Cuộc đua giữa GSM và CDMA

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi Lightblue, 25 Tháng một 2007.

  1. Lightblue Amie

    Cuộc đua giữa GSM và CDMA


    [​IMG]
    Đều là các hệ thống thông tin hướng đến thị trường viễn thông đa truy cập, CDMA và GSM hiện đang là hai công nghệ đi đầu thế giới về số lượng người dùng. GMS luôn giành ưu thế trong cuộc đua tranh giữa hai mạng này, nhưng nhiều chuyên gia lại khẳng định: đã đến thời của CDMA
    GSM và CDMA là gì?
    Giới công nghệ vẫn thường nói nhiều đến GSM và CDMA, cùng với sự đua tranh thị phần giữa hai mạng này. Nhưng ít ai nắm được nguồn gốc và đặc điểm mỗi mạng.

    Lịch sử phát triển của CDMA và GSM gắn liền với sự phát triển của ngành viễn thông. Điện thoại di động (ĐTDĐ) chẳng qua chỉ là một máy thu phát sóng điện từ. Trước đây, người ta sử dụng một trạm thu phát gốc (Base Station) chung cho tất cả các máy điện thoại di động. Vì vậy công suất của máy điện thoại phải lớn và số kênh (tương ứng với số cuộc gọi) bị giới hạn. Để khắc phục điều này, mạng tế bào đã được phát minh, ĐTDĐ sử dụng công suất thấp vẫn có thê liên lạc được trên phạm vi rộng.

    GSM (Global System for Mobile Communication) là hệ thống mạng tế bào sử dụng kỹ thuật TDMA (Time Division Multi Access) - Đa truy cập phân chia theo thời gian. Mỗi một cuộc gọi được phát trên tần số chung nhưng theo các khoảng thời gian khác nhau. Khoảng thời gian này đủ bé để người sử dụng không thấy có sự rời rạc khi nghe người khác nói.

    Tuy nhiên, theo thời gian, nhu cầu phục vụ đông đảo người dùng yêu cầu số kênh phải nhiều hơn nữa. CDMA (Code Division Multi Access) mang nghĩa đa truy cập phân chia theo mã. Mỗi một cuộc gọi được phát trên tần số chung nhưng theo các khoá mã khác nhau. CDMA có thể thực hiện nhiều cuộc gọi cùng trong một kênh, mỗi cuộc gọi gắn với một chuỗi mã xác định. Vì vậy dung lượng cuộc gọi trong một kênh được tăng lên đáng kể.

    GSM phân phối tần số thành những kênh nhỏ, rồi chia thời gian các kênh ấy cho người sử dụng. Trong khi đó thuê bao của mạng di động CDMA chia sẻ cùng một giải tần chung. Nếu coi hệ thống thông tin đa truy cập như một lớp học, công nghệ GSM cho phép từng cặp học sinh giao tiếp lần lượt, còn CDMA cho phép tất cả cùng lên tiếng, nhưng mỗi cặp học sinh nói bằng một ngôn ngữ riêng mà chỉ chúng mới hiểu được, người ngoài sẽ chỉ nghe được tiếng ồn!

    CDMA bắt đầu bằng sự ra đời của lý thuyết truyền thông trải phổ trong thập niên 50. Sau đó được ứng dụng trong thông tin quân sự Mỹ. Đến thập niên 80, CDMA được phép thương mại hóa và chính thức được đề xuất bởi Qualcomm, công ty hàng đầu về CDMA hiện nay.

    CDMA lép vế trước GSM

    Về mặt công nghệ, CDMA rõ ràng có nhiều ưu thế nổi bật so với GSM. Thuê bao của mạng di động CDMA chia sẻ cùng một giải tần chung. Mọi khách hàng có thể nói đồng thời và tín hiệu được phát đi trên cùng 1 giải tần, nhiều tần số được sử dụng đồng thời; từng gói tín hiệu số được mã hóa bằng một mã khóa duy nhất và gửi đi. Bộ nhận CDMA chỉ biết nhận và giải mã. Vì vậy theo các chuyên gia viễn thông, công nghệ CDMA có tính bảo mật tín hiệu cao hơn GSM.

