Não chú ý theo hai cách Phát hiện một con gấu trong rừng, não của bạn "la lên" chú ý!. Nhưng đó là vùng não khác hẳn với khi bạn nghiên cứu những con gấu trong vườn thú. Nghiên cứu mới đây cho thấy bạn dùng hai vùng não khác nhau: một để chú ý có chủ định, và một là chú ý kiểu phân tâm. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học phát triển những cách trị liệu tốt hơn cho những người bị rối loạn tập trung. Về cơ bản, não có hai cách chú ý: "từ trên xuống" hay chú ý có chủ định, chẳng hạn như khi bạn đọc sách, và "từ dưới lên" hay chú ý vô thức trước những thông tin cảm giác, chẳng hạn như những tiếng ồn lớn, màu sắc rực rỡ hay các động vật đe dọa. Các nhà khoa học đã biết rằng việc chú ý cần huy động nhiều vùng não khác nhau, song không biết bằng cách nào, bởi cho đến nay người ta mới chỉ kiểm tra một vùng não một lúc. Earl Miller, một nhà khoa học thần kinh tại Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ đã gắn các điện cực không gây đau lên những con khỉ để theo dõi bằng cách nào hai vùng não cơ bản này tương tác với nhau khi não nhảy từ dạng chú ý này sang dạng khác. Lũ khỉ được huấn luyện để thực hiện các bài kiểm tra chú ý trên một màn hình video, với phần thưởng là một cốc nước quả. Đôi lần chúng phải tập trung, chọn ra những hình chữ nhật đỏ nghiêng sang trái từ một nhóm các hình chữ nhật đỏ, tương tự như cách não người chọn ra một khuôn mặt bạn bè trong đám đông. Những lần khác các hình chữ nhật sáng rực - để phân tâm sự chú ý - loé lên trên màn hình trước mặt khỉ. Khi con khỉ tình nguyện chú ý, vỏ não trước sẽ hoạt động. Nhưng khi có điều gì đó phân tâm sự chú ý của nó, tín hiệu sẽ phát ra từ vùng vỏ não đỉnh, hướng về lưng não. Hoạt động điện trong hai vùng này bắt đầu thay đổi theo nhịp điệu khi chúng chú ý với mỗi thứ. Nhưng là ở những tần số khác nhau, gần giống với việc dừng lại ở các điểm khác nhau trên một dải tần số radio. Chú ý chủ định liên quan đến các hoạt động neuron tần số thấp, trong khi chú ý phân tâm xảy ra ở tần số cao hơn. Miller kết luận, các nhà khoa học một ngày nào đó có thể tìm ra một giải pháp để làm tăng hoặc giảm âm lượng nhằm tăng sự chú ý. T. An (theo Discovery)
Tiếng cười khiến người ta dễ bỏ tiền hơn Ảnh: mindbodynsoul. Tiếng cười không chỉ làm bạn sảng khoái mà còn khiến bạn trở nên hợp tác và vị tha hơn với người lạ mặt. Nhờ đó, bạn dễ dàng rút ví bỏ tiền cho người khác. Tiếng cười là một hành vi chung trên toàn cầu của con người. Trước đó người ta đã chứng minh tiếng cười hoạt động như một chất bôi trơn, tăng cường sự kết dính trong các nhóm. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã kiểm tra xem liệu sự gần gũi này có thúc đẩy hành vi vị tha ở con người. Những người tham gia được xem một đoạn phim hài và phim nghiêm túc, và sau đó họ chơi một trò chơi với những người lạ mặt để xem tiếng cười ảnh hưởng thế nào tới sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trong trò chơi. Mỗi người được cho một lượng tiền nhỏ (khoảng 5 USD) và có thể đầu tư vào quỹ riêng hoặc quỹ tập thể. Họ sẽ được lấy lại bao nhiêu tuỳ ý từ quỹ riêng, trong khi những gì đóng vào quỹ chung sẽ được nhân đôi và chia đều cho mọi người trong nhóm, bất kể họ đã đóng bao nhiêu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy tiếng cười khiến những người lạ mặt dễ đầu tư vào quỹ chung hơn, như vậy gia tăng tính vị tha của mọi người. "Nghiên cứu này sẽ có tác dụng cho các tổ chức từ thiện muốn kêu gọi mọi người quyên góp nhiều hơn", tác giả nghiên cứu Mark van Vugt tại Đại học Kent, Mỹ, nói. Từ lâu tiếng cười đã có một vai trò tiến hoá nhằm tăng cường tình đoàn kết trong các nhóm, giúp tổ tiên sơ khai của chúng ta hợp tác với nhau để đối phó với môi trường khắc nghiệt. M.T. (theo Livescience)
