Chọn ống kính nào khi mới chơi DSLR

Thảo luận trong 'Tin Công Nghệ' bắt đầu bởi Bright, 15 Tháng một 2009.

  1. Chọn ống kính nào khi mới chơi DSLR

    Nhiều người có tâm lý "xem thường" ống kit, nhưng không nên bỏ qua loại ống kính này vì chất lượng chấp nhận được so với tầm tiền. Ngoài ra với ngân sách rộng rãi hơn một chút thì bạn có thể lựa chọn giải pháp từ các hãng thứ ba.

    Không phải ai chọn máy ảnh số ống kính rời cũng chăm chăm nâng đời bằng cách đổi ống kính hay đổi máy liên tục mà thường gắn bó với lựa chọn đầu tiên của mình ít nhất là một đến vài năm. Vì vậy, với khoản ngân sách ban đầu không mấy dư dả, việc chọn lựa được một ống kính hay và hợp túi tiền tuy khó mà dễ. Dưới đây là một số lựa chọn tham khảo cho các newbie (người mới) để bắt đầu bước chân vào giới DSLR một cách dễ dàng hơn.

    Không nên coi thường ống kit.

    [​IMG]
    Việc chọn lựa ống kính tuy khó mà dễ. Ảnh: Canon.

    Với một khoản đầu tư ban đầu khoảng 10 triệu đồng, bạn có thể sở hữu một thân máy dòng "entry level" như Canon 1000D hay 400D (450 – 500 USD) và ống kit kèm máy. Các ống này thường sẽ là EF-S 18-55mm/f:3,5-5,6 (có hoặc không USM) hay mới hơn là EF-S 18-55mm/f:3,5-5,6 IS (chống rung) với giá từ 70 đến 130 USD (1,2 đến 2,2 triệu đồng). Mặc dù rẻ nhưng chất lượng các ống này chấp nhận được so với tầm tiền, đặc biệt ống EF-S 18-55mm/f:3,5-5,6 IS có chất lượng hình ảnh khá tốt. Tuy nhiên, chúng chỉ có dải zoom hẹp, từ 18-55 (tương đương máy phim 29-88mm). Ống kính nhỏ, thân chủ yếu làm từ nhựa nên không có cảm giác chắc chắn và hay bị "chê" là không pro.

    Nếu không ngại "zoom chân", thì một lựa chọn tối ưu hơn là ống fix 50/f:1,8 II cho chất lượng rất tốt so với tầm tiền (chỉ khoảng 95 USD) với một độ mở rất rộng, đủ để bạn sáng tạo và thử nghiệm. Kể cả khi đã có nhiều ống khủng, thì ống fix này đã và vẫn đang là bạn đồng hành của phần lớn các tay máy.

    Lựa chọn ống tất-cả-trong-một

    Khi đã vào DSLR là thế giới của máy ống kính rời, thì không nhất thiết máy Canon chỉ lắp được ống Canon, máy Nikon chỉ lắp được ống Nikon… Với ngân sách mua sắm ban đầu rộng rãi hơn một chút, khoảng 13-14 triệu đồng, bạn sẽ có thêm một số lựa chọn, mà trong đó một giải pháp không kém hợp lý là các ống kính "for", tức ống kính từ các hãng thứ 3.

    1. Sigma AF 18-200mm f/3.5-6.3 DC OS

    [​IMG]
    Ống kính Sigma AF 18-200mm f/3.5-6.3 DC OS. Ảnh: Photozone.

    Tương đuơng tiêu cự 29-320mm máy phim, Sigma AF 18-200mm bao trùm một dải zoom khá rộng, đủ cho hầu hết nhu cầu chụp bình thường. Ống kính được thiết kế to và chắc chắn với vòng xoay zoom bằng cao su trông rất chuyên nghiệp. Chỉ sử dụng motor lấy nét thường nhưng Sigma AF 18-200mm có tốc độ tương đối nhanh và êm. Cũng như các ống có dải zoom rộng khác, ống Sigma AF 18-200mm bắt đầu bộc lộ nhược điểm méo hình ở tiêu cự ngắn (18 mm) với độ mở rộng. Ở tiêu cự dài trên 150 mm độ nét cũng bắt đầu suy giảm. Do độ mở khá hẹp, tới 6,3 khi ở 200 mm nên khả năng xóa phông của Sigma không được tốt. Bù lại, ống kính này lại có chống rung (OS), và thực tế chức năng này ở Sigma khá tốt, cho phép bạn duy trì được độ nét ảnh trong điều kiện thiếu sáng.

