Đánh giá chi tiết điện thoại Nokia X

Thảo luận trong 'Android: Đánh Giá, So Sánh Sản Phẩm' bắt đầu bởi vietha6293, 5 Tháng mười hai 2014.

  1. vietha6293 Thành viên

    Những thông tin đầu tiên về chiếc điện thoại chạy Android của Nokia được tiết lộ đã khiến nhiều người dùng tỏ ra khá thích thú. Tuy nhiên sự kết hợp giữa khả năng thiết kế của Nokia và hệ điều hành của Google trong chiếc điện thoại giá rẻ Nokia X đã không đáp ứng được mong đợi của khách hàng.

    [​IMG]

    Smarphone Nokia X, cùng với X+ và XL, là dòng sản phẩm nằm giữa dòng Nokia Asha – điện thoại cơ bản và dòng Nokia Lumia – smartphone chủ đạo của Nokia chạy hệ điều hành Windows Phone. Tuy sử dụng hệ điều hành Android, máy có giao diện riêng và các dịch vụ chủ yếu của Nokia và Microsoft. Nhiều người cũng nghi ngại khi cấu hình của máy khá thấp trong khi Android vốn "khát" phần cứng.
    Nokia X hiện tại được bán với giá 2,55 triệu đồng, thuộc phân khúc điện thoại giá rẻ vốn đã tồn tại khá nhiều đối thủ cạnh tranh. Chiếc điện thoại này có những gì để tạo dấu ấn trên thị trường?

    Thiết kế

    [​IMG]

    Các dòng điện thoại của Nokia hiện đều sử dụng những tông màu trẻ trung, rực rỡ, và Nokia X cũng không ngoại lệ. Máy có sáu lựa chọn màu sắc bao gồm xanh lá, vàng, xanh dương, đỏ và đen, trắng. Vỏ máy khá dày, chất liệu nhựa nhám, tuy kém nổi bật hơn so với vỏ nhựa bóng của dòng Lumia nhưng đỡ bám vân tay hơn.
    Nokia X được trang bị màn hình 4 inch, chiều ngang là 63 mm nên cầm khá vừa tay. Máy thiết kế vuông vắn cả ở các cạnh và mặt trên, hơi cong một chút ở mặt lưng. Khi cầm chặt máy thì các góc máy có thể tì vào tay gây cảm giác hơi khó chịu. Ưu điểm của thiết kế này là máy cho cảm giác rất chắc chắn, không ọp ẹp như các máy giá rẻ thông thường. Phần bên trong của máy cũng được thiết kế rất hợp lý.
    Cạnh máy dày, vuông (chiều dày là 10,4 mm) nên người dùng có nhiều không gian để bấm vào hai nút cứng ở cạnh phải (nút nguồn và tăng giảm âm lượng). Hai cổng kết nối thông dụng là MicroUSB và cổng tai nghe nằm ở cạnh trên và dưới máy.

    [​IMG]

    Nokia X chỉ có duy nhất một nút cảm ứng ở chính giữa phía dưới màn hình. Nút này đóng vai trò giống nút Back trên các điện thoại Android khác, còn nếu nhấn giữ lâu thì có tác dụng trở về màn hình chủ. Do chỉ có một nút nhấn nên nút này không cần tích hợp đèn nền hay rung như trên điện thoại Lumia. Lớp kính bảo vệ của máy tràn hết mặt trên, hơi dễ bám vân tay. Nokia X không có camera trước nhưng có cảm biến ánh sáng, chức năng thường bị cắt giảm trên các máy giá rẻ.
    Loa thoại của máy đặt ở mặt lưng, đặt xuống mặt phẳng thì âm thanh bị chặn nên nghe nhỏ hơn hẳn. Phía trên là logo Nokia được in chìm cùng camera mặt sau, không có đèn. Nắp lưng của máy được thiết kế tràn hết qua các cạnh, mở bằng cách ấn vào góc. Hai khe cắm SIM của máy đều sử dụng chuẩn Micro SIM, ở giữa là khe cắm thẻ microSD. Muốn thay một trong ba thẻ này người dùng đều phải tháo pin.
    Tuy là điện thoại giá rẻ nhưng Nokia X được cấu tạo từ các chất liệu tốt và cho cảm giác cầm nắm tương đối chắc chắn. Màu sắc của máy có thể đáp ứng được nhiều đối tượng mặc dù thiết kế vẻ ngoài vẫn giữ được nét trẻ trung và năng động. Có thể nói thiết kế là một điểm mạnh của Nokia X khi so với nhiều điện thoại giá rẻ khác.

