Máy ảnh mang cảm quang thông minh Fujifilm FinePix F200EXR được trang bị công nghệ Super CCD EXR nên có thể thay đổi phương cách hoạt động tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng. Kể từ khi những chiếc dòng Fxx ra đời và đỉnh cao là FinePix F31fd, Fujifilm đã nổi tiếng hơn với khả năng chụp đêm. Tuy nhiên, công ty này lại không giữ được phong độ ở 2 sản phẩm nâng cấp tiếp theo - F50fd and F100fd. Năm ngoái, Fujifilm giới thiệu công nghệ Super CCD EXR tại triển lãm Photokina với hình ảnh minh họa thật đẹp, nhưng phải cho tới năm nay, khi chiếc máy ngắm chụp FinePix F200EXR đầu tiên với công nghệ này ra đời, những người yêu thích sản phẩm của Fujifilm mới được tận tay và tận mắt sử dụng, chiêm ngưỡng nhữn bức hình mà công nghệ Super CCD EXR mang lại. Tuy F200EXR thiếu khả năng quay phim ở độ phân giải cao, nhưng chất lượng hình ảnh tuyệt vời của nó có thể làm bạn tạm quên những tính năng "phụ" khác. F200EXR hình thức mập mạp. Ảnh: Dpreview. Thiết kế của F200EXR vẫn tương tự như chiếc máy F100fd "đời trước". Không biết kiểu dáng này còn được duy trì tiếp hay không nhưng với hình thức mập mạp, vỏ đen (hoặc bạc), thì chiếc máy này không thể hấp dẫn các quý bà kiểu cách như những sản phẩm siêu mỏng của Sony. Vị trí của đèn flash nằm gần chỗ nắm tay, nên đôi khi bạn sẽ sơ ý che mất đèn. Đây cũng là vấn đề của F100fd, tuy nhiên, Fujifilm cho rằng nếu để đèn vào trong hơn thì nó lại quá gần ống kính và gây hiện tượng flare (chóe) khi chụp. Màn hình LCD lớn (3 inch) chiếm phần lớn mặt sau của máy, so với kích thước 2,7 inch từ "đời trước". Phía bên phải của màn hình là các phím điều khiển: vòng xoay chọn chế độ, bàn phím 4 chiều và 4 nút chỉnh những chức năng thiết yếu, xem lại, chế độ hiển thị và chế độ nhận diện khuôn mặt. Màn hình rộng 3 inch. Ảnh: Letsgodigital. Điểm nổi bật của F200EXR chính là công nghệ Super CCD EXR mà những "fan" cuồng tín của Fujifilm đang tò mò muốn biết có vượt F31fd huyền thoại hay không. Ở chế độ Super CCD EXR, cảm quang 12 Megapixel thay đổi phương cách hoạt động tùy thuộc hoàn cảnh ánh sáng. Người dùng có các lựa chọn: Độ phân giải cao, ISO cao/ nhiễu thấp và ưu tiên dải tương phản (D-Range Priority), bạn có thể để máy tự động chọn hoặc tự mình chọn. Ở chế độ ISO cao/nhiễu thấp, 2 điểm ảnh kế nhau sẽ hoạt động như một để bắt thêm nhiều ánh sáng. Theo Fujifilm, điều này sẽ giúp giảm nhiễu tại mức ISO cao. Với chế độ ưu tiên dải tương phản, các điểm ảnh cạnh nhau sẽ chụp một cảnh với mức phơi sáng khác nhau. Sau đó máy ảnh sẽ tổng hợp các hình ảnh lại thành một với dãy tương phản đã được mở rộng hơn. Điều này có nghĩa là chi tiết ở vùng sáng và vùng tối đều được ghi lại tốt hơn. Chỉ một nhược điểm với 2 chế độ này là hình ảnh bị giới hạn không quá 6 Megapixel mà thôi. Điều ấn tượng chính là chế độ EXR tự động chuyển đổi một cách chính xác giữa các thiết lập EXR tùy theo điều kiện sáng. Thực tế, tính năng này hoạt động rất tốt, người dùng chỉ việc ngắm và chụp là có hình đẹp. Máy hỗ trợ thẻ SD/SDHC hoặc xD. Ảnh: Letsgodigital. Hệ ống kính của F200EXR cũng giống như F100fd: ống 28 mm và zoom quang 5x. Tuy nhiên, hiện tượng méo hình tương đối rõ khi ở góc rộng và đôi khi có viền tím nhẹ. Dĩ nhiên là khó nhận ra, trừ khi soi kỹ ở độ phóng đại 100% trên màn hình máy tính. Chiếc máy này cũng có chế độ chỉnh tay hoàn toàn. Tuy có rất nhiều tùy chọn tốc độ nhưng lại chỉ có 2 thiết lập khẩu độ. Sách