Cá nhân động não tốt hơn nhóm Ảnh: brunel.ac.uk. Con người thường tỏ ra lúng túng hơn trong việc tìm ra các giải pháp cho một vấn đề khi họ thuộc về một nhóm, một nghiên cứu gần đây cho thấy. Các chuyên gia marketing thuộc Đại học Indiana (Mỹ) cho các tình nguyện viên xem một nhãn hiệu đồ uống có gas, sau đó yêu cầu họ nghĩ tới các thương hiệu khác. Kết quả cho thấy, khi được ngồi riêng, những người tham gia nghĩ ra được nhiều sản phẩm hơn so với khi họ được ghép nhóm với hai người khác. Phát hiện này có thể là tin tốt lành cho những nhà quảng cáo khi mua không gian ở những sự kiện lớn. Nó cũng có thể được áp dụng với những cuộc họp ở công ty. “Khi một nhóm ngồi lại với nhau để tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó, họ có thể bỏ qua nhiều lựa chọn tối ưu”, H. Shanker Krishnan, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu. “Cho dù là ngồi với những người thân trong gia đình hay đồng nghiệp trong công ty thì chúng ta đều có xu hướng “chốt” lại vấn đề một cách nhanh chóng và chọn giải pháp được nhắc tới nhiều nhất”. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng khi một nhóm người nhận được thông tin, xu hướng chung là họ sẽ thảo luận về nó. Khi một giải pháp được nhắc tới càng nhiều lần thì các thành viên trong nhóm sẽ càng ít nghĩ tới những lựa chọn riêng của họ, Krishnan, một giáo sư môn marketing thuộc Đại học Indiana, giải thích. Một yếu tố nữa là sự khác biệt trong cách học và ghi nhớ. Con người lưu trữ và lấy thông tin theo hàng nghìn cách khác nhau. Vì thế khi phải ra quyết định theo nhóm, việc thảo luận có thể khiến các cá nhân nghĩ về vấn đề theo cách hoàn toàn khác so với khi phải ra quyết định một mình. Krishnan cho rằng các cá nhân, cho dù là sinh viên, nhà quản lý hay cổ động viên bóng đá, nên dành nhiều thời gian để xem xét thông tin trước khi tiến tới một sự đồng thuận về giải pháp cho một vấn đề. Minh Quân (theo Livescience)
Ngày xưa, con người không biết uống sữa Ảnh: marvistavet. Một cuộc phân tích gene mới về người cổ đại đã cho thấy trước khi ngành nông nghiệp và các trang trại sữa phát triển trong 8.000 năm qua thì con người đã không thể tiêu hoá được sữa. Mặc dù tất cả mọi người đều uống được sữa ngay từ khi mới sinh ra, nhưng hầu hết dân số sẽ mất đi khả năng này trong giai đoạn 2-5 tuổi. Vào thời gian này, cơ thể ngừng sản xuất eznyme lactaza giúp tiêu hoá đường có trong các sản phẩm sữa. Hầu hết người châu Á, cận sa mạc Sahara ở châu Phi, dân châu Mỹ gốc và cư dân đảo Thái Bình Dương ngày nay vẫn còn đặc tính kháng lactaza này. Tuy nhiên, một đột biến gene ở người châu Âu và một số bộ phận châu Phi giúp họ tiếp tục sản xuất lactaza khi trưởng thành, và ở những vùng này, các sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua là một thành phần chính trong thực đơn hằng ngày. Các nhà nghiên cứu