MIDI là gì ? Tạo nhạc MIDI như thế nào ? Các công cụ để tạo nhạc MIDI

Thảo luận trong 'Điện Thoại Phổ Thông' bắt đầu bởi truongia, 31 Tháng một 2005.

  1. truongia Thành viên

    Truongia đã dùng rất nhiều chương trình để chuyển nhạc từ MP3,WAV... sang MIDI và kết quả là không thể nào nghe trên PC được. Nên câu hỏi chuyển nhạc sang MIDI là không thể thực thi.

    Truongia có đọc rất nhiều tài liệu về nhạc MIDI và muốn giới thiệu ở POST này để các Bác nghiên cứu và truongia mong là sẽ có rất nhiều bài nhạc MIDI Việt Nam chất lượng cao nhằm phục vụ vào kho MIDI nhạc Việt vốn quá ít.

    Các bài giới thiệu ở phần sau được lấy từ bài viết của Nhạc sỹ Hàn Sĩ Nguyên


    Kỹ thuật Computer : Xử lý nhạc MIDI -bài 1-
    KỸ THUẬT COMPUTER
    XỬ LÝ NHẠC MIDI

    Đôi lời phi lộ

    Một số bạn trẻ đã gửi e-mail và hỏi tôi một số vấn đề liên quan đến cách xử lý file MIDI, từ việc tạo ra đến cách giải quyết những vấn đề liên quan đến loại file ấy.
    Một số bạn khác (ở trong nước) thì thường than phiền là ... nghe nhạc MIDI sao mà ... chán quá ! Không thấy hay như khi nghe MP3, thậm chí nghe nhạc Midi cứ như là nghe ... mèo gào vậy ! Thật ra thì không phải như thế. Nhạc MIDI nghe cũng ... “đã tai” chẳng kém gì - nếu không muốn nói một cách công bằng và chính xác là ... HƠN HẲN - các loại định dạng khác như wav, mp3, cda.
    Để trả lời chung cho các bạn ấy, tôi viết bài tham khảo này, hy vọng sẽ giúp ích được ít nhiều cho các bạn
    Vì thời gian eo hẹp, không tiện tra cứu nhiều, nên các sai sót hoặc sơ xuất chắc hẳn không thể tránh khỏi, trong trường hợp ấy rất mong được các thức giả bỏ quá đi cho.

    Nội dung

    1-Nhạc MIDI là gì ?
    2-Lưu file MIDI (.mid) và file nhạc bản (.gif) từ forum Trinhnu.net
    3-In file nhạc bản (.gif) thông qua trình soạn thảo văn bản WORD
    4-Nghe file MIDI có và không có bộ khuếch đại Amplifier
    5-Tạo ra bộ sưu tập các bản nhạc ưa thích của riêng mình
    6-Tạo ra file MIDI từ trình ENCORE
    7-Liên hệ giữa file âm thanh (.mid) và file nhạc bản (.enc)
    8-File nhạc bản định dạng (.gif) hoặc (.jpg)
    9-File nhạc bản định dạng (.pdf) có thực sự cần thiết hay không ?
    10-Chuyển đổi file MIDI thành file WAV và MP3

    ====================

    I-Nhạc MIDI là gì ?

    Nhạc thường (bao gồm tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng các bộ gõ và cả tiếng hát nữa) đều tồn tại dưới dạng SÓNG ÂM THANH hình Sin (Sinus). Dẫu rằng chúng khác nhau về cường độ (mạnh, yếu), trường độ (dài, ngắn), cao độ (trầm, bổng), tiết tấu (nhanh, chậm) và âm sắc (bản sắc riêng của các công cụ nhạc), nhưng điểm chung nhất tất cả đều là sóng âm, với bản chất CƠ HỌC : Một luồng sóng âm, bất kể từ nguồn nào, đều làm rung động bầu không khí quanh nó, truyền đi trong không gian bao la, rồi đập vào tai người nghe, làm rung động màng nhĩ, khiến cho người ấy nghe được âm thanh đó.
    Để ghi lại, lưu lại một sóng âm thường thì người ta sử dụng kỹ thuật TƯƠNG TỰ (Analog), biến một sóng âm bản chất cơ học thành sóng điện từ, với những định dạng (format) quen thuộc như .wav, .cda, .mp3 v.v...
    File âm thanh định dạng wav thường chiếm rất nhiều không gian dĩa, file cda cũng là một loại file wav, được sử dụng cho các dĩa CD (compact disc) nên cũng chiếm dụng không gian tương đương
    Kỹ thuật NÉN file ra đời đã hình thành nhạc mp3 với rất nhiều ích lợi (chiếm dụng không gian ít hơn từ 10 lần đến 20 lần so với file wav, nhờ đó có thể truyền tải được trên mạng Internet nhiều và nhanh hơn) Nếu một bài hát thông thường lưu ở định dạng wav chiếm trung bình khoảng 40 Mb , thì file Mp3 tương ứng chỉ cần từ 2Mb cho đến 4 Mb
    Nghĩa là một dĩa CD nhạc thông thường (dung lượng 650 Mb) có thể chứa được khoảng 10 đến 15 bài hát (tuỳ theo dài ngắn), thì một dĩa CD-Mp3 có thể chứa được từ 150 bài cho đến ... 300 bài hát !!!
    Tưởng rằng MP3 đã là một thành tựu lớn lao khó có định dạng nào bắt kịp, nhưng trong thực tế kỷ lục lại thuộc về một định dạng khác nữa : Định dạng MIDI (đuôi .mid hoặc .MID)

    Nhạc Midi không dùng KỸ THUẬT TƯƠNG TỰ (Analog), mà dùng KỸ THUẬT SỐ (Digital) để lưu lại âm thanh. Mỗi âm thanh của các nhạc cụ khác nhau được GÁN cho một chuỗi ký tự số nhị nguyên tương ứng (chỉ bao gồm 2 chữ số 0 và 1) chẳng hạn như 010101, hoặc 101010, hoặc 000111, 110011 v.v...
    Như vậy một chuỗi âm thanh sẽ được ghi lại như một ... chuỗi số . Và quá trình lưu file âm thanh được quy về như một quá trình SỐ HÓA, kèm theo là LƯU SỐ.
    Ở công cụ nghe, một quá trình ngược sẽ được thực thi : Chuỗi số sẽ được biến đổi, hoán cải ngược lại thành chuỗi âm thanh.
    Vì thế Nhạc Midi còn được gọi bằng những tên khác như : nhạc điện tử, hay gọn hơn nữa là ... nhạc ... số
    Vì đã được tiêu chuẩn hóa nên nhạc Midi chơi rất chính xác và rất hay, rất lạ tai. Một lợi ích quan trọng hơn nữa là file nhạc Midi chiếm dụng rất ít không gian . Một bài hát định dạng wav 40 Mb, định dạng Mp3 khoảng 4 Mb, thì một file Midi tương ứng chỉ mất khoảng 40 Kb (ít hơn Mp3 một trăm lần, và ít hơn Wav một ngàn lần !!!). Nghĩa là sẽ có (thật ra là đã có) những dĩa CD kỹ thuật số dung lương cũng chỉ 650 Mb như các dĩa khác, nhưng chứa được trên mười ngàn bài hát !

    Với dung lượng nhỏ xíu như vậy, Midi quả là một chú bé David thần kỳ, đánh gục hết các gã khổng lồ Goliath khác, và chính nó đã trở nên một nhà vô địch, một công cụ lý tưởng để truyền tải nhạc trên InterNet vậy

    II-Lưu file âm thanh Midi và file nhạc bản gif từ forum Trinhnu

    Midi như đã nói ở phần trên, nhờ những tiện nghi vô hạn của nó, nên đã rất nhanh và rất sớm được sử dụng trên mạng InterNet. Rất nhiều website có cho phổ biến và download nhạc Midi (tải từ mạng xuống).
    Nhưng có thể nói Trinhnu.net chính là một trong những website đầu tiên cho người xem có được khả năng UPLOAD nhạc Midi (tải lên mạng). Nhờ đó, Forum Trinhnu nhanh chóng trở thành một tụ điểm độc đáo, thu hút rất đông viewers. Trong một thời gian ngắn, số lượng bài hát được tải lên đã vượt qua con số một ngàn !

