Bàn chải 'phù phép' đồ vật thành tàng hình Những cây kim nhỏ gắn vào một thiết bị giống bàn chải, trong một thiết bị về lý thuyết có thể tàng hình. Ảnh: Stockphoto. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Purdue (Mỹ) đã thiết kế một thiết bị giống như bàn chải, cho phép một ngày nào đó khiến các vật to lớn như máy bay trở nên biến mất dưới ánh sáng. Trước kia, nhiều nhà nghiên cứu khác đã cố gắng để tàng hình đồ vật trong vùng ánh sáng microwave (sóng ngắn) - tức là bước sóng lớn hơn nhiều so với ánh sáng nhìn thấy. Tuy nhiên, đây là thiết kế đầu tiên có thể làm "biến mất" đồ vật ở mọi kích cỡ, trong khoảng ánh sáng nhìn thấy của mắt người. "Chiếc mặt nạ tàng hình" này thực chất gồm nhiều chiếc kim bằng kim loại nhỏ xíu, gắn vào một cái nón hình bàn chải, ở các góc và chiều dài sao cho ánh sáng chiếu tới nó sẽ đi vòng quanh chiếc mặt nạ. Điều này khiến cho mọi vật đằng sau nón dường như biến mất, bởi ánh sáng không phản xạ khỏi nó. Chỉ số khúc xạ Muốn biến mất một vật nào đó, người ta chỉ việc điều chỉnh các cây kim để thay đổi chỉ số khúc xạ xung quanh nón. Mỗi vật liệu có chỉ số khúc xạ riêng, quyết định mức độ bẻ cong và làm chậm ánh sáng khi nó đi từ vật liệu này sang vật liệu khác. (Hiệu ứng này có thể nhìn thấy khi thả một cái đũa vào cốc nước, nhìn từ ngoài cây đũa như bị bẻ cong ở chỗ nước tiếp xúc với không khí). Thông thường, các vật liệu tự nhiên có chỉ số khúc xạ lớn hơn 1. Song lớp kim tí hon ở bên trong nón sẽ làm thay đổi dần chỉ số này từ 0 (ở mặt trong của mặt nạ) tới 1 ở bề mặt ngoài cùng của mặt nạ. Điều này khiến cho ánh sáng bị bẻ cong xung quanh vật thể cần tàng hình. Những cây kim, theo thiết kế giả thuyết có bề rộng khoảng 10 nanomét (1 nanomét bằng 1 phần tỷ mét) và dài hàng trăm nanomét. "Nghe có vẻ viễn tưởng nhỉ, nhưng thực tế nó hoàn toàn tuân theo các định luật vật lý", trưởng nhóm nghiên cứu Vladimir Shalaev, một giáo sư điện và kỹ sư máy tính tại Purdue, phát biểu. "Về lý tưởng, nếu chúng tôi chế tạo được một cái thật, nó sẽ làm việc đúng như chiếc mặt nạ tàng hình của Harry Potter, và không hề nặng bởi nó chứa rất ít kim loại trong đó", ông nói. Shaleav cho biết ông cần huy động được quỹ để chế tạo thiết bị và hy vọng nó sẽ ra đời trong vòng 2-3 năm nữa. Hạn chế lớn nhất của thiết kế hiện nay là nó chỉ có thể bẻ cong ánh sáng ở một bước sóng duy nhất, chứ chưa phải với toàn bộ dải sáng nhìn thấy. Tuy nhiên, ngay cả khi bị hạn chế ở một bước sóng, nó cũng vẫn sẽ mang lại nhiều ứng dụng có ích, chẳng hạn che cho những người lính khỏi các loại kính nhìn ban đêm, hay giấu các vật thể trước những thiết bị dò mục tiêu đặc biệt trong quân sự. T. An (theo AFP)
Xây nhà bằng... máy in Ảnh: ABC Online. Các nhà nghiên cứu Anh đang xây dựng một cỗ máy to bằng một căn phòng trong đó sử dụng kỹ thuật rập khuôn hiện đại để in ra các bức tường hoàn chỉnh bao gồm gạch, thạch cao, cửa sổ, vật liệu cách điện và cáp điện. Phương pháp này sẽ làm các bức tường trở nên khoẻ hơn và nhiều chức năng hơn. Nó còn giúp giảm lãng phí trong xây dựng, tiết kiệm nhân lực và tạo khả năng sáng tạo về hình thức của các toà nhà. "Đôi khi thẳng đứng không phải là hình thức đẹp nhất. Bạn có thể xây