từ lâu vẫn chưa thể xác định khả năng tiêu hoá sữa xuất hiện cùng với hoạt động sản xuất bơ sữa hay ngược lại, các nông trang sữa phát triển ở những dân tộc có khả năng tiêu thụ sữa này. Nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học Mainz ở Đức và Đại học London ở Anh đã tìm ra câu trả lời sau khi phân tích ADN từ xương của 9 người thuộc thời kỳ đồ đá mới. Những người này đến từ các vùng trên khắp châu Âu và sống khoảng 8.000 năm trước. Nhóm nghiên cứu tìm thấy phiên bản của một gene giúp người châu Âu ngày nay sản xuất lactaza đã không có trong số những người cổ đại này. Việc thiếu đi gene này cho thấy nông dân châu Âu thời xưa cũng chưa có khả năng tiêu hoá sữa chưa qua xử lý. Đây là một trong những bằng chứng trực tiếp cho thấy chọn lọc tự nhiên đã xảy ra ở một số dân tộc người, tác giả nghiên cứu Joachim Burger nói. "Nó cho thấy một kiểu gene gần như đã mất tích 8.000 năm trước và đã trở nên phổ biến ở hơn 70% dân số ngày nay, thông qua sự chọn lọc tự nhiên". Nghiên cứu cũng bổ sung bằng chứng rằng những người ở trung tâm và phía bắc châu Âu ngày nay hầu hết là hậu duệ của một bộ phận nông dân sản xuất bơ sữa vào khoảng thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên. "Khả năng uống sữa là một đặc điểm tiến hoá lợi thế nhất mà những người châu Âu có được trong giai đoạn gần đây. Không có enzyme lactaza, người trưởng thành uống sữa sẽ dễ bị tiêu chảy và sưng phù", đồng tác giả Mark Thomas nói. "Lợi ích của khả năng uống sữa bao gồm: đó là một nguồn thực phẩm có mặt thường xuyên thay vì theo vụ mùa như các sản phẩm khác, chất lượng dinh dưỡng cao và là một đồ uống an toàn do không bị ô nhiễm bởi ký sinh trùng. Nhìn chung, chính khả năng uống sữa đã là một lợi thế giúp những người châu Âu cổ đại sống sót", Thomas nói. M.T. (theo Cosmos)
Chuyện vui chóng quên, chuyện buồn nhớ mãi Ảnh: derbylawcentre. Ký ức về những sự kiện đau buồn không hề bị chôn lấp đi mà có thể được hồi tưởng lại một cách rõ ràng, các nhà nghiên cứu Canada cho biết. Trước đó người ta đã đưa ra giả thuyết rằng nạn nhân của những sự kiện kinh hoàng thường chôn vùi những kỷ niệm đau thương để có thể vượt qua được hoàn cảnh. Nhưng các nhà khoa học tại Đại học Dalhousie ở Halifax đã tìm thấy những sự kiện thú vị lại khó nhớ hơn cả những vụ đau buồn. "Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy những sự kiện đau buồn lại tồn tại dai dẳng như vậy trong khi các sự kiện vui vẻ lại bị tan biến nhanh chóng", tác giả nghiên cứu Stephen Porter nói. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 29 người trải qua các sự kiện chấn động tinh thần như bị tấn công tình dục hay là nạn nhân của bạo lực gia đình trong vài tháng trước. Những người này được yêu cầu miêu tả chi tiết những gì họ đã trải qua, cũng như kể lại những sự kiện vui vẻ như đám cưới, sinh con, đoạt giải thưởng hay kỳ nghỉ. Porter và nhóm phỏng vấn lại những người này sau 3 tháng và một lần nữa sau đó 4-5 năm. Dựa trên trên thang điểm tối đa là 36, điểm số trung bình của những người tham gia khi nhớ lại sự kiện đau buồn là 30, trong khi những sự kiện tích cực có số điểm là 15. "Tôi cho rằng hoàn toàn dễ hiểu khi những sự kiện đau buồn đó lại in dấu trong ký ức của chúng ta. Chúng ta nhớ những sự kiện đó trong tương lai là để biết cách tránh được những hoàn cảnh tương tự và tìm cách sống sót tốt hơn", Porter nhận định. M.T. (theo Reuters)