    1-Một bài hát trên diễn đàn Trinhnu yêu cầu tối thiểu phải có 2 loại file :

    -Một là file nhạc bản (music sheet) dưới định dạng quen thuộc nhất là .gif, các định dạng khác như jpg cũng có thể được chấp nhận, vì dung lượng của một nhạc bản ở các định dạng này thường chỉ chiếm 20, hoặc 30 Kb
    File này có thể được tạo ra bằng các trình soạn nhạc thông dụng như Encore, Finale, Sibelius, CakeWalk v.v... bằng cách nhập nốt nhạc (Input notes) vào các dòng nhạc mẫu, sau đó lưu bằng cách chọn FILE/ “Save as gif file”. Cũng có thể tạo ra bằng cách viết tay, nhập nốt nhạc vào các dòng nhạc kẻ bằng tay trên giấy thường, sau đó đem đi QUÉT (Scan) bằng MÁY QUÉT (Scanner) để lưu thành file .gif hoặc .jpg

    -Hai là file âm thanh dưới định dạng Midi (đuôi .mid), hoặc định dạng Karaoke (đuôi .kar)
    Việc tạo ra những file này cũng thực hiện bằng cách nhập nốt nhạc (Input notes) vào các khung nhạc (systems), sau đó nhấn “FILE/ Save as .mid file” .
    Tạo ra file Midi một dòng nhạc đơn (thường là dòng giai điệu Melody) thật cũng đơn giản và dễ dàng, không khó khăn gì, nhưng việc thực hiện hòa âm, phối khí sao cho nhiều nhạc cụ cùng chơi một lúc phối hợp hài hòa với nhau lại là một việc khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi người soạn nhạc, viết hòa âm phải có kinh nghiệm lăn lóc từng trải với nhạc nhiều năm, kèm theo ngẫu hứng nhất thời mới có thể thực hiện được một cách thành công (dù chỉ tương đối )
    (Ở một đoạn sau -đoạn thứ 6- vấn đề này sẽ được khai triển rộng thêm.)

    2-Lưu file gif và mid trên trang Trinhnu . Trên trang trinh nữ

    -Muốn lưu nhạc bản (music sheet) : chỉ cần Right click vào chỗ trống trên nền bản nhạc. Trong menu (lệnh đơn) mở ra, chọn “Save picture as” là sẽ lưu được file ảnh gif của bản nhạc

    -Muốn lưu file âm thanh (sound file, midi file) : Right-click vào nút có chữ Midi, trong lệnh đơn (menu) mở ra chọn “Save target as ...” là sẽ download được file âm thanh về máy của mình dễ dàng. Việc tải xuống các file midi này thường là rất nhanh, không có khó khăn, trở ngại gì cả.

    .......................................

    Kỹ thuật Computer : Xử lý nhạc MIDI -bài 2-

    KỸ THUẬT COMPUTER
    XỬ LÝ NHẠC MIDI

    ......................................

    III-In file gif ra giấy

    Để IN được file nhạc bản (music sheet) từ forum Trinh Nữ ra giấy, thường thì có 3 cách

    1-Một là, từ ngay trên Website Trinh Nữ nhấn File/ Print ... (Nút File nằm trên thanh công cụ Tool bar)

    2-Hai là, cũng ở trên trang Trinh Nữ, khi open một bài hát nào đó ra, bạn sẽ thấy ở bên tay phải màn hình, ngay phía dưới dòng “log in” có một khung chữ nhật nhỏ chứa 2 nút : Nút “Email this song to a friend” (gửi bài hát này tới bạn bè qua e-mail) và nút “Printer friendly” . Nhấn vào nút “Print ...” này sẽ in được bài hát ra giấy.

    Đó là 2 cách in trực tiếp (directly print), giúp ta in ngay từ trên trang web, dù là lúc in ta đang online (trực tuyến) hoặc offline (ngoại tuyến).

    Tuy vậy, khi áp dụng 2 cách in này, thường thì về mặt nhạc (nốt nhạc, dòng nhạc) và lời nhạc tiếng Anh đều không có trở ngại gì, nhưng về phần lời nhạc tiếng Việt (có dấu) thì vấp phải vô số trục trặc, trở ngại : kết quả là ta có được những bài nhạc đầy những DẤU HỎI và những Ô VUÔNG bí hiểm, phải vừa đọc vừa đoán lời nhạc, thậm chí ... chịu thua, không thể đoán nổi đó là chữ gì nữa.

    Nguyên nhân của sự cố này là do lỗi của MÁY IN (Printer) : Mỗi tác giả khi soạn nhạc thường dùng mỗi người một kiểu font khác nhau, các máy in không support, hoặc support không đầy đủ các font tiếng Việt ấy (đặc biệt là với font UNICODE), do đó với những ký tự (character) xa lạ với các ký tự tiếng Anh, thường thì máy in không hiểu, bèn tự động loại bỏ ký tự lạ đó, thay vào bằng một dấu hỏi (?) hoặc một ... ô vuông bí hiểm !!!
    Đây là vấn đề của các hãng sản xuất máy in.
    Máy computer của bạn và ngay cả hệ điều hành Windows cũng đều không có lỗi gì trong sự cố này.
    Chỉ những máy in nào được support UNICODE và VIETNAMESE FONTS đầy đủ mới có khả năng in hoàn hảo theo 2 cách trên mà thôi.
    Đôi khi, lại có trường hợp máy in đã support đầy đủ Viet fonts, nhưng người điều khiển máy in không biết cách sử dụng những support này, thì kể như ... “có cũng như không” !!!


    3-Ba là, in gián tiếp thông qua trình soạn thảo văn bản MS-WORD :
    Từ WORD 97 và WORD 2000 trở đi, font Unicode đã được cài đặt mặc định sẵn trong máy tương đối hoàn chỉnh. Do đó, nếu in bài hát qua WORD thì sẽ khắc phục được các sự cố dấu hỏi và ô vuông kể trên.

    Cách làm cụ thể như sau :

    -Right-click vào chỗ trống trên nền bản nhạc, chọn “Save picture as ...” để lưu music sheet thành một file ảnh (.gif) trước đã.
    -Mở WORD ra, trên tool bar (thanh công cụ) chọn “Insert/Picture/From file ...” , sẽ mở ra một hộp thoại cho phép ta chọn file ảnh gif vừa lưu . Nhấn INSERT. File ảnh bản nhạc đó sẽ được CHÈN (insert) vào trong văn bản Word
    -Left-click vào hình vừa chèn trong WORD, sẽ thấy nổi lên 8 cái QUAI là 8 nút vuông đen ở 4 góc và chính giữa 4 cạnh. Có thể nắm các quai đó (bằng mũi tên 2 đầu) để kéo kích thước bài hát tăng giảm cho vừa kích thước trang giấy A4 sẽ in .
    -Trên Thanh công cụ lại chọn File/ Print .... để IN.

    Cách thứ ba này giúp ta in được file văn bản (.doc) dễ dàng và chính xác tuyệt đối (có thể save hoặc không save file này, cũng vẫn in được).


    IV-NGHE NHẠC MIDI

    Để nghe nhạc Midi từ trên máy tính, chỉ cần nhấn chuột trái (left-click) vào tên file của bản nhạc, thì lập tức computer sẽ mở trình ứng dụng Window Media Player (cài mặc định –default-có sẵn trên máy chạy hệ điều hành Windows) để chơi file ấy
    Tuy vậy, nhạc nghe “tự nhiên” như vậy chỉ tàm tạm, không thể nói được là hay !

    Muốn nghe nhạc Midi cho hay, cần giải quyết một số vấn đề như sau :

    -Card âm thanh (Sound card)
    -Bộ khuếch đại (Amplifier)
    -Bộ loa (Speakers)
    -Phần mềm (Software) nghe nhạc Midi chuyên dụng (Midi player)
    -Chỉnh lại các thông số của máy tính

    1-Vấn đề Sound card

    Có thể nói Sound card là yếu tố tiên quyết, có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng nghe nhạc nói chung, nghe nhạc Midi nói riêng. Ở những máy tính đời mới, card âm thanh thường được tích hợp (integrated) sẵn trên main board (bản mạch chủ), chẳng hạn như “AC97 3D Audio”, hoặc “6 Channel Audio” thường tích hợp theo các máy Pentium 4. Với những sound card đời mới này, chất lượng âm thanh thường là từ tốt cho đến rất tốt, nên nghe nhạc rất hay, không có vấn đề gì

    Ở những máy tính cũ hơn, sound card thời ấy chỉ tuyệt vời cho ... chơi games mà thôi, còn nếu phải nghe nhạc bằng những card ấy thì ... ôi thôi ! Nghe chẳng khác gì nghe .... mèo gào vậy !
    Còn ở các điểm dịch vụ Internet, ở cơ quan, công sở, trường học thì chất lượng âm thanh lại càng bê bết hơn nữa

    Do đó, để cải thiện chất lượng nghe nhạc, khi chưa có điều kiện trang bị máy comp đời mới, việc đầu tiên phải làm là lắp đặt cho máy một Sound card loại tốt.
    Trên thị trường linh kiện máy tính, có rất nhiều loại sound card khác nhau, nhưng về mặt chất lượng âm thanh thì có lẽ không có hiệu nào sánh nổi với CREATIVE
    Bản thân CREATIVE cũng có rất nhiều loại, chất lượng cao thấp tuỳ thuộc vào ... giá cả. Cụ thể như sau :

    -Creative SB Audigy 2.6.1 ( giá khoảng 120 USD) : tuyệt hảo. Cho ra âm thanh surround với hiệu quả siêu trầm (super bass), chất lượng không thua gì âm thanh của một thính phòng.
    -Creative SB Live! SE 5.1 (giá khoảng 36 USD) : cực hay
    -Creative SB Live! Value 4.1 (giá khoảng 30 USD) : rất hay
    -Creative Sound Blaster thường (khoảng 18 USD) : cũng hay

    Đặc trưng chung của các loại card Creative là không bị “mất” (lost) hoặc “biến dạng” (distorted) âm thanh như các loại card khác.
    Máy tính của tôi chỉ dùng loại Creative hạng bét (18 USD) nói trên thôi, nhưng chất lượng âm thanh nghe cũng đạt được ... trên mức hài lòng !

