Vì sao thân cây hình trụ? Môn hình học mách bảo chúng ta rằng diện tích của hình tròn lớn hơn bất kỳ hình nào khác. Do đó, cùng một lượng nhiên liệu như nhau, muốn tạo thành đồ vật có dung tích lớn nhất hoặc có sức chứa nhiều nhất thì hiển nhiên phải tạo thành hình tròn là thích hợp hơn cả. Chẳng có gì lạ khi người ta làm ống khói, ống dẫn nước đều là ống tròn. Trên thực tế đó là một kiểu bắt chước hiện tượng tự nhiên (phỏng sinh học). Thứ hai là hình trụ tròn chịu lực tốt nhất. Trọng lượng của tán cây to tròn đều nhờ vào sự chống giữ của thân cây. Có những loài cây sai trái, đến mùa trên cây còn treo nặng hàng tạ quả, nếu không có cành thân khỏe chống giữ, làm sao có thể tồn tại được. Hơn nữa, thân cây hình trụ tròn còn có lợi cho việc phòng chống tác hại từ bên ngoài. Nếu hình vuông hoặc hình chữ nhật, thân cây ắt sẽ có các góc cạnh, dễ làm mồi cho động vật gặm nhấm. Ngoài ra, cây thân gỗ là cây lâu năm, trong đời nó khó tránh khỏi bị gió bão tấn công. Do thân cây hình trụ tròn, cho nên dù gió lớn đến từ phía nào cũng dễ dàng lướt qua bề mặt, chỉ phải chịu một lực nhỏ mà thôi. Mọi sinh vật đều tiến lên phía trước trên bậc thang tiến hóa. Hình trụ tròn của thân cây chính là kết quả hoàn hảo của sự thích nghi đó.
Vì sao ruồi bay có tiếng, nhưng bướm lại không? Bướm đập cánh rất chậm, vì thế không phát ra tiếng kêu. Khi ruồi muỗi lượn quanh, từ xa, bạn đã nghe thấy tiếng “động cơ” vo vo của chúng. Nhưng bướm thì dù có ghé sát tai vào bạn cũng không thể nghe được gì cả. Phải chăng ruồi muỗi có cơ quan "phát thanh" đặc biệt? Thật ra, tiếng kêu đó chỉ là do dao động do cánh gây ra mà thôi. Để chứng minh vấn đề này, chúng ta hãy làm thí nghiệm sau: lấy một mảnh tre mỏng rồi khua lên khua xuống trong không khí. Nếu khua nhẹ, bạn sẽ không nghe thấy gì, nhưng nếu khua mạnh, sẽ có tiếng vù vù rất rõ. Âm thanh truyền đến tai ta là do tai cảm nhận được các dao động trong không khí. Tuy nhiên, ta chỉ có thể nghe được những rung động có tần số từ 20 đến 20.000 lần mỗi giây. Nếu thấp hoặc cao hơn khoảng này chúng ta đều không nghe thấy. Điều đó giải thích vì sao mảnh tre khua chậm thì im hơi lặng tiếng, nhưng khi khua nhanh sẽ tạo ra tiếng xé gió vù vù. Côn trùng khi bay phát ra âm thanh cũng giống như nguyên lý kể trên. Các nhà khoa học cho biết, mỗi giây, ruồi nhặng vỗ cánh từ 147-220 lần, muỗi là 594 lần, thậm chí có loài còn vỗ 1000 lần, ong mật vỗ 260 lần. Nhưng bướm trắng thì chỉ lập lờ có... 6 lần, bướm gai 5 lần. Chính vì thế mà chúng bay hoàn toàn yên lặng.