hình dẹt hoặc hình cong mà không bị tốn kém hơn", tiến sĩ Richard Buswell, giảng viên kỹ thuật xây dựng tại Đại học Loughborough, Australia, phát biểu. Buswell và nhóm đã bắt đầu dự án kéo dài 4 năm để xây dựng một cỗ máy in có kích thước 4x5m. Họ mượn kỹ thuật từ quy trình rập khuôn tốc độ để sản xuất ra các sản phẩm gốm, polymer và kim loại. Trong phương pháp này, các sản phẩm được vẽ và phát triển nhờ phần mềm vi tính 3D. Một cỗ máy sẽ tạo từng lớp bằng vật liệu như giấy, chất lỏng, bột hoặc thạch cao. Các lớp này sẽ được gắn chặt với nhau, đôi khi bằng laser, để tạo nên hình dáng hoàn chỉnh. Còn đối với xây dựng tường, các vật liệu được sử dụng bao gồm xi măng, đất sét, thạch cao hoặc vôi. Chiếc máy sẽ phun ra vật liệu lỏng giống như tuýp kem đánh răng hoặc hoạt động như chiếc máy in cỡ lớn gắn các giọt vật liệu vào vị trí chính xác. Vật liệu sẽ được cấu tạo sao cho cứng lại trong không khí mà không cần laser để gắn kết các khối với nhau. Nhờ thế, người thiết kế có thể gắn các yếu tố vào bức tường mà không phải xây dựng riêng biệt. Chẳng hạn bức tường sẽ có chỗ hổng để gắn cửa ra vào và cửa sổ. Bức tường cũng có thể xây theo kiểu tổ ong để cách nhiệt. Hoặc nó chứa những khoang để luồn đường ống hoặc dây diện. Hệ thống sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức lao động đáng kể. Nhưng có vẻ nó chưa đủ thuyết phục ngành công nghiệp xây dựng. "Ngành công nghiệp xây dựng đã có bề dày lịch sử từ lâu. Công nghệ mới phải thực sự có tính cách mạng triệt để, nếu không các công ty sẽ không chịu rủi ro. Họ vẫn sẽ làm cách mà họ đã và đang làm", chuyên gia tư vấn Terry Wohlers tại Mỹ nói. Trong vòng 4 năm tới, Buswell và nhóm của mình sẽ cho ra máy in và một bức tường để minh chứng cho ý tưởng của mình. M.T. (theo ABC Online)
Mùi của xe hơi mới không độc hại Mùi da nhựa ngột ngạt của những chiếc xe hơi mới khiến nhiều người khó thở, song chúng dường như chẳng có gì độc hại, mặc dù có thể làm tăng thêm sự dị ứng. Các phân tử chịu trách nhiệm tạo ra thứ mùi này còn được gọi là những phân tử hữu cơ dễ bay hơi. Chúng thoát ra từ nhựa, vải tổng hợp, thảm, ghế ngồi, keo dính, sơn, những vật liệu làm sạch và các nguồn khác. Chỉ một phần nhỏ các chất dễ bay hơi này là ngửi thấy, còn đa số là không mùi. Nhà độc học Jeroen Buters tại Đại học Kỹ Thuật Munich ở Đức và cộng sự đã điều tra ảnh hưởng của những chất này trong xe hơi lên sức khoẻ con người. Họ mô phỏng điều kiện khi mà các phân tử thoát ra nhiều nhất trong xe - khi xe đỗ dưới trời nắng nóng. Buters và cộng sự trước hết thu thập các phân tử hữu cơ từ không khí trong một chiếc xe hơi mới và một chiếc xe cũ cùng hãng đã qua sử dụng 3 năm, đặt ở cùng một vị trí dưới ánh sáng 14.000 watt, nhiệt độ lên đến 65,5 độ C. Tiếp đó, họ cho các chất này tiếp xúc với các tế bào của người, chuột và chuột đồng trong phòng thí nghiệm. Đây là những đối tượg thường dùng để kiểm tra độc tính. Nhóm nghiên cứu phát hiện mùi xe hơi mới dường như không độc. Nó chỉ làm tăng nhẹ phản ứng của hệ miễn dịch, điều có thể ảnh hưởng đến những người bị dị ứng, trong khi xe cũ không có hiện tượng này. Buters cũng nghiên cứu "triệu ứng ốm công sở", tức là hiện tượng nhân viên dường