Cả MobiFone, VinaPhone và Viettel đang rốt ráo hoàn thành những thủ tục cuối cùng để trở thành nhà phân phối chính thức cho thương hiệu điện thoại di động iPhone. Bài toán kinh doanh hơn, thiệt đang khiến các nhà mạng đau đầu. Bên lề một cuộc trao giải bình chọn mạng viễn thông và điện thoại di động vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết, nhà mạng này đang gấp rút hoàn thành những thủ tục cuối cùng với hãng Apple để trở thành nhà phân phối chính thức của nhãn hiệu điện thoại iPhone tại Việt Nam. Các khâu ký kết đã xong xuôi, đến đầu tháng 4 tới nhà mạng này sẽ chính thức phân phối chiếc điện thoại mang thương hiệu quả táo khuyết trên thị trường nội địa. Đương nhiên, khách hàng muốn sở hữu sản phẩm mới nhất sẽ phải cam kết sử dụng gói cước bắt buộc kèm theo. Theo ông Minh, để có được quyền phân phối iPhone, các chuyên gia MobiFone đã phải làm việc khá căng thẳng với đại diện của hãng Apple từ tháng 1/2010 nhằm thỏa thuận hàng loạt điều khoản ràng buộc khắt khe về chiến lược quảng cáo, hình ảnh, giá cả, thời điểm đưa ra thị trường... Tuy nhiên, phía MobiFone cũng thừa nhận, không phải là nhà mạng độc quyền và đầu tiên được phân phối iPhone. Được biết, trong cùng một thời điểm (tức đầu tháng 4 tới) hai mạng viễn thông khác là VinaPhone và Viettel cũng sẽ đồng loạt phân phối điện thoại của Apple trên thị trường. Đại diện của VinaPhone cho biết, dòng iPhone thế hệ thứ tư cũng sẽ được nhà mạng này phân phối khi nó chính thức được phát hành. Thông tin ban đầu cho hay, iPhone phiên bản mới nhất sẽ có loại 8G, 16G và 32G. Hiện cả 3 nhà mạng này đều đang âm thầm tính toán cơ chế bán hàng kèm dịch vụ sao cho đảm bảo tính cạnh tranh mà vẫn có lãi. iPhone qua đường xách tay đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ lâu (Ảnh: T. Nguyên). Theo nhận định của chuyên gia viên thông, đây không phải là bài toán dễ đối với các nhà mạng đã ký hợp đồng với Apple. Khi các mạng phân phối phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu không hề dễ chịu mà nhà sản xuất đưa ra thì giá mỗi chiếc điện thoại sẽ đội lên đáng kể. Dĩ nhiễn, mọi chi phí sẽ được tính vào gói cước bắt buộc mà các nhà mạng đưa ra đối với khách hàng. Vấn đề là mức giá của các gói cước là bao nhiêu, có được nhiều khách hàng chấp nhận hay không? Trong khi đó, mặc dù không qua đường chính thức, các thế hệ iPhone đều đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ mấy năm nay với nguồn cung khá dồi dào. Vì thế, khách hàng sẽ dễ dàng tính được bài toán thiệt hơn trước quyết định dùng điện thoại kèm gói cước bắt buộc của nhà mạng hay mua điện thoại xách tay để được quyền lựa chọn gói cước phù hợp. Còn nhớ sự kiện trước đây không lâu, Viettel đã từng vui mừng và đặt kỳ vọng lớn khi giành được hợp đồng phân phối Blackberry tại Việt Nam. Nhưng kết quả đã không được như mong đợi của nhà mạng này, lượng khách hàng chịu dùng Blackberry do Viettel phân phối rất ít. Nguyên nhân do giá mỗi chiếc điện thoại cao hơn rất nhiều so với giá bán cùng loại trên thị trường. Chưa kể khách dùng máy còn phải chịu một gói cước bắt buộc mỗi tháng cao ngất ngưởng mà Viettel đưa ra. Đã từng trả giá sau “bài học” Blackberry nên lần này Viettel tỏ ra khá thận trọng trong chiến lược phân phối, kinh doanh iPhone. Trên thực tế, đại diện nhà mạng này đã hé lộ: không dám đặt kỳ vọng quá lớn vào iPhone khi sản phẩm không còn là của hiếm trên thị trường, hơn thế nữa lại có đến 3 nhà mạng lớn cùng phân phối. Dù biết iPhone không phải là bữa cỗ dễ xơi, các nhà mạng đều thừa nhận không muốn bỏ lỡ cơ hội “sang trọng hóa” thương hiệu khi gắn với sản phẩm công nghệ đang làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu. (Dân trí)
Thị trường phải có sự cạnh tranh nhất định, như thế may ra có được 1 mức giá phù hợp. Nhưng thực sự không kì vọng nhiều lắm, vì giá sẽ không rẻ chỉ ưu tiên cho khách VIP lại càng sai lầm, đã là khách VIP thì thu nhập phải cao mới chi tiêu VIP được, đã thu nhập cao mắc gì kí hợp đồng ràng buộc theo kiểu trả góp, 1-2 năm là quỹ thời gian quá dài cho các bước tiến về công nghệ, phiên bản 3GS chưa tung ra, đã ngấp nghé có 4G vào tháng 4 rồi.