ICTnews - Cùng với thông tin dồn dập về việc Viettel liên tiếp đầu tư vào các mạng viễn thông ở khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ, mới đây MobiFone và FPT cũng tuyên bố quyết ra "biển lớn" để mở rộng thị trường. Đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường Phát biểu tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động mới đây, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch của MobiFone cho biết mạng di động này có tham vọng vươn ra thị trường nước ngoài để trở thành 1 trong 10 mạng di động hàng đầu châu Á. MobiFone dự kiến sẽ đầu tư ra nước ngoài và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân. Phía MobiFone cho rằng, để thực hiện những chiến lược này, MobiFone sẽ chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của công ty này trong điều kiện thị trường cạnh tranh trong nước ngày càng khốc liệt và dần đáp ứng các yêu cầu kinh doanh quốc tế. "Việc đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm này vô cùng khó khăn và nhiều thử thách. Thế nhưng, nếu muốn trở thành doanh nghiệp lớn mạnh thì không thể chỉ khai thác ở thị trường trong nước hữu hạn với khoảng 100 triệu dân, mà phải đi tìm kiếm thị trường mới. MobiFone chắc chắn sẽ trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn nếu đi ra nước ngoài", ông Minh nói. Như vậy, MobiFone là mạng di động thứ 2 của Việt Nam đưa ra chiến lược đi ra nước ngoài. Ngay sau tuyên bố của MobiFone, ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cho biết, trong 3 năm qua FPT đã đạt mục tiêu đầu tư ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chiến lược này được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là xây dựng kết nối mạng đường trục đến đường biên giới, từ đó FPT cung cấp dung lượng kết nối cho các nhà khai thác tại Lào và Campuchia. “3 năm qua FPT đã tạo được cuộc cách mạng trong thị trường cung cấp băng thông rộng. Trước khi chúng tôi đến thì giá 1 Mbps băng thông tại Campuchia là 1.000 USD, còn hiện giờ đã rơi xuống khoảng dưới 300 USD, tạo ra cơ hội tiếp cận băng thông kết nối Internet rất hữu dụng cho nhân dân Campuchia. Hiện nay chúng tôi đã cung cấp gần 1 nửa băng thông quốc tế đến thị trường Campuchia. Bước tiếp theo là chúng tôi làm các thủ tục để mua lại các nhà khai thác ở Campuchia và sau đó trực tiếp cung cấp dịch vụ tại đây. Hy vọng công thức này thành công tại Campuchia, sẽ thành công tại Lào và các thị trường khác”, ông Trương Đình Anh nói. Ngoài mục tiêu sẽ đầu tư vào thị trường Lào và Campuchia, FPT cũng đang chuẩn bị đầu tư sang thị trường Nigeria. Mới đây, ngày 5/7, FPT và Công ty 21st Century Technologies của Nigeria đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược trong lĩnh vực viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị. FPT sẽ tìm cơ hội hợp tác trong các dịch vụ băng thông rộng, nội dung số, trò chơi trực tuyến, các giải pháp trong lĩnh vực viễn thông, sản phẩm công nghệ… Đồng thời, FPT dự kiến sẽ tư vấn kinh doanh và xây dựng mạng lưới hạ tầng cũng như cung cấp dịch vụ cho 21st Century Technologies… Cũng đồng quan điểm với MobiFone, ông Trương Đình Anh cho rằng, nếu chỉ khai thác loanh quanh thị trường trong nước sẽ không thể lớn mạnh được. 'Thực tế ở một số ngành dịch vụ như tích hợp hệ thống chẳng hạn, FPT đã chiếm phần lớn thị phần trong nước. Vì vậy, “cửa” phát triển duy nhất cho FPT là phải đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường của mình. Tuy rằng, thời điểm này việc đi ra nước ngoài sẽ là rất khó khăn", ông Trương Đình Anh nói.