Không chỉ là phương tiện giao tiếp, di động ngày nay cho phép nghe nhạc, quay phim, xem video,... và được các nhà sản xuất tâng bốc như một thiết bị "all-in-one" (tất cả trong 1). Tuy nhiên, còn lâu nữa nó mới thay thế nổi các thiết bị chuyên dụng. Cho dù hiện tại các nhà cung cấp dịch vụ tải hình ảnh và âm nhạc đang gia tăng với tốc độ truy cập, giá thành và chất lượng dịch vụ cực kỳ hấp dẫn, đồng thời hết lời ca ngợi sự "đa tài" của ĐTDĐ, thực sự người tiêu dùng vẫn còn ngần ngại trước những cản trở lớn: tuổi thọ pin, kích thước máy và dung lượng bộ nhớ. Theo một nghiên cứu chi tiết của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, đến năm 2007, dịch vụ truyền hình thời gian thực tại châu Âu nhiều khả năng vẫn chỉ là một dự án. Khó khăn lớn nhất cần giải quyết thuộc về lĩnh vực kỹ thuật và chuẩn hoá thiết kế, nghiên cứu này cho biết. Chỉ riêng vấn đề tuổi thọ pin cũng đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu chế tạo khi nó phải "gánh vác" quá nhiều chức năng đều thuộc loại "ngốn" rất nhiều năng lượng là nghe nhạc MP3, xem video, gửi tin nhắn đa phương tiện, camera megapixel, chơi game, chưa kể tính năng chính là đàm thoại. Dịch vụ tải nhạc vào điện thoại di động quả là một ý tưởng tuyệt vời nhưng cũng không tránh được các nhược điểm trên. Phân nửa người dân châu Âu cho rằng kích thước của điện thoại di động là một nhân tố quan trọng để họ quyết định mua hay không bởi hiện tại, dung lượng nguồn pin vẫn còn tỷ lệ thuận với kích thước thiết bị. Dịch vụ cung cấp nhạc cho di động vẫn chưa thịnh hành và phát triển rộng rãi như với PC do cấu hình của máy chưa sẵn sàng đáp ứng. Có nhiều dịch vụ tải nhạc hay các dịch vụ đa phương tiện mới khá đa dạng xuất hiện để hỗ trợ riêng biệt cho từng dòng máy hoặc dành cho mạng 3G hầu như chỉ dựa theo ý tưởng "đón đầu" công nghệ. Rào cản thứ ba mà điện thoại di động đa phương tiện phải đối mặt chính là dung lượng bộ nhớ còn quá khiêm tốn. Trong khi đó, các thiết bị nghe nhạc cầm tay chuyên dụng hiện có bộ nhớ lên tới 40 GB hay thậm chí 60 GB như iPod Photo, dù rất mảnh mai và cực kỳ gọn nhẹ. Ngành công nghiệp ĐTDĐ cũng đang muốn chen chân vào thị trường các dịch vụ tải nhạc trực tuyến trước thành công của Apple iTunes hay Napster. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất điện thoại phải vượt qua chính mình và cải thiện được cả 3 tồn tại trên. Hơn nữa, ĐTDĐ ngày càng trở nên thông minh và mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể xem truyền hình khi đang di chuyển. Ở Mỹ, các dịch vụ như "TiVo To Go" cho phép người dùng thể tải các nội dung truyền hình đã được ghi lại từ trước vào thiết bị di động. Nhưng theo Gartner, ở châu Âu người ta lại chờ đón dịch vụ xem truyền hình "sống" trên điện thoại, tức là như xem truyền hình trực tiếp, theo thời gian thực như trên tivi. Đây vẫn còn là bài toán hóc búa chưa có lời giải dành cho hầu hết các nhà chế tạo và khai thác mạng ĐTDĐ. Hiện tại, hầu hết dịch vụ truyền hình trên điện thoại di động mới dừng lại ở hình thức tương tự như tải video clip, được nhiều nhà khai thác mạng châu Âu cung cấp, điển hình như TIM&3 ở Italy. Điện thoại di động kiêm chức năng tivi sẽ còn phải vượt qua rất nhiều rào cản để trở nên thành phổ biến và được ưa chuộng. Hiện có nhiều chuẩn truyền hình cũng như phương thức thu nhận tín hiệu truyền hình khác nhau được áp dụng vào các ĐTDĐ. Ở châu Âu, tại một số thành phố, chẳng hạn Berlin (Đức) hay Helsinki (Phần Lan) sử dụng chính các chuẩn truyền hình số mặt đất (DVB-T) để nén và phát tín hiệu truyền hình dành cho thiết bị di