Thông thường mọi người dùng ĐTDĐ chẳng hiểu gì về sự trục trặc của nó, vì vậy cứ mỗi khi “dế”… trở bệnh là họ đều mang qua các cửa hàng sửa chữa. Có những chiếc ĐTDĐ chỉ là hỏng sơ xài và chủ nhân có thể tự khắc phục được, song họ cũng mang ra tiệm để người ta “soi” cho rõ bệnh. Khi đã gửi ĐTDĐ vào cửa hàng để sửa, thường là khách hàng không quan tâm, nghi ngờ gì và chỉ cần biết, sau khi thợ “đọc bệnh” đã sửa chữa, đã thay đồ mới… rồi thanh toán tiền. Chính vì lẽ đó mà không ít khách hàng bị “luộc” phụ tùng, linh kiện xịn và thay vào đó là đồ Trung Quốc, đồ nhái mà không hề hay biết. N.V.N., một tay “luộc” ĐTDĐ có hạng với mấy cửa hàng buôn bán kiêm sửa chữa điện thoại trên phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm tiết lộ: “Nếu kinh doanh ĐTDĐ mà thật thà thì có mà ăn cháo. Bán một chiếc điện thoại chỉ lãi chừng vài trăm ngàn đồng (tùy theo loại); bán sim, bán thẻ nạp tiền thì lãi lờ đáng là bao trong khi tiền thuê cửa hàng thì mỗi lúc một tăng giá tới chóng mặt. Vì vậy hầu hết các cửa hàng ĐTDĐ đều có thêm chức năng sửa chữa mới sống nổi. Tiền công sửa chữa cũng chỉ là phần nào thôi, chứ tiền chênh từ việc “luộc” đồ mới là đáng kể…”. Thợ sửa không thật thà có thể “luộc đồ” của điện thoại rất nhanh. Theo tìm hiểu của tôi từ mấy tay bạn kinh doanh sửa chữa ĐTDĐ thì công nghệ “luộc” có cả trăm ngàn kiểu cách và đặc biệt là rất tinh vi, khiến khách không hề hay biết. “Công đoạn” đầu tiên là kiểm tra “dế”. Nếu “dế” thuộc hàng thời thượng đắt tiền thì phụ tùng cần “luộc” phải là thẻ nhớ và pin. Chỉ cần “luộc” 2 phụ tùng này và thay lại cho khách bằng hàng nhái, hàng kém chất lượng là cửa hàng đã có thể đút túi mấy trăm ngàn đồng, bởi thẻ nhớ 1GB, tùy hãng có giá từ 400.000- 600.000 đồng, pin ĐTDĐ chính hãng có giá từ 200.000 - 350.000 đồng. Đó là trường hợp khách sửa chữa điện thoại lấy ngay, còn khách hàng mang máy tới cửa hàng trong tình trạng hỏng hóc, các tay thợ thường báo giá và hẹn lấy máy sau một hoặc hai ngày và nếu khách hàng chấp nhận thì coi như con “dế” của mình chắc chắn sẽ bị “luộc” tuốt từ A đến Z. Những món đồ “luộc” xong dễ tiêu thụ nhất là camra, IC đọc thẻ nhớ… Thậm chí, một số tay thợ không ngần ngại “luộc” luôn cả cục rung, chuông, vỏ máy. Tuy nhiên, ngon ăn nhất vẫn là “luộc” màn hình, bởi màn hình của chiếc ĐTDĐ có giá trị gần bằng ½ giá trị của điện thoại. Với một tay thợ lành nghề, họ chỉ mất từ 20 - 30 phút là có thể biến một con “dế” sống thành “dế”… ngắc ngoải. Bình phong để các thợ “luộc” đồ chính là phòng kỹ thuật, nơi mà khách hàng “không phận sự miễn vào”! Tiếp theo công đoạn “luộc” là khâu “chẩn đoán bệnh” cho “dế”. Nhiều chiếc ĐTDĐ chỉ là hỏng qua quýt vậy mà mấy tay thợ… không có lương tâm đã “phán” biết bao nhiêu là “bệnh”: Máy bị mất sóng, micro bị hỏng, nguồn bị chập chờn, không đọc được thẻ nhớ, hỏng chương trình nghe nhạc FM, đèn màn hình mờ…, thợ sửa máy liền báo là màn hình hỏng và cần thay màn hình mới. Trong khi đó, con IC bị hở chân do “dế” bị rơi nhiều lần, chỉ cần xử lý một chút là xong nhưng thợ vẫn yêu cầu khách hàng phải thay IC để vòi vĩnh thêm tiền. Điều này