Cái “tít tít” và những bà vợ tò mò

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi haidove, 7 Tháng sáu 2007.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. haidove Ex-Mod

    Ở cái thời đại được gọi là “a-còng” và “mô-bai” này, điện thoại di động đã trở thành nơi bắt đầu của những điều ngọt ngào và cũng không ít rắc rối – mà rắc rối nhất chắc chắn là khi cái “tít tít” của các ông chồng rơi vào tay các bà vợ tò mò.
    Xem hay không xem ?
    Điện thoại di động là một đồ vật khá “riêng tư” trong khi đa số các bà vợ đều không muốn có một thứ gì tên là “riêng tư” xen vào giữa mình và chồng. Thế nhưng, lại chẳng có bà vợ nào muốn mang tiếng “kiểm soát” chồng nên hầu như bà vợ nào muốn xem nội dung bên trong chiếc điện thoại của chồng đều lựa chọn một phương thức khá “tế nhị”: xem mà như không xem, xem mà không để chồng hay biết, nói đúng bản chất của sự việc thì là “xem trộm”.

    Chị Hoa và chồng đều làm trong một đài truyền hình lớn, công việc của cả 2 người đều rất bận rộn, nhưng không ngày nào chị Hoa “quên” việc xem cái alô của chồng hôm nay có gì mới không.

    Theo chị Hoa, mới đầu chỉ là “vui tay thì mở”, không ngờ chiếc điện thoại của chồng đã khiến chị giật mình, chị nhận ra là chị có thể “nắm vững” cuộc sống bên ngoài của chồng hơn nhờ việc đọc các tin nhắn đến và đi, xem các ảnh chụp, các đoạn phim ngắn hay nghe các bản nhạc trên điện thoại của anh nhà. Anh chồng chị Hoa vẫn dùng nguyên một “em” K750i từ trước tới nay, nhưng chị Hoa vẫn mãi “vui tay” mà “khám phá” cái điện thoại của chồng hàng ngày!!!

    Không chỉ các ông chồng có điện thoại “xịn” với mật khẩu phức tạp, hay các anh suốt ngày kè kè chiếc điện thoại với các biểu hiện khác thường mới rơi vào “tầm ngắm” của chị em, với sự “nhạy cảm” vốn có, nhiều bà vợ vẫn thích “nghịch” điện thoại di động của chồng, dù nhiều khi trong lòng chẳng mảy may nghi ngờ.

    Tất nhiên, cũng có nhiều bà vợ chẳng khi nào bận tâm xem trong cái điện thoại kia của chồng có gì, nhưng nhiều khi các tình huống dở khóc dở cười lại xuất phát từ chính sự “thờ ơ” đó.

    Chị Oanh, nhân viên PR một công ty liên doanh ở Hà Nội, đã phát hiện ra trong thẻ nhớ chiếc O2 của chồng có khá nhiều đoạn phim “người lớn” khi cậu cháu trai 10 tuổi của hai người tình cờ mở các đoạn phim này ra trong lúc nghịch điện thoại của chú đúng ngày giỗ quy tụ khá nhiều anh em họ hàng!

    Làm gì sau khi đọc SMS của chồng?

    Sự thông cảm và giúp đỡ nhau rất nhiệt tình trong việc xử lý những tình huống liên quan đến các tin nhắn “mờ ám” của chồng đã gắn kết các bà vợ trẻ, làm cho câu chuyện của họ càng ngày càng xôm tụ, biến chủ đề “kinh nghiệm sau khi đọc message điện thoại di động của chồng” trở thành một trong những chủ đề nhiều người tham gia nhất diễn đàn Webtretho trên mạng Internet.

    Mỗi nhà mỗi cảnh, không trường hợp nào giống nhau - trừ cảm xúc của người trong cuộc. Một người vợ với biệt danh Chomchom đã trút lên bàn phím những dòng này sau khi đọc được tin nhắn tình khả nghi trong điện thoại của chồng: “Mình đã giận run người, muốn điên lên, cảm giác khó tả lắm”, còn thành viên Lily thì bộc bạch “em phải dụi mắt mấy lần vì không tin, hẫng như rơi tõm một cái vào nơi vô định, cảm giác đầu tiên là buồn ghê gớm. Sau này anh xã có giải thích nhưng vẫn không quên được cảm giác ấy”.

    Chủ đề được bàn tán sôi nổi ấy đã bắt đầu từ câu hỏi “em phải làm gì” của một thành viên diễn đàn sau khi phát hiện chồng nhắn tin qua lại khá thân mật với một cô gái khác. Nhiều phương pháp giải quyết được đưa ra, từ việc âm thầm thuê thám tử điều tra đến việc nhờ người quen là công an nghiệp vụ hoặc nhân viên làm trong các mạng di động tra cứu danh tính của “bên kia”, thậm chí có thành viên còn đưa ra phương án tự mình giả danh làm “nhân viên tiếp thị” gọi điện cho “đối tượng nghi vấn” để “truy” ra tên tuổi, địa chỉ của “ả”.

