Được giới thiệu vào đầu năm 2014, dòng điện thoại đầu tay ZenFone đã mang lại cho Asus thành công đáng kể với 10 triệu đơn vị bán ra trong năm qua. Thành công của thế hệ đầu đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho thế hệ ZenFone thứ hai của hãng vừa được ra mắt. Công thức thành công của ZenFone thực sự không quá đặc biệt: giá rẻ và cấu hình cao, nhưng thương hiệu lâu năm của Asus phần nào giúp cho máy được người tiêu dùng tin tưởng hơn so với các hãng điện thoại Trung Quốc. Sau ba chiếc ZenFone đầu tiên (Zenfone 4, 5 và 6), Asus còn tiếp tục tung ra vài phiên bản ZenFone 4 khác để đánh chiếm phân khúc giá rẻ. Sau thành công với điện thoại giá rẻ, Asus đã hướng tới những phân khúc cao hơn. Thế hệ Asus ZenFone 2 mở đầu với những chiếc điện thoại tầm trung, với giá từ 4,6 đến 7 triệu đồng, nhưng vẫn mang đặc điểm làm nên thành công của đời trước: cấu hình và tính năng vượt trội so với các điện thoại cùng tầm giá. Cấu hình và giá 4 phiên bản ZenFone 2 tại Việt Nam Bên cạnh cấu hình khá tốt, dòng ZenFone đời đầu vẫn còn những nhược điểm ở chất lượng máy ảnh và thời gian dùng pin khá kém. Về mặt thông số thì hai điểm này có vẻ đã được cải thiện với bộ đôi camera 13MP/5MP và viên pin dung lượng 3000 mAh. Liệu những thông số đó đã thực sự khắc phục được những nhược điểm của Asus ZenFone? Chiếc Asus ZenFone 2 được sử dụng trong bài đánh giá là phiên bản có giá chính hãng 5,49 triệu đồng (màn Full-HD,vi xử lý 1.8GHz, RAM 2GB và bộ nhớ trong 32GB) được chúng tôi lấy từ cửa hàng Hoàng Hà Mobile với giá 5,25 triệu đồng, rẻ hơn chút so với giá của hãng. Thiết kế ZenFone 2 có kích thước lớn hơn nhưng cảm giác cầm ôm tay hơn đời đầu Thiết kế của Asus ZenFone 2 có nhiều thay đổi đáng kể so với đời đầu. Nhìn vào ngoại hình, thậm chí bạn có thể liên tưởng tới chiếc điện thoại LG G3, với cụm phím âm lượng ở phía sau và nắp lưng xước giả kim loại. Việc chuyển nút âm lượng ra mặt sau là hợp lý, do phần viền máy rất mỏng không còn chỗ để bố trí nút cứng. Tuy nhiên nút âm lượng không lõm xuống như trên G3, nên cảm giác khi đặt tay và bấm hơi khó chịu. Mặt lưng của ZenFone 2 (bên phải) khá giống với LG G3 (bên trái) Thiết kế mặt lưng vát cong về hai cạnh giúp đem lại cảm giác máy mỏng và cầm bám tay hơn chiếc ZenFone đời đầu dù máy to hơn. Phần viền máy cũng không quá mỏng hay bị lồi ra gây khó chịu như trên S6 Edge. Họa tiết giả kim loại xước ở mặt lưng nhựa cũng đẹp và tạo vẻ "cao cấp" hơn nắp lưng nhựa của đời đầu. Nút nguồn đặt ở đỉnh máy sẽ hơi khó với nếu cầm bằng một tay Asus ZenFone 2 khác các điện thoại LG ở chỗ nút nguồn được đặt trên đỉnh máy chứ không phải ở lưng. Với kích thước của máy thì việc bấm nút nguồn khi cầm máy bằng một tay sẽ khá khó. Asus đã trang bị tính năng bật/tắt màn hình bằng cử chỉ gõ hai lần, tuy nhiên nhiều người dùng sẽ phải làm quen lại với cách sử dụng này. Phần viền màn hình hai cạnh của máy vẫn tương đương thế hệ đầu, không được mỏng, nhưng phần viền trên thì được thu gọn một