Theo ước tính từ trước, khoảng hơn 30 triệu thiết bị có sự hiện hữu của phần mềm Carrier IQ tại Mỹ, và đây là lần đầu tiên những bên liên quan tiết lộ một cách chính thức danh tính các sản phẩm của mình. Sau đây chúng ta sẽ cùng xem xét từng trường hợp cụ thể: AT&T: Trong thư tường trình gửi Al Franken, AT&T giải thích việc sử dụng phần mềm Carrier IQ là để "thu thập các thông tin chuẩn đoán về hệ thống mạng của công ty". Hãng viễn thông không quên nhấn mạnh rằng phần mềm này khi đó đã được giới hạn triệt để những chức năng không cần thiết. Hơn nữa, một danh sách các sản phẩm của AT&T có cài đặt Carrier IQ cũng được hãng cung cấp, bao gồm: Pantech Pursuit II, Pantech Breeze 3, Pantech P5000, Pantech Pocket, Sierra Wireless Shockwave, LG Thrill, ZTE Avail, ZTE Z331, Xperia Play, Motorola Atrix 2, và Motorola Bravo. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của HTC Vivid, LG Nitro và Samsung Skyrocket nhưng Carrier IQ trên chúng không được AT&T kích hoạt do "có khả năng ảnh hưởng đến sự hoạt động của sản phẩm". Đặc biệt, một tiết lộ quan trọng khác của AT&T là việc hãng này đã cài Carrier IQ lên chính phần mềm Mark the Spot của họ. Đây vốn là một ứng dụng cho phép khách hàng "cung cấp những ý kiến phản hồi trong quá trình sử dụng". Hiện có không ít người dùng BlackBerry, Android đã cài đặt nhằm mục đích trình báo với nhà mạng khi các vấn đề trục trặc xảy ra. Thế nhưng đối với Mark the Spot iOS, AT&T lại cho biết họ chưa bao giờ sử dụng Carrier IQ trên phiên bản này. Như vậy, theo báo cáo tổng cộng, có 900.000 thiết bị của AT&T chứa phần mềm Carrier IQ, nhưng chỉ 575.000 máy là được kích hoạt để thu thập dữ liệu từ người dùng. Hãng viễn thông tin rằng con số này chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng sản phẩm của họ trên thị trường. Sprint: Nếu báo cáo của Sprint là chính xác, thì nhiều khả năng đây là nhà mạng Hoa Kỳ có số lượng thiết bị cài đặt phần mềm Carrier IQ lớn nhất với tầm 26 triệu máy. Tuy nhiên, Sprint trình bày rằng xét trong một thời điểm nhất định, chỉ khoảng 1,3 triệu thiết bị nói trên là có gửi dữ liệu người dùng về cho nhà mạng khi cần thiết. Tất nhiên, mục đích được hãng cho biết chỉ là để chuẩn đoán hoạt động hệ thống. Thú vị hơn, Sprint còn tiết lộ họ đã tiến hành sử dụng phần mềm Carrier IQ từ năm 2006. Về vấn đề theo dõi địa chỉ URL của các trang web mà người dùng truy cập bằng Carrier IQ, Sprint thừa nhận họ có làm việc này nhưng lưu ý thêm rằng thông tin nói trên trước hay sau gì họ cũng sẽ biết nhờ "quá trình định tuyến (routing) các yêu cầu truy cập mạng". Đối với họ, dùng phần mềm Carrier IQ chằng qua là để tiết kiệm thời gian và tránh một số lỗi không mong muốn. Khác với AT&T, Sprint từ chối đưa ra danh sách các sản phẩm cụ thể có cài đặt Carrier IQ nhưng thay vào đó là tên của các nhà cung cấp thiết bị bao gồm: Audiovox, Franklin, HTC, Huawei, Kyocera, LG, Motorola, Novatel, Palmone, Samsung, Sanyo, và Sierra Wireless. Samsung: Tập đoàn điện tử Hàn Quốc chỉ rõ rằng việc chứa sẵn phần