gMO và những khó khăn của nhà phát hành

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi appinside, 11 Tháng ba 2014.

  1. appinside Thành viên

    gMO (game mobile online) luôn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng với việc dùng điện thoại và các thiết bị di động của người Việt như là vật bất ly thân. Chưa đề cập đến việc phát triển game mobile thuần Việt, chỉ tính riêng việc mua game mobile về phát hành tại Việt Nam thì phân khúc game mobile đã khá “khó nhằn” bởi rất nhiều yếu tố.

    Chọn lựa phân khúc nền tảng di động

    Tất nhiên gMO không phải chỉ dành riêng cho điện thoại mà chung cho các thiết bị di động. Do đó, vấn đề ở đây là game phải lựa chọn các phân khúc nền tảng để tập trung. Hiện tại ở Việt Nam, do Window Phone còn mới, cộng đồng Symbian lại thường tập trung vào các yếu tố tiện ích hơn giải trí (nhưng cũng hứa hẹn sẽ được các NPH quan tâm hơn trong thời gian tới) nên iOS-Android và Java là 3 nền tảng được các NPH gMO tập trung nhiều nhất.

    [​IMG]

    Đa phần các gMO được mua về khá đa năng khi cho phép game thủ có thể tải và chơi được game trên nhiều hệ điều hành (như Ải mỹ nhân mobile online). Đây là một hướng đi hơi thực dụng và chưa hiệu quả.

    Song hành cùng sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của các dòng smartphone, nhiều NPH, nhà phân phối game mobile muốn đón đầu xu hướng bằng việc phát hành gMO chỉ tập trung vào iOS (như Tình Kiếm của Soha Game) hoặc Android (như Chiến Binh Tí Hon). Những game này đương nhiên được sự hậu thuẫn của smartphone nên về mặt đồ họa sẽ cao hơn hẳn. Được cái nọ thì mất cái kia, những game dạng này lại thường kém “đông khách” so với các gMO đa nền khác.

    Bài toán làm sao để vừa đông khách, vừa sở hữu game chất lượng cao lúc này lại đè nặng lên yếu tố kinh tế. Tốn tiền mua gMO đa nền xịn thì sẽ xoay sở việc bù vốn, thu lời bằng “hút máu”.

    Duy trì sự phát triển

    Sau khi đã lựa chọn giữa đa nền hoặc chú trọng riêng 1 nền tảng di động thì vấn đề duy trì tựa gMO cũng muôn vàn khó khăn. Webgame hay game client thường ít trục trặc khi hệ điều hành hoặc trình duyệt được nâng cấp. gMO lại không được may mắn như vậy. Áp lực nâng cấp hệ điều hành và hệ máy ảnh hưởng không nhỏ tới đội ngũ phát hành game. Tiêu biểu như hàng loạt game chạy trên hệ điều hành iOS 5 không thể chạy khi iOS 6 ra đời hoặc game đa nền chạy ngon trên Samsung thì chưa chắc đã mướt mượt trên HTC.

    Muốn vận hành trơn tru thì các NPH Việt lại phải phụ thuộc vào đối tác TQ – đơn vị này còn dành nguồn lực để phát triển những tính năng mới cho game. gMO lại kén lập trình viên hơn webgame hay game client nên việc xử lý trục trặc hay lỗi còn tốn thời gian hơn khá nhiều. Đến với gMO với mục đích giải trí tiện dụng mọi nơi mọi lúc để bù cho hạn chế về mặt hiển thị nhưng nếu thành “bực mọi nơi mọi lúc” thì sự gắn bó với game của game thủ cũng nhạt dần.

    Khó nhưng không phải không thể

    Game online nói chung và game mobile online nói riêng luôn được coi là mảnh đất màu mỡ với các nhà phát hành game Việt. Đơn vị nhỏ thì hợp tác, đơn vị lớn thì độc lập vận hành, nhiều công ty tuyển lập trình viên game mobile, thị trường luôn sốt thông tin bởi báo mạng, trang tin coi đây là xu hướng... Nhưng chỉ nhìn lại những tựa gMO đã có trên thị trường, “vắng khách” vẫn luôn là tình trạng dễ thấy nhất dù cho game có PR như thế nào.

    Trên đây chỉ là 2 trong vô vàn những khó khăn mà các đơn vị vận hành gMO phải đối đầu: nghèo ý tưởng, khó khăn về công nghệ, nhân lực, tiềm lực, xung đột lợi nhuận hay trục trặc phân phối... Tuy có khó nhưng không phải không thể, thành công chỉ đến với những ai dám đương đầu với thử thách và game thủ Việt sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc quyết định yếu tố thành công của thị trường gMO hiện nay.

    -Sưu tầm-