Tập đoàn khổng lồ Intel đã gây chú ý bằng việc đem đến Việt Nam những chiếc laptop giá chỉ vào khoảng 200 USD với thiết kế dành riêng cho lứa tuổi học sinh cấp 1 và cấp 2. Laptop học đường Classmate PC ứng dụng giải pháp trọn bộ phần cứng - phần mềm của Intel và được thiết kế nhỏ gọn với màn hình LCD 7 inch, bộ nhớ DDR-II 256 MB. Máy dùng chipset Intel 915 GMS, bộ xử lý Intel Celeron-M 900 MHz và hỗ trợ Wi-Fi. Ngoài ra nó cũng sẵn sàng kết nối không dây với mạng dạy học tương tác Skoool được Intel cung cấp kèm trong máy. Với kích thước 245 x 196 x 44 mm, chiếc Classmate PC khá phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp 1, cấp 2 ở Việt Nam. Vỏ bao ngoài màu xanh dương có quai xách, nút đậy nam châm, và khoảng trống để ghi tên học sinh, chiếc Classmate PC vừa tạo cảm giác gần gũi, lại vừa phù hợp với tính cách hiếu động của các em nhỏ. Các em có thể đánh rơi, quăng quật thoải mái mà không sợ ảnh hưởng gì đến máy. . . Bàn phím của Classmate PC nhỏ gọn, xinh xắn và loại bỏ một số nút như Shift phải, Alt phải, Ctrl phải, phím. Cách bố trí bàn phím cũng hơi khác so với bàn phím chuẩn của người lớn. Ví dụ phím tab, thanh space nhỏ hơn và thay đổi vị trí một số phím. Bên cạnh đó, do Classmate PC dùng ổ đĩa Flash thay cho ổ cứng thông thường nên có khả năng chống sốc tốt và tiết kiệm điện năng (có thể sử dụng liên tục trong 3 - 4 giờ). Tuy vậy, sản phẩm thú vị này vẫn còn tồn tại một số nhược điểm. Màn hình 7" của máy được thiết kế dạng widescreen, đạt độ phân giải thực 800 x 480 pixel, thể hiện sáng, rõ nét nhưng chữ bị co lại hơi nhỏ. Bàn trỏ chuột thiết kế cách điệu hình tròn khá đẹp, dễ di chuột nhưng không có nút cuộn. Ngoài ra, máy chỉ có cổng Ethernet, hai cổng audio, hai cổng USB và không có một cổng ra video nào. Điều này sẽ gây bất tiện cho người sử dụng nếu muốn sử dụng với máy chiếu hoặc với màn hình ngoài. Dự kiến, giá bán của chiếc laptop học đường này sẽ vào khoảng 200 USD, nhưng chưa rõ thời gian có mặt tại Việt Nam. Sở dĩ có giá thấp như vậy là bởi sản phẩm này được hỗ trợ từ các chương trình dành cho giáo dục của Intel.