Game ĐTDĐ đang 'dậy thì' Hiện đã có 7 đơn vị công bố tham gia thị trường game cho di động với mức giá khoảng 4.000-15.000 đồng/game. Giá này là không quá cao nếu so với những trò chơi có bản quyền (20-30 USD/game). Những tiến bộ không ngừng về công nghệ và nhu cầu của thị trường đã biến điện thoại di động ngày nay thành những "dòng lai" đầy ưu thế với những sản phẩm đang thực sự lớn mạnh và trưởng thành như điện thoại - PDA (thiết bị trợ giúp cá nhân số), điện thoại máy ảnh , điện thoại nghe nhạc/xem phim... Trong khi đó, một dòng lai khác, dù đã ra đời từ lâu nhưng vẫn loay hoay chưa... "dậy thì”, đó là điện thoại chơi game. Tuy nhiên, những người hâm mộ game di động toàn cầu cũng như tại Việt Nam đang chứng kiến những tín hiệu lạc quan của sự phát triển này trong tương lai. Lớn bé đều vào cuộc Chơi game trên điện thoại di động. Ảnh: BBC. Mới nhất là thông tin Sony Ericsson có vẻ như đang ấp ủ việc cho ra đời một sản phẩm lai giữa dòng máy chơi game console cực kỳ đình đám PlayStation của họ với điện thoại di động vào đầu tháng 9/2006. Trước đó Samsung cũng đã có ý định "lật đổ” ngôi số một của Nokia N-Gage, bằng việc cho ra đời chiếc SPH-B3200, được trang 5 phím chuyên dụng để giải trí với game và Bluetooth cho phép người chơi game đấu với nhiều người. Lùi xa một chút về quá khứ, sau khi chỉ bán được 2 triệu sản phẩn N-Gage QD so với dự kiến 6 triệu máy trong vòng 3 năm, cuối năm 2005, Nokia đã công bố kế hoạch chỉ sản xuất với số lượng cực kỳ hạn chế để phục vụ hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, ngay lập tức sau đó nhà sản xuất này đã công bố việc họ sẽ tích hợp chương trình chơi game của N-Gage vào các model điện thoại thông minh. Tại Việt Nam, nếu trước đây chưa đầy 1 năm đa số người chơi game được nhà sản xuất tích hợp sẵn trong điện thoại hoặc "bẻ khoá” thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã có đến 7 đơn vị công bố tham gia thị trường game cho di động, gồm: FPT SMS, Vinaphone, Handy Play Game, Mbox, Fun Mobile, FMB và MSS. Điều khá lạc quan là đa số họ đang cung cấp trò chơi có bản quyền và với mức giá khoảng 4.000-15.000 đồng, không quá cao nếu so với việc người dùng phải trả khoảng 20-30 USD/game có bản quyền, như của N-Gage chẳng hạn. N-Gage, điện thoại chơi game chuyên nghiệp duy nhất hiện nay. Ảnh: Nokia. Một trong những nguyên nhân làm hạn chế việc cung cấp game điện thoại, đặc biệt là các game có bản quyền tại Việt Nam là cách thức tải. Hiện giờ, phương pháp dễ nhất là thông qua dịch vụ GPRS, đa số các nhà cung cấp game điện thoại đều thực hiện theo hình thức: người dùng gửi tin nhắn SMS theo nội dung yêu cầu, sau đó nhà cung cấp sẽ gửi lại game qua đường truyền GPRS và tính tiền bằng cách trừ vào tài khoản di động của người dùng. Trước đây chỉ có hai nhà khai thác dịch vụ điện thoại là Vinaphone và MobiFone cung cấp dịch vụ GPRS thì đến cuối tháng 8 vừa qua Viettel cũng đã tham gia vào thị trường này. Sự tham gia của nhà khai thác đứng thứ 3 về số lượng thuê bao dịch vụ điện thoại tại Việt Nam cũng đã giúp nhiều người sử dụng có điều kiện chơi game có bản quyền. Ngoài ra, trong thời gian qua, tại Việt Nam cũng đã có nhiều sự kiện nhằm khuếch trương cho game trên điện thoại được dư luận quan tâm như cuộc thi "Vietnam Mobile Game", hay các cuộc thi chơi game trên điện thoại N-Gage... Trở ngại nhiều, tiềm năng lớn Chơi game trên N-Gage. Ảnh: BBC. Một thiết bị cần phải nhỏ gọn để tăng tính di động nhưng lại cần phải to để dễ thao tác và quan sát trên màn hình chính là mong muốn của người sử dụng điện thoại – chơi game. Đây là nhiệm vụ bất khả thi đối với các nhà sản xuất và trên thực tế họ vẫn chưa tìm ra lối thoát cho vấn đề này. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho điện thoại chơi game chưa thực sự phát triển như mong muốn. Trong khi đó tại Việt Nam, như trên đã nói, đa phần việc cung cấp game di động có bản quyền đều thông qua dịch vụ GPRS của các nhà khai thác dịch vụ, dù GPRS không phải là nền tảng hoàn hảo cho các nhà cung cấp game điện thoại "bán hàng" cho người dùng. Mặt khác, GPRS tại Việt Nam cũng chưa được cung cấp một cách toàn diện tại các địa phương. Trong nước cũng đang có một số lượng không nhỏ người dùng điện thoại chuẩn CDMA, nhưng "Việc triển khai phân phối game điện thoại trên nền CDMA còn mới mẻ bởi ngay cả đối với mạng CDMA thì đa số người dùng chỉ sở hữu các dòng máy vừa và thấp (mid-end, low-end), tính năng chỉ ở mức cơ bản. Mặt khác phần lớn các thiết bị đầu cuối trong mạng CDMA dùng công nghệ BREW, không hỗ trợ Java trong khi Mobile Game mà các công ty đang phân phối chủ yếu là Java Game. Theo thống kê của FPT SMS thì 99% game di động trên thị trường Việt Nam hiện nay là không có bản quyền, được cung cấp đa phần bởi các cửa hàng kinh doanh điện thoại. Đó là chưa kể đến việc dù có số lượng thuê bao di động lớn nhưng rất nhiều người dùng chỉ sở hữu các model cấp thấp, nên không thể hoặc không thuận tiện cho việc tải cũng như chơi game... Rào cản công nghệ có thể được khắc phục, và có một điều dễ dành nhận thấy là Việt Nam có thể là "mỏ” cho thị trường game di động - với hơn 11 triệu thuê bao điện thoại và tốc độ tăng trưởng đang đạt mức khá cao. Đây thực sự đây là một mảnh đất màu mỡ không chỉ cho các nhà cung cấp game nói riêng mà còn cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung nói chung. Điểm đáng ghi nhận là các nhà cung cấp trò chơi cho điện thoại đang cố gắng thu hút khách hàng bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có việc cung cấp ngày càng nhiều trò có nội dung hấp dẫn với hình ảnh đẹp và âm thanh chất lượng cao... (Theo Thế Giới Vi Tính)