Thế giới công nghệ, với những đặc điểm riêng biệt của nó, biến đổi không phải từng ngày mà là từng giờ từng phút. Hàng ngày, có hàng trăm câu chuyện, hàng trăm hàng ngàn thứ để dân công nghệ trao đổi, tâm sự với nhau. Xuyên suốt trong 6 tháng đầu năm vừa rồi, có 5 câu chuyện mà người ta nói nhiều nhất, ảnh hưởng sâu sắc nhất đến thế giới công nghệ. Nếu bạn theo dõi GenK hay bất cứ trang công nghệ nào khác, chắc chắn, sẽ thấy rất nhiều bài viết, thảo luận liên quan đến 5 chủ đề sau: Apple thời hậu Steve Jobs Có thích hay ghét Apple và Steve Jobs thì chúng ta cũng phải công nhận rằng 4 5 năm vừa qua, Apple dưới bàn tay của Steve Jobs là công ty thành công nhất thế giới công nghệ. Apple, trong thời gian đó, đã mang lại cho chúng ta những điều thần kỳ, những sản phẩm thay đổi hoàn toàn thế giới. Chưa một công ty nào, từ sau thời kỳ hoàng kim của Microsoft, lại biến đổi thế giới một cách sâu sắc đến như vậy, hay nhìn cách iPhone thay đổi hoàn toàn ngành sản xuất điện thoại khiến cho các công ty điện thoại khác phải vứt bỏ gần hết công sức phát triển từ 4 năm 5 trước đó và mất hơn 2 năm để có thể sản xuất được những sản phẩm gần bằng iPhone, Macbook Air mở ra kỷ nguyên của laptop siêu mỏng mà mãi 5 năm sau, cuộc chiến laptop siêu mỏng mà chúng ta quen gọi là ultrabook mới nổ ra, iPad khởi đầu thị trường tablet mà tính đến thời điểm này, nó vẫn chưa có đối thủ xứng tầm... Apple, vươn mình từ một công ty chuẩn bị phá sản năm 1997, thành hoa tiêu của thế giới công nghệ, trở thành công ty duy nhất ở thời điểm này có khả năng (và đang tiến rất gần) đến mốc vốn hóa thị trường 1000 tỷ USD - gấp gần 10 lần GDP của chúng ta. Không may, năm ngoái, thiên tài của giới công nghệ và kinh doanh toàn thế giới mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Để lại đó là một Apple đang trong thời kỳ thịnh vượng. Câu hỏi đặt ra, liệu người kế tục ông có tiếp tục được những thành công này không? Liệu Apple có vì sự ra đi này mà mất đà trong cuộc đua công nghệ không? Có vẻ, cho đến thời điểm này Tim Cook đang làm rất tốt, cổ phiếu Apple tăng mạnh, những con số hoàn hảo, tuyệt vời về tình trạng kinh doanh, doanh số, lãi... trong báo cáo tài chính luôn làm hài lòng bất cứ cổ đông nào khó tính nhất và luôn làm thế giới kinh ngạc. Kinh ngạc chứ, một công ty quy mô 100 tỷ USD đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 50 ~ 100% sau mỗi năm, sản xuất phần cứng có lợi nhuận gộp tới 40%... Rõ ràng, khó có thể chê trách Tim Cook nhưng ta vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm khi mà những thành công này vẫn đến từ những sản phẩm của Steve Jobs. Windows 8 Có lẽ, từ khi thống trị thị trường cho đến bây giờ, chưa bao giờ Microsoft lại rơi vào tình huống khó khăn như thế này. Cũng phải thôi, khi mà cả ngành công nghiệp mà hãng đang nắm "phần hồn" lao đao trước cuộc xâm lăng đến từ vương quốc mobile. Và, sản phẩm tiếp theo của huyền thoại Windows, Windows 8 đang phải chịu một sức ép lớn hơn bao giờ hết. Windows 8 liệu có mờ nhạt? Windows 8, bắt buộc phải thành công, không chỉ trên lãnh địa truyền thống: PC mà phải vươn ra cả những phần đất hoàn toàn mới là tablet và các thiết bị di động khác. Một nhiệm vụ không thể khó khăn hơn. Nếu thất bại, có lẽ, điều tồi tệ nhất chưa đến ngay với Microsoft bởi lẽ hãng đang có một nền tảng quá vững chắc và chưa có bất cứ điều gì có thể đánh bật PC ra khỏi các văn phòng, công xưởng thời điểm này. Nhưng mất đi vị thế thống trị, sức mạnh của Microsoft trong vài năm tới có thể bị đặt dấu hỏi nặng nề. Google và nỗ lực định vị bản thân Trong thập kỷ trước, sứ mệnh của Goolge là "tổ chức lại