như trở nên ốm sau khi làm việc trong những toà nhà mới, nơi mà không khí tràn ngập hơi chất hữu cơ. Kỳ lạ thay, "nếu nồng độ các chất này trong toà nhà mới nhiều như trong chiếc xe mới, ngay lập tức bạn sẽ được gửi về nhà vì ốm". Sự khác biệt này khiến Buters cho rằng "có thể chính tư tưởng mới là quan trọng. "Người ta hạnh phúc khi vào một chiếc xe mới hơn là một nơi làm mới. Một nhân tố khác có thể là thông gió. Nếu trong xe có mùi, bạn có thể kéo cửa lên". T. An (theo NewScientist)
Thân hình kỳ quặc giúp đà điểu chạy nhanh Ảnh: graftoncottage. Nhiều người cho rằng thân hình giống quả trứng của đà điểu khiến chúng có dáng chạy vụng về. Nhưng một nghiên cứu mới tìm thấy hình dáng kỳ quặc của con vật thực ra lại giúp loài chim không biết bay này chuyển động nhịp nhàng trong khi chạy. Nhà sinh vật học Devin Jindrich tại Đại học bang Arizona, Mỹ, đã phát triển các mô hình toán học để phỏng đoán loài vật này di chuyển thế nào, dựa trên chỉ số cơ thể, tốc độ chạy, vị trí chân và quán tính. Các nhà khoa học đã huấn luyện cho 8 con đà điểu chạy trên một con đường cao su dài 23 m và trên một chiếc đĩa đo lực chân chạm vào mặt đất. Họ cũng sử dụng 8 camera để ghi lại vị trí chuyển động của cơ thể. Phần mềm sẽ phân tích cử động và vị trí các khớp nối trên cơ thể đà điểu. Các con chim hoặc chạy trên đường thẳng hoặc chạy quanh chướng ngại vật. Để có thể chuyển hướng thành công, người chạy cần không được xoay mình quá đà. Con người giảm tốc độ để tránh bị quay quá đà, trong khi đó các nhà nghiên cứu tìm thấy đà điểu không mất nhiều nỗ lực để giảm tốc độ khi chúng chuyển hướng. "Dường như đà điểu được tạo hình để có thể chuyển mình dễ dàng", Jindrich nói. Theo tính toán của Jindrich, thân hình giống quả trứng và cơ thể nằm ngang của đà điểu có quán tính cao hơn khi chạy so với thân hình thẳng đứng của con người. Điều này khiến đà điểu khó quay mình hơn và không dễ bị quay quá đà như ở con người. Các con chim chuyển hướng chỉ bằng cách xoay mình về hướng mục tiêu. Jindrich cho rằng kết quả có thể giúp tạo ra các thiết bị giúp bệnh nhân bị tổn thương cột sống có thể đi lại dễ dàng hơn. M.T. (theo Livescience)
Tại sao không đến được chân cầu vồng? Chẳng bao giờ bạn đến được chân trời, cũng như không thể bay tới chân cầu vồng. Đó là bởi cả hai trường hợp đều cần khoảng cách xa giữa vật thể và người quan sát mới tạo nên hiệu ứng. Cầu vồng thực chất gồm nhiều giọt nước hấp thụ ánh sáng theo cách nào đó. Những giọt nước tròn, trong vắt khúc xạ và phản xạ một vài tia sáng tới người quan sát. Ánh sáng có bước sóng khác nhau khúc xạ ở những góc khác nhau, vì thế ánh sáng trắng của mặt trời được phân tách ra thành một dải ánh sáng nhiều màu. Vì những cảnh tượng rực rỡ này được tạo thành từ ánh sáng và nước, nên đừng hy vọng tìm kiếm điểm dừng chân của nó. Hiện tượng quang học này phụ thuộc vào việc bạn phải đứng cách xa các giọt nước, và mặt trời phải ở sau lưng. T. An (theo LiveScience)