hướng dẫn nói rằng máy sử dụng kính lọc cản quang (neutral density filter) để giảm lượng ánh sáng vào. Điều này có nghĩa là bạn chẳng thể khống chế được hiệu ứng tạo bởi độ sâu trường ảnh. Nói về chức năng quay phim, F200EXR chỉ ghi lại video ở độ phân giải VGA (640 x 480 pixel). So sánh với những máy tầm cao hơn, có thể quay được phim HD (1.280 x 720 pixel), Fujifilm quả là thấp bé. Tuy nhiên, khi quay ở khu vực tối, đèn trợ sáng lấy nét sẽ tự động bật giúp nhìn rõ các vật ở gần. Tính năng này khá hay và ít thấy ở các máy ảnh compact. Tính năng khác có thể kể đến, như nhận diện khuôn mặt, ổn định ảnh bằng cách dịch chuyển cảm biến và các chế độ cảnh thiết lập sẵn dành cho người dùng nghiệp dư. Một tính năng mới xuất hiện ở dòng này là giả lập màu phim, làm cho hình tương tự màu phim nhựa của Fujifilm như Provia, Velvia và Astia. F200EXR có 48 MB bộ nhớ trong và khe cắm thẻ SD/SDHC hoặc xD. Máy cũng sử dụng chụp loại pin sạc NP-50 giống F100fd. Chiếc máy mới của Fujifilm thực thi tương đối nhanh, khởi động dưới 2 giây, so với 2,56 giây ở F100fd. Độ trễ cửa trập khoảng 0,05 giây. Tốc độ này khá thông thường ở máy compact và không có gì đáng phàn nàn. F200EXR lấy nét nhanh khi đủ sáng, nhưng buổi tối đôi lúc lập bập và thi thoảng còn lấy nét trật. Ngoài ra không có sự khác biệt về thời gian xử lý/ghi file ở chế độ thông thường cũng như chế độ EXR. Phím điều khiển: vòng xoay chọn chế độ, bàn phím 4 chiều và 4 nút chỉnh những chức năng thiết yếu. Ảnh: Letsgodigital. Không thể nói tới chất lượng hình ảnh của F200EXR mà không nói tới khả năng làm việc cực tốt của cảm quang Super CCD EXR. Đương nhiên chất lượng hình chưa thể bằng DSLR, nhưng chắc chắn, chiếc máy này đang đứng đầu bảng máy compact tầm trung. Với chế độ chụp đêm ISO cao, nhiễu thấp, máy tự chọn ISO là 1.600 (một lựa chọn mà chẳng mấy khi áp dụng cho máy ngắm chụp). Kết quả hình ảnh thực sự là ngoài sự tưởng tượng. Ở vùng sáng, tông màu và sắc độ màu chuyển rất tự nhiên với khá đủ chi tiết - thật đáng nể đối với một máy compact. Vùng tối có chút nhiễu sạn nhưng cũng ở mức độ tối thiểu. Ở chế độ D-Range Priority, có thể nhận thấy vùng sáng của bức ảnh đã được chỉnh tối bớt và giàu chi tiết hơn. Khi so sánh ở các mức ISO khác nhau, tại IS0 100, hình ảnh mịn màng và không hề có dẫu hiệu nhiễu. ISO 200 và 400 bắt đầu thấy nhiễu không hề gây khó chịu. Tiến tới ISO 800, đã có nhiều đốm sáng trên hình. Tuy nhiên, so sánh với các máy compact khác như F100fd và Lumix DMC-LX3 ở cùng một thiết lập, rõ ràng, F200EXR vẫn giành phần hơn. Màu sắc luôn là thế mạnh của Fujifilm và điều này cũng thể hiện ở chiếc máy ảnh mới. Ảnh không bị quá bão hòa màu, nhưng vẫn rất nịnh mắt. Tông màu da cũng rất tự nhiên. Fujifilm FinePix F200EXR rất phù hợp cho những người yêu cầu chất lượng hình ảnh cao. Công nghệ Super CCD EXR làm cho chiếc máy ảnh này dẫn đầu trong dòng máy compact tầm trung. Tuy thiếu khả năng quay video HD, nhưng chất lượng hình ảnh tuyệt vời của nó cũng đáng để cân nhắc. Chỉ cần để EXR ở chế độ tự động là máy đã đủ thông minh để phân biệt cảnh chụp và tối ưu hóa các thiết lập nhằm cho hình ảnh đẹp nhất. Với giá từ 7,2 đến 7,5 triệu đồng, F200EXR không phải rẻ. Nhưng với công nghệ cảm quang tiên tiến, giá cả như vậy cũng là chấp nhận được. Tuy máy nhắm vào những người biết làm chủ máy ảnh, nhưng những tay amateur hoàn toàn có thể sử dụng tốt với chế độ EXR tự động. Theo Số hóa