Với sự tham gia của Viettel, ETC và chiến lược ồ ạt giảm cước của VNPT, thị trường viễn thông hứa hẹn một cuộc chạy đua quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu từ ngày 1/8. Ngày 19-7-2004 vừa qua Tổng công ty Bưu chính viễn thông VN (VNPT) đã đưa ra 4 quyết định, theo đó điều chỉnh từ 1/8 sẽ có một loạt mức giá cước mới. Theo quyết định của VNPT, đối với dịch vụ di động trả tiền sau của hai mạng Vinaphone và Mobifone, giá cước hoà mạng đã giảm xuống 181.818 đồng/thuê bao/lần, cước thuê bao là 72.727 đồng/tháng, giảm 20.000 đồng so với mức cũ và cước thông tin gọi trong nước là 773 đồng/block 30 giây. (Chưa bao gồm thuế VAT) Đồng thời, VNPT cũng công bố 5 gói giá cước trả sau khá hấp dẫn. Gói cước G200SMS giá 227.273 đồng/tháng gọi được 200 block 30 giây và 25 tin nhắn miễn phí. Gói G300SMS có giá 304.545 đồng/tháng với 60 tin nhắn miễn phí và 300 block 30 giây. Gói G400SMS là 381.818 đồng/tháng với 100 tin nhắn miễn phí và 400 block 30 giây. Gói G500SMS và gói G600SMS có giá 459.091 đồng và 536.364 đồng/tháng. Thời gian gọi tương ứng là 500 và 600 block 30 giây cùng với 150 và 200 tin nhắn miễn phí. Khi sử dụng hết số block 30 giây và SMS miễn phí nếu thuê bao tiếp tục sử dụng dịch vụ thì tính cước như cách thông thường. Đối với dịch vụ di động trả tiền trước, cước thông tin cuộc gọi trong nước của Mobifone và Vinaphone sẽ là 1.273 đồng/block 30 giây. Và loại di động trả tiền trước thuê bao theo ngày có mức cước là 864 đồng/block 30 giây và 1.818 đồng/ngày thuê bao. VNPT cũng ban hành bảng mệnh giá thẻ mới cho loại di động GSM trả trước từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/thẻ. Đồng thời, VNPT điều chỉnh thời hạn thẻ SMS trả trước mệnh giá 100.000 đồng cho thông tin di động GSM lên mức 80 ngày. Tất cả các quy định này đều có hiệu lực từ ngày 1-8-2004. Cùng ngày, VNPT đã có văn bản gửi các công ty viễn thông, bưu điện các tỉnh… hướng dẫn việc thực hiện cước dịch vụ di động theo điều chỉnh nói trên. Công ty Thông tin viễn thông điện lực (ETC) cũng vừa trình Bộ Bưu chính Viễn thông bảng giá cước điện thoại cố định không dây (WLL) áp dụng từ tháng 8. Với công nghệ CDMA, ETC hy vọng sẽ chiếm được một lượng lớn khách của mạng di động 095 do S-Fone đang nắm giữ. Theo phương án mà ETC trình Bộ, cước liên lạc nội vùng sẽ có mức cao nhất là 700 đồng/phút. Ngoài ra, cước liên vùng ETC dự kiến sẽ chia thành 3: Vùng 1 gồm 537 cặp tỉnh với mức cước 909 đồng/phút. Vùng 2 với 539 cặp tỉnh, cước là 1.636 đồng/phút, vùng 3 gồm 750 cặp tỉnh với mức cước tương ứng là 2.273 đồng/phút. Riêng vùng đặc biệt gồm 4 tuyến liên lạc Hà Nội - Hà Tây, Thái Bình - Nam Định, Bắc Ninh - Bắc Giang, Tiền Giang - Bến Tre và ngược lại, cước sẽ áp dụng mức cước chung là 636 đồng/phút (các mức cước này chưa bao gồm VAT). Hiện nay, dịch vụ WLL đã được thử nghiệm tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, TP HCM và Đồng Nai. Nếu được Bộ Bưu chính Viễn thông chấp nhận, ETC dự kiến sẽ triển khai dịch vụ WLL trên phạm vi toàn quốc. Và như tin đã đưa, Viettel sẽ tính cước di động mạng 098 theo block 6 giây. Đây là mức tính cước theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng trên thế giới, và được coi là có lợi nhất cho khách hàng. Mức cước tin nhắn tối đa mà Viettel đề nghị là 400 đồng/tin nhắn, tương đương vớI mức của S-Fone, nhưng S-Fone đang tính cước theo block 10 giây. Ngoài ra, Viettel cũng dự kiến một số gói cước dành cho các khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau với mức cước giảm khoảng 15% so với mức cước thông thường; đặc biệt Viettel còn có gói cước dành cho người có thu nhập thấp với 60.000 đồng/tháng. Việc hạ giá cước lần này của VNPT không khác nào một lời "thách chiến" trong cuộc đua hạ giá cước mà chắc chắn, không doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh được với VNPT. Ngay sau quyết định của VNPT, cả Viettel và S-Fone đều bày tỏ sự lo ngại và cho rằng VNPT “cạnh tranh không lành mạnh”. Một đại diện của S-Fone nói: "Chúng tôi đã quá mệt mỏi khi cứ phải chạy đua với các đối thủ khác".