Khi mừng chó vẫy đuôi sang phải Anh bạn bốn chân này vẫy đuôi sang phải hay trái là tuỳ vào cảm xúc của nó, các nhà nghiên cứu Italy tiết lộ. Chó ta sẽ ngoắc đuôi sang phải khi hạnh phúc hoặc nhìn thấy có thứ háo hức muốn xem. Ngược lại, cái đuôi phất sang trái nếu nó bị đe dọa và đối mặt với điều khiến nó muốn tránh xa. Giáo sư Giorgio Vallortigara từ Đại học Trieste và cộng sự đã mô tả "tính bất đối xứng trong việc kiểm soát cử động đuôi" này và các ví dụ khác về việc não phải và trái điều khiển những tình cảm khác nhau như thế nào. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 30 chú chó nuôi, gồm 15 đực và 15 cái ở độ tuổi từ 1 đến 6. Họ đặt những con vật này vào một hộp gỗ lớn hình chữ nhật phủ nhựa đen để chúng không thể nhìn ra bên ngoài. Vallortigara và cộng sự đã quay phim sự đáp ứng của những con chó khi tiếp xúc với 4 kích thích khác nhau: người chủ nuôi, một người lạ, một con chó to lớn không quen biết và một con mèo. "Khi tiếp xúc với chủ, chó có xu hướng vẫy mạnh đuôi sang phải", các nhà nghiên cứu nhận thấy. Cái đuôi vẫn giữ ở hướng này khi chúng nhìn thấy một người lạ hoặc một chú mèo, mặc dù với người lạ tần số vẫy ít hơn và với con mèo là ve vẩy ít nhất. Nhưng trước một con chó đực cao lớn và lạ lẫm, mặc dù cũng được đặt trong chuồng, đuôi của những con chó thí nghiệm nghiêng hoàn toàn sang trái. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng không đồng nghĩa với việc bạn có thể thoải mái xuất hiện trước một chú chó mà không đề phòng cú đớp của nó. T. An (theo Discovery)
Bẻ cong chất lỏng bằng... ánh sáng Các nhà khoa học Pháp và Mỹ đã tìm ra cách bẻ cong và điều chỉnh hướng của chất lỏng chỉ bằng lực của ánh sáng. Họ đã sử dụng một chùm laser để tạo ra một tia chất lỏng dài và ổn định đáng kinh ngạc, hẹp hơn một sợi tóc người. Khi đổi hướng chùm laser ở một góc khác, nó đẩy chất lỏng thành hình một cái bướu. Đây là lần đầu tiên, một chùm laser được sử dụng để buộc chất lỏng chảy thành dòng. Phát hiện có thể dẫn tới những tiến bộ trong lĩnh vực y sinh học, bằng cách mở ra một cách mới để kiểm soát dòng chảy của chất lỏng thông qua những ống dẫn cực hẹp. Wendy Zhang, giáo sư Đại học Chicago đã tình cờ chứng kiến phát hiện này khi tới thăm cộng sự tại Đại học Bordeaux. Zhang được mời tới một phòng thí nghiệm nơi trước đó nhà khoa học Jean-Pierre Delville đã quan sát thấy một hiện tượng lạ sau khi kết thúc thí nghiệm nhằm tìm hiểu hành vi của chất lỏng dưới một chùm laser cường độ yếu. Delville tăng cường độ chùm laser để xem điều gì có thể xảy ra. "Ông ấy tăng cường độ và rồi nhìn thấy điều kỳ lạ này", Zhang kể. Zhang đưa ý tưởng trở lại Chicago và cùng với một cựu sinh viên, Robert Schroll, họ bắt tay xây dựng giả thuyết về điều gì đã xảy ra. "Tôi nghĩ điều này thật đặc biệt bởi vì tôi biết khi nào thì chất lỏng bị tản ra, và lần này thì không phải như thế", Zhang nói. Mặt dù nhiệt có thể khiến chất lỏng chuyển động, song Zhang và cộng sự nhận thấy đó không phải là tác nhân trong trường hợp này. Thay vào đó, chính áp suất nhẹ sinh ra bởi các photon ánh sáng mới buộc chất lỏng di chuyển. Áp suất này nhẹ đến nỗi thường thì khó mà nhận ra, nhưng chất lỏng sử dụng trong thí nghiệm ở Bordeaux lại có bề mặt yếu kinh ngạc, đến mức ngay cả ánh sáng cũng có thể làm biến dạng nó. "Về cơ bản nó là xà phòng", Zhang cho biết chất lỏng trong thí nghiệm là một hỗn hợp của nước và dầu mà khi trộn lẫn với nhau, nó thể hiện đặc tính khác lạ trong những điều kiện nào đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để khẳng định liệu có thể mở rộng phát hiện này để ứng dụng vào cuộc sống hay không. T. An (theo AFP)
