Hàng lậu, hàng nhái tràn lan

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi Lightblue, 26 Tháng sáu 2007.

  1. Lightblue Amie

    Hàng lậu, hàng nhái tràn lan

    Điện thoại di động (ĐTDĐ) và linh kiện, thiết bị thay thế nhập lậu là những mặt hàng mang lại lợi nhuận kếch sù cho các đầu nậu và công ty kinh doanh mặt hàng viễn thông này.


    Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, trong tổng số 1 triệu ĐTDĐ tiêu thụ trên thị trường thì 70% là hàng nhập lậu trốn thuế và hàng nhái...

    Tại một cửa hàng ĐTDĐ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 (TP.HCM), chúng tôi hỏi mua một chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia N73 “hàng công ty” (hàng nhập khẩu hợp pháp). Chủ cửa hàng liền “tư vấn”: “Mua hàng xách tay (hàng lậu) xài cho rẻ đi anh. Bảo đảm hàng chính hãng có đầy đủ phụ kiện, giá 5,3 triệu (“hàng công ty” giá 6,4 triệu đồng)”.

    Hỏi giá chiếc Nokia 8800 Sirocco Gold, chủ cửa hàng cho biết “hàng công ty” giá 20,2 triệu, trong khi đó hàng xách tay chỉ 18,5 triệu. Chúng tôi băn khoăn tại sao cùng là hàng chính hãng mà chênh lệch dữ vậy, chủ cửa hàng không cần giấu giếm: “Hàng xách tay về trốn thuế phải rẻ hơn hàng nhập khẩu chứ”.

    Hàng lậu nhan nhản

    Ghé vào hàng chục cửa hàng ĐTDĐ nằm san sát trên đường Hùng Vương (Q.5) hỏi hàng xách tay từ đời mới đến hàng “ve chai” đều được đáp ứng với giá khá hấp dẫn. Một chủ cửa hàng sau khi nghe chúng tôi hỏi mua cái Nokia 8800 Sirocco liền chào hàng xách tay giá 13,5 triệu (“hàng công ty” gần 15 triệu). Chúng tôi nói cần kiểm tra hàng trước khi mua, chủ cửa hàng nhấc máy “đem hai con 8800 Sirocco qua cho anh Tùng gấp”. Không đầy 5 phút sau, một thanh niên cưỡi xe máy tới móc trong giỏ xách hai hộp điện thoại mới cứng đặt lên bàn. Anh bạn cùng đi (trước đây làm nghề buôn bán ĐTDĐ) sau khi săm soi từng chi tiết, phụ kiện theo máy liền gật gù “đúng hàng chính hãng Nokia, mới 100%”.

    Tại các cửa hàng ĐTDĐ trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), Ba Tháng Hai (Q.10), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3), Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận)... hầu hết chỉ trưng bày hàng cũ, hàng mô hình để trang trí nhưng khi khách hàng hỏi mua máy mới (hàng xách tay và “hàng công ty”) thì chỉ cần 5-10 phút là có ngay. Các chủ cửa hàng cho biết chỉ làm trung gian cho các “ông trùm” phân phối ĐTDĐ.

    Khi khách có nhu cầu, họ gọi điện thoại cho đầu mối mang tới để hưởng phần trăm tiền hoa hồng. Các cửa hàng nhỏ lẻ không đăng ký doanh nghiệp tư nhân nên chỉ đóng thuế khoán như những người bán hàng ngoài chợ và cũng chẳng có ai lập sổ sách kế toán. Vì thế hàng bán ra không bao giờ xuất hóa đơn cho khách.

    Thâm nhập các “đại bản doanh” linh kiện lậu

    Ngoài mặt hàng ĐTDĐ lậu, một số đầu nậu làm giàu nhờ kinh doanh linh kiện, thiết bị thay thế nhập lậu (hàng Trung Quốc) và hàng nhái. Theo tìm hiểu của chúng tôi, “trùm” phân phối thiết bị sửa chữa linh kiện, phụ kiện thay thế ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam là vợ chồng ông X.A. (Q.3). Cặp vợ chồng này có ba điểm phân phối bề thế (vừa là nhà riêng, kho hàng) nằm trên đường Hùng Vương (Q.5) và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3).

    Ông X.A. trực tiếp sang tận Trung Quốc gom linh kiện ĐTDĐ kém chất lượng, hàng nhái (mỗi đợt hàng chục tấn) về phân phối cho mạng lưới các đại lý bán lẻ và các điểm sửa chữa. Trong khi đó, chiếm lĩnh thị trường linh kiện ĐTDĐ ở khu vực Q.10, Q.11, Tân Bình, Gò Vấp... là ba “đại gia” K.A., Q.A. và T.T. (đều nằm trên đường Ba Tháng Hai, Q.10). Tại khu vực Q.5, cửa hàng ĐP (Hùng Vương, Q.5) chi phối toàn bộ các mặt hàng linh kiện thay thế ĐTDĐ ở Q.1, Q.5...

    Sáng 20-6, chúng tôi đến cửa hàng KA (đường Ba Tháng Hai, P.12, Q.10) chuyên cung cấp sỉ và lẻ linh kiện ĐTDĐ. Tại đây bày bán la liệt các thiết bị, linh kiện thay thế: màn hình, IC nguồn, CPU, loa, micro, rung, chấu sạc pin, bo mạch, camera, bàn phím, vỏ... của các dòng máy Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson... Khách hàng chủ yếu là các cửa hàng sửa chữa điện thoại ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chúng tôi thấy nhiều khách hàng “ruột” vào tận kho (trên gác) chọn hàng, sau đó vác từng thùng linh kiện ra xe. Hầu hết linh kiện thay thế được bày bán ở đây là hàng nhái, hàng giả có xuất xứ Trung Quốc không hề có hóa đơn chứng từ.