chút nên máy đỡ dài. Ba nút cảm ứng được đặt ngoài màn hình, do không có đèn nền nên có thể hơi khó dùng buổi tối. Phía dưới các nút cảm ứng còn một phần viền nữa, với họa tiết vân đồng tâm quen thuộc trên các máy Asus. Các nút cảm ứng vẫn không có đèn nền, bất tiện khi dùng trong đêm Chất liệu giá kim loại ở mặt lưng giúp ZenFone 2 có vẻ ngoài sang hơn Có thể thấy thiết kế của ZenFone 2 mang nhiều thay đổi theo hướng tích cực so với thế hệ đầu: thân mỏng và bám tay, chất liệu tốt hơn, viền mỏng hơn một chút. Tuy nhiên việc chuyển nút âm lượng ra sau và nút nguồn lên đỉnh máy có thể khiến người dùng phải mất thời gian làm quen. Thiết kế cũng là điểm cho thấy sự khác biệt rõ nhất giữa ZenFone 2 và các smartphone cao cấp. Những chi tiết như chất liệu vỏ, vị trí đặt nút nguồn, cách bố trí nút âm lượng hay phần viền màn hình chưa được trau chuốt, cân đối như sản phẩm đắt tiền. Điều này sẽ được chúng tôi làm rõ hơn trong bài mổ điện thoại Asus ZenFone 2, đăng tải trong thời gian tới. Màn hình và loa ngoài Cả bốn phiên bản ZenFone 2 đều sử dụng màn hình IPS LCD, ba trong số đó có độ phân giải tới 1920 x 1080 pixel. Với mật độ điểm ảnh 403 ppi, những chiếc ZenFone màn Full HD đem lại khả năng hiển thị các hình ảnh sắc nét dù không quá chênh lệch so với màn hình 720p. So với điện thoại cùng tầm tiền thì màn hình Full HD vẫn là một ưu điểm của ZenFone 2. Màn hình của Asus ZenFone 2 hơi ngả vàng một chút, góc nhìn rộng nên khi nhìn nghiêng thì hình ảnh hiển thị vẫn không bị biến đổi. Màu sắc của chiếc điện thoại này hiển thị khá trung thực, khi đo bằng thiết bị chuyên dụng thì ZenFone 2 cũng thể hiện được điều đó. Giống với các sản phẩm khác của Asus, ZenFone 2 cho phép người dùng điều chỉnh chế độ hiển thị và màu sắc qua ứng dụng Splendid. ZenFone 2 sẽ tỏ ra hơi đuối khi dùng ngoài trời nắng Màn hình ZenFone 2 có một nhược điểm mà chúng tôi cũng từng trải qua với chiếc PadFone S: độ sáng màn hình hơi thấp. Khi dùng trong nhà thì độ sáng màn hình ổn, tuy nhiên khi ra ngoài trời nắng thì bạn sẽ hơi khó nhìn rõ những gì hiển thị trên ZenFone 2. Độ sáng màn hình tối đa của ZenFone 2 khi đo bằng thiết bị chuyên dụng là 355 nit, là mức hơi thấp nếu muốn dùng ngoài nắng. Vị trí đặt loa ngoài của ZenFone 2 giống với ZenFone đời đầu, nằm ở phần cuối nắp lưng. Âm lượng của loa ở mức trung bình, đủ để nghe nhạc nhưng nếu xem phim thì sẽ khó nghe rõ tiếng thoại ở nơi hơi ồn. Khi bật lên mức âm lượng cao nhất thì âm thanh của máy không bị vỡ, rè. Máy ảnh Về mặt thông số, máy ảnh của ZenFone 2 được nâng cấp rất nhiều so với ZenFone đời đầu: máy ảnh sau 13MP (so với 8MP trên ZenFone) và máy ảnh trước 5MP (2MP). Hãng cũng trang bị thêm nhiều chế độ chụp mới, đáng chú ý là chế độ thủ công (Manual), cho phép điều chỉnh sâu về độ sáng, ISO, cân bằng trắng, thời gian mở màn trập… khi chụp ảnh. Nhìn chung khả năng chụp ảnh của ZenFone 2 khá tốt, ảnh chụp khi đủ sáng có độ chi tiết cao, còn ảnh chụp buổi tối thì vẫn hơi đuối. Một điểm cộng