    2-Bộ khuếch đại Amplifier

    Ở máy tính, âm thanh thường được dẫn trực tiếp từ Sound card ra loa (Speakers), không thông qua bộ khuếch đại tín hiệu (Amplifier, gọi tắt là Ampli), do đó những âm bass, treble không nghe được rõ, chưa kể tạp âm sẽ không được lọc, hậu quả là nghe nhạc sẽ không hay

    Nếu bạn có Amplifier, nên nối dây dẫn từ sound card ra cắm vào ngõ “LINE-IN” của Ampli, và từ ngõ “LINE-OUT” của Ampli nối ra loa, âm thanh sẽ nghe hay gấp bội vậy.
    Nếu bạn không có sẵn Amplifier, có thể dùng tạm ngõ “LINE-IN” của Cassette player hoặc của giàn máy Kenwood, để MƯỢN ĐỠ Ampli (và cả loa) của máy này, chất lượng nhạc nghe cũng khá hơn nhiều. Chỉ cần nối dây dẫn từ sound card ra cắm vào ngõ “LINE-IN” của Cassette là xong ! (Không cần dùng đến bộ loa của máy tính)

    3-Bộ loa (Speakers)

    Bộ loa máy tính thường gồm có 2 cái. Với Sound card tốt, thì 2 loa này cũng dùng được.
    Nếu muốn nghe nhạc “điệu nghệ” hơn, tất nhiên cũng cần đến những bộ loa chuyên dụng, chẳng hạn như :

    -Creative SBS15 speaker (12 USD)
    -Creative SBS370 speaker system (27 USD)
    -Creative Inspire 4400 4.1 speaker system (56 USD)
    -Creative Inspire 5200 5.1 speaker system (83 USD)
    -Creative Inspire 6600 6.1 speaker system (112 USD)

    (Có thể tham khảo www.creative.com để biết thêm chi tiết hoặc ... đặt mua hàng)

    4-Phần mềm (softwares) nghe nhạc Midi

    Windows đã cài sẵn “Windows Media Player” như là chương trình chơi nhạc Midi mặc định (default). Như vậy, trên nguyên tắc, không cần install thêm chương trình nghe nhạc Midi nào cả vẫn có thể chơi được, nghe được nhạc Midi.
    Tuy vậy, nếu có thêm các softwares chuyên dụng thì nhạc Midi nghe cũng hay hơn nhiều. Dưới đây là một số softwares chuyên “xử lý” nhạc Midi :

    -Sweet Midi Player
    -Midi Master 2000
    -Van Basco http://www.vanBasco.com
    -Herosoft http://www.herosoft.com
    -WinAmp http://www.winamp.com
    -WinGroov http://www.wingroove.com

    Trong tất cả các trình ứng dụng (application) nói trên, mỗi trình đều có những điểm ưu, khuyết, cường, nhược khác nhau ... Nhưng có lẽ không trình nào qua nổi Wingroov trong lãnh vực Midi cả.

    5-Chỉnh lại các thông số trong máy tính

    Rất nhiều khi máy tính của bạn có đủ hết các điều kiện thiết yếu kể trên mà nghe nhạc Midi vẫn thấy ... dở òm , chỉ vì đã quên chưa chỉnh lại một vài thông số liên quan đến việc xử lý file Midi.
    Thường là phải chỉnh lại 2 nơi :

    1-Một là trong Control Panel :

    Nhấn Start/Settings/Control Panel
    Trong cửa sổ mở ra, chọn Multimedia (Left-Click vào icon Multimedia)
    Ở cửa sổ tiếp theo ta sẽ thấy một hàng chứa 5 tab :
    AUDIO – VIDEO – MIDI – CD MUSIC – DEVICES
    Nhấn vào tab thứ ba (tab MIDI) sẽ mở ra cửa sổ mới. Trong mục Single Instrument có liệt kê một số công cụ Midi output. Thí dụ như ta sẽ thấy các công cụ :

    -Creative Music Synth [220]
    -SB 16 Midi Out [330]
    -Wingroov
    -.... v.v.........

    Bạn cần chọn và nghe thử từng công cụ này, để tìm ra công cụ nào chơi Midi hay nhất cho riêng mình. Nếu đã cài sound card Creative thì tất nhiên chọn Creative Synth sẽ thích hợp nhất.

    2-Hai là, trong mỗi trình chơi nhạc Midi (Wingroove, Van Basco ...), cũng cần xem lại phần Setting/Midi out và chỉnh lại cổng ra dành riêng cho Midi thích hợp nhất

    Thí dụ :
    a-Nếu dùng Wingroove, mở wgplayer.exe
    Chọn Setting/Midi Out
    Trong cửa sổ mở ra ta sẽ thấy :
    -Wingroov direct
    -Midi Mapper
    -SB 16 Midi Out [330]
    -Creative Music Synth [220]
    -Wingroov
    Và mặc định thường là “Midi Mapper”. Chọn lại “Creative Synth” thay cho “Midi Mapper” nhạc Midi chơi sẽ hay hơn.

    b-Nếu dùng VanBasco, chọn Setup/Midi
    Chọn “Creative Music Synth [220]” rồi nhấn OK

    Các công cụ Output trên chỉ là thí dụ tượng trưng thôi, tuỳ theo các loại sound card và softwares được cài đặt mà các công cụ trên sẽ thay đổi khác với các thí dụ nêu trên.

    Nguyên tắc là nếu đã cài sound card Creative, thì các thông số tương ứng cũng cần chỉnh lại, chọn công cụ Midi Out (Creative) tương ứng.

    Với những trang bị và chỉnh sửa cần thiết nêu trên, nhạc Midi chơi trên máy tính của bạn sẽ hay không thua gì một giàn nhạc thính phòng thực sự cả. Thậm chí có thể nghe rõ, rất rõ, từng nhạc cụ một, đang say sưa hoà nhịp trong một giàn nhạc tuyệt vời (GREAT BAND) nữa !!!

    Chúc các bạn thành công.

    .......................................

    Kỹ Thuật Computer -Xử Lý Nhạc MIDI -Bài 3-


    KỸ THUẬT COMPUTER
    XỬ LÝ NHẠC MIDI
    -Bài 3-

    Tiếp theo “Xử lý nhạc Midi bài 1 và 2”
    Sorry ... Mong các bạn thông cảm vì HSN không có thời gian rảnh nên bài này bị gián đoạn quá lâu.

    PHẦN II
    -TẠO RA FILE MIDI-
    (Riêng tặng các bạn trẻ muốn tự mình soạn nhạc)

    A-FILE MIDI ĐƠN một khung nhạc ghi giai điệu Melody

    Để tạo ra file Midi một khung nhạc đơn (Melody) ghi lại các nốt nhạc đơn lẻ của bài hát là điều ... dễ nhất trên đời. Với bất kỳ một trình soạn nhạc nào cũng có thể làm việc này tương đối dễ dàng

    Thí dụ với trình soạn nhạc ENCORE 4.5 có thể khởi đầu như sau :

    +File/New để mở ra một trang soạn nhạc mới

    +Trong cửa sổ mở ra (cửa sổ CHOOSE PAGE LAYOUT) :
    -Trong Staff format : chọn Single staves (1 khung nhạc)
    -Staves per system : chọn 1 (1 khung nhạc Melody)
    -Systems per page : chọn 10 ( 10 dòng nhạc mỗi trang) hoặc 13 tuỳ ý thích
    -Measures per system : chọn 3,hoặc 4, hoặc 5, hoặc 6 tuỳ ý (Số ô nhạc cho mỗi dòng nhạc)
    Rồi nhấn OK

    +Tiếp theo là chọn NHỊP : Trong trình Encore Nhịp default (mặc định : cài sẵn) là nhịp 4/4 . Nếu bản nhạc muốn soạn ở nhịp 4/4 thì không cần chỉnh bước này. Nếu bài nhạc muốn soạn ở các loại nhịp khác (như 2/4,3/4,6/8 v.v ...) thì phải chọn nhịp lại bằng cách :
    -Nhấn Measures trên Toolbar (thanh công cụ) . Chọn Time signature
    -Trong cửa sổ mở ra : From measure 1 to ... : Nhấn vào chỗ mũi tên ngang (đến hết bài)
    Tiếp theo chọn nhịp tương ứng rồi nhấn OK .

    +Tiếp theo là chọn KEY của bài hát : Encore mặc định KEY Do trưởng (C) hoặc La thứ (Am), không thăng (# : diese) không giáng (b : bemol)
    -Muốn chọn âm giai khác , ta nhấn Measures (trên thanh toolbar). Chọn Key signature
    -Làm tương tự : From measure 1 to (end) .
    -Muốn chọn Key có dấu thăng có thể dùng mũi tên lên : 1# (Sol trưởng hoặc Mi thứ) 2# (Re trưởng hoặc Si thứ ), 3# (La trưởng hoặc Fa thăng thứ) 4# (Mi trưởng hoặc Do thăng thứ) v.v...
    -Muốn chọn Key có dấu giáng có thể dùng mũi tên xuống : 1b (Fa trưởng hoặc Re thứ) 2b (Si b trưởng hoặc Sol thứ) 3b ( Mib trưởng hoặc Do thứ) ...