Những câu chuyện kỳ cục nhất năm 2006 Những hiện tượng thiên nhiên kỳ bí cùng các phát hiện khoa học lý thú đã bổ sung thêm nét chấm phá cho mảng khoa học trong năm nay. Sau đây là 10 sự kiện kỳ quặc do Livescience bình chọn. Sông Amazon từng chảy ngược Ảnh: Livescience. Dòng sông Amazon hùng vĩ đã thay đổi hướng chảy vài lần trong lịch sử. Hiện giờ dòng chảy hướng về phía đông để hoà vào Đại Tây Dương. Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện, từ vài triệu năm trước, dòng sông lớn này đã chảy từ đông sang tây và có lần cùng một lúc chảy theo cả hai hướng. Đồng xu có mùi? Ảnh: Livescience. Lần tới nếu có ai đó nói rằng đồng xu họ đang cầm bốc mùi thì bạn có thể tuyên bố rằng chính họ mới là người bốc mùi. Mùi kim loại dính ở trên tay khi trao đổi mấy đồng xu được tạo ra bởi phân tử dầu nhờn bị phân huỷ trên da sau khi tiếp xúc với vật thể chứa chất sắt. Phản ứng hoá học này khiến chúng ta phải chạy đi rửa tay để loại bỏ mùi khó chịu đó. Áo tàng hình Ảnh: Livescience. Nhà văn H.G. Wells đã viết về nhân vật tưởng tượng vào cuối những năm 1800, và nay các nhà khoa học đã tiến gần hơn tới việc tạo ra được người tàng hình. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Duke đã tạo ra được một chiếc áo khoác khiến người mặc trở nên vô hình trước ánh sáng viba. Thiết bị hoạt động bằng cách chuyển hướng các tia sóng cực ngắn quanh người mặc, giống như tảng đá làm rẽ dòng nước. Cấy ghép rồi tháo bỏ Các bác sĩ Trung Quốc đã giải thích vì sao họ phải loại bỏ phần cấy ghép "của quý" của một người đàn ông 44 tuổi do bị mất cục cưng trong một tai nạn. Phần cấy ghép đã phải tháo rời sau 2 tuần do một trục trặc tâm lý giữa người đàn ông và vợ anh ta. Các nhà nghiên cứu tin rằng nếu đã được tư vấn tâm lý kịp thời thì cặp vợ chồng đã tránh được việc tháo ra lắp vào. Cá đuối gai độc giết chết thợ săn cá sấu Ảnh: Livescience. Trong một tai nạn hy hữu và đau thương, một nhà bảo vệ môi trường, một nhân vật truyền hình nổi tiếng của Australia, anh Steve Irwin, đã qua đời vì một con cá đuối gai độc khi đang quay phim tại dải đá ngầm Great Barrier. Cá đuối gai độc sở hữu một cái đuôi với mũi nhọn dài 20 cm chứa nọc độc. Mặc dù đầu nhọn chứa độc này có thể thay đổi nhịp tim và nhịp hô hấp nhưng rất khó giết chết được con người. Steve Irwin có thể đã bị chết bởi mũi độc đó đã đâm phải tim của anh. Chuột cống sinh ra chuột nhắt Lần đầu tiên các nhà khoa học đã tạo ra được những con non khoẻ mạnh từ tế bào của một loài khác, sau khi lấy tế bào gốc của chuột lớn và cấy vào tinh hoàn của chuột nhỏ. