Sau những "lình xình" mới đây giữa các mạng di động, tố cáo về những hành vi "xấu chơi" hay cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà mạng, mới đây, Câu lạc bộ các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã lên tiếng phản đối về phương án phân chia doanh thu kinh doanh dịch vụ nội dung số của mạng di động Viettel. Theo phản ánh, mạng di động này đang có những biểu hiện "độc quyền" trong việc đưa ra những chính sách làm việc với các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam (CPs). Doanh nghiệp CPs "kêu cứu" Trao đổi với chúng tôi, đại diện một số doanh nghiệp Nội dung số rất bức xúc. Việc phát triển các dịch vụ nội dung số ở Việt Nam lâu nay hoạt động trên cơ sở hợp tác giữa các nhà cung cấp nội dung số và nhà mạng di động. Để công nghiệp nội dung số phát triển, đòi hỏi có các chính sách phát triển hợp lí, lâu dài, ổn định, đôi bên cùng có lợi. Tuy vậy, với mạng di động Viettel, chỉ trong vòng chưa đến 6 tháng (từ 1/1/2009 - 3/6/2009), Viettel đã liên tục 3 lần thay đổi phương thức phân chia doanh thu với các CPs, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Điều đáng nói, nếu theo các phương thức phân chia mới, doanh thu chia cho Viettel đã tăng lên gấp đôi (!) so với thời điểm trước ngày 1/1/2009. Sau mỗi lần thay đổi, tỷ lệ doanh thu của đơn vị này lại liên tục tăng lên mà không nghĩ đến quyền lợi của các đối tác hợp tác với mình. Cụ thể, ngày 12/2/2009, Viettel đơn phương gửi email cho các CPs, thông báo chính sách phân chia doanh thu mới, áp dụng từ ngày 1/1/2009 với tỉ lệ phân chia doanh thu nội dung cho Viettel tăng gấp đôi (!), từ 10% cho mức cước 500đ lên 20%; từ 15% mức cước 1.000đ , 2.000đ lên 30% và từ 25% mức cước trên 2.000đ lên 50%. Ngày 9/04/2009, trong buổi làm việc với Ban chấp hành Câu lạc bộ CPs, Viettel lại tiếp tục thay đổi phương án phân chia doanh thu lần thứ 2 với phần lợi nghiêng về mình nhiều hơn. Đỉnh điểm, ngày 03/06/2009, Viettel lại tổ chức họp với các CPs và thêm một lần nữa thông báo thay đổi cước phân chia, áp dụng trên toàn mạng với tỉ lệ phân chia rất "quái chiêu": giảm từ tỉ lệ 82% xuống 70% với các đầu số 500đ (đầu số chủ yếu hỗ trợ lệnh giúp khách hàng, các CPs không kinh doanh trên đầu số này) nhưng đồng loạt tăng tỉ lệ phân chia trên tất cả các đầu số còn lại từ 21% - 28%. Chẳng hạn, mức cước 1.000đ, lại tăng từ 49% lên 70%; mức cước 2.000đ tăng từ 32% lên 60%; mức cước 5.000đ tăng từ 31% lên 55%; mức cước 15.000đ tăng từ 27% lên 55%. Dự kiến thời gian áp dụng cơ chế mới từ 1/07/2009. "Với tỷ lệ phân chia này thì nhiều CPs sẽ lỗ nếu tiếp tục kinh doanh dịch vụ, một cách trực tiếp, Viettel đẩy các CPs ở Việt Nam đến bờ vực của phá sản!" đại diện một CPs tại Hà Nội bức xúc. Người tiêu dùng thiệt thòi? Rõ ràng, với cách phân chia doanh thu mới và chính sách liên tục thay đổi theo hướng có lợi hơn cho mình, Viettel đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp CPs Việt Nam. Không nói đến sự mất ổn định trong chiến lược kinh doanh, các CPs sẽ khó "sống" hơn sau khi phải cắt giảm hàng loạt các chi phí truyền thông, phát triển thị trường, sản xuất nội dung. Đặc biệt, đối với các đầu số có giá cước thấp (từ 1.000 đồng- 4.000 đồng) sẽ buộc các doanh nghệp nội dung số phải tăng giá dịch vụ hoặc cung cấp các dịch vụ nội dung đơn giản trên đầu số có giá cước cao. Điều này, gián tiếp gây ra thiệt thòi về quyền lợi cho người tiêu dùng Việt Nam, nhất là sắp đến thời điểm trao Giấy phép 3G cho các mạng di động và người tiêu dùng đang háo hức chờ đón những dịch vụ nội dung số mới, tiện ích. