Dell Adamo kiệt tác đúc kết Bàn phím của Adamo giống HP Voodoo 133 với đèn LED xa xỉ. Touchpad được trang bị cảm ứng đa điểm giống MacBook Air, nhưng không nhạy bằng. Dell Amado mỹ miều từ "phục trang" phần cứng cao cấp, như màn hình gương sáng, bàn phím rộng, thiết kế đẹp, thoải mái và đa dạng về các kết nối không dây hiện đại nhất. Từng đó cũng đủ để hiểu vì sao giá của Dell Adamo không hề rẻ, cộng thêm việc sử dụng ổ cứng thể rắn hiệu năng cao SSD đắt tiền. Tuy nhiên, với sản phẩm này, Dell vẫn chưa "rũ bỏ" được "điểm yếu cố hữu" của mình - khả năng vận hành không thực sự mạnh mẽ và thời lượng sử dụng pin hạn chế. Adamo với phiên bản trắng bạc phủ màu ngọc trai. Ảnh: Torrebella. Với việc Dell rầm rộ quảng cáo Adamo là chiếc laptop mỏng nhất thế giới đã làm "chạnh lòng" Apple MacBook Air và hâm nóng thêm cuộc chiến về danh hiệu này. Nhìn tổng thể, Adamo có độ dày khoảng 1,65 cm, mỏng hơn 0,25 cm so với nơi dày nhất trên thân MacBook Air. Trong khi đó, chỗ mỏng nhất của MacBook Air chỉ 0,4 cm. Vì thế danh hiệu laptop "mỏng nhất thế giới" vẫn sẽ còn bị bỏ ngỏ, và hãng nào cũng tự nhận lấy danh hiệu này chỉ dựa trên tiêu chí và vị trí đặt thước của riêng mình. Trọng lượng gần 2 kg khiến Dell Adamo là cỗ máy nặng nhất so với các đối thủ cùng tầm như MacBook Air hay ThinkPad X301 và Sony Z590. Thậm chí, có người còn xếp Amado ngang hàng Apple MacBook 13 inch. Nét đẹp trong thiết kế của Dell Adamo được cảm nhận tùy thuộc vào "mắt thẩm mỹ" của nhiều người, nhưng cách thức thiết kế của máy thì lại khá quen thuộc. Đó là kết cấu nguyên khối "unibody" được chế tác tinh xảo từ phiến nhôm đơn nhất, không khác gì cách mà Apple đã mô tả trong quá trình sản xuất các sản phẩm MacBook. Trọng lượng nặng hơn hẳn của Dell Adamo so với các đối thủ lại là một lợi thế khi so sánh về độ an toàn. Vật liệu nhôm đặc biệt bao phủ khắp thân máy, từ nắp đến đế máy, rất chắc chắn và cứng cáp có khả năng chống sước cũng như chịu nhiệt tốt. Máy dày 1,65 cm. Ảnh: Gadgetlite. Dell Adamo cũng là một trong số những chiếc laptop đầu tiên sử dụng màn hình gương 13,4 inch. Đây là màn hình gương đặc biệt, phủ rộng, tràn các cạnh nên ít nhiều tăng thêm trọng lượng máy. Dell đã rất nỗ lực khi thêm vào một lớp phủ bằng kính có độ dày 0,5 mm ngoài bề mặt không phát bức xạ nhằm bảo vệ bảo vệ đôi mắt người sử dụng. Trọng lượng máy sẽ tăng lên với lớp phủ kiểu này. Điều đó cũng giải thích tại sao MacBook Air, ThinkPad X301, và Sony Z590 đều sử dụng lớp phủ plastic trong suốt siêu mỏng thông thường. Màn hình gương của Dell Adamo có độ lớn 13,4 inch tỉ lệ 16:9, trong khi cả HP Voodoo 133 và MacBook Air đều dùng màn 13,3 inch tỉ lệ 16:10 truyền thống. Độ phân giải tiêu chuẩn đạt 1.366 x 768 pixel, nhưng Dell vẫn muốn nâng lên để không "kém cạnh" so với độ phân giải 1.440 x 900 pixel của ThinkPad X301 và 1.600 x 900 pixel của Sony Z590. Bàn phím mang hơi hướng HP Voodoo, touchpad cảm ứng đa điểm của MacBook Air. Ảnh: Urbergizmo. Dell đã có gắng đưa những "kiệt tác" đã được đúc kết từ các "siêu phẩm" của đối thủ vào trong thiết kế của Adamo. Bàn phím của Dell Adamo rất giống HP Voodoo 133, với kích thước đầy đủ, rất nhạy và đặc biệt cũng sử dụng đèn LED nền "xa xỉ". Touchpad cảm ứng đa điểm của Adamo không được lớn như của MacBook Air và các thanh cuộn ngang, cuộn dọc cũng như độ nhạy cảm giác chưa thể sánh được với Touchpad của MacBook 13 inch. Bù lại, 2 phím chuột trái và phải là điểm nổi bật hẳn của Adamo so với Macbook (vốn không có phím chuột). Dell Adamo chỉ có 2 màu cổ điển mang "hơi thở" hiện đại là trắng bạc với các họa tiết mềm đan xen nằm chìm dưới lớp phủ màu trắng của ngọc trai, và màu đen Onyx với nắp máy xếp nếp, mặt nhôm bóng loáng. Phần thừa ra ở mép máy. Ảnh: Slashgear. Có một điểm trong thiết kế, Dell