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ nuôi được tinh trùng của những loài nguy cấp trong chuột hay các loài vật thí nghiệm khác. Viết chữ trên mặt nước Ảnh: Livescience. Sử dụng những máy tạo sóng, các nhà khoa học đã có thể viết được trên mặt nước. Hệ thống AMOEBA (Advanced Multiple Organized Experimental Basin) là một chiếc bể hình tròn có thể tạo nên những chữ cái La Mã và một số ký tự của Nhật Bản. Thiết bị sẽ có thể xuất hiện tại các công viên giải trí trong một ngày gần đây. Nhện rên rỉ khi "yêu" Những con nhện cái ầm ĩ hơn cả một số người trong chốn phòng the. Khi ân ái, nhện cái Physocylus globosus kêu the thé để thông báo cho bạn tình biết chúng muốn gì. Tiếng kêu khóc tương ứng với nhịp độ hành động của con đực. Con đực càng mạnh mẽ thì khả năng tinh trùng của nó thụ tinh được cho trứng càng lớn. Biển Đỏ lại tách lần nữa Ảnh: Livescience. Nó đã từng tách một lần. Giờ lại tách lần nữa. Và lần này các nhà khoa học đã theo dõi được toàn bộ sự việc. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy mảng thạch quyển Ả Rập và mảng châu Phi đang rời khỏi nhau và chia mảng phía nam của Biển Đỏ thành hai. Vết nứt ngày càng lớn này sẽ xé phần đông bắc của Ethiopia và Eritrea ra khỏi châu Phi, và cuối cùng tạo nên một biển mới. Cá voi nói tiếng địa phương Ảnh: Livescience. Chúng ta có thể đổ tội cho tổ tiên vì đã khiến ta có giọng nói địa phương, nhưng điều đó không thể lý giải vì sao những loài động vật như cá heo cũng có giọng điệu khác nhau theo từng vùng. Nhờ những microphone dưới nước, các nhà khoa học đã nghe được một số con cá voi nói chuyện và phát hiện thấy cá voi xanh ở tây bắc Thái Bình Dương có tiếng kêu khác với những con sống ở miền tây Thái Bình Dương, gần Chile. Lý do cho sự khác biệt này vẫn chưa được giải thích. M.T. (theo Livescience)
Trên các hành tinh khác, cây có thể đỏ hoặc vàng Quy luật khiến cho cây cối trên trái đất có màu xanh thì cũng có thể khiến cho thực vật trên những hành tinh khác có màu vàng, đỏ hoặc xanh lục - nhưng hiếm khi xanh dương. Phát hiện này, theo các nhà khoa học NASA, sẽ giúp thu hẹp nghiên cứu tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác ngoài thái dương hệ. Ngoài ra, nó cũng mang lại lời giải cho câu hỏi cơ bản về sự sống trên trái đất của chúng ta. Cây cối trên hành tinh khác có thể có màu đỏ, vàng như thế này. Ảnh: Reuters. Vikki Meadows, Giám đốc phòng thí nghiệm Virtual Planetary của NASA và cộng sự, trước hết đã tìm hiểu ánh sáng bị hấp thụ và phản xạ như thế nào bởi thực vật và một số vi khuẩn trên trái đất. Chất diệp lục trong thực vật sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời và biến nó thành năng lượng thông qua quá trình quang hợp. Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng hầu hết thực vật trên trái đất hấp thụ nhiều hơn ánh sáng đỏ và xanh dương, trong khi ít giữ lại ánh sáng xanh lục, tuy nhiên họ không hiểu tại sao. Nghiên cứu mới đã tìm thấy, có nhiều ánh sáng đỏ chiếu tới trái đất hơn, và ánh sáng xanh dương lại dễ hấp thụ nhất, nên thực vật "ưu tiên" cho hai loại này và tận dụng chúng hiệu quả nhất, để lại ánh sáng xanh lục trở nên vô dụng. "Thực vật không hấp thụ ánh sáng lục vì chúng đã nhận thừa đủ năng lượng từ đỏ và xanh dương. Chúng đơn giản là chẳng cần đến ánh sáng lục", các nhà nghiên cứu nói. Kết quả là, thực vật phản xạ ánh sáng lục nhiều hơn, khiến cho cây cối trông có màu xanh. Trên các hành tinh khác, nơi những màu sắc khác trong dải phổ chiếm ưu thế, thực vật có thể sẽ lại hấp thu ánh sáng xanh lục (và thậm chí xanh dương) nhiều hơn, phản xạ đi những gì chúng không cần thiết. Hiệu ứng này khiến cho cây cối ở đây sẽ có màu vàng, đỏ... T. An (theo Reuters)
