Người giữ vai trò chủ chốt trong vụ mua lại Motorola Mobility giá 12,5 tỉ USD của Google là Andy Rubin – người đã đưa Google vào vị trí trung tâm của thị trường điện thoại di động chỉ trong 6 năm. Rubin năm nay 48 tuổi. Chính ông đã thay đổi cơ cấu tổ chức của Google và trở thành 1 trong những người quyền lực nhất công ty. Với sự lãnh đạo của Rubin, Android đã sử thành hệ điều hành smartphone phổ biến nhất – vượt qua cả Apple và Nokia – và cũng là hệ điều hành rất phổ biến cho máy tính bảng. Rubin cũng đã đưa rất nhiều nhân tài về làm việc cho Google, tiêu biểu là Andy Hertzfeld – một nhà lập trình cũ của Apple giờ đây làm việc cho mạng xã hội Google+. Khi nhà đồng sáng lập Larry Page của Google trở thành CEO hồi tháng 4, Rubin được thăng chức trở thành 1 trong 18 phó chủ tịch của Google. Ông tiếp tục tỏa sáng và theo 1 người thân cận thì ông có vài trò rất lớn trong vụ mua lại Motorola Mobility Holdings Inc. hôm thứ 2 của Google. Nguồn tin cho biết một trong những động lực trong vụ chuyển nhượng này của Google là nhà khổng lồ này muốn thiết kế thiết bị chứ không chỉ là phần mềm chạy trên thiết bị đó – và mong có được ảnh hưởng như Apple làm được với iPhone và iPad. Google từ chối để Rubin tham gia phỏng vấn. Đồng nghiệp gọi ông là một “vọc sĩ” luôn cố dự đoán thay đổi của nền công nghiệp nhưng cũng ưa thích những việc nhỏ nhặt như viết mã phần mềm. Họ cho biết ông là 1 ông chủ khắt khe và đôi lúc rất khó làm việc cùng – nhưng cũng chính điều đó làm nên thành công của Android. Những người trong ngành điện thoại cho biết ông có ảnh hưởng rất lớn đến các thiết bị chạy Android. Tuy nhiên đồng nghiệp cũng cho biết Rubin rất trung thành và rộng rãi với nhóm nhân viên vài trăm người làm việc dưới quyền ông. Cứ mỗi 6 tháng, ông tổ chức 1 bữa tiệc cho nhân viên tại nhà ông – cũng có thiết kế khá giống Google tại Mountain View, California. Sau khi điện thoại Android đầu tiên ra mắt mùa thu năm 2008, Rubin nhận được hàng triệu USD và ông đã trích 1 phần trong đó cho nhân viên như phần thưởng – người đầu tiên làm vậy ở Google. Các nhân viên nhận được khoảng 10.000 đến 50.000 USD. Steve Perlman – đồng nghiệp và bạn thân của Rubin từ những năm 1980 khi cả 2 cùng làm ở Apple cho biết chế tạo robot là 1 trong những sở thích của Rubin khi rảnh rỗi. Ngôi nhà ở thung lũng Silicon của ông có rất nhiều robot. (Tên của công ty mà ông bán cho Google năm 2005 – Android Inc. – thể hiện niềm đam mê với robot của ông). Rubin bắt đầu phát triển Android từ năm 2003, nhưng ông không có đủ vốn và có lúc ông phải vay tiền của Perlman để trả tiền thuê văn phòng. Android được Google chú ý bởi 2 nhà sáng lập Page và Sergey Brin là fan của Sidekick – điện thoại mà Rubin đã giúp xây dựng khi còn điều hành Danger. Họ đã gặp với Rubin và quyết định mua lại Android – lúc đó chỉ có Rubin và vài nhân viên khác. Vụ chuyển nhượng này khá bất ngờ và Google không hề tiết lộ kế hoạch của công ty với Android. Từ năm 2005 đến 2007, Android là 1 dự án bí mật của Google. Nhiệm vụ của Android là tạo ra 1 hệ điều hành smartphone hiện đại hỗ trợ các ứng dụng mạng mạnh mẽ và phá vỡ sự kiểm soát của các nhà mạng – những người độc đoán quyết định các phần mềm được cài đặt trên điện thoại. Không giống như Microsoft thu phí bản quyền từ các thiết bị sử dụng hệ điều