Tháng 2 năm ngoái, Astro Teller, Giám đốc Phòng nghiên cứu Google X đã xin phép Tổng Giám đốc Larry Page bật đèn xanh cho một thương vụ khác người. Cụ thể, Tellar đề nghị Google nên mua lại Makani Power, một công ty vừa mới thành lập chuyên sản xuất turbin gắn trên máy bay không người lái. Nghe hoàn toàn chẳng liên quan gì, song kỳ lạ là Page vẫn gật đầu trước ý kiến của Tellar. Với một điều kiện duy nhất: "Thương vụ này phải đẻ ra được ít nhất 5 thiết bị trong tương lai gần". Nói như lời của chính các kỹ sư đang làm việc tại đây, thì Google X giống như một nhà máy sản xuất "giấc mơ" của gã khổng lồ tìm kiếm, nơi đưa ra những canh bạc khoa học với tỷ lệ thành công chỉ là 1 phần triệu, dù cho số tiền, niềm tin và nhân lực bỏ ra có lớn đến đâu. Sứ mệnh của nó là đưa ra những công nghệ nghe giống như trong phim Star Trek hơn là các sản phẩm có thể thỏa mãn yêu cầu thu lời trước mắt của các cổ đông. Astro Teller. Và nếu như bạn còn chưa biết, thì Google X chính là mái nhà của sáng kiến xe tự lái hay gần đây nhất là kính Google Glass đình đám. Thành lập từ năm 2010 nhưng Google luôn giữ cho X nằm ngoài tầm ngắm của dư luận. Những con người ở đây làm việc lặng lẽ sau tấm màn tối. Phòng làm việc được đặt trong một tòa nhà hai tầng, xây toàn gạch đỏ nằm cách trụ sở chính của Google khoảng nửa dặm. Các nhân viên đi làm bằng xe đạp do công ty phát. Bên trong một tòa nhà, chiếc xe tự lái đậu hiên ngang ở hành lang chính. Chiếc xe này không chạy được mà nằm ở đó như một trò đùa Cá tháng tư. Bảng trắng được treo dọc lối đi, viết chi chít các đồ thị và hình vẽ, trong số đó có cả thang máy xuyên không gian. Nhiều tờ báo tin rằng có thể X đang nghiên cứu một dự án như vậy thật: sử dụng các trục cáp khổng lồ để kết nối Trái đất với các vật thể không gian ở gần. Trên thực tế, ý tưởng thành lập X được manh nha từ năm 2005, khi Page gặp nhà khoa học Sebastian Thrun của Đại học Stanford. Khi ấy, nhóm của Thrun đang đua tài trong một cuộc thi sáng tạo về xe tự hành. Rất nhanh chóng, Page và Thrun chia sẻ sự đồng cảm về triển vọng của trí tuệ nhân tạo, robot và trở thành bạn bè. Hai năm sau, Page thuyết phục Thrun cùng một số sinh viên ưu tú tham gia vào dự án bản đồ 3D Street View. Chính Thrun là người đã khởi sự dự án xe tự lái của Google từ đầu năm 2009. Page ra đề bài cho Thrun như sau: Chế tạo một chiếc xe có thể vận hành trơn tru 1000 dặm, qua các tuyến cao tốc và khu phố đông đúc của California. Thrun và ekip của mình đã hoàn thành mục tiêu đó trong vòng 15 tháng. Do tiến độ vượt quá kỳ vọng, Thrun, Brin và Page bắt đầu bàn đến việc mở rộng dự án nói trên thành một phòng nghiên cứu hoàn chỉnh. Với Page và Brin, đó là cách để thỏa mãn khao khát bấy lâu của họ về công nghệ "viễn tưởng". Teller, Giám đốc Google X hiện tại chính là một cựu sinh viên kiêm bạn thân của Thrun. Sebastian Thrun. X giống như một thánh đường của khoa học thuần khiết. Tuy nhiên, họ chỉ tập trung vào những nghiên cứu "khả thi về mặt thương mại, dù ít hay nhiều". Ngân sách dành cho X không được tiết lộ, nhưng quỹ R&D chung của Google trong năm 2012 lên tới 6,8 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2010. Sau xe tự lái thì Google Glass chính là dự án thứ hai của X. Bộ não của dự án này là Babak Parviz, một Giáo sư về điện tử của Đại học Washington, người có niềm đam mê đặc biệt về công nghệ mang trên người (wearable). Parviz thu hút sự chú ý của Brin và Page nhờ một bài báo viết về những loại kính áp tròng có thể phóng chiếu hình ảnh lên tròng mắt người đeo. Dù tuổi đời vẫn còn non trẻ, song Google X đã có một "truyền thống" khá dễ thương. Bất cứ khi nào một dự án được công bố hoặc thất bại, nhóm nghiên cứu lại tập trung lại cho một buổi lễ gọi là "tốt nghiệp". Mỗi thành viên dự án đều nhận được một lá thư có ký tự X như lời tạm biệt. Bản thân Thrun "tốt nghiệp" khỏi Google X vào năm 2012. Ông ra đi để lập nên Udacity, một công ty chuyên cung cấp khóa học đại học trực tuyến nhưng vẫn giữ vai trò cố vấn từ xa cho phòng thí nghiệm này. Teller, người kế nhiệm Thrun năm nay 42 tuổi, để tóc đuôi ngựa dài đến vai và xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống. Cả ông nội lẫn ông ngoại của Teller đều từng đạt giải Nobel: trong đó ông ngoại Gerad Debreu là nhà kinh tế học còn ông nội là nhà vật lý danh tiếng Edward Teller, người được coi là cha đẻ của bom nguyên tử. Phần lớn thời gian làm việc, Teller dành để khảo sát, đánh giá các ý tưởng mới. Sự kỳ quặc chưa bao giờ là một rào cản tại X. Nhiều dự án được triển khai nghe cứ như thể do một người bị tâm thần nghĩ ra, Teller nhún vai. Vấn đề quan trọng nhất ở X là không được làm thui chột sự sáng tạo, và các kỹ sư tại đây làm việc như thể họ tôn thờ một thứ tôn giáo nào đó. Theo BusinessWeek/VietnamNet