Hiện nay, công nghệ giao tiếp gần NFC đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều và được áp dụng trên hầu hết các smartphone đời mới. Công nghệ NFC có thể sử dụng hữu hiệu trong việc hỗ trợ thanh toán các giao dịch bán lẻ, trao đổi thông tin và những hình thức trao đổi kĩ thuật số khác. NFC được phát triển dựa trên nguyên lý tần số vô tuyến nhận dạng (Radio-frequency identification - RFID) cho phép một đầu đọc gửi sóng radio đến một thẻ điện tử thụ động để nhận dạng và theo dõi. Phát minh đầu tiên gắn liền với công nghệ RFID được cấp cho Charles Walton vào năm 1983. NFC đã được phê chuẩn ISO/IEC vào cuối năm 2003. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngại tính ứng dụng thực tiễn của NFC. Đặc biệt ở thị trường Việt Nam hay các nước đang phát triển, chúng ta rất ít khi nhìn thấy một người nào đó sử dụng NFC. Vậy NFC có ưu điểm gì và ứng dụng thực tiễn của nó ra sao. Sau đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua những lợi ích mà NFC mang lại. 1. Chuyển hình ảnh, video và nhạc qua lại giữa các thiết bị Trước đây, khi muốn chuyển hình ảnh hay video từ một thiết bị này sang thiết bị khác, người dùng hay sử dụng một thiết bị trung gian là máy tính. Mọi thứ được chép sang máy tính bằng USB và từ máy tính sang thiết bị khác bằng cáp chuyên dụng. Việc làm này rất mất thời gian, Bluetooth 4.0 ra đời và đã hỗ trợ tốt hơn cho công việc này. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể được đơn giản hóa hơn nữa khi công nghệ NFC được ứng dụng vào thực tiễn. Người dùng chỉ cần chạm hai thiết bị vào nhau để chuyển tải dữ liệu qua lại. Chiếc điện thoại Galaxy S III của Samsung đã hỗ trợ rất tốt việc này thông qua một tính năng gọi là S Beam. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện nhiều thiết bị điện tử có trang bị kết nối NFC để người dùng dễ dàng thực hiện công việc như smartphone, máy ảnh, laptop và thậm chí cả TV. Bạn có thể chia sẻ rất nhiều thứ như: ứng dụng (không phải là chia sẻ file APK, thay vào đó, bên nhận sẽ nhận được đường dẫn đến ứng dụng trên Google Play), đường dẫn URL của trang web, đường dẫn video YouTube, danh bạ (được chia sẻ thông qua tài khoản Google), hình ảnh, video có sẵn. 2. Điều khiển xe hơi Nhiều hãng sản xuất ô tô như Huyndai đã bắt đầu ứng dụng smartphone có hỗ trợ NFC để điều khiển một số tính năng trên xe hơi của họ. Khi đặt điện thoại trong xe, smartphone có thể tự động sạc, sao lưu danh bạ và kết nối với loa NFC trên xe để phát các bản nhạc mà người dùng ưa thích. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập chế độ mở khóa cửa xe bằng NFC, đó là một giải pháp mang tính an toàn cho chiếc xe của mình. 3. Thay thế cho thẻ ATM Thay vì luôn phải mang theo nhiều loại thẻ ATM khác nhau, bạn có thể sử dụng điện thoại có hỗ trợ NFC để rút tiền ở máy ATM. Cách thức hoàn toàn đơn giản, bạn chỉ cần chạm điện thoại vào máy ATM, nhập mã pin và rút tiền. 4. Hỗ trợ mua sắm Việc sử dụng smartphone có tích hợp NFC cũng giúp ích rất nhiều khi người dùng mua hàng ở các trung tâm thương mại. Nhờ sự hỗ trợ của NFC, người mua hàng có thể nhanh chóng xác định thông tin về lối đi trong cửa hàng, tìm hiểu các mặt hàng giảm giá, khuyến mãi thông qua hoạt động tương tác giữa điện thoại và các thiết bị NFC của trung tâm qua một phần mềm hỗ trợ. Cuối cùng, việc thanh toán cũng trở nên dễ dàng tương tự như khi bạn rút tiền qua ATM. 5. Check-in Điện thoại của người dùng sẽ lưu giữ những thông tin về bản thân như tên, số điện thoại, nơi sinh sống, giống như một chiếc chứng minh thư cá nhân vậy. Khi bạn đến những nơi công cộng như sân bay, trường học, rạp hát, khách sạn, bệnh viện, đi dự sự kiện, các thiết bị kiểm tra an ninh có hỗ trợ NFC sẽ tương tác với điện thoại để kiểm tra thông tin của người dùng. Tuy nhiên, điều này hiện vẫn chưa thực sự được ứng dụng rộng rãi do những nghi ngại về vấn đề bảo mật thông tin. 6. NFC hoàn toàn đủ sức hỗ trợ các thiết bị gia dụng phổ biến Công nghệ NFC vẫn tiếp tục được tích hợp trên rất nhiều thiết bị gia đình. Ngoài giải trí thì bây giờ ngay cả TV Samsung, máy giặt LG, cũng có thể khởi động thông qua kết nối NFC của điện thoại. Trong tương lai không xa, bạn có thể dùng smartphone để thiết lập các tính năng cho TV hay các chế độ giặt của máy giặt một cách dễ dàng. Thẻ NFC tags có thực sự hữu dụng Ngoài khả năng tương tác trực tiếp giữa 2 thiết bị, bạn có thể tương tác từ thiết bị với thẻ NFC. Thẻ NFC được gắn một chip NFC, có thể dùng để lưu thông tin nhỏ gọn như poster, danh thiếp, nhãn hàng hóa, sticker, URL… hoặc thậm chí là một số thiết lập cho thiết bị. Các loại thẻ NFC khác nhau cũng có dung lượng lưu trữ khác nhau. Để tương tác với thẻ NFC, thiết bị Android cần một ứng dụng đặc biệt, như NFC Task Launcher chẳng hạn. Các thiết lập hiện tại được hỗ trợ bởi thẻ NFC bao gồm: - Bật/ Tắt Wi-Fi, Bluetooth, chế độ máy bay, tự động đồng bộ, tắt/mở GPS, mạng dữ liệu - Tùy chỉnh chế độ âm thanh (rung, âm, im lặng, chuông báo cuộc gọi/tin nhắn…) - Tùy chọn màn hình (độ sáng, đèn thông báo, tự động xoay màn hình, thời gian sáng màn hình) - Mạng xã hội (Twitter, Foursquare, Facebook, Google Latitude, Google Places) - Tin nhắn (tự đồng bộ, email, SMS, gửi tin Glympe) - Ứng dụng (mở/đóng ứng dụng, mở URL, nhận dạng giọng nói, kích hoạt khi gắn vào dock…) - Đa phương tiện (mở/dừng tập tin media, chuyển tới/lui) - Đồng hồ (đặt giờ, đặt giờ báo thức) - Sự kiện (tạo sự kiện mới, tạo sự kiện trên lịch) - Bảo mật (kích hoạt màn hình khóa) - Thực hiện gọi điện - Đặt lịch chạy chương trình, ứng dụng - Các chế độ khóa thiết bị, chế độ lái xe, tiết kiệm năng lượng (dành riêng cho Samsung) Theo Genk
chức năng mở khóa xe và thay atm có vẻ rất thú vị,nhưng giờ mất đt 1 cái thì chắc khóc tiếng miên mất,ko có tiền,ko gọi phone đc,ko vào xe đc luôn