Người mù bẩm sinh mơ thấy gì? Thay vì thấy một chiếc xe lửa trong giấc mơ, một người mù có thể cảm thấy các mùi, âm thanh và cảm giác chuyển động liên quan đến một chiếc xe lửa. Những người chưa hề thấy gì bao giờ thì trong giấc mơ của họ không có yếu tố liên quan đến thị giác. Ngược lại họ cũng mơ như người sáng mắt. Những kinh nghiệm thuộc về giác quan rất quan trọng trong cuộc đời họ cũng đóng một vai trò lớn trong những giấc mơ. Chúng có thể là âm thanh, nhiệt độ... và nhận thức tổng quát về việc cơ thể cảm thấy như thế nào. Hơn nữa, các tác nhân kích thích không hình ảnh này thường đóng vai trò tượng trưng, cũng giống như các tác nhân hình ảnh trong giấc mơ của người sáng mắt. Nói một cách cụ thể, thay vì thấy một chiếc xe lửa trong giấc mơ, một người mù có thể cảm thấy các mùi, âm thanh và cảm giác chuyển động liên quan đến một chiếc xe lửa. Giai đoạn quan trọng từ 5 đến 7 tuổi quyết định giấc mơ của một người có chứa hình ảnh liên quan đến thị giác hay không. Những người mù bẩm sinh hoặc trước khi được 5 tuổi thường không mơ thấy yếu tố thị giác. Điều này không xảy ra đối với những người bị mù sau 7 tuổi. Sau giai đoạn quan trọng này, ký ức và sự tưởng tượng đều có vai trò trong giấc mơ của họ. Những người bị mù sau 7 tuổi đều có thể lưu giữ ký ức về những gì họ thấy trước khi mù. (Theo Kiến thức ngày nay)
Vì sao con người không thể ăn cỏ? Ảnh: noble.org. Theo nguyên tắc, con người hoàn toàn có thể ăn được cỏ; nó không độc và nhai được. Tuy nhiên, mặc dù là một nguồn thực phẩm dồi dào, con người vẫn không thể xơi món thực vật này. Có 2 nguyên nhân chính cho vấn đề đó. Đầu tiên là dạ dày con người rất khó tiêu hoá lá cây và cỏ sống. Trong khi đó, những động vật như bò có một dạ dày chuyên biệt có 4 ngăn để giúp chúng tiêu hoá cỏ, diễn ra trong một quá trình gọi là nhai lại. Bên cạnh khó khăn trong việc tiêu hoá, cỏ còn gây hại cho răng người. Cỏ chứa rất nhiều silic đioxyt, một chất bào mòn có thể làm răng bạn bị hư hỏng nhanh chóng. Những động vật ăn cỏ có hàm răng mọc liên tục để thay thế những chiếc răng bị bào mòn. M.T. (theo Livescience)
Bí mật của cái hắt hơi Ảnh: Childrenshospital. Tướng Xenophon thời cổ Hy Lạp ra sức động viên binh sĩ liều mình chống lại người Ba Tư. Ông nói hàng giờ mà chưa thuyết phục được họ. Bỗng một chiến binh hắt hơi mấy tiếng liền. Ai nấy đều cho rằng đó là lời thần linh nên nhất loạt quỳ xuống, tuân lệnh Xenophon. Có những hiện tượng xảy ra hằng ngày, quá quen thuộc đến mức chúng ta chẳng bao giờ để ý đến nó, coi thường nó, mà thực ra nó cũng khá quan trọng. Trong số này có hắt hơi. Và quanh cái hắt hơi thật lắm chuyện ly kỳ. Hắt hơi, nhảy mũi – hiện tượng tâm linh? Đang làm một việc gì đó, đột nhiên ta thấy ngưa ngứa, tưng tức trong họng, trong mũi rồi không kiềm chế được nữa, một luồng hơi mạnh bật ra kèm theo một âm thanh đặc trưng: Hắt-xì... hơi. Đó là hiện tượng người miền Bắc gọi là “hắt hơi”, còn miền Nam gọi một cách nôm na nhưng hình tượng hơn: “Nhảy mũi”. Khi hắt hơi, nhiều người nghĩ: “Có ai nhắc đến mình đây!”