    Tại cửa hàng kinh doanh linh kiện ĐTDĐ ĐP (Hùng Vương, Q.5), khi nghe chúng tôi đặt vấn đề cần mua hàng với số lượng lớn đi các tỉnh tiêu thụ, ông T. chủ cửa hàng vui vẻ “sẵn sàng cung cấp bất cứ thứ gì với giá sỉ”. Chúng tôi hỏi hàng này xuất xứ ở đâu, ông T. không giấu giếm: “Hàng nhái của Trung Quốc, Malaysia đó mà”. Chúng tôi nói cần hàng xịn, giá bao nhiêu cũng được, ông T. ghé tai: “Làm gì có. Ông cứ mua hàng nhái về “thuốc” (lừa) khách hàng, kêu giá hàng xịn ai mà biết”. Hỏi có hóa đơn đỏ không, ông T. lắc đầu.

    Trưa 20-6, chúng tôi tìm đến điểm phân phối linh kiện ĐTDĐ của “trùm” X.A. nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3). Căn nhà hai tầng lầu nằm khuất trong con hẻm nhỏ tấp nập người xe vào lấy hàng. H., người quản lý ở đây, cho biết hầu hết linh kiện mua từ Trung Quốc về bán sỉ cho các cửa hàng sửa chữa hoặc các đại lý cấp 2. Theo tài liệu của Công an Q.3 (TP.HCM), đây là một trong những “đại bản doanh” phân phối độc quyền các linh kiện, thiết bị ĐTDĐ giả, kém chất lượng cho thị thường các tỉnh phía Nam hoạt động công khai từ chục năm nay.

    Đường đi của hàng lậu

    ĐTDĐ nhập lậu vào VN chủ yếu qua cửa khẩu biên giới Campuchia và đường hàng không. Hàng từ Campuchia về theo hai nhánh. Nhánh thứ nhất, đầu nậu người Campuchia trực tiếp mang hàng qua bỏ mối cho các đại lý cấp 1 ở TP.HCM. Nhánh thứ hai, các đầu nậu VN qua Campuchia thu gom hàng trôi nổi về bỏ mối cho các cửa hàng. Ngoài ra, cung cấp cho thị trường ĐTDĐ lậu là nguồn hàng “bất tận” được tuồn về VN bằng đường hàng không.

    Hàng lậu sau khi tuồn về VN sẽ được các đầu nậu phân phối cho các đại lý cấp 1 và hệ thống các công ty, cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Một số công ty, cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ đã “phù phép” bằng cách dán lên chiếc ĐTDĐ nhập lậu con tem “chính hãng” (được các hãng sản xuất ủy quyền) và thế là trở thành “hàng công ty” được bán với giá “công ty” (chênh lệch 2-3 triệu đồng so với giá hàng xách tay). Như vậy, từ sản phẩm nhập lậu, các công ty, cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ vừa trốn được hai khoản thuế (thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng) vừa móc túi khách hàng một khoản tiền lớn.

    Ngoài buôn bán ĐTDĐ nhập lậu, một số công ty, cửa hàng bán lẻ làm giàu nhờ các dịch vụ sửa chữa, thay thế linh kiện, thiết bị... Như đã biết, phần lớn thiết bị, linh kiện, phụ kiện ĐTDĐ là hàng nhập lậu (hàng Trung Quốc). Khách hàng mua sản phẩm các công ty (tạm gọi hàng chính hãng) bị hư hỏng, trục trặc đưa tới các trung tâm bảo hành để sửa chữa.

    Các công ty này sẽ mang đến các điểm sửa chữa HN, HQ (Q.10)... để thay thế thiết bị (hàng nhái giá rẻ), sau đó dán tem bảo hành của công ty để “chém” khách hàng với giá trên trời. Ví dụ màn hình máy Nokia N73 hàng nhái có giá 100.000 đồng nhưng khi đưa vào công ty để thay sẽ được tính với giá 500.000 đồng. Sáng 20-6, chúng tôi vào một điểm bán ĐTDĐ chính hãng trên đường Ba Tháng Hai hỏi mua cục pin máy Nokia 6300 được chào giá 750.000 đồng. Trong khi đó, giá bán cục pin tương tự tại cửa hàng KA chỉ 120.000 đồng.

    Hàng lậu vẫn có... tem

    Một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết tình trạng kinh doanh gian lận kiểu bán hàng xách tay với giá “hàng công ty” rất phổ biến. Trong khi đó, người tiêu dùng không hề phân biệt được đâu là “hàng công ty” và đâu là hàng xách tay (mặc dù chất lượng ngang nhau). Tâm lý khách hàng cứ thấy con tem “chính hãng” là yên tâm móc hầu bao mà không biết rằng mình vừa mua một sản phẩm nhập lậu với giá đã được tính thuế. Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an, hiện đang xuất hiện tình trạng các công ty tuồn tem ra ngoài bán cho các cửa hàng dán lên hàng xách tay để lừa khách hàng.

    [​IMG]