    +Tới đây có thể bắt đầu Input notes nhạc cho bài hát : Muốn Input notes , nhấn Windows/ Palette/Notes sẽ mở ra một bảng công cụ các notes nhạc ( tròn, trắng, đen, móc đơn, móc đôi ....) để ta chọn mà input từng nốt một cho đến hết bài

    +Lưu file : Sau khi Input notes xong , nhấn File/Save as ... Trong hộp thoại lưu mở ra , ở phần File Name : đặt tên cho bài hát, ở phần Save as type có thể chọn enc (để lưu như một file nhạc bản encore), hoặc mid (để lưu như một file âm thanh midi đơn thuần). Bạn nên lưu ở cả 2 định dạng .enc và .mid này để có 2 file cơ bản : File .enc để chỉnh sửa, và file .mid để nghe lại.

    Với file Midi vừa tạo ra, ta đã hoàn tất việc soạn giai điệu (Melody) của bản nhạc

    Với các trình soạn nhạc khác (Finale, CakeWalk, Sibelius v.v...), chi tiết có thể khác đôi chút, nhưng nguyên tắc nói chung là cũng tương tự như vậy cả.

    +Nghe lại file Midi vừa tạo ra trên Encore :
    Trên Toolbar của Encore nhấn Windows, chọn Tempo để chỉnh lại độ nhanh chậm của bài hát (thường từ 65 đến 180).
    Cũng trên Toolbar Windows ấy, nhấn Staff-sheet để chọn nhạc cụ ưa thích, có thể chỉnh âm lượng (volume) lớn nhỏ cũng nhờ nút này.

    +Nghe lại file Midi bằng các trình nghe nhạc khác (Windows Media Player, WinAmp ...) : Rất đơn giản, chỉ cần nhấn File/Open rồi chọn tên file Midi muốn nghe là xong.

    File Midi kiểu này sẽ chơi được bài hát ta vừa input nhưng vì chỉ có một dòng nhạc đơn lẻ nên khi nghe tất nhiên chỉ thấy những nốt nhạc rời rạc như ... cơm nguội mà thôi , nếu chọn những nhạc cụ gió như Flute, Whistle, Ocarina, Voice Oh, Atmosphere, Space-Voice thì nghe cũng tàm tạm .

    B-FILE MIDI HÒA ÂM CƠ BẢN

    Một file Midi hòa âm cơ bản luôn gồm có 2 thành phần : Melody và nhạc đệm

    +Melody tạo ra như đã trình bày ở phần trên
    +Phần nhạc đệm tối thiểu phải có 1 dòng nhạc, đó là dòng Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản cho bài hát.

    hoặc 2 dòng nhạc :
    -Bass ghi lại tiếng đàn Bass
    -Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản

    hoặc 3 dòng nhạc :
    -Bass ghi lại tiếng đàn Bass
    -Drums ghi tiếng trống
    -Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản

    hoặc 5 dòng nhạc :
    -Bass ghi lại tiếng đàn Bass
    -Drums ghi tiếng trống
    -Piano ghi phần nhạc đệm cơ bản
    -Guitar ghi phần nhạc đệm bằng Guitar
    -Strings ghi các tiếng đàn dây, làm tăng độ du dương

    Ở bước khởi đầu, chỉ nên thực hiện những file đơn giản (Mel + 1) hoặc (Mel + 2) hoặc (Mel+3) mà thôi. Khi nào thao tác thuần thục rồi sẽ mở rộng thành file (Mel + 5) cũng chưa muộn.

    C-TẠO RA FILE MIDI (Mel +n )

    Để tạo ra một file Midi (Mel + n) có rất nhiều cách khác nhau, nhưng nói chung có thể quy về 3 cách chủ yếu :

    1-Một là, dùng TEMPLATES của các softwares thông dụng như Finale, Cake Walk, BB, Sibelius, Encore, Jammer v.v....
    -Open các templates này ra, chọn lại các thông số theo ý mình .
    -Sau đó input notes của bài hát vào dòng Melody.
    -Sau khi save, nhấn nút play để nghe lại bài nhạc vừa soạn

    Ưu điểm của phương pháp này là nhanh và ít tốn công phu
    Nhưng hậu quả là luôn cho ra những bài nhạc “máy”, trình tấu tương tự như nhau dẫn đến nhàm chán, tầm thường.
    Một hậu quả khác không kém phần quan trọng là phương pháp “ăn sẵn” này chính nó sẽ làm thui chột năng lực sáng tạo nhạc của ... chính bạn.

    -Nếu không rành hoặc chưa rành về nhạc lý
    -Nếu không biết hoặc chưa biết chơi đàn
    thì dẫu có dùng softwares soạn nhạc nào đi nữa, cuối cùng cũng chỉ có được những sản phẩm thuộc loại ... rác hoặc phế liệu, thứ phẩm mà thôi.

    Một điểm quan trọng khác nữa cũng cần lưu ý rằng “Tất cả các softwares soạn nhạc kể trên đều là nhạc phương Tây, do người Âu Mỹ soạn ra”, nên nếu dùng chúng để diễn tả nhạc nhanh, vui nhộn, theo phong cách Âu Mỹ thì còn tương đối dễ, chứ nếu phải dùng chúng để diễn tả nhạc buồn, nhạc có hồn Việt Nam thì quả thật là ... “thiên nan vạn nan” vậy ...
    Biết đến bao giờ Tranh, Sáo, Bầu, Nhị , Nguyệt mới được “số hóa” ? Biết bao giờ mới có được một software soạn nhạc mang âm hưởng Việt Nam ???

    2-Hai là, IMPORT (nhập liệu) các templates ưa thích

    Muốn thực hiện phương pháp này đầu tiên bạn phải tự xây dựng lấy một ... “kho dữ liệu nhạc” cho riêng mình trước đã. Trong đó, bao gồm những templates mẫu cho từng thể loại nhạc khác nhau, templates TRƯỞNG khác với templates THỨ. Slow tất nhiên khác xa với Rock ! Khi đã có “kho dữ liệu” ấy rồi, mỗi lần muốn sử dụng chỉ cần IMPORT chúng (hoặc Copy/Paste) là xong.

    Trong thời gian vừa qua, tôi đã xây dựng được một tập hợp các templates mẫu bao gồm nhiều thể loại, làn điệu thông dụng từ Slow, Slow Rock, Bolero, Rumba, Tango, Chachacha, Rock (các loại) tương đối có thể tạm gọi là đầy đủ. Có cái thì phải đi sao chép lại từ các tác phẩm hay, có cái phải tự tìm cách viết ra.
    Nếu các bạn trẻ muốn chia sẻ các templates ấy, xin gửi e-mail về địa chỉ
    HSN : hsn2k3@yahoo.com
    Sẽ được tặng một số templates mẫu ấy (free) để tuỳ nghi sử dụng

    3-Ba là INPUT NOTES ( nhập nốt thủ công) vào tất cả các dòng nhạc

    Cách này rất mất thời gian, nhưng bù lại khả năng nhạc của bạn sẽ tăng tiến đến mức ... không ngờ , và đây cũng chính là cách đa dạng nhất, phong phú nhất, mang đậm dấu ấn phong cách riêng của bạn nhất, đồng thời cũng ích lợi nhất, hiệu quả nhất trong việc soạn file hoà âm cao cấp sau này vậy !
    Yêu cầu của phương pháp này là bạn phải vững, rất vững về nhạc lý bên cạnh đó có nhiều kinh nghiệm trong việc chơi đàn thật mới dễ thực hiện. Amateur thì vô phương sử dụng cách này !

    Ngoài 3 cách ấy ra còn một cách thứ tư nữa là ... gửi thư e-mail về địa chỉ dưới đây :

    midimakinggroup@yahoo.com

    Nhóm ấy sẽ thực hiện file Midi và cả file hoà âm cho các bạn, tất nhiên là phải ... chi tiền ! Dân chuyên nghiệp như họ tất nhiên không có chuyện ... làm giùm !

    D-FILE MIDI HÒA ÂM NÂNG CAO

    Một file Midi hòa âm nâng cao được thực hiện bằng cách thêm từ 4 đến 10 nhạc cụ khác nữa vào cho file cơ bản nói trên.
    Theo kinh nghiệm sử dụng thực tế, một file hoà âm nâng cao chỉ cần 8 nhạc cụ (1 melody + 5 cơ bản + 2 nâng cao) là vừa . Nhiều quá sẽ ... rối, hơn nữa thông thường computer cũng chỉ nhận diện và chơi được 8 nhạc cụ mà thôi, dẫu có thêm nhiều vào cũng chỉ vô ích, vì máy nó sẽ ... “cho qua” hết !
    Phương pháp chủ yếu ở bước này là input notes thủ công (manual), và những ai có kinh nghiệm chơi đàn guitar classic hoặc guitar solo sẽ thực hiện bước này dễ dàng, thuận lợi hơn những người chưa quen với các kỹ thuật vừa nêu.