động được tích hợp bộ thu tín hiệu bổ sung. Hãng truyền thông Nauy cũng đưa ra một dịch vụ cho phép mọi người xem các chương trình truyền hình trên di động duy trì 24 giờ trong ngày. Dịch vụ này sử dụng công nghệ 3 GP, một trong các chuẩn truyền hình cho ĐTDĐ. Nhưng phải đến cuối năm ngoái, Viện viễn thông châu Âu (Etsi) mới thống nhân chuẩn chung chính thức dành cho việc thu phát tín hiệu truyền hình trên ĐTDĐ là "Digital Video Broadcasting Handheld" (DVB-H) áp dụng tại châu Âu. Các nhà khai thác và vận hành mạng ở khu vực này sẽ dựa trên chuẩn đó, coi nó như một hành lang chung để tiến hành cung cấp các dịch vụ quảng bá thời gian thực cho điện thoại di động. Chi phí thiết lập cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ này cũng là một khó khăn lớn mà họ phải vượt qua. Việc đưa ra một chuẩn chung các dòng điện thoại truyền hình là rất cần thiết. Đặc biệt là sản phẩm loại này đang trở thành xu hướng phổ biến. Hiện nay, các hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu đang rất quan tâm đến việc tích hợp tính năng này vào các sản phẩm mới như Nokia 7710, Samsung SCH B100, LG LT1000... Đặc biệt là Siemens đã đưa tính năng thu tín hiệu truyền hình số theo chuẩn mới DVB-H vào sản phẩm mới của mình. DVB-H có thể sẽ trở thành chuẩn chung cho sản phẩm này trên phạm vi toàn thế giới. Theo các nhà phân tích, dịch vụ truyền hình trên di động sẽ phải dần tới chất lượng truyền hình thời gian thực cũng như tiến tới các thế hệ truyền hình số với chất lượng hình ảnh phải thật tốt mà giá cước phải thật rẻ. Trong vài năm gần đây, một tính năng "nóng" của ĐTDĐ là phải tích hợp camera. Ban đầu là những camera tầm vài trăm nghìn điểm ảnh, dẫn đến hình ảnh tạo ra thường nhoè, "rỗ" lốm đốm, còn video clip thì chưa có tiếng kèm theo và thời lượng ghi hình cũng rất ngắn. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng đây vẫn là một tính năng "ăn khách" được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng. Các nhà sản xuất hiển nhiên nắm bắt được xu thế này nên hầu hết các dòng sản phẩm về sau này đều được trang bị camera với độ phân giải ngày càng được cải thiện lên tới vài triệu điểm ảnh, có tính năng zoom ảnh, chất lượng theo như quảng cáo của các nhà sản xuất thì đã đạt đến "độ lý tưởng" VGA, QVGA hay XGA. Điển hình như thời điểm cuối năm ngoái, Samsung đã ra mắt máy điện thoại gắn camera CCD 5 Megapixel với màn hình TFT-LCD 2", chất lượng QVGA với 16 triệu màu, cho chất lượng ảnh khá tốt và thời lượng quay video lên tới 100 phút. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng bức ảnh và thời lượng video clip "còn khuya" mới làm các hãng chuyên sản xuất camera lo sợ do di động còn phải đối đầu với 2 "ác mộng": nguồn pin và bộ nhớ quá "nghèo". Đồng thời, ĐTDĐ chưa đủ khả năng tạo ra các bức ảnh với độ trung thực và độ nét đạt yêu cầu, không kể đến việc bị gò bó theo phương châm "thiết kế nhỏ gọn". Không chỉ trong các ĐTDĐ chuyên dụng mới "đa tài", nhiều dòng điện thoại thông minh (PDA) từ các hãng nổi tiếng như O2, Nokia 6600, SonyEricsson P900 và Orange E200, ngoài chức năng chính là đàm thoại và một PC đơn giản, chúng cũng được trang bị các tính năng tiên tiến như truy cập web, tin nhắn văn bản, tin nhắn đa phương tiện, e-mail, lịch vạn niên, chơi game, chụp ảnh và nhiều tính năng đa phương tiện khác. Các tính năng này dần trở thành phổ biến và được coi như "hiển nhiên" phải có. Tuy nhiên, để vươn tới sự hoàn thiện đúng nghĩa của từ "tất cả trong một" cho ĐTDĐ hay PDA, các nhà sản xuất và cung cấp mạng sẽ còn phải cố gắng rất nhiều. Theo Sohoa