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có phải Viettel đang có những biểu hiện "chèn ép" các CPs, tạo điều kiện cho Trung tâm nội dung của Viettel chiếm thị trường, cạnh tranh không lành mạnh dựa trên vị thế "độc quyền" của Viettel? Mã: http://xahoithongtin.com.vn/200963012033114p0c206/den-luot-viettel-bi-to-doc-quyen.htm
Viettel đơn phương dừng dịch vụ trên các đầu số: Hợp tác kiểu “độc quyền”! Viettel đơn phương dừng dịch vụ trên các đầu số: Hợp tác kiểu “độc quyền”! Trong lúc mối quan hệ giữa Viettel Telecom và các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam (CP) ngày càng căng thẳng sau quyết định của Viettel Telecom nhằm điều chỉnh tỷ lệ phân chia doanh thu, bất chấp phản đối của các CP, ngày 30/6/2009 Viettel Telecom đã thẳng thừng tuyên bố sẽ chấm dứt dịch vụ trên các đầu số với các CP từ 0h ngày 2/7/2009. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số bày tỏ sự bức xúc trước thái độ hợp tác kiểu “độc quyền” của Viettel Telecom. Câu lạc bộ các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã lên tiếng phản đối về phương án phân chia doanh thu kinh doanh dịch vụ nội dung số của mạng di động Viettel. Ông Hùng cho biết, việc phát triển các dịch vụ nội dung số ở Việt Nam lâu nay hoạt động trên cơ sở hợp tác giữa các nhà cung cấp nội dung số và nhà mạng di động. Để công nghiệp nội dung số phát triển, đòi hỏi có các chính sách phát triển hợp lí, lâu dài, ổn định, đôi bên cùng có lợi. - Các doanh nghiệp CP phản ứng thế nào trước động thái này của Viettel, thưa ông? Trước quyết định này của Viettel, chúng tôi đã gửi văn bản báo cáo lên Bộ Thông tin – Truyền thông về việc áp đặt chính sách phân chia doanh thu của Viettel Telecom với các Doanh nghiệp cung cấp nội dung (CP). Bởi lẽ, từ ngày 01/06/2009 Bộ Thông tin – Truyền thông đã gửi cho các CP bản dự thảo “Thông tư v/v cung cấp và sử dụng dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động“. Trong bản dự thảo này Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã đưa ra các quy định thương mại đối với các dịch vụ nội dung số như: Quy định về tỷ lệ phân chia doanh thu giữa các doanh nghiệp, quy định chia sẻ khuyến mại, giá cước dịch vụ, thanh toán cước dịch vụ.... Đây là quyết định đúng đắn và là việc cần thiết để Bộ Thông tin - truyền thông quản lý việc cung cấp các dịch vụ nội dung số nhằm tạo điều kiện thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh nhiều tiềm năng này phát triển mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, trên thực tế, ngày 11/06/2009 Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đã gửi công văn số 1741/VT-VAS để thông báo về việc thay đổi cước phân chia giữa Viettel Telecom và các CP trên toàn mạng Viettel Câu lạc bộ nội dung số đã có công văn số 88 /CV-VCP đề ngày 17/06/2009 phúc đáp công văn số 1741 của Viettel Telecom trong đó nêu rõ việc áp dụng cơ chế phân chia cước này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các CP và cũng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của dịch vụ nội dung trên mạng di động, dẫn tới sự sụt giảm doanh thu của cả Viettel Telecom lẫn các CP trong lĩnh vực này. Mặt khác việc này cũng có thể dẫn tới những bất lợi cho khách hàng và