    Một số bạn thường hỏi tôi dùng software nào để soạn nhạc. Xin trả lời là tôi dùng ENCORE, trên nền tảng các templates mẫu sưu tập từ nhiều nguồn, thủ pháp chủ yếu là IMPORT và INPUT. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là một phương pháp “đã dùng quen tay” mà thôi , trong thực tế, có thể có nhiều phương pháp khác tốt hơn thế nhiều.

    Chúc các bạn thành công

    ..........................................

    [Còn tiếp] "Chờ bài viết mới của Nhạc sỹ Hàn Sĩ Nguyên
    *Rai* thích bài này.
  2. truongia

    truongia Thành viên

    Bài viết:
    328
    Được Like:
    51
    Thêm một bài của Quốc Phong, P&V Music Group

    Tìm hiểu tập tin MIDI

    1. Thuận ngữ MIDI
    Các nhạc cụ điện tử (eletronic instrument) đã có thể "nói chuyện" được với nhau từ những năm 1980. Điều đó được xem như là cuộc cách mạng trong âm nhạc điện tử. Một nhạc cụ có thể "nói" với nhạc cụ khác : "Anh hãy chơi nốt đô trung, lớn cỡ 60% rồi chơi tiếp nốt mi 4 nhỏ một tí, dùng tiếng violon nhé !". Nhạc cụ thứ hai dường như "hiểu" được, và phát ra các nốt nhạc theo yêu cầu.
    Giữa các nhạc cụ điện tử giờ đây có một "ngôn ngữ" chung gọi là "MIDI", để nói chuyện với nhau. MIDI tuy là một khái niệm mới nhưng đã trở nên rất quen thuộc trong lĩnh vực âm nhạc điện tử, đến nổi người ta xem nó là một thuật ngữ mà quên rằng MIDI là từ viết tắt của "Miscical Instrument Digital Interfac" (giao diện số với các nhạc cụ). Một cách đơn giản, MIDI là một ngôn ngữ giữa các thiết bị âm nhạc.
    Mặc dù có nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới (Việt Nam, Anh, Pháp...) nhưng MIDI chỉ có một ngôn ngữ duy nhất. Do đó, MIDI không phụ thuộc nhà chế tạo nhạc cụ và nơi sản xuất. Hơn nữa nó dùng cho nhiều chủng loại nhạc cụ khác nhau; ví dụ một piano điện có thể nối với một bộ trống điện tử, khi đó nếu ta bấm một phím trên piano thì bộ trống sẽ phát ra một tiếng trống tương ứng.
    2. Đường đi của tín hiệu MIDI
    Nói chung để các nhạc cụ điện tử có thể "nói chuyện" với nhau, thì phải được chế tạo có khả năng MIDI. Ta sẽ thấy trên nhạc cụ đó có 2 cổng MIDI IN, MIDI OUT (loại nhà nghề thường có thêm cổng MIDI THRU). Một cuộc nói chuyện luôn đi theo một chiều từ cổng MIDI OUT của nhạc cụ phát đến cổng MIDI IN của nhạc cụ nhận thông qua cáp MIDI (hình 2).
    Một sợi cáp MIDI có 5 dây dẫn (đầu cắm 5 chấu). Tín hiệu truyền trên cáp theo kiểu tuần tự đơn hướng với tốc độ truyền là 31.250 bit mỗi giây. Mỗi byte dữ liệu truyền bắt đầu bằng một bít khởi đầu và một bit kết thúc. Như vậy, để truyền một byte dữ liệu thực cần 10 bit, do đó tốc độ truyền thực tế trên cáp MIDI là 3.125 byte dữ liệu mỗi giây.
    Dữ liệu truyền trên cáp MIDI không phải là tín hiệu âm thanh dạng analog hay digital, mà chính là "ngôn ngữ MIDI", hay nói chhính xác hơn, là các thông điệp MIDI (MIDI message). Mỗi thông điệp MIDI dài từ 1 đến 3 byte dùng để điều khiển một chip trong thiết bị nhận tín hiệu MIDI. Các thiết bị MIDI được phân loại như sau (chưa có thuật ngữ tiếng Việt chính xác, nên chúng tôi chỉ tạm dịch) :
    Controller (bộ điều khiển) : là nguồn gửi đi thông điệp MIDI. Các thiết bị có cổng MIDI OUT đều là controller. Ví dụ : piano điện, organ điện tử (gọi chung là MIDI Keyboard Instrument), guitar điện, trống điện tử.... Máy vi tính có gắn MIDI interfac (MIDI card, MIDI built-in sound card....) cũng là một controller. Synthesizer (bộ tổng hợp) : là thiết bị có cổng MIDI IN, có khả năng nhận thông điệp MIDI rồi tổng hợp lại thành âm thanh analog. Việc tổng hợp do một con chip trong thiết bị đảm nhận. Có 2 công nghệ tổng hợp phổ biến hiện nay do 2 hãng nhạc cụ lừng danh Roland và Yamaha phát triển. Công nghệ của hãng Roland dựa trên các âm thanh dạng sóng đã lấy mẫu (Sampled Waveform). Hãng Yamaha dùng kỹ thuật điều tần (Frequency Modulation - FM). Phần lớn các MIDI-built-in sound card hiệu Sound Blaster, Sound Power, Audiowave.... đều sử dụng chip FM của Yamaha, Synthesizer còn được gọi là Sound Module, Sound Generator, Tone Generator. Bạn có thể tham khảo thêm các bài "Multimedia phải chăng đã gặp thời", "Lộ trình tín hiệu của hệ MPC", "Sound Board vận hành ra sao ?" trong tạp chí New số 1/1994 (số chuyên đề về Multimedia & MPC).
    Sequencer (bộ phối âm) : là thiết bị có thể nhận tín hiệu MIDI, lưu trữ vào bộ nhớ trong hoặc ngoài, cho phép người dùng thay đổi rồi gửi đi. Đây là thiết bị giúp ích rất lớn cho các nhạc sĩ phối âm, là áp dụng chính của MIDI.
    Nói chung, một thiết bị MIDI đều có cả 2 cổng MIDI IN và MIDI OUT, nên theo cách phân loại trên, nó vừa là controller, vừa là synthesizer. Ta dùng tên gọi controller khi quan tâm đến chức năng "phát" tín hiệu MIDI, dùng tên synthesizer khi quan tâm chức năng "nhận". Hình 3 giới thiệu sơ đồ của một cây đàn organ điện tử có MIDI (MIDI keyboard).
    3. Một hệ thống âm nhạc vi tính.
    Máy tính có vẻ chẳng liên quan gì đến âm nhạc trước khi có MIDI. MIDI là một giao diện giữa máy tính với nhạc cụ điện tử chứ ? Với ý tưởng đó, nhiều hãng nhạc cụ điện tử đã chế tạo các MIDI card hay MIDI box gắn vào máy vi tính đóng vai trò giao diện giữa máy tính và nhạc cụ. Hãng Roland là hãng tiên phong trong lĩnh vực này. Apple Macinstosh, Atari Amiga là các họ máy tính đầu tiên giao tiếp với nhạc cụ điện tử. Với họ máy IBM, phải chờ đến sự thành công của Microsoft Windows, mới chen chân vào lĩnh vực âm nhạc điện tử. Khi "anh chàng" vi tính bước chân vào âm nhạc, tiềm năng của MIDI tăng gấp bội : máy tính vừa là controller, synthesizer, vừa là sequencer; bộ nhớ ngoài của máy tính (đa cứng) rất dư dả cho việc lưu trữ thông điệp MIDI dưới dạng tập tin MIDI, người dùng dễ dàng "chế biến" thêm hoặc chen thêm các dữ liệu MIDI khác vào. Ban nhạc một người (One man-Band) đã trở thành hiện thực, chỉ còn lệ thuộc vào khả năng con người : có thể vừa là người soạn nhạc, phối âm, chơi nhạc... không ? Hình 4 giới thiệu một hệ thống âm nhạc vi tính.
    4. Phân tích các thông điệp MIDI.
    * Khái niệm về kênh (channel) : Thông điệp MIDI truyền trên cáp bao gồm rất nhiều nhóm thông tin khác nhau. Có thể chỉ một phần hay toàn bộ các thông tin đó được nhận bên thiết bị MIDI nhận. Để thực hiện điều đó, MIDI bao gồm 16 kênh. Tất cả các loại thông điệp MIDI khác nhau có thể truyền riêng biệt trên 16 kênh, bên nhận có thể chọn lọc lại, chỉ nhận dữ liệu trên một số kênh nào đó và các dữ liệu được xử lý đổng thời.
    Khái niệm về kênh MIDI cũng giống như kênh trong tivi. Đài truyền hình có thể phát nhiều chương trình khác nhau cùng một lúc trên nhiều kênh khác nhau. ?ng ten ti vi của bạn sẽ nhận được tất cả các kênh cùng một lúc nhưng bạn chỉ chọn kênh nào có chương trình muốn xem thôi. Điều khác nhau duy nhất là synthesizer có thể xử lý đồng thời tín hiệu trên 16 kênh nhận được, trong khi tivi chỉ mới xem được cùng lúc chương trình trên vài kênh mà thôi !
    * Thông điệp MIDI được chia làm 2 loại : loại thông điệp kênh (Channel Message) và loại thông điệp hệ thống (System Message). Loại thông điệp kênh bao gồm các thông điệp chỉ ảnh hưởng trên kênh này mà không ảnh hưởng trên kênh khác. Ngược lại, thông điệp hệ thống tác dụng trên toàn bộ hệ thống MIDI chứ không trên từng kênh. Trong thông điệp hệ thống còn có một thông điệp dành riêng của từng nhà sản xuất (gọi là System Exclusive Message) chỉ được xử lý trong các thiết bị của nhà sản xuất đó. Các tín hiệu này bắt đầu bằng một số hiệu riêng (ID Number) khác nhau đối với các nhà sản xuất khác nhau. Các thông điệp mà thiết bị nhận không nhận biết sẽ được bỏ qua.
