Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn WITFOR 2009 diễn ra sáng hôm nay, ngày 26/8/2009, tại Hà Nội. Ảnh Thanh Hải. ICTnews - Việt Nam coi CNTT-TT là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong phát biểu khai mạc diễn đàn WITFOR 2009. Sáng nay, Diễn đàn CNTT Thế giới lần thứ 4 (WITFOR 2009) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội. Sự kiện này sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 26 đến 28/8/2009. Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam coi công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ quan trọng, xây dựng hạ tầng thông tin trong quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa trong nhiều năm qua. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển CNTT. Thực tế, ngành CNTT Việt Nam đã có bước ngoặt phát triển khá nhanh, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Trong năm 2008, doanh thu CNTT và viễn thông đạt trên 10 tỷ USD, tỷ lệ dùng Internet khoảng 25%, mật độ điện thoại cao. Kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh tế của Việt Nam, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thủ tướng cho biết Việt Nam đang xây dựng chiến lược để đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về CNTT, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế xã hội, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Diễn đàn CNTT Thế giới lần này đã chọn chủ đề CNTT vì sự phát triển bền vững và cho rằng đây là chủ đề thiết thực, rất có ý nghĩa thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra. Thủ tướng cho rằng diễn đàn này là cơ hội để Việt Nam và các nước trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội hợp tác phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT. Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh diễn đàn là cơ hội tốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quản lý và tìm kiếm những cơ hội hợp tác phát triển, kêu gọi đầu tư và tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực CNTT-TT. "Đây cũng là dịp rất tốt để các Bộ, ngành của Việt Nam rút kinh nghiệm, tìm hiểu công nghệ và nắm bắt nhu cầu, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của mỗi ngành nhằm đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả đối với từng lĩnh vực cụ thể", Bộ trưởng nói. Theo Bộ trưởng, việc tổ chức WITFOR 2009 với sự tham gia của hơn 70 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong các hoạt động của hệ thống Liên hiệp quốc, đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam nỗ lực hợp tác với cộng đồng thế giới trong việc triển khai kế hoạch hành động của Hội nghị Thượng đỉnh Xã hội thông tin (WSIS) do Liên hiệp quốc khởi xướng. Bộ trưởng cho biết trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, không chỉ trong hoạt động của cơ quan nhà nước, trong công nghiệp CNTT mà còn trong đời sống hàng ngày của người dân từ thành thị đến nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng người dùng Internet tăng 10 lần từ 2003 đến 2008, đứng thứ 18 trên thế giới và thứ 6 khu vực châu Á. Mặc dù suy thoái, công nghiệp CNTT vẫn duy trì tăng trưởng 20%. Diễn đàn WITFOR 2009 diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 26-28/9), bao gồm 7 phiên họp toàn thể, cùng 32 phiên họp chuyên đề của 8 tiểu ban chuyên môn đi sâu thảo luận các vấn đề kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh các chủ đề liên quan đến CNTT-TT như phát triển chính phủ điện tử, hạ tầng truyền thông, kinh nghiệm và chính sách phát triển CNTT, phần mềm mã nguồn mở..., diễn đàn này còn thảo luận các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội như nông nghiệp, y tế, môi trường, giáo dục cũng như vai trò phụ nữ và sự phát triển CNTT. Ngoài ra, diễn đàn cũng thảo luận về cơ hội kinh tế, chính sách hỗ trợ về công nghiệp CNTT và mô hình hợp tác Nhà nước - Doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Theo ước tính của ban tổ chức, có trên 1.500 đại biểu đến từ 70 quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước tham dự diễn đàn WITFOR 2009. Nhóm PV Mã: [/URL][url=http://www.ictnews.vn/Home/thoi-su/Chinh-thuc-khai-mac-WITFOR-2009/2009/08/2SVMC7120630/View.htm]Chính thức khai mạc WITFOR 2009[/url][URL="http://www.ictnews.vn/Home/thoi-su/Chinh-thuc-khai-mac-WITFOR-2009/2009/08/2SVMC7120630/View.htm"]