    Với mức giá ở Việt Nam chỉ khoảng 300 USD (khoảng 5 triệu đồng) so với Nikon AFs18-200mm/3.5-5.6VR tận 700 USD, Canon EF-S 18-200mm/3.5-5.6 IS cũng 600 USD, thì Sigma AF 18-200mm xứng đáng là ống kính phục vụ nhu cầu hàng ngày của những người mới chơi DSLR.

    2. Tamron AF 18-200mm f/3.5-6.3 Di II

    [​IMG]
    Ống kính Tamron AF 18-200mm f/3.5-6.3 Di II. Ảnh: Photozone.

    Không được to và chắc chắn như Sigma AF 18-200mm, nhưng tương tự như Sigma, Tamron cũng có đầy đủ ưu điểm và nhược điểm của thế hệ ống "tất-cả-trong-một" như dải zoom rộng, nhưng méo hình ở tiêu cự ngắn và mờ nét ở tiêu cự dài… Nếu biết cách khắc phục nhược điểm như luôn để độ mở hẹp khoảng từ f/8 và không nên chụp quá nhiều ở hai cực tiêu cự (18 mm và 200 mm), Tamron AF 18-200mm vẫn là một lựa chọn hợp lý, nhất là mức giá cũng cùng hạng, khoảng 300 USD ở Việt Nam.

    3. Canon EF-S 17-85mm f/4-5.6 IS USM

    [​IMG]
    Ống kính Canon EF-S 17-85mm f/4-5.6 IS USM. Ảnh: Photozone.

    Nếu không muốn giải pháp ống "for" và vẫn thích chơi hàng chính hãng, thì EF-S 17-85mm là một lựa chọn hoàn hảo. Vốn là ống kit của dòng tầm trung xxD, ống bao trùm một dải zoom đủ dùng, tương đương 27-136mm máy phim. Chất lượng ống kính khá tốt, kể cả ở tiêu cự 17 mm. Ống được thiết kế to, khá chắc chắn với vòng zoom bằng cao su. Đặc biệt hệ thống chống rung IS và motor lấy nét siêu thanh USM giúp ống này vượt hẳn lên so với các ống kit dòng xxxD. Mặc dù chất lượng chưa hẳn hoàn hảo, kể cả so với các ống kính "for", nhưng do là ống chính hãng, có chống rung và nhất là mức giá đã giảm gần 40% so với lúc mới ra (hiện chỉ còn khoảng 330 USD). EF-S 17-85mm hiện đang là ống được mua bán nhiều nhất ở thị trường Việt Nam.

    4. Canon EF 24-85mm f/3.5-4.5 USM

    [​IMG]
    Ống kính Canon EF 24-85mm f/3.5-4.5 USM. Ảnh: Photozone.

    Đây vốn là một ống zoom kinh điển từ thế hệ máy phim. Khi lắp lên các máy DSLR tiêu cự trở thành 38-136, vẫn ở dải đủ dùng dù phần góc rộng không bằng EF-S 17-85mm. Tuy nhiên, chính vì thế mà ống này ít bị méo hình khá tốt ở tiêu cự rộng. Với chất lượng ống kính tốt, đặc biệt xử lý khá tốt hiện tượng mờ ở 4 góc của các ống kính EF khi lắp vào các máy DSLR cảm biến APS-C thông thường, ống kính 24-85mm cho ảnh sắc nét, có phần hơn cả EF-S 17-85. Với thiết kế dù nhỏ, nhẹ nhưng khá chắc chắn, đây là ống được khuyến cáo nhiều nhất cho những newbie mới mua DSLR hay muốn nâng đời một chút từ ống kit. Giá ở Việt Nam hiện cũng dao động trong khoảng 250 USD (ống cũ) đến 330 USD (ống mới).


    Theo Số hóa
  2. vhs.info.vn

    vhs.info.vn Thành viên

    Bài viết:
    7
    Được Like:
    0
    Cứ nhìn ống kính là em ghiền :))