    Nhờ hệ thống kích hoạt thoại, hiệu suất tái sử dụng tần số trải phổ cao và điều khiển năng lượng, nên CDMA cho phép quản lý số lượng thuê bao cao gấp 5 - 20 lần so với công nghệ GSM. Về chất lượng cuộc gọi, ở các vùng chuyển giao, thuê bao CDMA có thể liên lạc với 2 hoặc 3 trạm thu phát cùng một lúc, do đó cuộc gọi không bị ngắt quãng, làm giảm đáng kể xác suất rớt cuộc gọi.

    Mặc dù có nhiều ưu thế, nhưng thực tế trên thế giới và ngay tại Việt Nam, CDMA đang lép vế trước người bạn đồng hành GSM. Tại Việt Nam, mặc dù số lượng nhà cung cấp dịch vụ tương đương nhau: GSM có MobiFone, VinaPhone, Viettel thì CDMA có S-Phone, EVN Telecom và HaNoi Telecom, song thực tế cho thấy có đến hơn 85% người dùng hiện nay đang là khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ theo công nghệ GSM.

    Theo kết quả thống kê của hãng Nokia vào tháng 6/2006, hơn 70% trong tổng số 2 tỷ thuê bao di động trên thế giới hiện nay là sử dụng công nghệ GSM. Nokia, nhà sản xuất máy đầu cuối hàng đầu thế giới cũng tuyên bố, chỉ sản xuất điện thoại trên nền GSM.

    Chặng đua quyết định mới chỉ bắt đầu?

    Lý giải điều này, trước hết phải nói về chiến lược thị trường viễn thông của Việt Nam ngay từ đầu, đã lựa chọn công nghệ GSM để phát triển trước, với lợi thế triển khai hạ tầng ít tốn kém hơn. CDMA là công nghệ mới, cơ sở hạ tầng yêu cầu cao hơn, đồng thời phải tương thích thiết bị đầu cuối nên chi phí đắt hơn GSM.

    Hơn nữa, một điều quan trọng nữa là GSM là một hệ thống có cấu trúc mở nên hoàn toàn không phụ thuộc vào phần cứng, người ta có thể mua thiết bị từ nhiều hãng khác nhau, trong khi đó với CDMA, thiết bị phải hoàn toàn đồng bộ. Đồng thời, so về tính phổ cập, GSM vẫn là công nghệ chiếm đa số trên thế giới, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc mở rộng và kết nối chuyển vùng (roaming). GSM rõ ràng sẽ dễ roaming hơn CDMA.

    Một trong những lợi thế lớn nhất của CDMA là băng thông, nó có khả năng kết hợp nhiều dịch vụ gia tăng cho người sử dụng (download, truyền tải dữ liệu, chia sẻ thông tin…) nhưng những nhu cầu này chưa được người dùng thực sự quan tâm trong một thị trường viễn thông còn mới mẻ như Việt Nam. Thoại và SMS vẫn là mục tiêu số một, mà GSM hoàn toàn có thể trả lời các câu hỏi này của bài toán thị trường, do đó CDMA vẫn “chưa có đất dụng võ”.

    Tuy nhiên, nhiều chuyên gia viễn thông trong nước nhận định, từ năm 2006, đã đến thời của CDMA. Những điểm ưu việt nhất của CDMA chỉ có thể thấy được rõ nhất trong hệ thống mạng thông tin viễn thông thế hệ 3 (3G), đây là tương lai gần và tất yếu của thị trường viễn thông Việt Nam.

    Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ GSM bước vào thử nghiệm 3G, thì “phía” CDMA cũng ráo riết chuẩn bị những chiến lược rõ ràng, S-Fone đã có dịch vụ truyền hình di động. EVN Telecom cũng đã có những lộ trình chiến lược khá rõ ràng cho tương lai của mạng di động CDMA mà đơn vị này cung cấp.

    Trong tháng 11/2006, HaNoi Telecom cũng gia nhập vào thị trường viễn thông, đưa vào sử dụng ngay từ đầu mạng viễn thông thế hệ thứ ba với chuẩn CDMA 2000. Lợi thế của 3G là khả năng truyền dữ liệu tương tác 2 chiều tốc độ cao.

    Chặng đua quyết liệt nhất của hai công nghệ viễn thông GSM và CDMA đến giờ mới thực sự bắt đầu. Đương nhiên, điều này sẽ mang lại ngày càng nhiều lợi ích cho người dùng trong nước.

    (Theo dantri.com.vn)​