Màu sắc và tâm lý con người Những thực nghiệm của các nhà tâm lý người Áo chứng minh rằng: nếu ta dùng phấn màu xanh lá cây viết lên bảng màu vàng nhạt sẽ giúp học sinh tập trung suy nghĩ hơn, tăng cường trí nhớ, giữ gìn thị lực ở mức độ nhất định. Theo thử nghiệm, nếu có hai căn phòng được bài trí giống nhau, chỉ khác là một căn chỉ có màu trắng đen còn một căn thì đủ các màu sắc, dĩ nhiên, ai cũng muốn chọn cho mình căn phòng đa sắc trừ khi anh ta mất khả năng phân biệt màu. Thông thường màu đỏ, vàng da cam, vàng… đưa lại cho con người cảm xúc ấm áp, nên được gọi là những gam màu nóng. Còn các màu xanh, xanh lục, tím… đưa đến cảm giác lạnh lẽo và được xếp vào nhóm màu lạnh. Các màu nóng và lạnh mang lại cho con người những hiệu ứng tâm lý khác nhau: màu nóng dễ làm con người phấn chấn, hoạt bát, năng nổ, còn màu lạnh dễ giúp người ta bình tĩnh, hiền hoà, lắng dịu. Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý Nga cho thấy hiệu ứng cảm xúc đối với màu sắc như sau: - Màu đỏ: kích thích cảm xúc, tính tích cực, khơi gợi những mối liên tưởng của con người. - Màu vàng: ấm áp và dễ chịu, làm cho con người sẵn sàng hành động tận tâm tận lực. - Màu vàng da cam: giúp con người vui vẻ, phấn khởi. - Màu lục: mang đến sự bình tĩnh, yên vui, dễ tạo nên những mối liên tưởng đa dạng. - Màu đen: tạo cảm giác mệt mỏi, nặng nề, đau khổ. - Màu trắng: khiến con người thấy yếu đuối… đó chính là nguyên nhân vì sao mọi người không thích ở những căn phòng đen trắng. Ngày nay, hiệu ứng màu sắc được ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực kiến trúc, hội hoạ, quảng cáo, thời trang, ca kịch… Những thực nghiệm của các nhà tâm lý người Áo cũng chứng minh rằng nếu ta dùng phấn màu xanh lá cây viết lên bảng màu vàng nhạt sẽ giúp học sinh tập trung suy nghĩ hơn, tăng cường trí nhớ, giữ gìn thị lực ở mức độ nhất định. Thêm nữa, những công trình nghiên cứu của các chuyên gia Đức cho thấy, màu vàng chanh là một “thứ thuốc an thần dễ chịu”. Những trang sách giáo khoa màu vàng giúp học sinh cải thiện phương thức hành vi, làm cho các em trở nên nhã nhặn, cẩn thận và tự nhiên hơn. Có người còn đề nghị sách giáo khoa bậc trung học và tiểu học nên in chữ màu xanh lục trên giấy màu hồng, như thế khi nhìn vào, các em học sinh vừa không mỏi mắt vừa hăng say học tập. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện theo cuộc “cách mạng màu sắc” này. Ngoài ra, màu sắc còn mang ý nghĩa tượng trưng nhất định. Phần đông mọi người nhận định rằng: màu đỏ tượng trưng cho sự hy sinh, sức sống mãnh liệt, sự cao cả; màu lục tượng trưng cho sự yên bình, nhã nhặn, hiền hoà; màu vàng tượng trưng cho sự ấm áp, cao quý, hiển hách hào hoa. Những màu khác như màu lam là biểu trưng cho sự hoà bình, êm ái, thâm trầm; màu đen là tượng trưng cho cảnh tang tóc, bi ai, thần bí; màu trắng là sự trinh bạch, thuần khiết, yếu đuối... Dựa vào những kết luận trên, chúng ta nên tham khảo khi chọn lựa màu sắc trong thiết kế không gian sống hay dùng màu sắc để thể hiện tâm trạng của mình. Hơn nữa, bạn có thể đoán biết tâm lý người khác qua việc họ chọn màu cho trang phục… (Theo VTV.vn)