    Bà vợ nào rành hơn về kỹ thuật và các dịch vụ viễn thông thì có thể dùng cách chặn tin nhắn hoặc tự động “forward” tin nhắn để kiểm soát chồng, hay là giữ nguyên tên nhưng thay số của “đối tượng nghi vấn” trong máy của chồng thành số của mình để xem chồng nhắn đi những gì.

    Bên cạnh những trường hợp nghiêm trọng thì những bà vợ trong cuộc đôi khi phải bật cười vì quá nhiều các tình huống hiểu lầm và các cách “truy tìm kẻ địch” độc đáo, ngộ nghĩnh của nhau.

    Cuối cùng, “giận thì mất khôn”, đó là bài học được đúc kết lại sau gần mấy chục trang thảo luận. “Sau này nghĩ lại mình cũng đã hiểu tình trạng chồng có tin nhắn lạ, bị các em gái gọi tiếp thị thì với thời buổi này nhiều như lá mùa thu” - người vợ với biệt danh Chomchom tâm sự.

    Lily thì cho rằng “Cách xử lý thì nhiều lắm và cũng tuỳ mức độ nặng nhẹ. Khi phát hiện tin nhắn đến thì có khả năng chồng bị "oan”, sau lúc "bốc hoả" thì phải nên "hạ hoả" để phân tích tình huống, nói chung là đừng bao giờ làm um lên, cứ tưng tửng là bọn nó mới sợ sẽ khai ra tuốt tuột”. Còn thành viên MẹCốm thì kể: “nhiều khi bạn bè của chồng biết vợ hay ghen nên cũng hay nhắn tin trêu chọc”.

    Cuộc thảo luận rôm rả dừng lại khi các bà vợ “thần hồn nát thần tính” đã hiểu là mình nên “bình tĩnh, tự tin, không cay cú” thì mới có thể xử lý triệt để, và có tin tưởng thì mới có thể giữ gìn hạnh phúc gia đình.

    Phản ứng của "đấng mày râu"

    Xem "lén" điện thoại của chồng, nên hay không?

    “Tôi rất yêu vợ tôi, nhưng tôi buồn và mệt mỏi vì không được tin tưởng” – đó là phản hồi của một người chồng bị “oan” mà vợ cứ mãi nghi ngờ. Đúng là những người vợ không nên tin 100% thật nhưng cũng phải cố gắng hiểu chồng.

    Đôi khi trong công việc, đàn ông cũng phải ngọt nhạt với người khác, và những tin nhắn tình cảm một chút là điều khó tránh khỏi. “Những lúc nhìn vợ tôi đau khổ, tôi cũng đau khổ lắm nhưng không biết làm thế nào. Thanh minh có khi còn tệ hơn và tôi không muốn giải thích quá 2 lần. Vợ cứ nhìn vào cách đối xử với vợ con, với những người xung quanh và nhìn vào bạn bè của chồng mình mà đánh giá chứ”, một người chồng với nickname Zero thổ lộ.

    Quả thật, nếu các ông chồng có “ăn chả” thật thì họ cũng hiếm khi để lại dấu vết trên điện thoại di động của mình, thế nên thành viên November_rain cho rằng “các bà vợ tốt hơn hết là không nên quan tâm đến điện thoại của chồng, vì nó chỉ làm cho vợ đau khổ mà thôi và chồng cũng đau khổ theo, tất nhiên trừ những ông “có tật giật mình”!”.

    Đối thoại có là giải pháp tốt nhất?

    Sự nghi ngờ làm tổn thương lòng tự trọng của những người chồng, nhưng sự nghi ngờ cũng dày vò những người vợ và làm họ khổ sở. Vậy thì đâu là lối thoát cho bài toán kiểm soát và tôn trọng sự riêng tư? Đối thoại chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng có lẽ nó nên là giải pháp đầu tiên.

    Cái điện thoại bé nhỏ không có lỗi. Chỉ có con người với cách ứng xử văn hóa trên cơ sở tin cậy, thông cảm là có thể hóa giải mọi nghi ngờ. Hãy để những cơn sóng do chiếc điện thoại di động kia gây ra chỉ là một chút “gia vị” trong đời sống gia đình, chứ biến nó thành “sóng thần” thì hạnh phúc bền vững đến mấy cũng sẽ bị cuốn phăng đi mà thôi!

    Theo Ngọc Anh
    MobileNet
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.