cho toàn xã hội. Tuy nhiên Câu lạc bộ nội dung số cũng đã đề xuất phương án hợp tác dựa trên một trong những phương án mà Viettel đã đưa ra trong năm 2009, trong đó tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu phân chia Viettel được hưởng sau khi trừ đi phần cước viễn thông. Tuy nhiên Viettel Telecom không trả lời công văn số 88 nói trên mà đến ngày 30/06/2009 đã gửi tiếp công văn số 2012/VT-VAS thông báo từ ngày 02/07/2009 sẽ đơn phương tạm dừng dịch vụ của các CP chưa ký phụ lục hợp đồng thay đổi mức phân chia doanh thu theo công văn 1741. Thời hạn thông báo trong công văn 2012 này rất gấp và nếu Viettel tạm dừng dịch vụ thì trong mỗi ngày sẽ có hàng triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ của chúng tôi sẽ không sử dụng được dịch vụ nữa mà không nhận được bất kỳ sự báo trước nào. Trong tình trạng việc kinh doanh dịch vụ nội dung chưa được đặt dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước mà phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp mạng điện thoại di động như Viettel Telecom, đứng trước sự thúc ép đơn phương của Viettel Telecom dựa trên vị thế là doanh nghiệp lớn và đang nắm giữ hạ tầng, các CP trong câu lạc bộ chúng tôi buộc phải ký vào phụ lục hợp đồng với Viettel Telecom để đảm bảo dịch vụ cung cấp cho khách hàng không bị gián đoạn, quyền lợi của khách hàng được đảm bảo. - Nếu như phụ lục này được ký kết, các doanh nghiệp CP và người dùng sẽ bị thiệt thòi gì, thưa ông? Với phương án phân chia cước của Viettel đề xuất các doanh nghiệp nội dung số sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể: Trong chưa tới 6 tháng, Viettel liên tục thay đổi tới 4 phương thức phân chia doanh thu, điều này gây ra những khó khăn trong việc xác định chiến lược kinh doanh của các CPs. Cụ thể: Doanh thu dịch vụ nội dung cung cấp trên mạng di động Viettel sẽ giảm trên 35% đến 40% so với trước khi áp dụng chính sách này - với tỷ lệ này thì nhiều CP sẽ lỗ nếu tiếp tục kinh doanh dịch vụ, một cách trực tiếp, Viettel đẩy các CPs đến phá sản; Chính sách tăng tỷ lệ phân chia cho Viettel đặc biệt đối với các đầu số có giá cước thấp (từ 1000 đ đến 4000 đ) sẽ buộc các doanh nghiệp nội dung số phải tăng giá dịch vụ, hoặc cung cấp các dịch vụ nội dung đơn giản trên đầu số có giá cước cao. Điều này dẫn đến phản ứng của khách hàng và dư luận xã hội về dịch vụ nội dung qua tin nhắn. Vô hình chung chính sách này càng khuyến khích hình thức kinh doanh ngắn hạn và lợi dụng khách hàng, gây phản ứng gay gắt trong dư luận. - Dư luận cho rằng, Viettel Telecom đang có những biểu hiện "chèn ép" các CP, tạo điều kiện cho Trung tâm nội dung của Viettel chiếm thị trường, cạnh tranh không lành mạnh dựa trên vị thế "độc quyền" của Viettel. Quan điểm của ông thế nào? Các doanh nghiệp nội dung số sẽ phải cắt giảm hàng loạt các hoạt động truyền thông, phát triển thị trường, sản xuất nội dung để cung cấp cho khách hàng là thuê bao di động của Viettel, xác lập vị trí độc quyền trong kinh doanh nội dung số của Viettel. Bên cạnh đó, Chính sách phân chia doanh thu dịch vụ này không khuyến khích các doanh nghiệp nội dung số tiếp tục đầu tư vào công nghệ, sản xuất nội dung phục vụ dịch vụ gia tăng trên nền 3G mà Viettel sắp cung cấp ra thị trường. Như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xã hội hoá dịch vụ nội dung thônhg tin và hiệu quả kinh doanh dịch vụ 3G của Viettel. Câu