bangkok Thái Lan, Nokia 3310 đã tự phát nổ làm một doanh nhân bị thương nhẹ; còn ở Hà Lan, tháng 8/2003, một phụ nữ đã bị thương ở mặt khi đang thực hiện cuộc gọi bằng Nokia 3310. Một một nhân viên siêu thị của Hà Lan bị phỏng chân khi điện thoại Nokia cháy nổ trong túi quần ngày 6/10/2003. Cảnh báo liệu có tác dụng? Tại Việt Nam Nokia đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo, những điều cần lưu ý và một số hướng dẫn an toàn khi sử dụng điện thoại di động. Thông tin này cũng được Nokia cung cấp kèm theo hộp máy bán cho khách hàng. Nhưng những thông tin này không được khách hàng mấy quan tâm. Trở lại vụ nổ điện thoại di động Nokia 6610 mới đây tại Kiên Giang. Chiếc điện thoại Nokia 6610 của anh Nguyễn Văn Vịnh đã phát nổ đêm 14/4 khi đang sạc pin. Sau khi làm việc với anh Vịnh, Nokia đã xác định nguyên nhân vụ nổ điện thoại di động Nokia 6610 là do sử dụng hàng không rõ nguồn gốc và không được nhập chính thức qua các đại lý phân phối của Công ty. Được biết, anh Vịnh mới mua điện thoại Nokia 6610 vào ngày 30/3/2004, tại cửa hàng thiết bị viễn thông Thành Phát ở 125 Nguyễn Trung Trực (TX Rạch Giá). Máy mua trong hộp, có số seri 351540/00/333584/1 và ngày sản xuất: 19/9/2003. Theo anh Vịnh, khi mua chiếc điện thoại này anh không thấy xuất xứ được ghi trên pin. Anh Vịnh cũng xác nhận, chỉ có pin phát nổ còn thân máy không ảnh hưởng gì. Sau khi thay pin khác vào, điện thoại của anh lại hoạt động bình thường. Không rõ có bao nhiêu người tiêu dùng đã đọc thông tin cảnh báo này của Nokia sau vụ nổ điện thoại di động Nokia 6610: ''Một lần nữa, Nokia thiết tha kêu gọi người tiêu dùng nên thận trọng khi quyết định mua những điện thoại di động không rõ nguồn gốc. Để tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra, Nokia khuyến cáo người tiêu dùng nên mua điện thoại Nokia, hoặc các phụ kiện như: pin, bộ sạc... tại các đại lý phân phối chính thức của công ty tại Việt Nam''. Thiết nghĩ, các công ty và nhà phân phối điện thoại di động nên bổ sung thêm vào hoạt động quảng cáo sản phẩm mới hiện nay, thông tin cảnh báo trực tiếp cho người tiêu dùng về những tác hại của việc sử dụng điện thoại di động và phụ kiện ngoài luồng. Thay vì chỉ trả lời cho những tờ báo có biết và quan tâm đến thông tin này. Bên cạnh đó, các công ty cần có những động thái tích cực để khoảng cách giá của hàng chính hãng với hàng ngoài luồng thu hẹp lại. Bởi yếu tố giá thấp của hàng ngoài luồng hiện nay vẫn đang là lợi thế hấp dẫn người tiêu dùng so với hàng công ty. Chỉ có như vậy thì mới hy vọng giảm thiểu được các vụ nổ điện thoại di động và các hãng sẽ không còn phải một lần nữa ''thêm một lời cảnh báo''. Một số hướng dẫn khi sử dụng điện thoại di động: (Theo tài liệu của Nokia) + Tuân thủ các dấu hiệu về an toàn cháy nổ được niêm yết trên các bảng thông báo. + Không nên để pin bị chập mạch: việc chập mạch có thể xảy ra khi để một vật bằng kim loại tiếp xúc với cực dương/âm của pin. Tránh để pin trong túi quần lẫn lộn với chìa khoá xe, kẹp giấy, viết có vỏ kim loại... + Chỉ sử dụng pin và sạc lại pin bằng bộ sạc - pin do nhà sản xuất cung cấp (hàng chính hãng). + Đảm bảo máy ở tình trạng khô ráo, không thấm nước khi khởi động máy để tránh tình trạng chập mạch điện. + Nên đặt điện thoại di động ở cách máy điều hoà nhịp tim khoảng 20 cm khi bật điện thoại; không bỏ điện thoại vào trong túi áo ngực. + Tắt điện thoại ngay khi ở trong khu vực dễ xảy ra cháy nổ như trạm tiếp nhiên liệu, trạm nạp khí hoá lỏng, nhà máy hoá chất... + Nên tắt điện thoại di động theo hướng dẫn của các trung tâm y tế. Điện thoại dùng sóng vô tuyến có thể gây nhiễu sóng cho các thiết bị y tế vốn không được bảo vệ đúng mức (chắn sóng điện từ). Theo www.tintucvietnam.com