    Màn hình

    [​IMG]

    Màn hình của Nokia X có kích thước 4 inch, độ phân giải 800 x 480. Thông số này tương đương với màn hình của Lumia 525, tuy vậy khi đặt cạnh thì màn hình hai điện thoại này có nhiều khác biệt. Cụ thể, màn hình Lumia 525 hơi nghiêng về màu nóng, còn Nokia X thì nghiêng về màu lạnh hơn. Độ sáng của Nokia X cũng cao hơn.
    Độ phân giải màn hình Nokia X đủ để sử dụng các ứng dụng đơn giản, đọc báo mạng, và cũng tương xứng với các điện thoại trong cùng tầm giá. Góc nhìn màn hình khá tốt, trong môi trường ánh sáng yếu màu sắc ít bị thay đổi, tuy nhiên ngoài trời nắng hoặc trong phòng có đèn trần thì màn hình bóng của máy sẽ khiến hình ảnh bị ảnh hưởng.
    Khi dùng thiết bị chuyên dụng để đánh giá màn hình, chúng tôi nhận thấy độ sáng màn hình tối đa của Nokia X ở mức khá (380 nits), màn hình ngả xanh nhiều (nhiệt độ màu lên đến 9000K) và khả năng hiển thị màu chính xác cũng chỉ ở mức trung bình.

    Máy ảnh
    Máy ảnh của Nokia X có độ phân giải 3.15 megapixel, không có flash và lấy nét cố định. Điều này có nghĩa là cự ly lấy nét của máy là không thay đổi được, vào khoảng 30 cm. Độ nét của các điểm ngoài phạm vi đó thực ra vẫn chấp nhận được (do tiêu cự của ống kính rất ngắn, cảm biến ảnh nhỏ), nhưng người dùng sẽ không thể chạm tay vào màn hình để chọn điểm lấy nét và đo sáng.
    Ứng dụng chụp ảnh của Nokia X cho khá nhiều tùy chọn khi chụp, như cân bằng trắng, độ tương phản, độ sáng, ISO… Bên cạnh chế độ chụp ảnh, còn hai chế độ chụp ảnh toàn cảnh (panorama) và quay phim. Tốc độ chụp của máy không nhanh, nhưng đây là bình thường với điện thoại giá rẻ.
    Độ sáng của ảnh khá giống so với thực tế kể cả khi chụp trong môi trường trong nhà, hơi tối một chút. Nếu trong ảnh có nhiều đối tượng với độ sáng khác nhau thì ảnh chụp thể hiện được tất cả các đối tượng này, cho thấy dải động ánh sáng khá ổn.
    Do độ phân giải chỉ có 3.15 megapixel nên độ chi tiết của ảnh chụp từ Nokia X không cao. Như đã nói, độ nét của máy không tệ, khi chụp ở điều kiện ánh sáng tốt, với sự vật có nhiều chi tiết thì có thể thấy các góc cạnh của sự vật đều khá mịn. Khi điều kiện sáng kém hoặc chụp vào buổi tối thì ảnh bị nhiễu nhiều. Màu sắc của ảnh chụp khá gần với màu thực tế.
    Về tổng thể, ảnh chụp của Nokia X ở mức chấp nhận được, đủ để xem nhanh và chia sẻ trên mạng xã hội. Khả năng quay phim của máy, với độ phân giải tối đa 854 x 480, cũng có chất lượng tương tự.

