Mobile ý tưởng mới, xu hướng mới Rất nhiều mẫu thiết kế điện thoại sắp ra đời với những cải tiến đột phá nhằm thoả mãn cho nhiều nhu cầu ngày càng mới của các thượng đế, mặt khác còn nhằm tạo những thói quen sử dụng mới. Xin giới thiệu một số ý tưởng mới đại diện cho các xu hướng được dự báo sẽ trở thành chuẩn của điện thoại trong tương lai. Tương lai gần – Cảm ứng đa năng Thỏi sô cô la LG mở màn cho trào lưu bàn phím cảm ứng và đây sẽ là xu hướng “hot” trong năm tới. Màn cảm ứng không chỉ ở chỗ tạo cho người dùng cảm giác nhẹ nhàng đầy thích thú khi ấn, mà quan trọng hơn là: có thể dùng cơ chế “bàn phím không phím” phát triển thành “bàn phím nhiều phím”. Chỉ cần cùng một diện tích tương đương với một bàn phím thông thường, người ta có thể làm nhiều thao tác thuộc những nhóm chức năng khác nhau, nhờ khả năng thay đổi bàn phím theo nhu cầu. Nokia Aeon Đội nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Nokia đã thiết kế thành công mẫu điện thoại có tên Aeon (Vĩnh cửu- vĩnh hằng). Điểm nhấn của model này là bàn phím cảm ứng trải trên toàn bộ bề mặt điện thoại. Màn hình – bàn phím cảm ứng cho người dùng vuốt ve và cảm nhận bằng những ngón tay nhạy cảm và tinh tế của mình. Aeon khác với những thiết kế điện thoại không phím trước kia của Nokia và có vẻ như nó sẽ gọn hơn, mỏng hơn nhiều. Bình thường, bàn phím sẽ không hiện. Lúc này, cả chiếc điện thoại sẽ giống như một thứ đồ chơi lạ mắt. Điện thoại Nokia Aeon sẽ có 3 màu. Điểm chung về thiết kế của cả 3 model là đai Nokia bằng kim loại phân cách bàn phím và màn hình. BenQ Black box Hộp đen bóng loáng này là một mẫu ý tưởng của BenQ, một kiểu điện thoại có bàn phím cảm ứng và thay đổi được tùy theo ứng dụng. Bàn phím số - kiểu điện thoại sẽ hiện ra khi bạn muốn thực hiện một cuộc gọi hay tin nhắn; nút vặn chỉnh volume và dò đài tương ứng với chức năng Radio; và tương tự là các nút di chuyển khi bạn duyệt ảnh... Dạng điện thoại này sẽ mang lại cho người dùng một cảm giác mới lạ khi bấm phím, bởi vì sự thực họ sẽ ... không cảm thấy gì cả với bàn phím "không phím" này. Hộp đen hiện vẫn còn đang được các kỹ sư chế tạo BenQ hoàn tất, không hy vọng rằng nó sẽ xuất hiện kịp vào dịp cuối năm nay, thế nên để đỡ phải ngỡ ngàng mất thời gian thì bạn có thể mua ... LG Socola về tập luyện trước cho quen. Ý tưởng thiết kế điện thoại Vĩnh hằng của Nokia cũng tựa như ý tưởng thiết kế "Chiếc hộp đen" của BenQ -Siemens. Không biết nên gọi hai kiểu điện thoại này bằng cái tên gì cho phải. Và rất có thể, xu hướng bàn phím cảm ứng đa năng sẽ trở thành chuẩn phổ biến trong tương lai. Sony Ericsson AISony Ericsson Mẫu Sony Ericsson mới mang tên Ai sẽ cạnh tranh với các “siêu mẫu mình mỏng”, với bề dày chỉ có 9,4mm và được hứa sẽ xuất hiện vào tháng 3 năm 2007. Theo tin “nội bộ” nhân vật Ai bí ẩn mỏng mình kia sẽ xuất hiện với hai màu đen và bạc. Để thể hiện sự vượt trội, ai sẽ đảm đương luôn vai trò của một chiếc Walkman Cameraphone Hi-end: camera 3.2Mega Pixel hỗ trợ auto-focus và Xenon flash, Radio FM, ổ cứng dung