Tại sao đuôi của rắn chuông kêu được? Mô hình rắn đuôi chuông. Ở một số vùng ở châu Mỹ, khi nghe thấy âm thanh “Cala-cala”, người không có kinh nghiệm cứ ngỡ đó là tiếng nước chảy từ khe suối, nhưng xung quanh lại chẳng có con suối nào. Té ra, đó là tiếng kêu do một loài rắn có độc tính cực mạnh vẫy đuôi phát ra. Đây chính là rắn đuôi kêu, hay rắn chuông. Đại diện ở Việt Nam là rắn lục. Vì sao cái đuôi của nó có khả năng này? Để ý một chiếc còi, bạn sẽ thấy nó có một cái vỏ bằng đồng, bên trong là một lớp màng ngăn cách, hình thành hai bong bóng rỗng. Khi ta dùng sức thổi, do có sự rung động của không khí nên âm thanh phát ra. Đuôi của rắn chuông cũng có cấu tạo tương tự, chỉ khác là vỏ ngoài của nó không phải là kim loại, mà là vành chất sừng. Lớp da chắc chắn này vây thành một cái xoang rỗng, màng sừng trong xoang ngăn thành hai cái bong bóng. Nhờ có sự di chuyển qua lại của luồng không khí, nên bong bóng rỗng phát ra âm thanh từng hồi, từng hồi một. Âm thanh này có nghĩa gì nhỉ? Có người cho rằng, rắn bắt chước âm thanh của tiếng nước chảy trong khe suối, là để thu hút những động vật nhỏ đến thăm, đó cũng là một cách bắt mồi.
Vật lý 1 tí... Cái nào nặng hơn? Trên đĩa cân đặt một thùng nước đầy tới miệng. Trên đĩa cân bên kia cũng có một thùng nước giống như thế, cũng đầy nước tới miệng, nhưng có một khúc gỗ nổi lên trên. Hỏi thùng nào nặng hơn? Câu đố này được đặt ra cho nhiều người, và có nhiều câu trả lời khác nhau. Người thì đáp thùng nước có khúc gỗ nổi lên mặt phải nặng hơn, vì “ngoài nước ra, trong thùng còn cả gỗ”. Kẻ bảo ngược lại, thùng nước kia nặng hơn vì “nước nặng hơn gỗ’. Câu trả lời đúng là cả hai thùng nặng như nhau. Trong thùng thứ hai đúng là có ít nước hơn thùng thứ nhất, vì khúc gỗ nổi có đẩy bớt một ít nước ra ngoài. Nhưng theo định luật về sự nổi thì với mọi vật nổi, phần chìm của nó sẽ chiếm chỗ của một phần nước có trọng lượng đúng bằng trọng lượng của vật đó. Vì thế mà cân giữ nguyên thế thăng bằng. Bây giờ bạn hãy thử giải đáp câu đố khác. Đặt lên đĩa cân một cốc nước và để bên cạnh nó một quả cân. Sau khi đã làm đĩa thăng bằng, bỏ quả cân vào cốc nước. Hỏi cân sẽ như thế nào? Theo định luật Acsimet, quả cân ở trong nước sẽ nhẹ hơn khi để bên ngoài. Bạn có thể tưởng tượng rằng đĩa cân có đặt cốc sẽ vồng lên. Nhưng thực ra cân vẫn thăng bằng. Đó là vì quả cân khi bỏ vào cốc nước đã chiếm chỗ của một phần nước, làm cho nước dâng cao hơn mực nước kia. Vì thế lực ép lên đáy cốc tăng lên, khiến cho đáy cốc phải chịu thêm một lực phụ, bằng chỗ “hao hụt” trọng lượng của quả cân.