lạc bộ nội dung số đã báo cáo Bộ Thông tin và truyền thông về thực trạng hợp tác không bình đẳng và việc Viettel Telecom dùng các vị thế không bình đẳng của mình để ép buộc các CP ký kết các phụ lục hợp đồng với những điều khoản bất lợi cho CP. Điều đáng nói là những phụ lục này không chỉ bất lợi cho các CP mà còn bất lợi cho khách hàng và sự phát triển của nền công nghiệp dịch vụ nội dung số. Chúng tôi rất mong muốn Bộ Thông tin và truyền thông có sự quan tâm đặc biệt, xem xét và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh kịp thời lĩnh vực kinh doanh đang phát triển rất mạnh này, nhất là khi mạng 3G đang được gấp rút triển khai. Chúng tôi xin được góp sức vào việc đóng góp ý kiến giúp cho Bộ Thông tin và truyền thông ban hành các văn bản quản lý tạo ra khung pháp lý phù hợp cho lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông để lĩnh vực này phát triển ngày càng mạnh mẽ, đem lại lợi ích cho khách hàng và sự phát triển của xã hội nói chung. - Xin cảm ơn ông. Lại Hợp Nhân thực hiện Mã: [/URL][URL]http://www.dddn.com.vn/20090703015129967cat117/viettel-don-phuong-dung-dich-vu-tren-cac-dau-so-hop-tac-kieu-doc-quyen!.htm[/URL][URL="http://www.dddn.com.vn/20090703015129967cat117/viettel-don-phuong-dung-dich-vu-tren-cac-dau-so-hop-tac-kieu-doc-quyen!.htm"]
Cho mình hỏi " dịch vụ trên các đầu số" có phải là dịch vụ 8XXX hay 6XXX gì đó ko vậy ? Nếu đúng vậy ,mình xin có chút ý kiến Thứ nhất:trong các doanh nghiệp CPs,mình thấy đa số toàn là chặt chém,giá trên trời (ví dụ cài đặt GPRS mà tốn 15k,pó tay),rồi tới mấy dịch tư vấn tình yêu,tâm lý...thì toàn là tư vấn kiểu cho có,chưa kể tin nhắn trúng thưởng (ví dụ như chương trình "Đi tìm kho báu "của VTV9-đã bị dẹp),nhạc chuông thì chất lượng thấp,thời gian ngắn mà giá 3k,5k...mình quả thật chẳng ưa tý nào,nhưng bên cạnh đó cũng có những dịch vụ rất tiện ích ,ví dụ như bạn có thể mua thẻ học anh văn ngay tại nhà,cài hình nền cho những máy ko thể kết nối với máy tính... Thứ hai:về phía Viettel,nếu biết dùng "Trung tâm nội dung của Viettel" ,thế mạnh của mình để các doanh nghiệp CPs cung cấp giá hợp lý hơn,phù hợp hơn,ra sức bảo vệ người tiêu dùng thì quá tốt rùi còn gì. Mình đồng ý với 2 bài báo trên,với cách làm đó,có thể bảo vệ được người tiêu dùng nếu "Trung tâm nội dung của Viettel" làm việc thực hiệu quả,thực sự vì khách hàng,còn nếu "trung tâm" làm ăn cà giựt,khách hàng lãnh đủ,nhưhg xét về lâu về dài,có cạnh tranh thì nội dung mới phong phú ,khách hàng mới đợi lợi nhiều nhất.Dù sao ,đó cũng là bước lùi trong cạnh tranh hiện nay.
Thị trường viễn thông di động: Ai quản, quản ai Thị trường viễn thông di động: Ai quản, quản ai Cạnh tranh trên thị trường viễn thông di động trong nước đang đến hồi gay cấn khi mới đây Viettel “tố” Mobifone cạnh tranh không lành mạnh. Trước đó, vào hồi đầu tháng 6, 3 đại gia là Viettel, MobiFone và VinaPhone cùng mở ra cuộc đua giảm giá cước thực sự gây sốc với các thuê bao. Trong hồi một của cuộc đua giảm cước giữa các mạng, Viettel chính là người mở màn bằng tuyên bố giảm cước cực sốc, lên tới 30%. Nhưng điều đáng nói là hai đại gia còn lại là MobiFone và VinaPhone đã tỏ ra cao tay khi dùng chính chiêu giảm cước để đoạt mất danh hiệu “mạng di động rẻ nhất” của Viettel. Và hồi hai của cuộc đua giữa ba đại gia này cũng bắt đầu từ chính cái sự “rẻ hơn 10 đồng/phút” này với tên gọi “Cạnh tranh không lành