    Các nhà sản xuất nhạc cụ điện tử hàng đầu đã xây dựng được một tiêu chuẩn thống nhất gọi là General MIDI trong đó qui ước các loại thông điệp chuẩn mà thiết bị được chế tạo theo chuẩn General MIDI phải tuân theo. Để hiểu thông điệp kênh dùng như thế nào, ta hãy xem xét một ví dụ. Giả sử ta đã nối một MIDI-Keyboard với một synthesizer. Trên MIDI-Keyboard, ta bấm một phím (nốt đô trung chẳng hạn), các "sự việc" sau xảy ra :
    [1] Khai bấm phím, MIDI-Keyboard gửi đi thông điệp dài 3 byte đến cổng MIDI OUT, viết dạng cơ số 16 (hexadecimal) là 903C40. Thông điệp này gọi là "Note On" (chơi nốt nhạc). Byte thứ nhất (90) cho biết thông điệp là "Note On", kênh tác dụng là kênh số 0, dạng tổng quát là 9n trong đó n thay đổi từ 0 đến 15 cho biết số thứ tự của kênh. Byte thứ hai (3C) cho biết số thứ tự của nốt sẽ chơi (key number), thay đổi từ 0 đến 127. Byte thứ ba (40) cho biết tốc độ bấm phím (velocity) thay đổi từ 0 đến 127, số càng lớn thì nốt phát ra kêu càng to. Thông điệp dài 3 byte này sẽ gửi đến synthesizer qua cổng MIDI IN của nó, và syntehsizer sẽ "trả lời" bằng cách phát ra nốt đô theo đúng yêu cầu ! Nốt đô này sẽ "kêu" hoài cho đến khi ta nhấc ngón tay khỏi phím.
    [2] Khi nhấc ngón tay khỏi phím, MIDI-Keyboard gửi đi thông điệp dài 3 byte là 90 3C00. Thông điệp này giống như thông điệp ở trên, chỉ khác ở giá trị của byte thứ ba là 00, giá trị velocity bằng 0 này sẽ làm tắt việc phát ra nốt đô. Synthesizer khi nhận được thông điệp này, sẽ ngưng việc phát ra nốt đô trước đó ở kênh 0. Do đó thông điệp này được gọi là "Note Off".
    Nếu synthesizer có khả năng polophony (phát được nhiều nốt cùng một lúc) thì khi ta bấm nhiều phím cùng lúc trên MIDI-Keyboard, nhiều thông điệp "Note On" sẽ được gửi cùng lúc đến synthesizer. Hình 5 giới thiệu bảng qui định về thông điệp kênh theo định chuẩn MIDI 1.0 mà bạn có thể tham khảo thêm.
    Thông điệp "Program Change" (Xem hình 5) rất quan trọng, nó sẽ yêu cầu synthesizer phát ra âm tiết khác nhau, ví dụ : tiếng piano acoustic, violon, string... Các thuật ngữ voice, instrument, patch đều có nghĩa là âm tiết. Có nhà sản xuất "thích" dùng từ voice trên các sản phẩm của mình, nhưng nhà sản xuất khác thì lại dùng từ patch. Thông điệp program change dài 2 byte, có dạng Cn pp với n là số thứ tự của kênh (0-15) và pp là số thứ tự của âm tiết (0-127). Như vậy có 128 âm tiết khác nhau. Hiệp hội các nhà sản xuất MIDI (MMA - MIDI Manufactors Association) đã đưa ra định chuẩn General MIDI trong đó qui ước một synthesizer theo chuẩn General MIDI thì phải có bộ tiếng theo qui ước : tiếng số 1 là Grand Piano, số 2 là Bright Grand Piano... tiếng số 128 là Gun Shot. Bạn có thể tham khảo danh sách các âm tiết theo chuẩn General MIDI trong bài "MIDI và Multimedia Windows", tạp chí New* số 10 & 12/1993.
    Một thông điệp MIDI luôn bắt đầu bằng một byte trạng thái (status byte) tiếp theo sau là 0,1 hay 2 byte dữ liệu (ngoại trừ thông điệp System Exclusive). Dễ dàng phân biệt được byte trạng thái và byte dữ liệu. Bit cao luôn thiết lập là 1 với byte trạng thái và là 0 với byte dữ liệu. Như vậy từ 00 đến 7F là byte dữ liệu, 80 đến FF là byte trạng thái. Đối với các thông điệp kênh, byte trạng thái luôn có chứa thông tin cho biết kênh.
    Trên hình 5, ta thấy n trong các byte trạng thái cho biết số thứ tự của kênh (có tổng cộng 16 kênh, 0-15). Ta thấy rằng mỗi kênh có thể phát ra một âm tiết khác nhau, do đó, một synthesizer có thể phát ra tối đa 16 tiếng nhạc cụ khác nhau cùng một lúc. Như thế có thể làm việc giống như một ban nhạc thật vậy ! Trên hình 5 ta thấy không có các thông điệp với Byte trạng thái từ F0 đến FF. Các thông điệp này thuộc loại thông điệp hệ thống (system message) như đã trình bày ở phần trên. Controller thường xuyên gửi đi thông điệp với byte trạng thái FE gọi là Active Sensing Message cho biết controller vẫn còn đang nối với hệ thống. Một thông điệp hệ thống quan trọng đã nói là System Exclusive message có byte trạng thái là FO. Thông điệp này có thể có hơn 2 byte dữ liệu (tất cả các thông điệp khác có tối đa là 2 byte dữ liệu), và vẫn tuân theo qui ước bit cao được thiết lập là 0. Thông điệp này thường được nhà sản xuất dùng để gửi đi thông tin định nghĩa một âm tiết nào đó cho synthesizer, hay xuất một dãy dữ liệu đặc biệt nào đó.
    5. Tập tin MIDI.
    Khi máy vi tính đi vào lĩnh vực âm nhạc điện tử, việc lưu trữ các thông điệp MIDI trở nên dễ dàng do dung lượng của bộ nhớ ngoài khá dư dả. Tập tin lưu trữ thông điệp MIDI lúc đầu có dạng thức không thống nhất. May mắn là Hiệp hội MIDI (IMA-MIDIA Association) ở Mỹ đề ra được một tiêu chuẩn thống nhất. Macinstosh và Amiga là 2 họ máy đầu tiên đi vào lĩnh vực âm nhạc, do đó tiêu chuẩn trên áp dụng cho họ máy đó. Với họ máy vi tính IBM và tương thích, "kẻ đến muộn", đành phải tuân theo chuẩn trên. Macinstosh và Amiga sử dụng bộ xử lý của Motorola khác với bộ xử lý Intel dùng trong họ máy IBM, do đó các phần mềm MIDI viết trên họ máy IBM phải "phiên dịch" lại. Bộ xử lý Motorola không ghi byte theo kiểu từ phải sang trái (right most) như bộ xử lý Intel. Chẳng hạn với trị số 186A0h, trong khi Intel lưu trữ là : A0 86 01 00. Vì vậy tin MIDI định dạng theo bộ xử lý Motorola nên nếu dùng debug để xem thì sẽ thấy là : 00 01 86 A0. Như vậy phần mềm MIDI trên họ máy IBM phải xử lý lại dữ liệu đọc từ tập tin MIDI. Với sự chú ý về trình tự lưu trữ dữ liệu trên, ta hãy xem xét một đoạn nhạc đơn giản được lưu trữ như thế nào. Đoạn nhạc bao gồm 4 nốt, với 2 khuôn nhạc (hình 6) phát tiếng Church Organ. Hình 7 cho thấy nội dung tập tin MIDI xem bằng trình Debug của DOS.
    Tập tin MIDI trong Windowns được viết cho 3 loại synthesizer : Base-level synthesizer : chỉ phát được 4 kênh từ 13 đến 16 Extended synthesizer : phát được 10 kênh từ 1 đến 10 General MIDI synthesizer : phát đủ 16 kênh.
    Một cách tổng quát, tập tin MIDI lưu trữ thông điệp MIDI và thông tin về nhịp để điều khiển synthesizer phát lại bài nhạc. Tập tin MIDI được tổ chức theo từng nhóm dữ liệu; mỗi nhóm bắt đầu bằng 4 ký tự (4 byte) nhận dạng và tiếp theo đó là 4 byte cho biết số byte của dữ liệu trong nhóm. Chỉ có 2 loại nhóm dữ liệu : header và track. Mỗi tập tin MIDI luôn bắt đầu bằng nhóm dữ liệu header và tiếp theo là một hay nhiều nhóm dữ liệu track.
    [1] - Nhóm dữ liệu header : Bắt đầu bằng 4 ký tự nhận dạng: MThd. Số byte dữ liệu luôn luôn là 6. Do đó, tổng số byte của nhóm header là 14.
    Hình 7 cho thấy 6 byte dữ liệu của nhóm header là 00 01 00 03 00 F0. Hai byte đầu cho biết kiểu của tập tin MIDI (có thể mang các trị 0, 1, 2), trong ví dụ đang xét hai byte này có giá trị 1. Tập tin kiểu 0 chỉ có một track, kiểu 1 có nhiều track, kiểu 2 chưa được xử lý trong Windows. Một bài nhạc lưu trữ vào tập tin MIDI kiểu 1 sẽ giúp cho việc sửa đổi nội dung dễ dàng, vì tiến hành trên từng track. Hai byte tiếp theo cho biết tổng số track, trị số này ở đây là 3 : tập tin MIDI có 3 track, track thứ nhất chứa thông tin về nhịp điệu, track thứ nhì chứa các thông điệp MIDI để phát 4 nốt trên kênh 0 (dành cho bộ extended synthesizer), track thứ ba dùng để phát ra 4 nốt trên kênh 12 (dành cho bộ base-level synthesizer). Hai byte cuối, sau khi xử lý theo cách riêng sẽ cho biết đơn vị xử lý thời gian.