Đeo kính vào rồi đọc... Cuộc sống trong con mắt người cận thị “Ở trường trung học, tôi bị cấm chỉ không được đeo kính, nên thấy cô gái nào cũng đẹp cả. Nhưng sau khi tốt nghiệp, thì tôi thất vọng biết bao!”, nhà thơ Denvich, bạn của nhà thơ Puskin đã có lần viết như thế. Denvich gặp phải tình huống trớ trêu này là do đôi mắt cận đã khiến ông "nhìn gà hóa hóa quốc". Trước tiên, những người cận thị (dĩ nhiên, chỉ khi không đeo kính) không bao giờ nhìn thấy rõ rệt những vành bao ngoài của đồ vật. Đối với họ, tất cả mọi vật đều có hình dáng hết sức lờ mờ. Một người có thị giác bình thường khi có thể phân biệt được từng lá, cành cây riêng biệt trên nền trời. Còn người cận thị thì chỉ nhìn thấy một khối màu xanh không có hình thù rõ rệt, mờ mờ ảo ảo, như một hình kỳ lạ vậy. Những người cận thị thấy bộ mặt người khác như trẻ trung hơn và quyến rũ hơn, đơn giản vì họ không thể nhìn thấy những nếp nhăn và những vết sẹo nhỏ. Đối với họ, màu da đỏ thô trở thành màu hồng mịn màng. Đôi khi chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy người nào đó đoán tuổi người khác sai đến 10 tuổi. Chúng ta lấy làm lạ về óc thẩm mỹ kỳ quặc của anh ta, thậm trí còn thấy anh ta thiếu lịch sự, trố mắt nhìn trừng trừng vào mình. Đó là vì khi không đeo kính mà nói chuyện, anh ta hoàn toàn không nhìn thấy bạn. Trong mọi trường hợp anh ta đều không nhìn thấy những điều mà bạn cầm chắc là anh ta phải thấy. Bởi vì, trước mắt anh ta là một hình ảnh mơ hồ, không có gì đặc biệt, do đó cách một giờ sau gặp lại nhau, anh ta đã không nhận ra bạn. Những người cận thị nhận ra người khác phần lớn dựa vào giọng nói chứ không phải căn cứ vào hình dáng bên ngoài. Ban đêm, đối với người cận thị, hết thảy những vật sáng như đèn đường phố, đèn trong nhà… đều trở nên lớn vô cùng, những bóng đen mờ ảo không có hình dáng. Họ không nhận ra những chiếc ô tô phóng lại gần mà chỉ thấy hai vùng sáng chói lòa (hai đèn pha ô tô), đằng sau là một khối tối om. Bầu trời đêm đối với người cận thị cũng khác xa so với người thường. Họ chỉ có thể thấy những ngôi sao lớn nhất mà thôi. Do đó, đáng lẽ là hàng nghìn ngôi sao thì họ chỉ thấy được độ mấy trăm. Qua mắt họ, những ngôi sao ấy giống như những quả cầu sáng khổng lồ, còn mặt trăng rất to và gần, trăng lưỡi liềm thì là một hình dạng rất phức tạp, kỳ quái. Nguyên nhân của tất cả những hiện tượng trên là do sai sót trong cấu tạo của mắt người cận thị. Mắt họ quá sâu, đến nỗi những tia sáng mà nó thu được phát ra từ mỗi điểm trên vật thể không sao hội tụ được ở đúng võng mạc, mà lại hội tụ trước võng mạc. Do đó, tia sáng khi rọi tới võng mạc ở đáy mắt thì đã phân tán mất rồi, nên chỉ tạo thành một ảnh rất lờ mờ trên võng mạc.
Có thật kiến là những kẻ lao động gương mẫu? Nhiều người từng ca ngợi kiến chăm chỉ, có tinh thần tập thể cao, là tấm gương sáng mà con người cần học tập! Sai. Thực tế, kiến không hề biết có bạn bè, mà con nào con nấy chỉ biết chăm chăm vào việc của mình, cản trở lẫn nhau. May thay, định luật tổng hợp lực đã giúp những hành động hỗn loạn của chúng thành ra có vẻ hợp lý. Trong cuốn "Bản năng", nhà động vật học Elaxit viết: "Nếu có hàng chục con kiến tha miếng mồi trên mặt đất phẳng lỳ, thì hết thảy bọn chúng đều cố gắng như nhau, và nhìn bề ngoài, ta tưởng rằng chúng đồng tâm hiệp lực lắm. Nhưng khi miếng mồi ấy, con sâu chẳng hạn, vướng phải một cọng cỏ hoặc một hòn đá nhỏ, không thể kéo thẳng đi được, mà phải kéo vòng quanh, thì bạn sẽ thấy