mạnh”. Viettel lại tuyên chiến Câu chuyện bắt đầu khi Viettel chính thức có công văn gửi Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Thanh tra Bộ Thông tin -Truyền thông tố MobiFone đã vi phạm pháp luật về thương mại, quảng cáo và cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Viettel. Cụ thể là tại một số đại lý của MobiFone ở các tỉnh như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long xuất hiện các poster quảng cáo giá cước dịch vụ mới của MobiFone. Trên những poster này có nội dung so sánh trực tiếp giá cước của MobiFone với giá cước dịch vụ của Viettel. Ngoài ra tại Hải Dương, MobiFone thực hiện bán hàng lưu động với chương trình “Đổi sim mạng khác lấy sim MobiFone có 230.000 đồng trong tài khoản”. Cụ thể khách hàng có sim của mạng khác (trong đó có Viettel), còn tài khoản dưới 15.000 đồng và còn hạn sử dụng, có thể đổi miễn phí 1 sim MobiZone của MobiFone có sẵn tài khoản 50.000 đồng, mỗi tháng tặng thêm 15.000 đồng trong 12 tháng. Công văn của Viettel cho rằng, theo Pháp lệnh Quảng cáo thì “Pháp luật nghiêm cấm doanh nghiệp quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp dịch vụ của mình với dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; lợi dụng quảng cáo để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Luật Cạnh tranh năm 2004 cũng xác định hành vi so sánh trực tiếp dịch vụ của mình với dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, Viettel đề nghị các cơ quan cần có hoạt động kiểm tra, xác định và xử lý các vi phạm nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và quyền lợi của Viettel cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác. Thêm một nước cờ sai? Có vẻ như việc thất thế trong cuộc đua giảm cước đã khiến Viettel lựa chọn một nước cờ khá mạo hiểm khi sử dụng những lý do tế nhị để tố MobiFone với một cái tội cũng khá tế nhị là cạnh tranh không lành mạnh. Và chính điều này đã khiến Viettel lâm vào tình thế “thua cơ” lần thứ hai. Bởi sự thực là gần như ngay lập tức, MobiFone đã phản pháo với việc thu thập các chứng cứ cho thấy chính Viettel cũng đã từng khá nhiều lần áp dụng những “tiểu xảo” không khác những gì mà MobiFone đã áp dụng. Cụ thể năm 2006, Viettel cũng đã từng quảng cáo so sánh giá cước ở Bắc Kạn và bị Bưu điện Bắc Kạn phản ứng mạnh mẽ. Sau đó là việc Bưu điện Bình Thuận phản ánh hiện tượng nhân viên Viettel lắp vào điện thoại của khách hàng VNPT thiết bị tự động chuyển cuộc gọi sang dịch vụ VoIP 178 của Viettel. Hay như trước đây, Viettel cũng áp dụng chiêu thức “đổi số” cho khách hàng mạng di động khác sang Viettel mà vẫn giữ nguyên số kèm khuyến mại. Điều đáng nói là những thông tin này không chỉ được xuất phát từ MobiFone, mà chính thức được đưa ra bởi một mạng khác là EVN Telecom. Một chuyên gia nhận định, trước đây, mặc dù có những phản ứng khác nhau, nhưng các doanh nghiệp viễn thông đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” và chỉ lên tiếng nhờ can thiệp chứ không “tố cáo” như Viettel vừa rồi. Thực ra, không chỉ Viettel, MobiFone mà tất cả các mạng di động khác đều có những tờ rơi, bảng biểu so sánh giá cước các dịch vụ giữa các mạng ở các cửa hàng, đại lý của mình. Đó được xem như là hình thức tư vấn, tham khảo cho khách hàng. Những tờ rơi này được phát công khai một cách không rầm rộ. Tất nhiên các đối thủ cũng biết nhưng chẳng ai buồn kiện ai vì một lẽ đơn giản là chính mình