    Phần mềm

    [​IMG]

    Nokia X là điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đầu tiên của Nokia, và với việc Nokia được Microsoft mua lại, sự kết hợp giữa Nokia và Android mới nghe khá lạ lùng. Tuy nhiên thực chất thì Nokia đã tạo nên một nền tảng riêng cho Nokia X dựa trên mã nguồn mở của Android, có tên Nokia X Platform.
    Ở nền tảng này ngoài khả năng hỗ trợ ứng dụng sâu rộng của Android, người dùng sẽ khó mà nhận ra được hệ điều hành thông dụng nhất hiện nay. Màn hình chính của máy được làm với các ô chữ nhật giống hệ điều hành WP, nhưng hơi lộn xộn do sử dụng nhiều màu sắc hơn, và các biểu tượng cũng không đồng bộ bằng.
    Ở màn hình chính, người dùng có thể điều chỉnh vị trí và kích thước các biểu tượng ứng dụng. Bên cạnh đó còn có thể đặt thư mục cũng như đưa widget ra màn hình chính, giống với đặc trưng của Android. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tải các launcher khác cho Android như Apex Launcher hay Nova Launcher để có giao diện quen thuộc hơn.
    Ngoài màn hình chính Nokia X có thêm một màn hình nữa gọi là Fastlane, là nơi hiển thị tất cả các thông tin sử dụng gần nhất bao gồm các ứng dụng, các nội dung đa phương tiện và các thông báo, với tối đa là 50 thông tin. Đây là ý tưởng được phát triển từ dòng điện thoại Nokia Asha.
    Nokia X có một phần bật tắt nhanh kết nối mở bằng cách kéo từ phía trên màn hình xuống giống các điện thoại Android thông thường khác. Ngoài ra các thông báo của máy được hiển thị ngay trên màn hình khóa của máy.
    Không chỉ có một giao diện lạ lẫm với người dùng, Nokia còn thẳng tay loại bỏ phần lớn các dịch vụ của Google. Điều này có nghĩa là người dùng sẽ không có kho ứng dụng Google Play, Google Calendar, Gmail, Google Maps hay YouTube. Người dùng cũng sẽ không thể cài đặt tài khoản của Google, do vậy sẽ không thể đồng bộ danh bạ với Google.
    Để thay thế cho điều đó Nokia cung cấp một vài giải pháp để cài đặt ứng dụng, và từ các chợ ứng dụng đó người dùng cũng có thể tìm và cài đặt các ứng dụng của Google. Tuy phần lớn ứng dụng sẽ hoạt động bình thường, Gmail lại không sử dụng được. Giải pháp tốt nhất để sử dụng được tất cả các dịch vụ của Google là root máy rồi cài đặt bộ phần mềm Gapps, tuy nhiên theo quy định của Nokia thì máy đã root sẽ không được bảo hành.
    Từ khi mới mua Nokia X đã được cài sẵn khá nhiều trò chơi cũng như một số ứng dụng của VinaGames. Giống như trên Windows Phone, kho ứng dụng của máy cũng có sẵn một bộ sưu tập của Nokia với nhiều game và tiện ích khá thú vị, trong số đó đáng chú ý nhất là bàn phím SwiftKey được miễn phí.