ngay rằng con nào con nấy chỉ biết việc của mình, không biết phối hợp với nhau để vượt chướng ngại vật. Con kéo về bên phải, con kéo về bên trái, con về đằng trước, con kéo giật lùi. Chúng chạy lăng xăng từ chỗ này qua chỗ khác, cắn vào mình sâu, chú nào chú nấy cứ thế đẩy và kéo theo ý riêng. Đến khi tình cờ chúng tìm ra một hợp lực vì 6 con đẩy về một phía, còn 4 con kéo về một phía khác, thì rốt cục mồi di chuyển về phía đẩy của 6 con kiến kia. Thế là chúng tìm được lối thoát, dù 6 con cứ việc đẩy còn 4 con kia cứ việc cản". Bây giờ chúng ta có một miếng phó mát (hình bên) và 40 con kiến tha miếng phó mát ấy. 20 con ở đầu A, 10 con ở đầu B, và mỗi bên có 5 con. Người ta có thể tưởng tượng ra một kiểu cộng tác lý tưởng là 20 con ở đầu A kéo, 10 con ở đầu B đẩy, còn 10 con ở hai bên thì huých vai, cùng đưa miếng phó mát về phía trước. Tuy nhiên, khi dùng con dao gạt hết 10 con kiến ở phía sau đi thì miếng phó mát lại chuyển động nhanh hơn! Thì ra 10 con ở phía sau không đẩy mà cứ kéo miếng phó mát về phía mình. Kiến chẳng hợp tác gì cả, mà con nào cũng ra sức kéo miếng mồi về phía nó theo bản năng chiếm hữu. Thực tế, để tha miếng phó mát chỉ cần 10 chú kiến biết hợp sức kéo về một phía là đủ, 40 con kiến chỉ cản trở nhau thêm. Trong một truyện ngụ ngôn, Mark Twain đã kể về cuộc gặp gỡ giữa hai con kiến và một cái càng châu chấu như sau: "Mỗi con cắn một đầu và ra sức kéo về hai phía ngược nhau. Cả hai đều nhận thấy tựa hồ có gì không ăn khớp, nhưng rút cục chúng chẳng hiểu tại sao. Thế rồi chúng cãi nhau và đánh nhau... Về sau, chúng làm lành với nhau và lại bắt đầu cái công việc cộng tác vô nghĩa này. Nhưng bây giờ người bạn bị thương trong cuộc đánh lộn lại trở thành một chướng ngại vật: Nó không chịu bỏ mà cứ bám chặt lấy miếng mồi. Con kiến khoẻ mạnh kia phải gắng hết sức mới tha được cả miếng mồi lẫn người bạn bị thương về tổ". Kết thúc câu chuyện, Mark Twain châm biếm: "Chỉ qua con mắt của những nhà vạn vật học thiếu kinh nghiệm, toàn đưa ra những kết luận mơ hồ, thì kiến mới là kẻ lao động gương mẫu".
Dành cho các cô (VDG cũng có phần trong này) Vì sao muỗi thích đốt người mặc đồ sẫm màu? Muỗi ít khi đốt người mặc đồ sáng màu, vì chúng bị lóa mắt. Đôi khi bên bàn ăn, bạn bị muỗi đốt chí tử, trong khi nhưng người khác vẫn bình an vô sự. Có thể bạn cho rằng máu mình "ngọt" hơn, nên chúng thích tìm đến. Thật ra, đó là vì màu quần áo bạn rất hợp "gu" của chúng. Khả năng phân biệt màu sắc nằm ở đôi mắt muỗi. Đôi mắt này rất to, chiếm tới ¾ diện tích phần đầu, gồm nhiều mắt nhỏ ghép thành, gọi là “mắt ghép”. Mắt muỗi không những phân biệt được các vật khác nhau mà còn có thể nhận biết màu sắc và cường độ ánh sáng mạnh yếu. Đa số các loài muỗi đều thích ánh sáng mờ; tối quá hoặc sáng quá đều không hợp "gu" của chúng. Khi chúng ta mặc quần áo sẫm màu, ánh phản quang hơi tối rất hợp với tập tính hoạt động của muỗi. Ngược lại, quần áo màu trắng phản quang mạnh sẽ xua đuổi muỗi tránh xa. Vì thế, người mặc quần áo sẫm màu dễ bị đốt nhiều hơn. Đương nhiên do muỗi có nhiều loài khác nhau nên cường độ ánh sáng ưa thích của mỗi loài không giống nhau. Ví dụ, phần lớn loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày, còn các loài muỗi khác thích hoạt động vào lúc sẩm tối hoặc rạng sáng. Nhưng dù là loài muỗi nào, chúng cũng đều lẩn tránh nơi có cường độ ánh sáng cao. Ngay cả loài muỗi vằn thích hoạt động ban ngày thì cũng phải sau 3-4 giờ chiều mới tung hoành.
