Năm, bảy năm trước, ở Việt Nam cũng như toàn cầu, ít người tưởng tượng ra Nokia với vị thế cách biệt 20 – 30% thị phần lại có thể cảm giác được hơi nóng của sự bắt kịp từ người thứ nhì. Vị thế một thời nay còn lớn, nhưng độ lớn mang dáng vẻ chiếc bóng hơn là thực lực. Đầu tháng 10.2012, theo công bố của công ty nghiên cứu thị trường IDC, trong sáu tháng đầu năm, Nokia vẫn giữ được vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Tuy không có thông tin cụ thể về thị phần, song số liệu của giới bán lẻ cho thấy, cách biệt giữa người đứng đầu với tốp sau không còn chênh lệch nhiều như trước. Các hãng liên tục giới thiệu những sản phẩm mới với giới trẻ. Trong ảnh: HTC giới thiệu HTC One X. Ảnh: Minh Phúc Thu hẹp khoảng cách Tại các hệ thống bán lẻ lớn, thương hiệu Nokia chỉ chiếm 30 – 35% về số lượng, song xét về doanh thu ở mức 25%. Tuy giữ vị thế số hai trong bảng xếp hạng của các công ty nghiên cứu thị trường, Samsung chiếm từ 35 – 50% số lượng tuỳ hệ thống và doanh thu tương ứng dao động từ 40 – 60%. LG có tỷ lệ tương ứng 5% về số lượng, 10% doanh thu. HTC dù chiếm 1,5% số lượng nhưng doanh thu là 5%, Sony chiếm 1% số lượng còn doanh thu là 5%... Đáng chú ý, các kênh bán lẻ lớn cung cấp số liệu như trên cũng là kênh bán lẻ đối tác mang tính chiến lược của Nokia. Ông Đinh Anh Huân, giám đốc kinh doanh Thế Giới Di Động, cho biết: “Nokia cũng có những dòng máy chiến lược như Asha hay Lumia nhưng sản phẩm chưa được thị trường chấp nhận. Yếu tố để Nokia giữ được vị trí dẫn đầu thị phần số lượng là nhờ vào nhóm sản phẩm điện thoại cơ bản với mức giá từ 2 triệu đồng trở xuống”. Về Lumia, dòng mà Nokia đặt kỳ vọng, theo ông Mai Triều Nguyên, giám đốc hệ thống bán lẻ Mai Nguyên (TP.HCM), việc cập nhật công nghệ không phù hợp. Ông Nguyên nói, các dòng Lumia như 610/710/800 và 900 chạy Windows Phone (WP) 7 bán khá mạnh, nhưng sau khi có tin từ Nokia rằng loại này không thể nâng cấp lên WP8, sức tiêu thụ nhóm hàng này đã giảm mạnh. Asha cũng là nhãn hàng mà Nokia muốn nhắm vào giới có thu nhập thấp, nhưng trong chuỗi của Asha chỉ có Asha 311 ứng dụng công nghệ cảm ứng điện dung, còn lại là cảm ứng điện trở hoặc bấm truyền thống nên không hấp dẫn khách hàng, nhất là giới trẻ. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2012, doanh số của nhóm hàng viễn thông, chủ yếu là điện thoại di động, có tổng doanh thu là 15.176 tỉ đồng, giảm 3,9% so với sáu tháng đầu năm 2011. Dự báo doanh thu nhóm hàng điện thoại di động năm 2012 có thể đạt tới con số 1,2 – 1,4 tỉ đôla Mỹ (năm 2011, doanh số của nhóm hàng điện thoại di động xấp xỉ 1 tỉ đôla Mỹ). Theo hãng phân tích Gartner, tính đến hết quý 2 năm nay, Samsung đã vươn lên chiếm vị trí số một với số lượng tiêu thụ là 90,4 triệu máy, chiếm 21,6% thị phần về số lượng, còn Nokia chấp nhận vị trí số 2 với 83 triệu máy – thị phần là 19,9%. Trong khi đó, đến hết quý 2 năm ngoái, Nokia bỏ xa Samsung đến gần 30 triệu máy! Không đổi mới, nên đổi vận Hồi tháng 7.2012, giám đốc điều hành của tập đoàn Nokia Stephen Elop đã khẳng định: “Những chiếc điện thoại Android giá rẻ không nằm trong kế hoạch của Nokia. Thay vào đó, Nokia đang đầu tư vào những chiếc điện thoại WP8”. Vào dịp cuối năm, Nokia sẽ tung tiếp hai dòng Lumia 820 và 920 chạy WP8 để tranh thủ niềm tin ở nhóm khách hàng nhiều tiền. Theo bà Cẩm Ly, phụ trách truyền thông của Nokia Việt Nam, Nokia chuẩn bị giới thiệu Asha 308 và Asha 309 dùng cảm ứng điện dung nhưng vẫn chạy hệ điều hành Symbian vốn đang trở nên xa lạ với người dùng vì không linh hoạt và không có nhiều ứng dụng hỗ trợ như các hệ điều hành khác. “Tôi thấy tiếc cho Nokia. Với thế mạnh về uy tín thương hiệu, nếu Nokia đừng quá bảo thủ với Symbian mà sử dụng hệ điều hành Android thì bây giờ chắc không có ai theo kịp họ”, ông Mai Triều Nguyên chia sẻ. Trong khi Nokia còn loay hoay với việc mới đặt cửa vào hệ điều hành của Microsoft, cũng như sức ỳ cơ chế từ quyết định tập trung cho hệ điều hành Symbian bao năm qua, thì gương mặt tương đối mới trong làng điện thoại thông minh như HTC, hay thâm niên như Samsung, LG, trong hai năm trở lại đây tập trung phát triển mạnh điện thoại thông minh trên Android và cả Windows cho di động. Bình quân mỗi tháng, thị trường Việt Nam đón nhận từ 5 – 10 sản phẩm mới của các hãng, dẫn đầu là Samsung, sau đó là HTC, Sony, LG, Mobiistar… Trong thời gian qua, có nhiều sản phẩm mới rơi vào nhóm điện thoại thông minh, chạy trên nền Android và Windows. Điểm mặt sản phẩm, Samsung rải đều ở các phân khúc giá từ thấp đến cao. Trong khi, HTC hay Sony nhắm vào phân khúc có giá từ 5 triệu đồng trở lên. LG, Mobiistar, Q-Mobile, Acatel, gần đây là Lenovo khai thác phân khúc điện thoại thông minh có tầm giá dưới 5 triệu đồng. “Phân khúc điện thoại thông minh đang từng bước đánh dạt nhóm điện thoại phổ thông ra khỏi thị trường”, ông Hiếu, phụ trách ngành hàng điện thoại di động của Thế Giới Di Động bình luận. Hiện, điện thoại thông minh chiếm khoảng 10 triệu máy ở thị trường Việt Nam, song sự phát triển của nhóm này ngày càng nhanh và mạnh. Giới kinh doanh lạc quan rằng, hai năm nữa, thị phần điện thoại thông minh sẽ chiếm khoảng 40 – 50% số máy bán ra thị trường. Cuối năm nay, một hãng dự kiến cung ứng sản phẩm này ở mức dưới 1 triệu đồng. Liệu khi đó, thế mạnh ở dòng phổ thông như Nokia hiện giữ, có còn tồn tại? Theo Sài Gòn tiếp thị