Cước di động giảm, ai hưởng lợi?

Thảo luận trong 'Nơi Trao Đổi Chung' bắt đầu bởi [C]raz[Y], 13 Tháng tám 2010.

  1. [C]raz[Y] Ex-Mod

    Được hưởng giá cước thấp luôn là mong muốn của tất cả các khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông di động, nhưng điều mà họ mong muốn hơn nữa, đó là một chính sách phát triển và ứng xử với khách hàng theo nguyên tắc bền vững.

    [​IMG]
    Cước cuộc gọi của các nhà mạng sẽ giảm 100 - 200 đồng cho mỗi phút gọi.

    Với bảng giá cước mới, thì mức giảm cước của Viettel là cao nhất, 14% và 13% cho các gói trả trước Economy, Ciao, Cha và Con, tương đương 200 đồng/phút. Các gói khác giảm 5-10%, tương đương 100 đồng/phút.

    Trong khi đó, ở VNPT (gồm cả hai mạng VinaPhone và MobiFone), thì gói TalkEZ-Teen có mức giảm cao nhất với hơn 17,8% cho nội mạng và 20% cho liên mạng, còn 1.180 đồng/phút và 1.380 đồng/phút. Gói VinaXtra giảm ít nhất – gần 6%, còn 1.580 đồng/phút và 1.780 đồng/phút.

    Mức giảm của các mạng có sự chênh lệch tùy theo gói cước, nhưng nhìn chung giảm khoảng 100-200 đồng cho mỗi phút gọi. Và giá cước của VNPT vẫn thấp hơn của Viettel chút ít. Tuy nhiên, các mạng đều dành mức giảm chỉ 100 đồng mỗi phút gọi các khách thuê bao trả sau.

    Việc giảm cước là bước tất yếu sau khi Bộ Thông tin-Truyền thông ban hành quy định siết chặt việc khuyến mãi của các mạng di động, có hiệu lực từ tháng Bảy. Thị trường đang được kỳ vọng sẽ bớt đi sự khuyến mãi xô bồ, chủ yếu là để “nuôi dưỡng” khách thuê bao trả trước.

    Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ đều có chính sách thu hút khách thuê bao trả sau nhưng chính sách khuyến mãi liên tục cho người trả trước đã làm vô hiệu chính sách này.

    Nhiều chuyên gia đã từng lên tiếng rằng sự bất cập này nảy sinh từ chính sách sử dụng kho số bừa bãi, một thẻ SIM có thể bán đi bán lại nhiều lần và quay vòng “kho số”. Trong khi khách thuê bao trả sau là đối tượng được quản lý chặt chẽ, qua đó “đo” được hiệu quả nguồn thu thì dịch vụ trả trước trở thành công cụ cạnh tranh và “phá giá” để các đối tượng khách hàng trung thành chịu thiệt.

    Chính vì vậy, việc kiểm tra, phát hành SIM, thẻ ở một số nước trên thế giới được thực hiện cực kỳ chặt chẽ; trong khi các nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam vẫn không mặn mà lắm với việc quản lý nghiêm ngặt thẻ SIM.

    Theo các chuyên gia quốc tế, chỉ số ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi số thuê bao) của các mạng di động tại Việt Nam hiện ở mức 4 USD/tháng, xếp hạng thấp nhất châu Á, và giảm khoảng ba lần so với cách đây năm năm, trong khi mức cước chỉ giảm 50% trong khoảng thời gian đó và số lượng người thuê bao đã tăng từ 10 triệu lên đến 140 triệu, theo thống kê gần nhất.

    Nghịch lý này chỉ xảy ra ở những thị trường mà phương thức cung cấp dịch vụ và quản lý khách hàng còn non kém, và đặc biệt việc cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ chủ yếu là dựa trên hình thức “đồng lòng khuyến mãi”. Vì thế, dù chỉ số ARPU giảm nhưng cộng đồng khách hàng càng trung thành càng ít được hưởng lợi.