    [2]- Nhóm dữ liệu track : Bắt đầu bằng 4 ký tự MTrk tiếp sau là con số 32 bit (4 byte) cho biết chiều dài của dữ liệu chứa trong track. Trong hình 7, ta thấy có 3 track bắt đầu ở các offset 0Eh, 29h. 59h. Dữ liệu trong nhóm gồm nhiều track event. Mỗi track event bắt đầu bằng một trị số delta time (lưu trữ với kích cỡ thay đổi từ 1 đến 4 byte) theo sau là một event. Trị số delta time cho biết khoảng thời gian nghỉ giữa 2 lần xử lý event (có thể bằng 0). Event có thể là các thông điệp MIDI (dùng để điều khiển trực tiếp synthesizer) hoặc meta-event (là các chỉ thị hay thông tin gửi đến phần mềm xử lý tập tin MIDI).
    [3] - Delta time : Để giảm kích cỡ tập tin MIDI, delta time được lưu trữ với kích cỡ thay đổi, có chiều dài từ 1 đến 4 byte. Một sự "phù phép" đã được dùng ở đây, rất rắc rối. Mỗi byte của delta time chỉ sử dụng 7 bit thấp để chứa số liệu. Bit cao còn lại được thiết lập là 1, trừ byte cuối. Nếu delta time chỉ dài một byte, bit cao được thiết lập là 0. Khi trị số của delta time nằm từ 0 đến 127, delta time chỉ dài một byte với trị thay đổi từ 00 đến 7Fh. Nhưng nếu delta time là 128, cần dùng đến 2 byte : 81h và 00h. Bit cao của byte thứ nhất được thiếp lập là 1, ta kết hợp 7 bit còn lại của byte thứ nhất là 7 bit còn lại của byte thứ nhì để cho ra trị 80h ứng với trị số thập phân 128.
    Ta thêm một ví dụ : delta time = 240 (F0h) được lưu trữ thành giá trị gì trong tập tin MIDI ? Trước hết, hãy viết dưới dạng cơ số 2 với 8 bit :
    • 11110000
    Sau đó tách ra thành 2 nhóm, mỗi nhóm 7 bit (thêm các bit 0 vào) :
    • 000001 1110000
    Đưa thêm vào bit 1 ở đầu nhóm thứ nhất, bit 0 ở đầu nhóm thứ hai :
    • 10000001 01110000
    Chuyển sang cơ số 16, ta được trị 8170h. Như vậy giá trị 240 của delta time khi lưu trữ vào tập tin MIDI sẽ chiếm 2 byte có trị như trên.
    Bây giờ ta thử xem giá trị của delta time là bao nhiêu ứng với trị lưu trong tập tin MIDI là 86 8D 20h. Trước hết viết lại dưới dạng cơ số 2 :
    • 10000110 10001101 0010000
    Bỏ các bit cao trên 3 nhóm :
    • 0000110 0001101 010000
    Nhóm lại thành các nhóm 8 bit :
    • 00000001 10000110 1010000
    Chuyển sang cơ số 16, ta được trị 0186A0h hay 100000.
    [4]- Meta-Event : Như đã trình bày ở trên, mỗi event trong track event có thể là thông điệp MIDI hay meta-event. Meta-event luôn bắt đầu bằng 1 byte FFh. Byte thứ nhì cho biết loại meta-event, byte thứ ba cho biết chiều dài của dữ liệu liên quan. Trong ví dụ đang xét, track thứ nhất dài 19 (13h) byte có chứa 3 track event. Delta time trong mỗi track event đều mang trị là 0 (các event trong track này sẽ xảy ra liên tiếp nhau, không có thời gian nghỉ). Để ý rằng, 3 event trong 3 track event ở đây đều thuộc loại meta-event.
    * Meta-event thứ nhất là : FF 58 04 03 02 18 08. Byte 58h cho biết meta-event này chứa thông tin về việc khai báo nhịp của bài nhạc (time signature). Meta-event này có 4 byte dữ liệu. Hai byte thứ nhất (03h và 02h) cho biết nhịp của bài nhạc là (3)/(2)*2 hay 3/4, theo ký hiệu âm nhạc thì con số đó cho biết trong một khuôn nhạc có 3 nốt 1/4 (3 nốt đen). Trên hình 6, bạn thấy con số 3/4 chứ ? Byte tiếp theo (18h) cho biết số nhịp MIDI được phát ra trong một nhịp của metronome (metronome là máy gõ nhịp giúp người đánh đàn chơi nhạc đúng nhịp, synthesizer có một bộ phận để tạo ra nhịp như metronome). Như vậy ở đây, một nhịp metronome có 24 (18h) nhịp MIDI. Byte cuối cùng (08h) cho biết số nốt 1/32 (nốt móc ba) có trong 24 nhịp gõ MIDI, trị số 08 ở đây qui định cứ 24 nhịp gõ MIDI thì có 8 nốt 1/32 hay 1 nốt 1/4 được chơi. Kết hợp với thông tin ở trên, cho biết trong một nhịp gõ của metronome có một nốt 1/4 được chơi.
    * Meta-event thứ hai là : FF 51 03 07 A1 20. Byte 51h cho biết đây là tempo meta-event, chứa thông tin cho biết bài nhạc được chơi nhanh chậm như thế nào. Dữ liệu dài 3 byte : 07A120h = 500.000, cho biết mỗi miligiây có 500.000 nốt 14 (gọi là nốt đen) được chơi, tương ứng với 120 nốt đen được chơi trong một phút. Bạn hãy xem hình 5 và để ý phía trên khuôn nhạc có ghi ký hiệu một nốt đen = 120. Từ đây, ta thấy rằng dễ dàng thay đổi nhịp (nhanh hơn, chậm hơn) của một bài nhạc khi phát ra.
    * Meta-event cuối cùng là :FF 2F 00. Event này không có dữ liệu. Mỗi track event đều kết thúc bằng meta-event này.
    [5] - Thông điệp MIDI và việc ghi nhớ byte trạng thái : Track thứ hai trong hình 7 chứa 40 (28h) byte dữ liệu dùng để phát ra 4 nốt trên synthesizer loại extended. * Track event đầu tiên (ở offset 31h) là 00 C0 13. Delta time ở đây bằng 0. Event ở đây là thông điệp MIDI loại Program Change, gửi đến kênh 0 và yêu cầu synthesizer sử dụng tiếng số 13 để phát ra các nốt sau đó (theo định chuẩn General MIDI, đây là tiếng church Organ). * Track event thứ nhì là 00 B0 07 7 (delta time cũng bằng 0) chứa thông điệp MIDI kiểu Control Change (B0h) thiết lập controller số 7 (07h) giá trị lớn nhất là 127 (7F). Controller này chỉnh synthesizer phát ra nốt trên kênh 0 với độ to lớn nhất. * Bây giờ đã có thể ra lệnh cho synthesizer phát nốt nhạc được rồi ? Track event thứ ba : 00 90 C 40 thực hiện điều đó, vì nó chứa thông điệp "Note On" (90h) trên kênh 0, nốt phát ra là đô trung (key number = 3Ch) với velocity là 40h. Việc phát nốt nhạc này được thực hiện ngay sau khi controller số 7 được thiết lập vì delta time bằng 0. *Track event kế tiếp là : 81 70 40 40. Hai byte đầu đặc trưng cho delta time. Hai byte sau ra lệnh phát nốt mi trên nốt đô trung (key number = 40h) với velocity là 40h. Ta thấy hình như thông điệp "Note On" này thiếu byte trạng thái 90h (theo dạng chung của thông điệp "Note On" : 0 kk vv) ? Người ta đã sử dụng kỹ thuật "tham khảo byte trạng thái của thông điệp MIDI trước đó" gọi là "running status": trong quá trình lưu trữ vào tập tin MIDI, khi 2 byte trạng thái của 2 thông điệp MIDI liên tiếp giống nhau, thì thông điệp MIDI sau không cần có byte trạng thái.
    * Hai track event tiếp theo là : 81 70 43 40 81 70 48 40. Phân tích tương tự, ta xác định rằng 2 track event này sẽ ra lệnh cho synthesizer pht ra tiếp nốt sol và nốt đô (cách nốt đô trung một quãng tám). Như vậy 4 nốt của bài nhạc đến đây đã được phát ra đủ. Tuy nhiên 4 nốt này sẽ "kêu" mãi nếu không 4 có thông điệp "Note Off" tiếp theo được gửi tới để tắt việc phát ra 4 nốt đó. * Bốn track event tiếp theo là : 85 50 3C 00, 00 40 00, 00 43 00, 00 48 00 sẽ làm cho synthesizer tắt hết bốn nốt đã phát ra. * Track cuối cùng là 00 FF 2F 00, ta thấy chứa meta-event FF 2F 00 báo hiệu cho biết đã hết track thứ hai.
    Track thứ ba tương tự track thứ hai, chỉ khác ở các chỉ định kênh trong các byte trạng thái của thông điệp MIDI là 12 (Ch) thay vì là 0.
    Bây giờ, bạn có thể tạo thử tập tin MIDI bằng dùng trình Debug của DOS. Sau đó dùng chương trình Media Player trong nhóm Accessories của Windows để chơi thử. Dĩ nhiên máy của bạn phải có Sound card.
    Kết luận
    Đến đây chúng tôi xin kết thúc loại bài "Chơi nhạc trên Windows". Mong rằng các bạn sẽ hứng thú khi tìm hiểu về MIDI. Đây mới chỉ là một kiến thức ban đầu. Với hệ thống âm nhạc vi tính, việc soạn nhạc trên máy vi tính đã trở thành hiện thực. Ta có thể in ấn (bằng các phần mềm Edior như : Finale, Music Time, Encore for Windows...), phối âm (bằng các phần mềm Sequencer như : Cakewalk, MIDIsoft for Windows...)tự học nhạc, nghe nhạc, làm karaoke vi tính... MIDI là các thông điệp điều khiển synthesizer phát nhạc, do đó ta có thể dễ dàng biến đổi tín hiệu này trước khi nó được gửi đến synthesizer. Vì vậy, các phần mềm MIDI luôn cho phép ta có thể can thiệp vào bản nhạc một cách dễ dàng, chẳng hạn : lên/xuống giọng (transposer), cho chậm lại hay nhanh lên, nghe đi nghe lại, xem nốt nhạc ngay trên màn hình, tắt bớt một kênh nào đó...
    Quốc Phong,
    P&V Music Group