lượng 2GB và tất nhiên có bàn phím cảm ứng. Hiện vẫn chưa khẳng định Ai sẽ xuất hiện dưới dạng nào, thanh hay nắp trượt. Tương lai xa - Đa dạng hình thức Fujitsu Multi Slider Khi những model điện thoại có nắp trượt một chiều, rồi hai chiều xuất hiện; nhiều người đã dự đoán và hình dung về một loại hình điện thoại nắp trượt đa chiều. Tại triển lãm Triennale di Milano Japanese Design tại Milan vừa qua, Fujitsu đã giới thiệu mẫu điện thoại hiện thực hóa cho dự đoán này. Chiếc điện thoại nắp trượt bốn chiều đầu tiên này có màu trắng và các góc bo tròn nom như một quả trứng gà. Nó sẽ là máy nghe nhạc, máy chơi game, máy quay hình hay là chiếc máy điện thoại cầm tay đơn thuần tùy thuộc vào việc bạn trượt nắp máy theo hướng nào. Bạn trượt nắp điện thoại qua trái để sử dụng các phím số như một chiếc cellphone thông thường, trượt qua phải cho các chức năng của một chiếc máy nghe nhạc. Các phím chức năng của một máy camera sẽ hiện ra khi bạn đẩy nắp trượt lên trên, còn nếu bạn muốn chơi game trên điện thoại thì đẩy chiếc nắp trượt đó xuống dưới. Dự tính máy sẽ có mặt trên thị trường trong năm 2007. Motorola PVOT Nhà thiết kế Andre Minoli đã sáng tạo ra "thứ" này, và theo dự đóna có thể nó se mở đầu cho xu hướng điện thoại quay tay "Crack Call". Thiết bị gọi là Motorola PVOT được nhắm vào các thị trường đang phát triển, vùng sâu vùng xa, tuy nhiên thiết kế này cũng rất dễ sẽ trở nên phổ biến ở cả những nước phát triển. Đặc điểm đột phá của nó là tăng thời lượng dùng pin lên 1 phút sau mỗi 25 vòng quay tay cầm, góp phần giải quyết tình trạng hết pin giữa chừng. Màn hình có độ phân giải 125x125, hiển thị số lớn và rõ nét, bàn phím trông rất … “xì tin”. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể gì về giá bán hay thời điểm phát hành. Papersay "Giấy nói" Tetra Pak lại là một ý tưởng xuất phát từ những chiếc điện thoại bàn, kết hợp với ý tưởng về tái chế điện thoại. Loại hình “giấy nói” này xuất phát từ một thực tế: bạn thường phải mua các thẻ điện thoại quốc tế trả trước khi đi du lịch hay công tác nước ngoài. Nhưng những chiếc thẻ điện thoại đó không phải ở đâu cũng có và không phải lúc nào bạn cũng có thể mua được. "Giấy nói" còn giúp người dùng tránh được nguy cơ bị mất chiếc điện thoại vừa mới thuê của khách sạn, nó có thể tái chế được, có giá rất thấp và có thể mua được ở bất cứ chỗ nào ... có bán. Đối với "Giấy nói", việc nhuốm bẩn hay dính nước chẳng nhằm nhò gì. Khi mới mua về, "giấy nói" chỉ là một tấm giấy có tạo trước các đường đứt nét, các linh kiện điện tử đã được gắn sẵn trên giấy. Khi cần dùng bạn chỉ cần xé và ghép để tạo thành một chiếc alo có đầy đủ bàn phím và các đèn LED chỉ thị. Do làm chủ yếu bằng giấy, nên giá rẻ và gọn gàng (cũng chưa biết các nhà sản xuất sẽ làm sao để hạ giá thành linh kiện). Ngoài ra, hình như khi mặt giấy này bị bẩn bạn chỉ cần đơn giản lật ngược giấy và dùng mặt kia. "Giấy nói" là ý tưởng của các nhà thiết kế Trung Quốc: Chia -Liang Hsu, Yi-Ting Chen, Jun-Lin Fu, Chih-Chieh Lee, Chun Chia Hsu, Allen Huang.