mềm Carrier IQ trên thiết bị hoàn toàn xuất phát từ các hãng viễn thông, Samsung đơn thuần chỉ cài đặt dựa theo yêu cầu của họ. Một bản liệt kê số lượng sản phẩm có chứa Carrier IQ của từng nhà mạng được Samsung cung cấp như sau: 28 mẫu điện thoại cho Sprint, 2 mẫu cho T-Mobile, 4 mẫu cho Cricket, và 1 cho AT&T. Trong đó, Samsung đề cập đặc biệt đến các mẫu như Galaxy S II Skyrocket, Galaxy S II Epic 4G Touch, Epic 4G, Galaxy Tab 3G của Sprint, Transform Ultra, Conquer 4G, Replenish, Galaxy Prevail của Boost Mobile, Transform, Intercept, Moment,... Không cần phải là smartphone mới có thể cài Carrier IQ, một số dòng điện thoại khác cũng có mặt trong danh sách của Samsung bao gồm Hue, Messager, Chrono, Freeform III, Z400 (Nextel), M220, Rant, Highnote, M320, Instinct, Instinct S30, Instinct HD, Exclaim, M240, Reclaim, M330, Intrepid, Seek, M360, Restore, Factor, và Trender. Theo Samsung, hãng đã bán khoảng hơn 25 triệu điện thoại di động được cài phần mềm Carrier IQ tại Mỹ, nhưng hoàn toàn vô can trong việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng. Hơn nữa, họ cũng không rõ có bao nhiêu máy được kích hoạt và sử dụng Carrier IQ. HTC: HTC có thể nói đang đứng ở vị trí bị soi mói nhiều nhất khi hứng đòn công kích từ chính Carrier IQ. Hãng phần mềm cho rằng việc lập trình cẩu thả từ HTC đã khiến các log file (tập tin lưu trữ hoạt động người dùng trên máy) thiếu an toàn và dễ bị đột nhập chứ không liên quan gì đến phần mềm của họ. Trong thư trình bày với Al Franken, HTC cuối cùng cũng chịu thừa nhận là mình đã được cảnh báo, nhưng vẫn chưa rõ tính xác thực của vấn đề bởi "không có báo cáo nào về việc log file trong hệ thống bị đột nhập trái phép". Song nếu chỉ có vậy thì chắc chắn rất khó trấn an được khách hàng, vì thế HTC cho biết sẽ "tiến hành điều tra tích cực [...] tìm cách giảm thiểu tối đa những rủi ro tiềm ẩn". Giống như Samsung, HTC khẳng định không hề thu thập thông tin cá nhân của người dùng nhưng cũng liệt kê một danh sách các thiết bị cài đặt và đã kích hoạt Carrier IQ như: Snap, Touch Pro 2, Hero, Evo 4G, Evo Shift 4G, Evo 3D, và Evo Design cho Sprint, Vivid cho AT&T, và Amaze cho T-Mobile. Ngoài ra, HTC còn kể tên một số sản phẩm khác như Merge, Acquire, Desire, Wildfire, Flyer nhưng tin rằng Carrier IQ trên những thiết bị này chưa được kích hoạt. Tóm lại, công ty ước lượng đã bán 6,3 triệu máy có phần mềm Carrier IQ. Rogers: Trong khi đó, Rogers từ Canada thì cho rằng họ "hạnh phúc khi xác nhận rằng Carrier IQ không hiện diện trên thiết bị mà họ bán ra. Carrier IQ: Là khởi điểm của sự việc, gần đây lại bị cáo buộc truyền các tin nhắn SMS không mã hóa của khách hàng đến nhiều nhà mạng, Carrier IQ một lần nữa giải thích trong thư gửi Al Franken rằng đó là việc ngoài ý muốn và họ đang tiến hành xử lý nhanh nhất có thể. Thế nhưng, điều đó là không đủ để rủ bỏ hình ảnh xấu cho hãng này cũng như hạn chế búa rìu dư luận, khi mà không có bất kỳ danh sách thiết bị được cài đặt phần mềm Carrier IQ nào được họ cung cấp. "Quả