Giảm dần xe máy, áp chỉ tiêu tăng ôtô tại Hà Nội

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi vutokha, 6 Tháng một 2007.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. vutokha Thành viên

    Đó là kiến nghị của Công an thành phố và Sở GTCC Hà Nội tới UBND thành phố HN. Chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Triệu đã tán thành phần lớn 19 giải pháp chống ùn tắc giao thông mà hai cơ quan trình bày.
    >Đề xuất cấm xe máy trên một số tuyến đường
    >Giải pháp giao thông ở HN gây tranh cãi
    Tại Hội nghị đảm bảo trật tự an toàn giao thông sáng nay, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, cho biết, xe gắn máy năm 2006 tăng ở mức cao, với hơn 58.000 xe, tăng 74% so với năm trước. Tổng số phương tiện hiện đang hoạt động trên địa bàn đã là hơn 175.000 ôtô và 1,76 triệu xe máy. Do vậy, biện pháp mà Công an thành phố đưa ra để hạn chế tăng xe gắn máy là quy định lại mức lệ phí đăng ký xe, lệ phí trước bạ khi đăng ký xe lần 1,2,3...
    "Vì cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được quá trình phát triển nên khuyến khích người dân không mua xe. Các quy định này sẽ xóa bỏ tình trạng đăng ký xe tràn lan, thực tế đã có người đã đứng tên tới 70 chiếc môtô", ông Đào Công Hải, Trưởng phòng cảnh sát giao thông, nói.
    Một biện pháp khác là hạn chế xe máy hoạt động vào giờ cao điểm. Cụ thể, tuyến đường mà xe buýt hoạt động nhiều như đường Thăng Long Nội Bài, đường 1B thì không cho xe máy hoạt động vào một số giờ.
    Liên ngành còn đề xuất, thành phố có quy định chỉ tiêu phát triển ôtô. Khi chủ xe có nhu cầu phải đăng ký theo chỉ tiêu của thành phố và phải có nơi đỗ xe thường xuyên, cố định, không được đỗ trên lòng đường.
    [​IMG]Hà Nội sẽ dần hạn chế xe cá nhân. Ảnh: Hoàng Hà.Dưới góc nhìn của người quản lý ngành giao thông, ông Trần Danh Lợi, Phó Giám đốc Sở GTCC thành phố, tỏ ý đồng tình việc ít ưu tiên cho ôtô, xe máy để giảm lượng xe cá nhân đang tăng lên hiện nay, đối với ôtô tải trên 10 tấn vào thành phố sẽ phải thu tiền. "Tại Trung Quốc, nhiều thành phố đã giảm xe máy, ôtô được đấu thầu lưu hành", ông Lợi nói.
    Tuy nhiên, một số chuyên gia giao thông chưa hoàn toàn đồng tình với biện pháp trên. GS Nguyễn Xuân Đào, Chủ tịch Hội nghiên cứu GTVT VN, cho rằng, về chủ trương lâu dài thì đúng song nếu áp dụng ngay thì chưa thể được. Bởi giao thông công cộng ở Hà Nội chưa đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. "Ở Singapore, tôi thấy áp dụng phiếu xếp hàng đăng ký ôtô song bởi họ đã phát triển mạnh phương tiện công cộng như tàu điện, xe buýt", ông Đào nói.
    Tai nạn trong nội thành nhiều hơn ngoại thành
    Phòng cảnh sát giao thông cho biết, tai nạn giao thông ở Hà Nội năm qua có giảm đôi chút, xảy ra 998 vụ, làm 500 người chết, 730 người bị thương (giảm 15% số vụ, 6% số người chết, 17% người bị thương so với năm trước).
    Đặc biệt, số vụ liên quan đến bộ hành chiếm 15%, lứa tuổi từ 18 đến 25 gây tai nạn chiếm 38%. Tỷ lệ tai nạn ở nội thành chiếm tới 52%(trước đây, nội thành thường thấp hơn 15-20%).
    "Có tình trạng người dân sợ công an hơn sợ Luật Giao thông, người ta biết Luật song không chấp hành, cho thấy họ không có ý thức giao thông", ông Hải nhận xét. Theo Trưởng phòng cảnh sát giao thông, một hướng khác là tăng mức phạt cao hơn Nghị định 152 để răn đe.
    Trước tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, ông Hải cho rằng, các trường THPT xử lý triệt để những trường hợp học sinh đi xe máy đến trường, chứ không chỉ giao cho cảnh sát giao thông. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng này.
    Đặc biệt, ông Hải cho rằng UBND thành phố nên báo cáo Chính phủ bố trí lệch giờ làm việc của các cơ quan Trung ương và Hà Nội đóng trên địa bàn. Đề xuất điều chỉnh lệch giờ làm việc giữa các cơ quan, trường học từ 60 phút trở lên. Cụ thể các cơ quan trung ương, trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp, THPT làm việc từ 7h30 đến 4h30; các cơ quan thành phố làm việc từ 8h30 đến 5h30, trừ các trường tiểu học và trung học cơ sở. Hiện địa bàn thành phố có hơn 404.000 sinh viên và học sinh các cấp.
    Vấn đề an toàn giao thông quá bức xúc nên các nhà quản lý đề xuất nên thành lập hẳn một Viện nghiên cứu về tổ chức giao thông, nhằm đưa ra những giải pháp tốt nhất... Đặc biệt, ông Nguyễn Danh Lợi đề xuất cần lắp đặt hệ thống camera tự động đặt ở các ngã tư, ngã ba để ghi lại hình ảnh những xe vi phạm giao thông theo đó tiến hành xử phạt tận nơi.
    Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu tỏ ý tán thành các nhóm giải pháp của Liên ngành Công an và GTCC, song yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu cho thấu đáo.
    "Thời gian qua thí điểm ngừng đăng ký xe đã không hiệu quả, bị quốc hội phản đối. Do vậy, không được cấm, chỉ được điều chỉnh. Hạn chế cái này thì phải phát triển cái kia", ông Triệu nói. Hướng điều chỉnh giờ làm việc được giao cho Sở Lao động thương binh xã hội nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng.
    Ông Triệu yêu cầu ngành giao thông thực hiện ngay một số quy hoạch, tăng cường diện tích giao thông động, tĩnh cho phương tiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ các dự án xe điện Nhổn - ga Hà Nội, xe điện Hà Nội - Hà Đông, xe buýt nhanh BRT...
    Bên cạnh đó, đơn vị chức năng phải tăng cường giải tỏa vỉa hè để lấy chỗ cho người đi bộ. "Tôi đi kiểm tra ông giáo sư Mỹ bị tai nạn, thấy vỉa hè bị chiếm dụng hết, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, rất dễ bị tai nạn", Chủ tịch thành phố nhận xét.
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.