Thảo luận Microsoft là đối tác tài trợ diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013

Thảo luận trong 'Tin Công Nghệ' bắt đầu bởi pinetrees, 20 Tháng sáu 2013.

  1. pinetrees Thành viên

    Hôm nay, Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 3 đã khai mạc tại Khách sạn Melia Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên theo sáng kiến của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) kể từ 2011

    Năm nay, Diễn đàn được tổ chức dưới sự bảo trợ của Ủy ban Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng sự phối hợp của các bộ, ngành và UBND một số tỉnh, thành phố. Với vai trò là nhà tài trợ và đối tác tư vấn giải pháp CNTT, công ty Microsoft Việt Nam cũng là thành viên quan trọng của Diễn đàn.

    Diễn đàn CNTTTT 2013 đã thu hút 500 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, các đơn vị ứng dụng CNTT. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama là khách mời đặc biệt của Diễn đàn. Việc ông Hatoyama tham dự Vietnam ICT Summit 2013 đã đóng dấu mốc quan trọng vào việc kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Nhật, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.

    [​IMG]

    Vietnam ICT Summit 2013 có chủ đề: “CNTT – nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”. Nội dung Diễn đàn năm nay tập trung về tầm nhìn, xu thế, chiến lược và các giải pháp đưa CNTT trở thành một nền tảng của phương thức phát triển mới, góp phần nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương. Để giúp các lãnh đạo cấp cao thuộc các đơn vị chủ chốt trung ương và địa phương như cơ quan hoạch định và thi hành chính sách; các ngành, đơn vị và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hàng đầu trong ngành CNTT-Truyền thông; các cơ sở nghiên cứu, giáo dục và đào tạo nhân lực,… có thể xử lý được các bài toán hiện đại và ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh Diễn đàn đưa ra phương châm: Nhận diện Xu thế - Chia sẻ Tầm nhìn - Hoạch định Chiến lược - Tìm kiếm Giải pháp.

    Báo cáo chính của Diễn đàn “Năng lực cạnh tranh của Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” được TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh trình bày. Ngoài ra, Diễn đàn có 04 tọa đàm chuyên đề, dựa theo hệ thống tiêu chí của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)*, cụ thể là:
    Tọa đàm 1: “Hạ tầng thông tin quốc gia – Vấn đề và giải pháp”.
    Tọa đàm 2: “CNTT – Cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô”.
    Tọa đàm 3: “CNTT – Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.
    Tọa đàm 4: “CNTT – Cải cách đào tạo đại học”.

    Tham gia trao đổi trực tiếp trong Tọa đàm sẽ có đại diện lãnh đạo cấp cao các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu Việt Nam với các thuyết trình ngắn nhưng chuyên sâu kèm sự tham gia tương tác của các đại biểu tham dự. Tọa đàm được dẫn dắt bởi những chuyên gia đầu ngành như TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW; TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW; PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam.

    Với bề dày và kinh nghiệm chuyên sâu về giải pháp và ứng dụng CNTT, đặc biệt là về hạ tầng, Microsoft được mời thuyết trình trong Tọa đàm 1 - “Hạ tầng thông tin quốc gia – Vấn đề và giải pháp”. Phần trình bày của Microsoft được thực hiện bởi ông Kian Ng, giám đốc về giải pháp của Microsoft Châu Á, Thái Bình Dương. Phần tham luận này cung cấp một cái nhìn tổng quan về Chương trình “CityNext” của Microsoft, cung cấp tầm nhìn, nền tảng và công nghệ chính, tạo khả năng kết nối từ CloudOS (nền tảng điện toán đám mây của Microsoft bao gồm điện toán đám mây chung, điện toán đám mây riêng, phân tích nghiệp vụ và dữ liệu lớn) đến các bộ sản phẩm phía máy khách(client) để tăng hiệu suất làm việc, tăng khả năng phối hợp (Office/sharepoint).

