CES 2009 và những câu hỏi cũ Mặc dù không ít công nghệ mới, có tính đột phá đã được trình diễn tại CES 2009 nhưng có những câu hỏi “rất cũ kỹ” vẫn tồn tại sau sự kiện này. Quên đi khủng hoảng Với 2.700 gian hàng, Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng 2009 (CES 2009) đã thu hút tới 130.000 khách tham quan ngay trong ngày khai mạc. Đó là chưa kể đến hàng triệu người khác vẫn rất chăm chú theo dõi từng tin tức của CES 2009 thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và Internet. Nhìn vào số lượng khách tham quan, số gian hàng và số lượng sản phẩm mới được trình diễn tại đây hẳn nhiều người sẽ không nghĩ rằng thế giới và đặc biệt là nước Mỹ đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng “trăm năm mới có một lần”. Những chiếc TV màn hình phẳng được áp dụng công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến cho phép hiển thị hình ảnh “thật đến từng milimet”. Những chiếc máy ảnh có khả năng nhận biết khi nào đối tượng chụp nhắm mắt để dừng và chỉ “chớp” khi nào đối tượng cười. Những chiếc điện thoại di động thông minh với những chức năng mới mà người dùng thậm chí chưa tưởng tượng ra hay Panasonic và một số hãng khác còn khiến không ít khách tham quan phải ngạc nhiên khi được chứng kiến chiếc TV hiển thị hình ảnh 3 chiều… Có thể nói, những thiết bị điện tử ngày nay đã biến đổi không ngừng và đã được “vi tính hóa” để trở nên đa năng hơn bao giờ hết. Nhưng nhìn lại toàn bộ những anh tài đã có mặt tại CES 2009, thế giới công nghệ không khỏi nén tiếng thở dài bởi vẫn chưa thấy xuất hiện lời giải đáp cho những câu hỏi đã có từ rất lâu. Windows đứng ở đâu trong "ngôi nhà giải trí"? Đã từ nhiều năm nay Microsoft vẫn mạnh mẽ quảng bá cho một hệ điều hành Windows có khả năng thay thế toàn bộ các thiết bị giải trí gia đình với tên gọi Windows Media Center PC. Theo Microsoft, người ta có thể xem TV trên đó, ghi lại chương trình ưa thích để xem lại vào lúc khác nếu chủ nhân không có thời gian, lưu trữ âm nhạc, hình ảnh… chia sẻ chúng với các thiết bị cầm tay khác như máy nghe nhạc, điện thoại di động … Nhưng tất cả vẫn chỉ là chiếc bánh vẽ và Microsoft thậm chí còn đang tụt lại khá xa so với đối thủ Apple ngay trong ý tưởng của mình (tất nhiên cũng chỉ mới có thể hoạt động trên nền hệ điều hành Mac OS). Trong bài diễn văn khai mạc CES 2009, ông Steve Ballmer lại một lần xới lại vấn đề này nhưng đó là lời kêu gọi thế giới hãy dùng hệ điều hành Windows 7 sắp tới của họ để làm nền tảng thống nhất để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Chưa biết sẽ có bao nhiêu hãng công nghệ hưởng ứng lời kêu gọi này của Steve Ballmer nhưng khi biết rằng ngoài Apple và Microsoft, cả Google và Cisco cũng đang ráo riết chạy đua để trở thành ông chủ, người ta biết rằng tương lai của “ngôi nhà giải trí” sẽ còn rất mờ mịt. Nền tảng di động nào đủ sức “hạ gục” iPhone? Suốt 2 năm 2007 và 2008 những chiếc iPhone vẫn là sản phẩm hot nhất trên thị trường nhưng trong một thế giới tiêu thụ hàng tỷ “dế” mỗi năm thì cơ hội cho những kẻ khác không phải là không có. Nhưng rồi khi hàng loạt những “sát thủ iPhone” ra đời và gục ngã người ta mới hiểu rằng iPhone vẫn chưa có đối thủ thực sự. Cuộc chiến của các hệ điều hành di động vẫn tiếp tục rất sôi nổi với việc những chiếc điện thoại ngày càng đa năng thậm chí lấn sân của những chiếc PC như xem TV, nghe nhạc, định vị, lưu trữ… nhưng nhìn đi nhìn lại người ta vẫn chỉ thấy 3 ông lớn là Windows Mobile, Google Adroid và Symbian là làm nên chuyện. Đáng buồn là cả ông lớn này lại chưa là đối thủ của iPhone. Trong năm 2009, thế giới công nghệ đang mòng chờ sự ra đời của Nova – hệ điều hành được phát triển bởi người hùng một thời Palm. Liệu Nova có đủ sức đối đầu với iPhone? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Bao giờ được xem video trên Internet trên TV? Việc đưa ra thị trường một thiết bị cho phép xem trực tiếp các đoạn video từ Internet vẫn là cuộc chiến lớn nhất của các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng. Đã có một số thành công nhất định với việc LG và Samsung giới thiệu dòng sản phẩm có thể xem được video trên Internet mà không cần phải thông qua chiếc PC. Nhưng khả năng của những thiết bị này vẫn còn rất hạn chế với việc chỉ có thể xem được trên 1 hoặc 2 địa chỉ cố định (hoặc là Youtube, Netflix, hoặc Amazon). Trong hầu hết các trường hợp, những chiếc TV vẫn phải thông qua một thiết bị hỗ trợ khác là đầu thu set -top box. Ai có thể khiến việc kết nối các thiết bị dễ dàng hơn? Ý tưởng rằng các thiết bị điện tử kỹ thuật số sẽ có thể “nói chuyện” được với nhau không mới mẻ gì và cũng đã có nhiều hãng quyết tâm để thực hiện. Nhưng cho đến khi CES 2009 kết thúc chúng vẫn phải chịu cảnh “ai nói người ấy hiểu”. Vẫn có một giải pháp giúp chúng xích lại gần nhau hơn là thông qua một mạng máy tính nào đó nhưng đó không thể là thứ mà thế giới mong đợi bởi chi phí quá cao và việc điều hành quá phức tạp. Có nhiều nhà sản xuất đã tuyên bố rằng họ có thể lập trình để thực hiện việc này dễ như “nhai kẹo cao su”. Nhưng thực tế đã cho thấy nhiều nhà sản xuất đã “sái quai hàm” mà chưa thể đạt được mục đích gì. Theo ICTnews