hành của hãng, Google có có kế hoạch cho miễn phí phần mềm Android bởi hãng tin rằng số tiền từ quảng cáo trên điện thoại có thể bù lại khoảng đầu tư ban đầu. Mã nguồn mở của Android cũng cho phép các nhà lập trình ngoài Google giúp phát triển phần mềm. Năm 2007, với khoảng 100 kỹ sư dưới quyền, Rubin bắt đầu thương thảo với các đối tác để xây dựng chiếc điện thoại Android đầu tiên – trong khi Google đang phát triển ứng dụng tìm kiếm và Google Maps cho Apple iPhone – ra mắt tháng 6 năm 2007. Giữa năm 2007, Rubin gặp khó khăn khi LG Electronics Co. hủy kế hoạch sản xuất điện thoại Android đầu tiên. Rubin sau đó chuyển sang HTC Corp. – hãng đã từng sản xuất điện thoại cho Microsoft. Ông cũng đã ký hợp đồng với T-Mobile Mĩ làm nhà mạng phân phối và Qualcomm Inc. cung cấp bộ xử lý cho máy. Với sự ra mắt của iPhone, Apple trở thành đối thủ chính của Android nhưng đó cũng chính là động lực thúc đẩy Android phát triển. Doanh thu lớn của iPhone khiến các nhà sản xuất bắt đầu tiếp nhận Android bởi họ khó có thể xây dựng hệ điều hành của riêng mình. Tháng 11, Samsung Electronics Co., Motorola và LG tham gia “Liên minh điện thoại mở” – gồm hơn 30 nhà sản xuất, nhà mạng và công ty phần mềm giúp phát triển thiết bị Android. Khi được hỏi về liên minh này, CEO Steve Ballmer của Microsoft cười nói: “Chúng tôi có hàng triệu triệu khách hàng. Chúng tôi rất chào đón sự xuất hiện của Android”. (Hiện nay Microsoft chỉ có thị phần rất nhỏ trong thị trường hệ điều hành smartphone). Điện thoại Android đầu tiên – G1 – ra mắt vào mùa thu năm 2008. Dù không được đánh giá cao nhưng nó đủ để gây ấn tượng với các nhà sản xuất phần cứng và nhà mạng và họ bắt đầu tiếp cận Rubin. Trụ sở của Android ở tòa nhà 44 trong cơ quan Google tại Mountain View, California trở thành nơi gặp gỡ của các CEO trong làng điện thoại. Mùa hè năm 2009, người sau này trở thành CEO của Verizon - Lowell McAdam đến Tòa nhà 44 và mùa thu năm đó, Motorola và Verizon Wireless hợp tác cho ra mắt Motorola Droid với chiến dịch quảng cáo khổng lồ của Verizon. Các phiên bản sau đó của Droid nhận được rất nhiều sự ưa thích từ người sử dụng. Đến giữa năm 2009, Android có khoảng 150 nhân viên. Rubin cho rằng ông cần 1 nhóm kinh doanh – 1 điều chưa từng thấy ở Google bởi ở đây đội ngũ thiết kế và điều hành kinh doanh làm việc riêng rẽ. Với sự ủng hộ của CEO sau này – Eric Schmidt, Rubin đã thành lập “Nhóm kinh doanh” đầu tiên trong Google. Từ đó các nhóm nhân viên sau này – kể cả nhóm phát triển trình duyệt Chrome – đều trở thành nhóm kinh doanh. Tuy nhiên không phải mọi thứ lúc nào cũng thành công khi mà cố gắng của Rubin hồi đầu năm 2010 đã uổng phí với sự thất bại của Nexus One. Sự thất bại của Nexus One có tác động không nhỏ tới đội sản xuất Android. Tuy nhiên không vì vậy mà Android dừng bước. Các nhà sản xuất tiếp tục tập trung sản xuất các smartphone Android tốt hơn. Rubin và đội phát triển Android rất hãnh diện khi CEO Steve Jobs của Apple "đá xoáy" họ tại mùa thu năm 2010. Jobs cho rằng Android đầy vấn đề bởi các người dùng và các nhà phát triển phần mềm như TweetDeck phải đối mặt với quá nhiều phiên bản của Android. Nhưng CEO của TweetDeck, Iain Dodsworth lại bảo vệ Android và nói rằng không khó để làm việc với Android chút nào. Tham khảo WallStreetJournal Hồng Nhung