của chiếc điện thoại này là các tính năng và chế độ chụp ảnh rất phong phú. Hiệu năng và pin ZenFone 2 có tới 4 phiên bản khác biệt về vi xử lý, bộ nhớ RAM, độ phân giải màn hình và dung lượng bộ nhớ trong. Cấu hình sản phẩm trong bài viết này chưa phải là cấu hình cao nhất, chúng tôi sẽ cập nhật thêm các đánh giá về hiệu năng ZenFone 2 khi có trên tay đủ các phiên bản. Cấu hình của ZenFone 2 đủ đáp ứng các game trên Android Phiên bản với cấu hình vi xử lý 1.83GHz và RAM 2GB thực tế vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng thông thường. Tốc độ chuyển đổi giữa ứng dụng, website hay mở bàn phím, phản hồi cảm ứng… đều nhanh, không xuất hiện các trường hợp khựng, giật trong quá trình trải nghiệm. Máy cũng đáp ứng tốt một số game nặng như Modern Combat 5, N.O.V.A 3 hay Godfire. ZenFone 2 chơi tốt những game thông dụng như trong hình Một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn trên ZenFone là liệu các vi xử lý của Intel có tương thích tốt với ứng dụng Android, đặc biệt là các game. Để thử điều này, chúng tôi đã tải và chơi thử hơn 10 game, phần lớn là những game phổ biến với người dùng Việt như Clash of Clans, Boom Beach, Asphalt 8… và nhận thấy máy chơi được tất cả các tựa game trên, không có hiện tượng bị thoát game do không tương thích. Khi sử dụng các ứng dụng đo hiệu năng, điểm số của phiên bản Full HD, chip 1.8GHz khá ấn tượng, tương đương với những điện thoại dùng chip Snapdragon 801 như Samsung Galaxy S5. Có thể nói hiệu năng của ZenFone là tốt so với tầm tiền. Thời gian sử dụng pin từng là một vấn đề trên chiếc ZenFone 4, 5 đời đầu. Trên chiếc ZenFone 2, Asus đã sử dụng pin có dung lượng 3000 mAh, cao hơn nhiều so với pin của ZenFone 5 (2110 mAh), nhưng cùng với đó là màn hình lớn và độ phân giải cao hơn. Trong sử dụng thực tế thời lượng pin của máy đủ đáp ứng việc sử dụng trong ngày, nhưng cũng không quá ấn tượng so với dung lượng của nó. Cụ thể, với bài đánh giá pin sử dụng tổng hợp (chơi game, xem phim và lướt web trong 30 phút và lặp lại, độ sáng màn hình đặt mức 70% và bật kết nối WiFi), máy đạt thời gian sử dụng là 4 giờ 45 phút. Đây là mức thời gian khá, đủ để đáp ứng sử dụng trong một ngày. Khi dùng với các tác vụ thông thường (chơi game khoảng 1,5 giờ, lướt web qua WiFi, 3G khoảng…) thì máy cũng đáp ứng được sử dụng một ngày. Với các bài đánh giá tiêu chuẩn thì ZenFone 2 cũng cho kết quả ở mức trung bình khá, như kết quả ở bảng trên. ZenFone 2 được tích hợp tính năng sạc nhanh, thường chỉ xuất hiện trên các thiết bị cao cấp. Khi sử dụng cục sạc theo máy và sạc từ trạng thái hết pin (tắt nguồn), sau 10 phút pin đã sạc được 19%, và sau 30 phút là 46%. Máy sạc đầy sau 1 giờ 40 phút, trong quá trình sạc thì không bị nóng nhiều. Tốc độ sạc của ZenFone 2 tương đương với chiếc Galaxy S6, khi so với thời gian sử dụng thực tế thì chỉ cần sạc 30 phút là máy có thể hoạt động thêm khoảng nửa ngày. Phần mềm Thao tác thay đổi theme (chủ đề) trên ZenFone 2 ZenFone 2 dùng phiên bản