Ai hay ăn dưa hấu!? Tại sao lõi dưa hấu lại ngọt hơn phần ngoài? Phần cùi dưa hấu ngọt hơn nhiều so với xung quanh. Động vật rất thích ăn đường, vì chất ngọt này chứa nhiều năng lượng, khiến chúng khỏe mạnh. Dưa hấu thì không có chân để chạy và gieo hạt của mình, nên cách tốt nhất là nhờ động vật làm hộ việc này. Nhưng muốn thế, phải bồi dưỡng chúng bằng... đường. Dưa hấu "tiến hóa" theo cách ngọt lịm ở phần lõi, nơi có nhiều hạt nhất. Đó là vì khi động vật ăn cùi dưa hấu, chúng sẽ ăn cả hạt, và một phần trong số đó không bị nghiền nát, sẽ theo đường tiêu hóa của động vật ra ngoài, mọc lên ở một nơi xa xôi nào đó. Cũng có một cách giải thích khác, là do quả dưa hấu chín từ trong nhân ra, nên phần ở giữa sẽ ngọt hơn các phần khác.
Vì sao trong sa mạc có ốc đảo? Vì sao trong sa mạc có ốc đảo? Một ốc đảo giữa sa mạc châu Phi. Giữa sa mạc mông mênh cát trắng, không một giọt nước, thỉnh thoảng lại xuất hiện những ốc đảo xanh tươi với nhiều động thực vật đa dạng. Tại sao ở đây có nhiều nước như vậy, dù rất ít mưa? Đa số các ốc đảo đều dựa vào núi cao, hướng ra sa mạc. Vào mùa đông, băng tuyết đọng lại trên đỉnh núi. Đến mùa hè, băng tan ra, chảy thành sông. Do địa thế dốc nên nước chảy xiết, mang theo bùn đất, thậm chí cả các tảng đá lớn từ trên núi. Nhưng khi đến cửa sông, địa thế đột nhiên bằng phẳng, bùn đất lắng đọng lại hai bên bờ, tích tụ dần thành những khu vực đất đai màu mỡ. Đa số các dòng nước không đủ mạnh để chảy ra biển, mà chỉ chảy một đoạn rồi thấm vào đất cát thành các mạch nước ngầm. Ở hai vùng bờ sông, gần các mạch nước ngầm, cây cối mọc xanh tươi. Đó chính là các ốc đảo.
Chó vẫy đuôi có phải vì mừng không? Chó vẫy đuôi có phải vì mừng không? Con chó này đang tập trung: đuôi nó duỗi thẳng ra phía sau. Người ta thường hiểu động thái ngoe nguẩy đuôi của chó như là sự chào mừng. Đáng tiếc, không hẳn đúng như vậy! Nhiều lúc, chó còn vẫy đuôi để biểu lộ sự cảnh giác hoặc sợ hãi. Một nghiên cứu trên loài chó bécgiê của Đức do các nhà khoa học nước này thực hiện cho thấy, chỉ khi chó vẫy đuôi xoăn tít, mắt sáng lên thì mới đúng là nó mừng thật. Còn khi chó đung đưa đuôi nhè nhẹ, mắt nhìn chăm chú, ấy là nó đang thăm dò, động thái này thuộc loại "thân thiện", nhưng bạn hãy cẩn thận, chó rất dễ nổi nóng bất chợt. Cũng có những con chó bécgiê thuộc loại "máu lạnh", ngay vào lúc mừng rỡ nhất cũng chỉ hơi ngọ nguậy đuôi thôi. Với những loại chó "sát thủ" này, bạn không biết khi nào nó mừng hoặc giận. Chỉ biết rằng, khi nó đột ngột rung đuôi thì bạn phải cảnh giác: nó sắp lao vào bạn đấy! Khi sợ hãi, chó hơi cong cuống đuôi lên, nửa đuôi sau cụp xuống, và đung đưa phần đuôi chót. Còn nếu cuống đuôi chó cũng cong lên, nhưng nửa sau không cụp xuống mà duỗi thẳng, ấy là lúc nó muốn khiêu khích. Nếu bạn để nó yên thì thôi, nhưng động vào, nó sẽ tấn công ngay. Nhóm khoa học công bố kết quả này trên tạp chí Động vật nhà của Đức. Ông Hans Molajek, trưởng nhóm nghiên cứu, nói: "Chúng tôi hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về loài vật gần gũi nhất với con người này. Điều quan trọng là các bạn sẽ không hiểu nhầm cách bày tỏ tình cảm của nó".