    Hiệu năng và thời gian sử dụng pin
    Là điện thoại giá rẻ, do vậy cấu hình của Nokia X cũng không có gì nổi bật. Bộ vi xử lý trên chiếc điện thoại này là Qualcomm Snapdragon S4 Play, với hai nhân xử lý ở tốc độ tối đa 1 GHz, dung lượng RAM 512 MB và đồ họa Adreno 203. Điểm bị chê nhiều nhất ở cấu hình này là dung lượng RAM thấp, khi mà hệ điều hành Android cần nhiều RAM để có thể hoạt động mượt mà.
    Trong thực tế, quả thực trải nghiệm sử dụng của Nokia X cũng giống như những gì khách hàng có thể trông đợi ở một điện thoại giá rẻ: làm ổn các tác vụ cơ bản, nhưng không mượt mà và đôi lúc xử lý hơi chậm. Có thể nhận thấy ngay điều này khi lướt qua màn hình chủ: thao tác lướt qua các biểu tượng có một chút giật. Khi bật một ứng dụng, khoảng thời gian chờ để mở ứng dụng lên cũng lâu hơn một chút so với các điện thoại Android tầm trên, việc di chuyển các ứng dụng trong màn hình chủ hay nhập vào các thư mục cũng rất chậm.
    Nhược điểm về cấu hình thể hiện rõ nhất khi chơi một game nặng hoặc duyệt nhiều trang web một lúc rồi thoát thẳng ra màn hình chính, khi đó màn hình sẽ hiện thông báo "Vui lòng chờ", và khoảng 3 – 5 giây sau mới mở được màn hình chính.
    Với cấu hình như vậy, máy chơi khá giật các game 3D như Dead Trigger 2, và xử lý cũng không tốt phim có độ phân giải HD 720p. Cấu hình thấp cũng khiến cho trải nghiệm duyệt web bị hạn chế: khi kéo lên, xuống ở trang web người dùng sẽ nhận thấy khá giật, cho dù nội dung phần lớn là chữ.
    Tuy nhiên với một số ứng dụng thì Nokia X cũng cho trải nghiệm không hề tệ, thậm chí là khá tốt so với các điện thoại giá rẻ thông thường. Ví dụ như với bàn phím SwiftKey Nokia X có thể gõ phím khá nhanh trong khi điện thoại cấu hình thấp thường bị giật khi dùng bàn phím này. Trò chơi Clash of Clans cũng có thể chơi rất mượt trên X.
    Pin của Nokia X có dung lượng 1500 mAh. Trong một ngày sử dụng bật kết nối WiFi và 3G, nghe gọi khoảng 10 phút, nhắn tin và tải ứng dụng, chơi game khoảng 30 phút và lướt web 30 phút. Sau khoảng 18 giờ sử dụng, trong đó màn hình mở hơn 1 giờ 30 phút, pin của máy còn 40%. Nokia X đạt thời gian xem phim khá thấp, chỉ 2 giờ 45 phút.

    Kết luận
    Với mức giá 2,55 triệu đồng, Nokia X nằm ở phân khúc giá rẻ trên thị trường. Nó có nhiều điểm cộng so với những sản phẩm giá rẻ khác như thiết kế chắc chắn, chất lượng màn hình khá. Dù vậy, trải nghiệm sử dụng của nó nhất là về hiệu năng không có gì nổi bật khi so với rất nhiều điện thoại Android giá rẻ trên thị trường hiện nay.
    Chắc chắn Nokia X sẽ khó tránh khỏi sự so sánh với những sản phẩm thuộc dòng Lumia mà rẻ nhất hiện nay là chiếc Lumia 520 có giá 2,89 triệu đồng. Với giá tiền đắt hơn một chút người dùng sẽ có một chiếc điện thoại chạy Windows Phone mượt mà, máy ảnh chất lượng hơn. Mặc dù về mặt ứng dụng thì hệ điều hành Android vẫn có đôi chút ưu thế, nhưng với các nhu cầu cơ bản thì WP cũng có thể đáp ứng được. Thị trường smartphone giá rẻ đang rất chật chội, và mặc dù Nokia X có một số điểm mạnh, có lẽ như vậy chưa đủ để chiếm ưu thế trong cuộc đua này.

    Nguồn: http://chuyendongthitruong.blogspot.com/2014/11/anh-gia-ien-thoai-nokia-x.html