thông tin của thế giới" và thực sự, Google Search đã rất thành công cho đến thời điểm này. Thành công của Google Search tạo vị thế, sức mạnh cho hãng trong thế giới công nghệ, tạo những điều kiện về tiền bạc, con người.... cho Google chinh phục mục tiêu lớn hơn: trở thành người định hướng cho thế giới công nghệ. Để hiện thực hóa điều này, Google đang đầu tư vào xe tự động lái, Google Glass (chiếc kính với sức mạnh y như trong phim viễn tưởng), các ngành giải trí... Google, đang cố gắng thay đổi thế giới như cái cách mà Microsoft đã làm trước đây 30 năm. Nhưng, mọi việc vẫn còn quá gian nan với Google. Trừ Google Search và một số công cụ miễn phí thống trị thị trường, những sản phẩm khác của hãng đang không được tốt cho lắm. Android tuy đông nhưng không mạnh mẽ bằng iOS, Google Glass còn lâu mới có thể bán đại trà thậm chí có thể xuất hiện, "mỏ vàng" tìm kiếm trực tuyến đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi xu hướng mạng xã hội hóa mà đi đầu là Facebook. Những nỗ lực cạnh tranh của Google+ chỉ như muối bỏ bể trong khi Google vẫn đang kẹt trong việc tìm ra hướng đi chính xác cho mình trong tương lai. Facebook và sự kiện IPO tệ hại nhất trong 1 thập kỷ qua Tháng trước, cổ phiếu mạng xã hội 900 triệu người dùng Facebook IPO với giá 38 USD mỗi cổ phiếu đưa giá trị thị trường của công ty này đạt mức 104 tỷ USD, đồng thời là thương vụ IPO lớn thứ 2 của nước Mỹ, chỉ sau VISA năm 2008, lớn gấp nhiều lần vụ IPO "lịch sử" của Google vào năm 2003. Thế nhưng, mọi chuyện không như mơ. Sau nửa tháng, cổ phiếu Facebook rớt giá một cách thảm hại, 1/3 giá trị, đưa mỗi cổ phiếu Facebook dao động quanh mức 25 - 26 USD. Đơn giản bởi doanh thu và tốc độ tăng trưởng doanh thu dự kiến (đã điều chỉnh) của Facebook không tương xứng với số tiền các nhà đầu tư bỏ ra. Nguyên nhân chính của tất cả mọi việc, cũng từ xu hướng mobile. Facebook có khoảng trên dưới 500 triệu người dùng mobile nhưng chưa có cách để kiếm tiền từ họ. Facebook đang tỏ ra rất yếu thế trong cuộc chiến với các đối thủ đến từ di động bởi việc nó gắn quá chặt với nền tảng PC. Tuy nhiên, Facebook cũng đang tỏ ra rất quyết tâm mà minh chứng rõ ràng nhất là thương vụ 1 tỷ USD mua lại đối thủ Instagram cách đây không lâu. Thương vụ này chỉ là một trong số 6 hoặc 7 vụ M&A đã và sẽ được Facebook tiến hành để có thêm sức mạnh trong cuộc chiến di động. Cá nhân tôi vẫn tin rằng sự tụt giá của cổ phiếu Facebook chỉ trong ngắn hạn gần do các điều kiện phát triển và tiềm năng của Facebook là quá lớn. Có thể, 1 hoặc 2 năm nữa thôi, những người đã trót bán cổ phiếu lúc này phải tiếc nuối bởi mức tăng gấp đôi hoặc gấp 3 của Facebook là hoàn toàn có thể. Mobile hóa Bất cứ ai cũng có thể cảm thấy sự phát triển của thế giới mobile xung quanh bản thân mình. Sự rẻ đi nhanh chóng của smartphone, 3G và sự phát triển của Wifi khiến cho mọi thứ bị "mobile hóa" nhanh hơn bao giờ hết. Facebook phải mất 7 năm để có 500 triệu người dùng nhưng lượng người sử dụng Facebook mobile tăng từ "rất ít" lên 500 triệu chỉ trong 3 năm mà năm vừa rồi tăng đến hơn 300. Có khoảng gần 1 tỷ smartphone đang "lưu hành" trên thị trường và khoảng 6 tỷ dump phone hoạt động. Tỷ lệ này đang thay đổi rất nhanh, điều này có nghĩa sẽ càng ngày sẽ càng có nhiều người dùng smartphone, truy cập Internet, tìm thông tin từ smartphone... Rồi thì Siri và các bạn sẽ biến cuộc sống của chúng ta gắn chặt hơn với chiếc điện thoại. Sóng mobile, đang ngày càng nhanh, rộng và mạnh mẽ mở ra hàng trăm ngàn cơ hội cho các dịch vụ, sản phẩm đi trước đón đầu nhưng cũng sẽ là nhát dao kết liễu những ai không theo kịp nó. nguồn: kenk