thật là cực kỳ rắc rối với những gì đang diễn ra" Đó là phản ứng từ Al Franken khi nhận được những lá thư từ 5 công ty kể trên, ông cho biết: "người dùng bình thường sử dụng thiết bị có cài Carrier IQ sẽ không cách nào biết được phần mềm này có đang chạy hay không, những dữ liệu gì mà nó gửi đi và người nhận là ai, đấy chính là vấn đề". Với vai trò của mình, xem ra Al Franken sẽ còn phải đau đầu để tìm được hướng giải quyết tốt nhất cho bài toán phức tạp mang tên Carrier IQ này. Microsoft, Nokia và HP: Cả Nokia và Microsoft, vốn là đối tác của nhau trên Windows Phone đều cho biết sản phẩm của họ không chứa Carrier IQ. Trong một phát biểu trên Twitter, trưởng bộ phận quản lý Windows Phone của Microsoft là Joe Belfiore xác nhận rằng Carrier IQ không được hỗ trợ trên thiết bị chạy Windows Phone. Tương tự, Nokia cũng cho biết rằng toàn bộ điện thoại mà họ bán ra thị trường đều không được cài Carrier IQ. HP thì khẳng định rằng WebOS cũng không chứa Carrier IQ. Số phận của WebOS cũng đang rất bấp bênh khi mà HP sẽ đưa ra quyết định về HĐH này trong hai tuần tới. Google: Google khẳng định rằng họ không hề có quan hệ với Carrier IQ và mọi thiết bị Nexus đều không được cài sẵn phần mềm chẩn đoán lỗi này. Google là đơn vị sở hữu Android, nền tảng vốn rất phổ biến và cũng đang dính vào scandal Carrier IQ. "Chúng tôi không có bất cứ mối liên hệ nào với Carrier IQ. Android là một nền tảng mở và chúng tôi không quản lý việc nhà mạng, OEM tuỳ biến thiết bị của họ", Google thông báo. Rất nhiều thiết bị chạy Android bị nghi rằng có Carrier IQ. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng các thiết bị của Google như Nexus One, Nexus S hay Galaxy Nexus đều không có Carrier IQ, dù chúng chạy Android. Hay một số thiết bị có sự hợp tác với Google như Motorola XOOM cũng không có sự xuất hiện của Carrier IQ. Apple: Một số người khám phá ra rằng Carrier IQ hiện diện trên thiết bị chạy iOS, từ iPhone OS 3, iOS 4 cho tới iOS 5. Không giống nền tảng Android, Carrier IQ không được khởi chạy mặc định trên iOS mà chỉ khi người dùng bật tính năng thông báo lỗi tự động tới Apple. Như vậy, ít ra thì người dùng cũng có quyền bật/tắt Carrier IQ, một cách gián tiếp. Đối với Apple, đơn vị này cho biết rằng họ đã ngừng hỗ trợ Carrier IQ trên iOS 5 mới nhất và sẽ gỡ bỏ hoàn toàn nó trong những bản cập nhật phần mềm sắp tới. Ngoài ra, Apple cũng cho rằng mọi dữ liệu chẩn đoán lỗi được gửi tới Apple (nếu người dùng kích hoạt tính năng) đều được gửi dạng ẩn danh và mã hoá hoàn toàn, chúng không bao gồm bất kỳ thông tin cá nhân nào. "Chúng tôi không ghi lại thông tin cá nhân người dùng như nội dung tin nhắn... và sẽ không bao giờ làm như vậy", Apple trấn an người dùng. RIM: RIM cho biết rằng họ không cài sẵn Carrier IQ lên bất kỳ smartphone BlackBerry nào của mình cả. Họ không cho phép các nhà mạng đối tác cài Carrier IQ trước khi bán ra hay phân phối. RIM cũng không hề liên quan trong việc kiểm tra, quảng cáo hay phân phối ứng dụng này. Theo TheVerge; Gizmodo; Slashgear