    Chương trình đóng một vai trò chiến lược trong việc giúp các thành phố trên toàn thế giới từ New York, Mexico, London, Amsterdam, Copenhagen. Barcelona, Hamburg, Beijing., vvv. chuyển đổi thành “Đô thị thông minh’’. “Đô thị thông minh’ này là sự kết hợp dịch vụ và dữ liệu từ nhiều nguồn chức năng đô thị khác nhau như chức năng hành chính (gồm chính sách Thuế, Dịch vụ tự động và Tài chính), An toàn nơi công cộng và Tư pháp, Sức khỏe và dịch vụ xã hội, Giáo dục, Giao thông, Xây dựng & hạ tầng, Năng lượng & nước và Du lịch, Giải trí và văn hóa. Microsoft đã chia sẻ những cách làm tối ưu và các điểm nhấn chủ chốt để có thể kết hợp với các Chính phủ và lãnh đạo các thành phố cùng đối tác địa phương trong lĩnh vực tư vấn quản lý và hợp tác tài chính và các đối tác bán phần mềm đưa ra các giải pháp để khai thác lợi thế kỷ nguyên mới – “Đô thị thông minh”.

    Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Những giải pháp của Microsoft đặc biệt là hạ tầng có thể giúp các chính phủ, tổ chức và các doanh nghiệp tạo dựng được cơ sở hạ tầng CNTT tối ưu, nâng cao năng lực cạnh tranh với mức chi phí hợp lý nhất. Giải pháp, đặc biệt là hạ tầng Microsoft sẽ giúp đem lại cho doanh nghiệp khả năng dễ phát triển, dễ mở rộng hoặc thu gọn theo nhu cầu và tình hình thực tế hạ tầng CNTT mà vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật và riêng tư, dễ tương thích, dễ truy cập ... ".

    PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA – đơn vị tổ chức Diễn đàn cho biết: “Mục tiêu của Vietnam ICT Summit 2013 là góp phần đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức sâu sắc hơn ở các cấp, các ngành và toàn xã hội về quan điểm xác định CNTT là nền tảng cho phương thức phát triển mới, có tính tất yếu, hướng đến một xã hội tri thức, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững. Ứng dụng CNTT phải là yêu cầu bắt buộc trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư; trước mắt là trong cải cách hành chính, giao thông, y tế, giáo dục, phát triển đô thị. Những yêu cầu này phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật. Đây là con đường ngắn nhất để các nước đi sau như Việt Nam có cơ hội đuổi kịp các nước phát triển.”

    [​IMG]

    Thế giới đã bước sang giai đoạn mới của sự phát triển, CNTT và truyền thông không còn đơn thuần là một ngành kinh tế mà đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của mọi ngành, mọi, lĩnh vực, chi phối trực tiếp mọi hoạt động của con người.

    * Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos 2012, Việt Nam nằm ở nhóm thấp nhất trong 5 nhóm - nhóm các nước mới đáp ứng được các điều kiện cơ bản cho Năng lực cạnh tranh (gồm 38 quốc gia đa phần là các nước kém và đang phát triển). Theo đó, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% của 4 chỉ số cơ bản về năng lực cạnh tranh cụ thể như sau: thể chế đạt 3.6 điểm, đứng thứ 89/144 quốc gia,; cơ sở hạ tầng đạt 3.3, đứng thứ 95; môi trường kinh tế vĩ mô đạt 4.2, đứng thứ106; y tế và giáo dục phổ thông đạt 5.8, đứng thứ 64. Trong khi đó, nhóm các yếu tố về tính hiệu quả chỉ đạt 35% và nhóm các yếu tổ về sáng tạo và tinh vi nghiệp vụ chỉ là 5%. Năng lực cạnh tranh tổng thể của chỉ đặt 4.1 điểm đứng thứ 75/144 quốc gia. Nhóm các nền kinh tế đứng đầu về năng lực cạnh tranh là những nước có sự nhận thức rõ ràng và coi CNTT-TT là nền tảng của sự phát triển nền kinh tế chứ không hẳn là các quốc gia có nền kinh tế phát triển như: Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Israel…

    Theo: Vietnamtoday