    “Không thể đánh giá chất lượng phát triển của một mạng di động chỉ dựa trên chỉ số ARPU, mà còn phải dựa vào các chỉ số khác của dịch vụ. Nếu so sánh mức chi tiêu trung bình mỗi đầu người cho dịch vụ điện thoại di động với mức chi tiêu cho điện tại Việt Nam, sẽ thấy rằng điện thoại di động là một thị trường màu mỡ và mức cước di động ở Việt Nam không hề rẻ”, một chuyên gia viễn thông phân tích.

    Quan sát kỹ thị trường này thời gian qua, ta thấy việc phát triển lấy khuyến mãi làm chính đã dẫn đến những hệ lụy.

    Thứ nhất, các nhà cung cấp dịch vụ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng dịch vụ trả sau, vốn mang lại sự ổn định cho thị trường. Ở Việt Nam, khách hàng nếu muốn đổi nhà cung cấp dịch vụ thì không thể giữ lại số thuê bao, chính vì thế, dù nhà mạng có nhiều chính sách thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau nhưng nhiều người vẫn không mặn mà. Con số khoảng 15% khách hàng “chung thủy” với dịch vụ trả sau là quá thấp và dường như cũng chưa được kiểm chứng.

    Thứ hai, hiện số thuê bao di động đã vượt gấp hai lần số dân, trong khi có chưa tới 50% dân số sở hữu điện thoại di động. Như vậy, trung bình một người sở hữu khoảng bốn số thuê bao. Điều này sẽ dẫn đến sự lãng phí kho số.

    Và chủ trương siết chặt việc khuyến mãi từ đầu tháng Bảy là một trong những động thái để “ép” các nhà cung cấp dịch vụ quản lý kho số lẫn khách hàng có hiệu quả hơn.

    Về mặt kinh doanh, các nhà cung cấp dịch vụ luôn tính toán một chỉ số ARPU ở mức cho phép để thu lại lợi nhuận, vừa đầu tư vừa phát triển, đổi mới công nghệ và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Xét ở mặt này thì ARPU tại Việt Nam chưa phản ánh đúng bản chất thị trường.

    Thứ ba, mạng nào đầu tư càng lâu, chỉ số ARPU càng phải giảm xuống để người tiêu dùng được hưởng lợi, vì nhà cung cấp hưởng lợi ngày càng cao từ dịch vụ tích lũy dài hạn và hiệu suất khai thác mạng lưới. Năm 2005, các doanh nghiệp trong nước dự báo rằng đến năm 2010, Việt Nam đạt khoảng 20 triệu số thuê bao, trong khi các tổ chức quốc tế lạc quan hơn với con số đưa ra là 25 triệu.

    Đến nay các con số rõ ràng đã vượt quá xa mức dự báo. Cước di động càng giảm thì dịch vụ càng lan tỏa, sự lan tỏa trong năm năm qua là khá nhanh, thế nhưng sự cạnh tranh không đi vào chiều sâu.

    Mức cước viễn thông giảm, tất cả các khách hàng sử dụng dịch vụ đều hưởng lợi. Nhưng lẽ ra những khách hàng trung thành – những người góp phần xây dựng mạng viễn thông trong suốt mười mấy năm qua - phải được hưởng mức cao hơn rất nhiều.

    Điều này chỉ có thể diễn ra nếu trong thời gian tới các nhà cung cấp hướng đến chính sách phát triển mạng lưới bền vững và đồng lòng đưa quá trình cạnh tranh đi vào chiều sâu hơn là chỉ khuyến mãi. Có như vậy cả thị trường mới được hưởng lợi thực sự.

    Theo Tuyết Ân
    Thời báo Kinh tế Sài Gòn
  2. Nhìn Lại Mình Đi

    Nhìn Lại Mình Đi Thành viên

    Bài viết:
    27
    Được Like:
    7
    bài này sáng nay đọc Dân Trí cũng có đăng