có thể lý giải vì sao các cửa hàng mua bán, sửa chữa ĐTDĐ mọc lên như nấm nhưng họ vẫn sống được… Trung tâm bảo hành cũng “luộc” Có rất nhiều khách hàng bức xúc cho biết: “ Các trung tâm bảo hành ĐTDĐ hiện nay cũng biết cách… làm tiền khách hàng. Theo đó, tem bảo hành của các hãng thường dán ở bên ngoài thân máy. Vì thế, khi máy bị nóng do sử dụng liên tục, tem bảo hành thường bị giòn nên chỉ cần cọ quẹt nhẹ vào túi quần nhiều lần, tem sẽ bong tróc, nên không được thực hiện chế độ bảo hành”. Tuy không được bảo hành chính hãng, nhưng nhân viên ở đây sẵn sàng lãnh trách nhiệm sửa cho khách hàng theo giá thỏa thuận. Anh Nguyễn Văn Tân, ở quận Cầu Giấy, cho biết: “Vừa qua trên đường đi làm về gặp trời mưa nên ĐTDĐ của tôi bị mất nguồn, phải mang tới trung tâm bảo hành sửa chữa. Nhưng nhân viên ở đây không chấp nhận vì tem bảo hành trên máy đã bị bong tróc. Muốn sửa máy, tôi phải chấp nhận giá thị trường. Tuy nhiên, sau khi không đạt được thỏa thuận cho việc thay màn hình là 550.000 đồng, tôi cầm máy về nhà tự tháo pin và dùng máy để sấy khô. Sau đó lắp pin vào và bật nguồn. Ngay lập tức con “dế” tưởng như đã trở thành hàng phế thải bỗng trở lại hoạt động bình thường”. Anh Tân lắc đầu ngán ngẩm: “Nếu nghe theo sự “vẽ vời” của nhân viên bảo hành, tôi đã mất… oan một số tiền lớn”. Hầu hết các cửa hàng điện thoại đều có thêm dịch vụ sửa chữa điện thoại di động. Tương tự, chị Lê Thị Hà, ở quận Hoàn Kiếm, cũng bức xúc không kém: “ Chiếc điện thoại của tôi mới mua về bị rơi xuống đất nên không có nguồn. Thấy vậy tôi cầm lên trung tâm bảo hành để sửa chữa thì bị từ chối với lý do: “Máy hỏng do lỗi của khách hàng”. Muốn sử dụng được tôi phải thay màn hình - nhân viên bảo hành cho biết. Do giá thay màn hình quá cao, nên tôi đành mang về cho một người bạn sửa chữa điện thoại ở bên Gia Lâm kiểm tra giúp. Chưa đầy 5 phút sau, chiếc điện thoại hoạt động bình thường mà không cần phải thay màn hình như nhân viên trung tâm bảo hành yêu cầu”. Chị Hà còn cho biết thêm: “IC nguồn của điện thoại bị bung ra do máy bị rơi, chỉ cần gắn lại là… OK. Vậy mà nhân viên trung tâm bảo hành lại yêu cầu tôi thay màn hình, thật quá đáng!”.Từ những vụ việc nêu trên cho thấy khách hàng đã và đang mất dần niềm tin đối với các trung tâm bảo hành ĐTDĐ. Giám đốc một trung tâm bảo hành ĐTDĐ tại Hà Nội thừa nhận: “Đã nghe khá nhiều phản ứng của khách hàng về việc nhân viên bảo hành “chẩn đoán… láo” trong việc sửa chữa máy. Ngoài những lỗi hỏng hóc kỹ thuật, chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ thêm cam kết mua, bán ĐTDĐ để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Riêng những lỗi thuộc về người mua, khi máy bị hỏng mang tới trung tâm sửa chữa, người mua sẽ tự thỏa thuận với nhân viên”. Vị giám đốc này cũng khuyến cáo, khi nhận máy từ trung tâm bảo hành, cần kiểm tra lại pin điện thoại, thẻ nhớ… xem có phải hàng chính hãng không. Thậm chí khách hàng có thể ghi lại số sêri của máy để khi cần mang ra đối chiếu. Có như thế, khách hàng mới phần nào hạn chế được tình trạng “luộc” phụ tùng của những kẻ làm ăn… không trung thực. Nguồn: Zing.vn