    Các file đính kèm:

    doremon2005 and hoandes like this.
  3. fantasylove

    fantasylove Thành viên

    Bài viết:
    734
    Được Like:
    77
    Em không muốn bới lông tìm vết bởi vì thật sự bài viết của bác wa' đầy đủ, súc tích, tuy vậy không thể tránh nổi vài sai sót, em cũng post luôn lên nha cho anh em đọc kẻo lại hiểu nhầm.
    Như bài viết của bác nói tức là bác ca ngợi midi hết mình luôn, coi nó hơn cả mp3 , wav... mà bác quên mất 1 điều là tuy midi âm thanh chuẩn thật, dung lượng lại nhỏ nhưng nó không thể chứa được gì khác ngoài nhạc, mà bi giờ mấy người còn nghe nhạc không lời đâu bác?
    *.cda không phải là định dạng âm thanh trong CD đó là files quản lý của CD, cho bít bài này nằm ở track nào mà thui, hoàn toàn không chứa bất cứ nhạc gì cả.Còn thực ra CD vẫn dùng files *.wav để lưu nhạc ,đây có thể nói là định dạng nhạc chuẩn nhất, hay nhất( do không nén).Hồi xưa em nhớ Win98 có thể down 1 patch nào đó trên mạng để khiến Windows explorer có thể nhận ra được files wav trên CD, có thể copy trực tiếp mà không cần trình convert nhưng lâu rùi nên em quên.
    Còn bác nói chỉ có midi dùng KTS thì cũng không đúng nốt vì thực ra cả WAV và MP3 đều là digital hết, toàn là nhạc mã hóa.Thuật ngữ analog chỉ thích hợp cho tape hay băng VHS mà thui.Cách phân biệt analog và digital nè( đây là theo 1 quan điểm thôi nha, ngoài ra có thể còn quan điểm khác nữa) digital: ta có thể sao chép bao nhiêu lần tùy ý 100, 1000 lần... mà chất lượng không bị biến đổi 1 tí nào so với files gốc.Còn analog( tương tự) thì chỉ có khả năng sao chép 1 số lần hữu hạn mà thôi.Cũng giống như photocopy đó, chất lượng bản foto không bao giờ được đẹp như bản gốc.
    Trên đây là 1 số ý kiến của riêng em rất mong nhận lời góp ý của mọi người
  4. nhatquan

    nhatquan Thành viên

    Bài viết:
    26
    Được Like:
    2
    Rất đúng
  5. trung2711

    trung2711 Thành viên

    Bài viết:
    123
    Được Like:
    9
    Wa' hay, hay wa' xa' hay
  6. lovelydaisy

    lovelydaisy Thành viên

    Bài viết:
    274
    Được Like:
    10
    đọc xong là trả tiền net mệt nghi lun.Thì đúng là mấy người đó nói gì cũng đúng vì mình đâu có bít gì đâu nên ai nói sao nghe vậy à.keke.mà sao ngươi ta làm nhạc midi hay thế?mình cũng muốn làm but kg bit cách
  7. pts2010

    pts2010 Thành viên

    Bài viết:
    160
    Được Like:
    54
    bài của bạn truogngia rất hay, tuy là còn nhièu sai xót, nhưng mà bạn chỉ nói về cấu trúc của file midi ---> các chú gà mờ đọc chơi thôi, chứ ko cần lắm. Có bạn đã đóng góp ý kiến về bài viết của bạn, tôi cho là rất chinh xác, tuy nhiên chua bạn nào đề cập đến cách chuyển đổi các định dạng hết, cái này mới cần cho newbie
    -----
    Chắc chắn là các bạn biết cách để tạo ra file mp3 or wav, nhưnbg làm sao để biến các file đó thành mide là 1 chuyện, cách này vừa nhanh, vừa thời thượng, hợp thời hơn
    Vậy tạo ra các file đó bằng cách nào đây ??? các bạn đọc tiếp nhé, dễ thôi

    - Trước tiên các bạn cần có file wav, nếu bạn nào chưa biết cách mp3--> wav send mail cho tôi, tôi sẽ chỉ
    - Các bạn down chương trình AKoff Music Composer v2.0 cái này có thể down trên mạng
    còn đây là crack của nó
    Email : cyber@cybercracks.com
    Code : 02490C004C5A

    - Các bạn chọn open để mở file wav
    - Sau đó chọn menu WAVE/ Convert wave file to midi track...
    Trong này có nhiều option (tùy chọn)
    các bạn chỉ quan tâm đến các mục này
    Trong Recognition Settings:
    - Sound Type: Acoustic Guitar(tiếng guita), Human Voice(chỉ lời nói), Piano (đệm cơ bản),whisle, wind Instument (kèn, sáo) ---> tùy các bạn muốn file midi của bạn có tiếng gì thì chọn tiếng nhạc cụ đó, nhớ quan tâm đến file wave xem tiếng nhạc cụ gì nổi nhất nha, vậy mới tạo ra mid hay dc
    - Thứ 2 là Volume, các bạn Max nó cho tui, sau đó chọn Start để chuyển
    Chờ chút là xong
    -------> tiếp theo nè, cái này ảnh hửong đến mid có hay hay ko? tùy thuộc vào kinh nghiệm, bạn sẽ có dc điều tích lũy theo thời gian
    Trong mục MIDI Results:
    Patch: các bạn tùy chọn
    Drum: cái này liên quan đến tốc độ, các bạn chọn cho đúng
    sau đó start lần nữa, vậy là oke goài. xong xuôi. các bạn nào ko biết hỏi tui nha, nhắn tin cho tui cũng dc
    hoandes thích bài này.
  8. talatrum

    talatrum Thành viên

    Bài viết:
    2
    Được Like:
    1
    bro oi chi cach em tao nhac midi co gi mail cho em duoc ko ì_u_want1983@yahoo.com
  9. thinhnt83

    thinhnt83 Thành viên

    Bài viết:
    72
    Được Like:
    11
    gửi pts2010:
    Tui đã tải AKoff Music Composer v2.0 về rồi và đã làm theo chỉ dẫn rồi sao vẫn không cr***k được vậy. Xin bạn hướng dẫn chi tiết lại có được không? thanks nhiều lắm
  10. toantoet

    toantoet Thành viên

    Bài viết:
    72
    Được Like:
    8
    Số serial đó dùng được mà. Thinhnt83 khi copy địa chỉ mail, nhớ copy chính xác, đừng copy cả khoảng trắng cuối cùng.