Android 5.0 cùng ZenUI thế hệ 2 do Asus phát triển. ZenUI 2 đã được trang bị thêm nhiều tùy biến để thay đổi giao diện, như thay chủ đề (themes), thay bộ icon, hiệu ứng cuộn… Tuy số chủ đề hiện có hơi ít, nhưng các lựa chọn cơ bản của ZenUI 2 đã khá đa dạng, giống như dùng launcher ngoài. Ngoài các ứng dụng cơ bản (nhắn tin, gọi điện, đồng hồ...), Asus còn cài sẵn gần 20 ứng dụng khác trên ZenFone 2 Ngoài giao diện thì Asus còn cài sẵn khá nhiều ứng dụng trên Asus ZenFone 2, có thể kể đến MiniMovie (chỉnh sửa, tạo đoạn phim), MyAsus (thông tin hỗ trợ), PhotoCollage (hiệu ứng ghép ảnh)… Ưu điểm của điều này là người dùng có nhiều công cụ để sử dụng ngay mà không phải tải về. Tuy nhiên không phải ai cũng dùng hết những ứng dụng ấy, nếu Asus có tùy chọn cho người dùng chủ động gỡ bỏ hoặc cài đặt sau các ứng dụng thì tốt hơn. Do nút nguồn được chuyển lên đỉnh máy khá khó bấm, nên Asus đã bổ sung tính năng gõ hai lần vào màn hình để mở và tắt màn. Đây là một tính năng rất tiện, đã xuất hiện trên smartphone của các hãng LG hay Sony, nhưng người dùng cũng phải làm quen lại. ZenMotion cho phép mở nhanh các ứng dụng ngay từ màn hình khóa Bên cạnh đó, hãng cũng trang bị tính năng có tên gọi ZenMotion. Thao tác này cho phép bạn viết chữ lên màn hình khi màn đang tắt để mở nhanh các ứng dụng. Hiện tại ZenMotion chỉ mới nhận 6 chữ cái, nhưng bạn có thể gán 6 chữ cái cho bất kỳ ứng dụng nào trong máy. Kết luận Tiếp nối thành công của ZenFone đời đầu, Asus ZenFone 2 vẫn là một sản phẩm có cấu hình vượt trội so với các điện thoại cùng tầm giá, cùng với nhiều tính năng tiện ích do chính hãng phát triển. Bên cạnh đó, các nhược điểm ở thế hệ trước là camera, pin đều đã được hãng khắc phục. Có thể thấy Asus hiểu rất rõ thế mạnh về phần cứng và khả năng nghiên cứu sản phẩm của mình, và luôn cố gắng tận dụng thế mạnh ấy. Không chỉ riêng ZenFone, hiện nay những điện thoại tầm trung hay giá rẻ có thể nói đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng phổ thông. Cấu hình điện thoại tầm trung giờ đều rất đáng nể, chạy mượt các ứng dụng thông thường, thậm chí một số sản phẩm còn đáp ứng được các game "khủng". Chất lượng máy ảnh hay thời gian sử dụng pin cũng đã được các nhà sản xuất cải thiện rất nhiều. Tất nhiên, ngoài chuyện cấu hình thì điện thoại cao cấp vẫn có nhiều điểm vượt trội sản phẩm của các hãng như Asus hay Lenovo: thiết kế trau chuốt hơn, camera hiệu quả hơn, nhiều tính năng phần mềm hay các gói dịch vụ độc quyền hơn, hoặc đơn giản chỉ là thương hiệu giá trị hơn. Đi kèm với tất cả những sự vượt trội đó là giá bán cao hơn nhiều, có thể gấp đôi hoặc gấp ba những sản phẩm tầm trung. Liệu bạn có sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu những lợi ích ấy? Nếu như có điều kiện và đã quen dùng các sản phẩm cao cấp thì những chiếc điện thoại như Apple iPhone 6 hay Samsung Galaxy S6 sẽ đáp ứng nhu cầu của bạn; nhưng với phần lớn những trường hợp còn lại, một chiếc điện thoại như Asus ZenFone 2 là đủ dùng.