. Người ta coi hắt hơi như một hiện tượng tâm linh, thể hiện ngoài ý muốn, đáp ứng lại sự chợt nhớ, chợt nghĩ của người nào đó đối với mình. Và ngược lại, mình nhớ đến ai đó hoặc cùng bạn bè nhắc đến người thứ ba thì chính vào thời điểm ấy, người này sẽ hắt hơi. Không chỉ người Việt mà hầu hết các dân tộc châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan... đều tin như vậy. Không giải thích được vì sao hắt hơi, người xưa phó mặc việc này cho thần linh. Thần thoại Hy Lạp kể: Năm 400 trước công nguyên, tướng Xenophon ra sức động viên các chiến binh cùng ông liều mình chống lại người Ba Tư. Ông đã nói hàng giờ nhưng chưa thuyết phục được họ. Bỗng một chiến binh hắt hơi mấy tiếng liền. Ai nấy đều cho rằng tiếng hắt hơi ấy là lời của thần linh ký thác; tất cả nhất loạt quỳ xuống, tuân lệnh ông. Không thiếu những chuyện tương tự trong điển tích của phương Tây, cho rằng sự hắt hơi của mình không do mình mà do một đấng cao siêu điều khiển. Tính quốc tế của hắt hơi Tiếng Việt phiên âm hắt hơi thành “hắt xì hơi”. Các tiếng khác đều na ná thế. Người Anh, Mỹ gọi là “Achoo” hoặc “Atchoo”. Người Pháp: “Atchoum”; người A rập: “Atsaa”; người Tây Ban Nha: “Atchis”, người Đan Mạch – “Atjuu”, người Thổ Nhĩ Kỳ – “Hupshuu”, người Na Uy – “Atsjo”... Cái danh sách này kéo dài không dứt. Sau khi “đổ vấy” nguyên nhân cho thần linh, người ta cũng hiểu ra hắt hơi liên quan đến sức khoẻ. Khi hắt hơi, nếu không do một bệnh tật nào đó ghé thăm thì ít ra cũng là một cơn dị ứng. Người ta hắt hơi càng nhiều khi “ươn mình”, cảm cúm. Bởi thế, có một thói quen ở Việt Nam là: Mỗi khi có hắt hơi, người bên cạnh liền nhanh mồm nói “ (Chúc) Sức khỏe!”. Nếu hắt hơi tiếng thứ hai, thì “Sống lâu”. Tiếng thứ ba – “Trăm tuổi”, rồi “Bạc đầu”, “Bình yên”, “Vô sự !” cho những tiếng hắt hơi nối theo... Chúc khi thấy người khác hắt hơi dường như là phong tục của tất cả các dân tộc. Có những cuốn sách dành nhiều trang ghi lại những lời chúc này. Câu chúc mà những người Anh, Mỹ dùng là “Bless you!” (thực ra “God bless you” – Chúa phù hộ cho anh) khi nghe tiếng hắt hơi thứ nhất, “Keep you!” (Hãy bảo trọng) cho tiếng thứ hai, rồi “Give you peace!” (Bình yên nhé) cho tiếng thứ ba. Nhiều nhất vẫn là câu “Chúc sức khỏe!”. Câu này được dùng bởi những người Tây Ban Nha và đa số dân Mỹ latinh (Salud!), người Bồ Đào Nha, Braxin (Saude!), người Đức (Gesunheit!), người Do Thái (Labriyut!), người Nga, người Tiệp, người Bungari, người Ucraina (Na zdrovie!)... Nói thì khác nhau nhưng cùng một nghĩa. Người Ba Lan, ngoài “Na zdrowie!” còn chúc “Sta let!” (Trăm tuổi). Nhiều nước còn dùng cái hắt hơi để bói toán, ví dụ hắt hơi vào giờ nào thì báo trước điềm gì, hắt hơi theo kiểu nào thì tính nết ra sao. Y học nói gì? Ngày nay, việc giải thích cái hắt hơi thuộc về y học. Theo đó, quá trình diễn ra như sau: Một yếu tố gây kích thích nào đó tác động lên những thụ quan trên màng nhầy, đe dọa sự bình an của cơ thể. Lập tức, chúng báo lên “trung tâm hắt hơi” nằm ở cuống não theo các dây thần kinh số 5 và 7. Trung tâm này không chậm trễ, gửi một thông điệp đến tất cả các cơ có liên quan để tạo ra một quá trình vô cùng phức tạp là hắt hơi. Những cơ nhận được mệnh lệnh là cơ bụng, cơ ngực, cơ hoành cách, cơ chỉ huy dây thanh đới, cơ họng, cơ mặt và cơ mi mắt (để “đóng” mắt lại cho khỏi bị tác động của luồng hơi “nguy hiểm” bật ra). Các cơ này phối hợp hành động một cách chuẩn xác và ăn ý lạ thường để trục