dường như bị bỏ lại phía sau so với Apple khi cố gắng để có một thân máy "mảnh dẻ", Adamo lựa chọn một phần thừa ra ở phía gáy máy. Nếu trong thoáng qua, phần nhô ra trông giống như một bộ pin mở rộng, song đây lại là giải pháp của Dell, muốn tạo ra nhiều không gian hơn cho các cổng kết nối. Trên đó có một cổng DisplayPort, 2 cổng USB, một cổng tích hợp cả USB/ eSATA và cổng Ethernet. Cũng giống MacBook Air và HP Voodoo 133, Adamo không có ổ quang tích hợp. Dell cũng có kèm theo máy ổ ghi DVD hoặc ổ Blu-ray gắn ngoài. Ngoài ra là các tính năng kết nối wireless chuẩn 802.11n và Bluetooth. Máy còn tích hợp cả kết nối di dộng băng rộng, điểm mới mẻ này chưa có ở MacBook Air và Voodoo 133. Nhưng sự vắng mặt của đầu đọc thẻ SD lại là một "sai sách" của Dell. Với các tính năng di động đa dạng, ThinkPad X301 và Sony Z590 đều sở hữu đầy đủ các công nghệ kết nối không dây cần thiết, tích hợp ổ quang, và có cả đầu đọc thẻ SD. Lựa chọn về không gian lưu trữ lại làm Adamo mất điểm với lựa chọn suy nhất là ổ thể rắn SSD 128 GB đắt tiền, song lại có hiệu năng cao cả về độ bền, tiết kiệm điện, và quan trọng nhất có tố độ truy xuất dữ liệu nhanh gấp nhiều lần ổ đĩa HDD truyền thống. Dell Amado sự dụng vi xử lý Intel Core 2 Duo U9300 1,2 GHz. Ảnh: Gadgettheat. Dell Adamo được trang bị vi xử lý siêu di động tiết kiệm điện Intel Core 2 Duo U9300 1,2 GHz, với lượng nhiệt tỏa ra được giữ ở mức tối thiểu, đồng thời tối ưu hóa thời lượng sử dụng pin. Adamo cũng chỉ sử dụng card đồ họa tích hợp nên khả năng thực thi về đồ họa là không thể sánh với đối thủ MacBook Air với vi xử lý mạnh hơn cùng card đồ họa cao cấp. Vì lý do đó, những người yêu cái đẹp của máy và đỏi hỏi cả sự mạnh mẽ trong thực thi sẽ dễ lựa chọn MacBook Air. Về thời gian xử lý video (nén một file video với định dạng và thông số kĩ thuật nhất định), Adama lại nhỉnh hơn MacBook Air với 10 giây nhanh hơn. Các kết quả thử nghiệm với CineBench R10 thể hiện rõ khả năng xử lý video khá tốt của Adamo, mạnh hơn 25% so với Air. Ngoài ra, các kết quả thử nghiệm với PCMark Vantage cũng nghiêng về phía Adamo (nhờ hiệu năng của ổ SSD) vì MacBook Air dùng đĩa cứng HDD tốc độ 4200 vòng/phút (nếu dùng ổ SSD 128 GB, sẽ phải trả thêm 500 USD). Nhưng Adamo lại bị ThinkPad X301 vượt mặt trong mọi thử nghiệm, còn khả năng thực thi vượt trội của Sony Z590 cả về xử lý video và ứng dụng Photoshop CS4 cũng như CineBench R10 đều khiến Adamo phải "kính phục". Song với người sử dụng phổ thông, những kết quả này cũng không đáng để bận tâm nếu chỉ dùng máy vào web, xử lý văn bản và gửi nhận e-mail thông thường. Để hỗ trợ tốt hơn nhu cầu xử lý hình ảnh và video, Dell đưa ra những lựa chọn nâng cấp lên RAM DDR3 4 GB. Với vi xử lý cũng như ổ SSD tiết kiệm điện, sự "áp lực" về thời lượng pin được giảm nhẹ, bởi Adamo sử dụng pin liền trên thân máy. Pin 6 cell 40Wh có thời lượng hoạt động gần 4 giờ trong khi Sony Z590 với pin tháo-lắp có thể hoạt động lâu hơn. Thời lượng 3 giờ 40 phút sử dụng liên tục chỉ nhiều hơn so với Mackbook Air "ngốn điện" có 22 phút. Chiếc máy này đang được bán với giá từ 1.999 USD tại Mỹ. Ảnh: Gpobsess. Thách thức thực sự mà Dell gặp phải khi tung ra mẫu máy siêu cấp Adamo này là giá thành quá cao đối với một chiếc laptop siêu di động "xa hoa", cũng như sự cạnh tranh gay gắt khi đối đầu với các đối thủ nặng ký Apple MacBook Air, Lenovo ThinkPad X301, và Voodoo Envy 133. Nhưng với "tiền lệ" "hạ nhiệt" nhanh của Dell, Adamo cũng vẫn sẽ trụ tốt trên phân khúc thị trường ngày càng thu hẹp này với thiết kế không những đẹp mà còn chắc chắn. Tại thị trường Mỹ, Dell Adamo có giá bán từ 1.999 USD. Tại châu Á, cụ thể ở thị trường Singapore, máy khoảng 2.935 USD. Ở Việt Nam, một số công ty nhận đơn đặt hàng Dell Adamo với giá trên 3.000 USD. Theo Số hóa.