cũng làm thế. Và Viettel đã “há miệng” nhưng không tính đến “cái quai” mà mình đã mắc phải. Cái thua thứ hai của Viettel trong hồi hai này là việc họ đã vô tình quảng bá giúp MobiFone về việc mạng này có mức cước rẻ hơn Viettel tới 10 đồng/phút. Điều này có thể thấy rõ ràng khi chuyên trang Công nghệ thông tin-Viễn thông của hầu như tất cả các báo đều thông tin rất chi tiết về vụ này kèm theo chính tấm ảnh chụp Poster quảng cáo của MobiFone. Và thay vì chỉ có tác dụng quảng cáo tại một số tỉnh phía nam như: Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long... thì giờ đây đã có thêm rất, rất nhiều người biết đến việc mức cước của MobiFone rẻ hơn của Viettel. Và câu chuyện quản lý Sau một loạt các vụ tố ngược, Viettel dường như đã có biến chuyển. Thay vì yêu cầu các cơ quan chức năng “phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan có hoạt động kiểm tra, xác định và xử lý các vi phạm nêu trên kịp thời nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông và quyền lợi của Viettel cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác” như trong lá đơn gửi Cục quản lý cạnh tranh và Bộ Thông tin-Truyền thông, mạng di động này thông tin tới các báo là mới chỉ gửi công văn lên Cục Quản lý cạnh tranh và Bộ Thông tin-Truyền thông, chứ chưa gửi hồ sơ cụ thể. Trong khi đó, trao đổi với Doanh Nhân, ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước-Tiếp thị MobiFone cho biết, mạng này “không có chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc so sánh giá cước rẻ hơn Viettel và cũng rất muốn làm việc “nội bộ” với Viettel để giải quyết khúc mắc giữa hai bên trên tinh thần cầu thị”. Có thể thấy, dường như các “tiểu xảo” trong cạnh tranh đã trở thành thứ vũ khí lợi hại được các mạng di động áp dụng khá phổ biến. Câu hỏi là tại sao mọi chuyện chỉ trở nên ầm ĩ khi Viettel đứng đơn tố MobiFone? Một chuyên gia theo dõi viễn thông lâu năm nhận định, sở dĩ trước đây Viettel thực hiện các tiểu xảo nhưng không bị các doanh nghiệp “kiện” là vì đây mặc dù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông (do Bộ Thông tin-Truyền thông quản lý) nhưng lại là một tổng công ty lớn thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Chính vì thế, rất khó để có thể đảm bảo cho việc cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các nhà mạng. Hồi hai của cuộc cạnh tranh coi như đã kết thúc bởi rất nhiều người nhận định rằng, chuyện kiện cáo này rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Quá lắm thì MobiFone sẽ chịu xử phạt hành chính vì những hành vi “không phải chủ trương” của mình. Và thêm một lần nữa, chắc chắn mức phạt này cũng là quá rẻ nếu so sánh về tính hiệu quả truyền thông khi mà giờ đây ai cũng biết rằng giá cước của mạng này thấp hơn của Viettel. Còn Viettel, sau hai lần xuất quân đều để mất tiên cơ, vì thế, rất có thể sẽ còn hồi 3, hồi 4 của cuộc cạnh tranh sẽ được các nhà mạng tung ra trong thời gian tới./. Mã: www.vietnamplus.vn/Thi-truong-vien-thong-di-dong-Ai-quan-quan-ai/2901984.epi
"đây mặc dù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông (do Bộ Thông tin-Truyền thông quản lý) nhưng lại là một tổng công ty lớn thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Chính vì thế, rất khó để có thể đảm bảo cho việc cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các nhà mạng." nghe câu này em mới thấy tiền là tiên là phật là.......\m/