xuất “kẻ lạ mặt” ra khỏi cơ thể. “Kẻ lạ mặt” ấy khá đa dạng: Vi khuẩn gây cảm cúm đã cư trú sẵn, làm niêm mạc sưng lên và ngứa ngáy; bụi bặm, phấn hoa, lông chó, mèo hoặc các hoá chất, hạt tiêu (chất piperine), bồ kết cháy, pháo nổ... Đặc biệt, ánh sáng cũng là một nguyên nhân gây hắt hơi. Có 20-30% số người khi nhìn lên trời nắng, hoặc nhìn thẳng vào mặt trời, thậm chí dưới ánh đèn quá sáng, cũng hắt hơi lia lịa. Người ta bảo những người này bị mắc hội chứng hắt hơi (sneeze syndrome) và hội chứng này có tính di truyền từ bố mẹ sang con cái. Như vậy, hắt hơi chẳng qua là một phản xạ phòng vệ của cơ thể, nhằm mục đích tống khứ ra ngoài những kẻ ngoại xâm chứ không phải một thần linh nào mách bảo. Hắt hơi là tốt chứ không xấu. Nó vừa là phương cách cơ thể tự vệ, “tống” ra ngoài những thứ độc hại, vừa là tín hiệu báo động là một đội quân vi khuẩn lạ đã tấn công để bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc chống lại chúng. Tất nhiên, cái hắt hơi chẳng chừa ai, đôi khi “sộc” đến không đúng lúc. Ví dụ, ông tổng thống đang trịnh trọng tuyên thệ trước quốc hội, cô diễn viên đang lả lướt nói những lời yêu trên sân khấu... Số liệu về hắt hơi Cái hắt hơi được các nhà y học săm soi kỹ lắm. Họ xác định là khi hắt hơi, không khí bị “bùng” ra ngoài với tốc độ rất “đáng nể” - 165 kilomet một giờ. Xin nhớ, gió cấp 12 là cao nhất trong thang Beaufort, gây ra những con bão cực kỳ ghê gớm mà cũng chỉ có tốc độ 117 km/giờ. Mỗi lần hắt hơi, bạn bắn ra từ 2.000 đến 5.000 giọt nước nhỏ li ti, mỗi giọt chứa trung bình 100.000 con vi khuẩn, vi trùng, đi xa được từ 1,5 đến 2 m. Khi bị cảm cúm, nếu tự do hắt hơi (không che miệng) thì thật là đại họa cho môi trường và những người xung quanh mình. Hắt hơi cũng chẳng bao giờ “độc hành”, mà luôn luôn có hội có thuyền, nghĩa là bao giờ cũng là một tràng 2-3-4 tiếng liên tiếp. Người ta đã ghi âm một người đàn ông hắt hơi một mạch 40 cái, khiến ông mệt đứt hơi. Sách Guinness còn ghi một kỷ lục khủng khiếp: Bà Donna Griffiths ở Pershore (Anh) năm lên 2 bắt đầu hắt hơi từ ngày 13/1/1981 và trong năm đầu tiên, người ta ghi nhận được hơn 1 triệu cái, sau chán, không ghi nữa, và bà (đúng hơn là cô bé lúc đó) chỉ dừng lại ngày 16/9/1983, nghĩa là liền tù tì 978 ngày, kể cả giữa bữa ăn, trừ lúc ngủ. Chắc “nữ hoàng hắt hơi” này xưng hùng xưng bá còn lâu mới có đối thủ. Còn chúng ta? Chỉ không để ý thôi chứ chẳng ít đâu, mỗi ngày không dưới 4 lần, không kể khi trái nắng trở trời. Nếu vậy, hàng năm chúng ta hắt hơi sơ sơ cũng 1.500 cái. (Theo Đẹp)
Một năm từng có 540 ngày Các nhà địa chất Trung Quốc tin rằng 1,3 tỷ năm trước, một năm trái đất kéo dài những 540 ngày, tức là bằng 13 đến 14 tháng với mỗi tháng dài đến 42 ngày và một ngày chỉ có 15 tiếng. Những số liệu ấn tượng này là kết quả của một nghiên cứu dài ngày trên các hoá thạch của loài tảo lục cổ đại. Tảo lục là một trong những dạng sống cổ đại nhất trên hành tinh chúng ta. Chúng là những sinh vật nguyên thuỷ và bền bỉ nhất thuộc nhóm tế bào chưa có nhân điển hình. Trái đất có hai dạng quay: một là quanh mình nó (tạo ra chu kỳ ngày đêm) và quanh mặt trời (tạo ra chu kỳ năm).ND. Tảo lục phản ứng mạnh mẽ với sự thay đổi của ngày và đêm. Dưới ánh nắng mặt trời, chúng mọc thẳng đứng và trở nên sáng rực. Khi không nhận đủ sáng, chúng mọc lan và có màu mờ nhạt. Vì thế, việc tìm hiểu quá khứ của loài tảo này có thể giúp ngoại suy ra sự thay đổi độ dài ngày và đêm vào thời kỳ mà chúng sinh sống. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu những mẫu hoá thạch 1,3 tỷ năm ở chân núi Yanshan ở miền bắc tỉnh Thiên Tân, Trung Quốc. Chúng cho thấy một bức tranh chính xác về nhịp điệu tăng trưởng của tảo lục. Nhịp điệu chỉ ra rằng tốc độ tự quay của trái đất 1,3 tỷ năm trước khác xa so với ngày nay. Trước thế kỷ 20, các nhà khoa học còn tin rằng tốc độ tự quay của trái đất không thay đổi nhiều lắm qua thời gian. Tuy nhiên, sau những phân tích sâu hơn về mặt trời, mặt trăng và các tinh vân, người ta đã thấy rõ rằng tốc độ quay của trái đất đang chậm dần lại do ảnh hưởng của thuỷ triều. Trong vòng 2.500 năm qua, một ngày thiên văn trung bình đã dài ra 0,0024 giây sau mỗi thế kỷ. Ngoài ra, tốc độ quay của trái đất còn phải chịu những thay đổi theo mùa gây ra bởi các hiện tượng khí tượng và lực hấp dẫn của mặt trăng. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận những thay đổi không liên tục trong tốc độ quay của trái đất (kéo theo việc độ dài ngày tăng lên hoặc giảm đi khoảng vài phần nghìn giây trong 1-3 năm), mà đáng kể nhất là vào các năm 1864, 1876, 1898 và 1920. Thuận An (theo Pravda)
Bí ẩn pháo hoa Pháo hoa. Ảnh: merlin-fireworks.co.uk Tết và các lễ hội hầu như không thể thiếu pháo hoa, song ít người biết được công thức làm ra nó. Ngoài ra, không phải bạn muốn gì là được nấy, chẳng hạn bạn không thể ép pháo hoa khi nổ ra hình thù mong muốn. Đầu tiên là thuốc nổ màu đen (thuốc súng), cái cần thiết nhất để làm đủ loại pháo hoa. Thuốc nổ là một hỗn hợp than củi, lưu huỳnh và kali nitrat. Khi tiếp xúc với một tia lửa, ba thứ đó hợp thành một chất đốt rất mạnh. Rõ hơn là lưu huỳnh và than củi vét hết ôxy của kali nitrat, nguồn cung cấp lớn. Như trong mọi sự đốt cháy, nhiệt độ sẽ tăng lên, càng cao hơn trong không gian hạn hẹp của trái pháo. Càng kín, nhiệt độ càng tăng. Thế là sự đốt cháy kích hoạt "phụ gia" của trái bom, nói cách khác là chất tạo ra màu sắc và hiệu quả mong muốn. Được nhồi đầy năng lượng do nhiệt độ, các electron của phụ gia tuôn ra từng bó ánh sáng. Ánh sáng màu gì? Trong nhiều thế kỷ, các nhà chế tạo pháo hoa chỉ tạo ra những tia chớp vàng và trắng. Về sau, người ta đã biết cách làm cho phong phú hơn với màu đỏ và xanh lá cây (hai màu dễ thực hiện nhất) và cả màu xanh da trời, tím, hồng và da cam. Tất nhiên, công thức chính xác của phụ gia là một điều tối mật. Đó là bí quyết của sự cạnh tranh. Tuy nhiên, người ta thường dùng nhất là những muối kim loại dựa trên cơ sở Baryum, đồng, natri và strontium. Clorua đồng tạo ra màu xanh da trời rất đẹp, clorua strontium cho ra màu đỏ rực rỡ. Kết hợp khéo léo hai chất đó, ta sẽ có một màu tím tuyệt vời. Một loại pháo hoa hiện đại là hầu như không có giới hạn. Tuy nhiên, các nhà hóa học cũng không thể đáp ứng hết mọi đòi hỏi. Hãy yêu cầu họ cho ta một màu xanh rất sáng, họ sẽ nhăn mặt lại. Để tăng cường độ sáng, phải đốt nóng hơn nữa. Thế mà, trên 1.200 độ C, chất clorua đồng sẽ bị rã ra và không phát ra màu xanh nữa. Nếu các bạn hỏi có thể làm những pháo hoa khi nổ sẽ tạo ra hình thù hay chữ này chữ nọ, họ sẽ trả lời: Chà! Thật khó. Tài Hoa Trẻ (theo SVJ)