Android hiện là hệ điều hành di động phổ biến nhất, có tính mở nhất, song cũng ẩn chứa nhiều... virus nhất. Trong đó, nổi bật là vô số ứng dụng Android Trung Quốc miễn phí nhưng có chứa mã độc để phục vụ nhiều ý định xấu, kể cả ý đồ thâm độc. Bài 1: Ứng dụng Android Trung Quốc: Vì sao miễn phí? Với những tính năng hấp dẫn mà lại miễn phí, hoặc có giá rất rẻ, phần mềm Android do các công ty Trung Quốc phát triển được nhiều người Việt Nam nói riêng và những người sử dụng Android trên thế giới nói chung ưa chuộng. Những nhóm phát triển độc lập Những người sử dụng Android đều biết đến “application launcher”, gọi tắt là launcher, một phần mềm được Android sử dụng để liệt kê và khởi động các ứng dụng khác, cũng như hiển thị các thành phần tiện ích (widget). Mặc dù các nhà sản xuất điện thoại Android đã rất chú ý đến việc chỉnh sửa, thiết kế giao diện launcher sao cho có sự khác biệt và bắt mắt, song qua một thời gian sử dụng, nhiều người dùng trở nên nhàm chán với giao diện mặc định và muốn thay đổi giao diện của launcher, hay thậm chí là giao diện của các ứng dụng hệ thống như Danh bạ, Tin nhắn... Một trong những ứng dụng giao diện nổi tiếng được nhiều người sử dụng là GO Launcher EX, bởi phần mềm này không chỉ cho phép người sử dụng thay đổi giao diện mà còn có hơn 8.000 chủ đề khác nhau cho người sử dụng chọn lựa cài đặt. Bên cạnh đó, phần mềm này cũng tương thích với nhiều mẫu điện thoại Android khác nhau - với kích thước màn hình, cấu hình và phiên bản phần mềm khác nhau - nhưng lại hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, nhóm phát triển còn cung cấp thêm một loạt các widget đi kèm để người sử dụng có thể cài đặt lên điện thoại, cũng như hỗ trợ nhiều ngôn ngữ cho người dùng. GO Launcher EX được khá nhiều người sử dụng Android tại Việt Nam cài đặt. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy các chủ đề dành cho phần mềm này được chia sẻ các diễn đàn công nghệ Việt Nam, và thậm chí phần mềm này còn được Việt hóa nhằm giúp người dùng trong nước khai thác tốt hơn các tính năng liên quan. GO Launcher Dev Team là một nhóm phát triển thuộc đội phát triển GO Dev Team. Đây là đội phát triển khá nổi tiếng, với những sản phẩm với tên gọi “GO” - như “GO SMS”, "GO Weather EX”, “Go Keyboard”, “GO locker”, “GO Contact”,... được đầu tư công phu về giao diện lẫn tính năng. Cũng giống như GO Launcher, nhà phát triển cho phép người dùng có thể thay đổi giao diện theo từng chủ đề, hay có những tính năng mở rộng như liên kết với dịch vụ chat của Facebook (GO SMS), các gói hỗ trợ hiển thị và nhập liệu ngôn ngữ (GO Keyboard, GO SMS),... Những ứng dụng ấy cũng đều miễn phí nên được nhiều người sử dụng. GO Dev Team chỉ là một trong số những nhóm lập trình và các công ty lập trình nhỏ tại Trung Quốc rất tích cực trong lĩnh vực phát triển phần mềm dành cho điện thoại Android. Với cùng dòng sản phẩm ứng dụng trang trí cho điện thoại, có thể kể đến Creative Locker (của Simico) với giao diện đẹp và nhiều chủ đề, hay một giao diện khác “nhái” Windows Phone 8 có tên Launcher 8 (do QiHang Dev Team phát triển), với tính năng gần tương tự với GO Launcher EX. Những lập trình viên đến từ đặc khu hành chính Hong Kong cũng góp mặt với phần mềm Hancent - một ứng dụng tin nhắn thay thế cho ứng dụng gốc của máy điện thoại, cũng với giao diện đẹp có thể thay đổi được và có thể tài được từ trên mạng, cũng như gói mở rộng hỗ trợ hiển thị những loại ngôn ngữ với chữ viết khác nhau. Và những “ông lớn” trong cuộc Những công ty phần mềm lớn ở Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc đua phát triển ứng dụng Android, song phần lớn các công ty này ưu tiên phát triển ứng dụng cho thị trường nội địa của mình. Có thể kể đến cái tên Tencent với những sản phẩm QQ dành cho điện thoại di động, ở nhiều lĩnh vực như tin nhắn tức thời, kết nối với mạng xã hội QQ, hay thậm chí là thay đổi giao diện launcher. Tencent cũng là hãng phát hành phần mềm nổi tiếng WeChat, một ứng dụng nhắn tin tức thời và là một trong những ứng dụng rất nổi tiếng của Trung Quốc, do tính năng cho phép tìm kiếm người sử dụng thông qua số điện thoại trong danh bạ. CleanMaster (phần mềm dọn dẹp hệ thống miễn phí), và Battery Doctor (một phần mềm miến phí khác, quản lý pin điện thoại) là các sản phẩm do KSMobile, một đơn vị trong hãng phần mềm nổi tiếng KingSoft của Trung Quốc, phát triển. KingSoft cũng “không quên” giới thiệu ứng dụng văn phòng KingSoft Office trên cửa hàng Play Store của Google, cũng miễn phí nốt. NetQin, một công ty bảo mật lớn của Trung Quốc, cũng cung cấp giải pháp bảo vệ điện thoại di động với phần mềm NQ Mobile Security & Antivirus, cùng một số phần mềm khác như Android Booster FREE (tối ưu hóa điện thoại). Những "hệ điều hành nhái" từ Trung Quốc Không chỉ dừng lại ở phát triển những ứng dụng đơn giản cho điện thoại di động, với khả năng về nhân lực và nguồn vốn, các công ty phần mềm tại Trung Quốc còn tận dụng thế mạnh mã nguồn mở của Android để xây dựng những phiên bản hệ điều hành cải tiến với những chức năng vượt trội cả phiên bản gốc của Android. MIUI, đọc gần giống như “Me–You–I”, với chữ UI là từ viết tắt của “user interface” - giao diện người dùng, do công ty Xiaomi Tech phát triển. MIUI là một trong những hệ điều hành Android của Trung Quốc nổi tiếng trên thế giới, và cũng khá phổ biến ở Việt Nam. MIUI được phát triển dựa trên hệ điều hành Android 2.3, phiên bản mới dựa trên Android 4.1, và có khai thác mã nguồn CyanogenMod. Thế nhưng bản thân MIUI lại là phần mềm mã nguồn đóng. MIUI có khả năng xử lý tốt, giao diện được đầu tư kỹ lưỡng và hỗ trợ “chủ đề”, thay thế màn hình khóa, biểu tượng màn hình, hình nền,... của điện thoại một cách đơn giản và nhanh chóng. MIUI được cài sẵn trên hai dòng điện thoại Xiaomi MI-One và Xiaomi MI-Two, do Xiaomi sản xuất. MIUI và hệ thống chủ đề. Tuy nhiên, từ phiên bản v4 của MIUI, Xiaomi bắt đầu buộc người dùng sử dụng công cụ quét virus từ Tencent (trước đó là công cụ của Kingsoft). Mặc dù có nhiều diễn đàn hướng dẫn cách loại bỏ công cụ này nhưng những phương pháp ấy không thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, Xiaomi cũng loại bỏ các dịch vụ của Google và thay thế bằng những dịch vụ của mình, như dịch vụ điện toán đám mây, giao diện trả phí và trò chơi (dùng đơn vị tiền MI). Aliyun OS (còn gọi là Yun OS) là hệ điều hành do AliCloud - một công ty con của tập đoàn Alibaba của Trung Quốc - phát triển. Aliyun OS chính thức có mặt tại thị trường Trung Quốc vào tháng 7/2011 với mẫu điện thoại đầu tiên K-Touch W700 sử dụng hệ điều hành này. Đây cũng là dòng điện thoại Android đầu tiên của K-Touch được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam từ tháng 10/2011. Giao diện của Aliyun OS. Tính đến tháng 5/2012, có một triệu thiết bị sử dụng Aliyun OS được tiêu thụ. Aliyun OS có sẵn các dịch vụ điện toán đám mây của AliCloud như email, tìm kiếm, cập nhật thông tin thời tiết, công cụ định vị GPS, cũng như đồng bộ hóa dữ liệu gọi điện, tin nhắn SMS bằng dịch vụ riêng của hãng. Bản thân Google coi Aliyun OS là hệ điều hành Android phân nhánh nhưng không hoàn chỉnh. Thậm chí Google còn chặn không cho Acer ra mắt điện thoại sử dụng Aliyun OS, với lý do Acer là hãng tham gia Liên minh Thiết bị mở, do đó đã đồng ý việc không sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Android ngoài luồng. Sau khi “hất cẳng” được Google, Baidu tiến thêm một bước nữa trong việc thay thể Google tại thị trường Trung Quốc bằng việc cho ra mắt Baidu Yi - phần mềm Android được chỉnh sửa, dù cho có điều thật trớ trêu rằng Android lại thuộc sở hữu của Google! Phiên bản Android ấy thay thế phần lớn các ứng dụng chính của Google như bộ máy tìm kiếm, ứng dụng nhắn tin tức thời, cửa hàng ứng dụng,... Câu hỏi cần đặt ra... Xét về một khía cạnh nào đó, sự tham gia của các công ty phần mềm Trung Quốc và các nhóm lập trình độc lập đến từ nước này đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần hoàn thiện và đa dạng hóa tính năng, thúc đẩy phát triển hệ điều hành Android nói chung, và các ứng dụng Android nói riêng. Thế nhưng bất cứ ai cũng có thể đặt câu hỏi: Tại sao những nhóm phát triển và công ty Trung Quốc ấy lại tập trung chủ yếu vào nền tảng Android? Và tại sao phần lớn những ứng dụng Android, hay những hệ điều hành Android của Trung Quốc lại... miễn phí - dù có tính năng hấp dẫn, giao diện đẹp và phải mất nhiều công sức để phát triển? Theo e-CHÍP Mobile