Những ý nghĩ chợt hiện Gần 15 năm sau ngày thành lập, Jabra từ một thương hiệu địa phương do Randy Granovetter và Jennifer Blome sáng lập tại San Diego, California (Mỹ, 1993) đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn cầu của các sản phẩm liên lạc rảnh tay. So với lịch sử lâu dài của ngành công nghiệp di động, chặng đường hơn một thập kỷ của Jabra còn khá ngắn ngủi. Điều gì đã tạo nên sự thành công của Jabra? Chọn đúng thời điểm? Sự may mắn? Hay một điều gì khác? Dường như bất kì người Mỹ nào cũng đơn giản ngầm định dùng “tai nghe” Jabra và với những người sáng lập ra thương hiệu này, Jabra chính là một câu chuyện dài về sự sáng tạo, sẵn sàng đón nhận những cái mới. Năm 1993, điện thoại di động vẫn còn là cái gì đó quá mới mẻ. Số người sử dụng nó ở Mỹ còn rất ít, nhưng ngay lập tức, Granovetter và Blome đã nghĩ tới chuyện phát triển một loại thiết bị gắn được cả tai nghe và loa nói, sử dụng một cách cơ động, linh hoạt dưới thương hiệu Jabra, gắn nó với ngành công nghiệp liên lạc. Bắt đầu từ 1995, Jabra đã tổ chức chiến dịch quảng bá mạnh mẽ với ngân sách chi tới hàng chục triệu USD để đặt khẩu hiệu “Có một chiếc điện thoại trong tai bạn” vào… tai khách hàng. Đi trước nhiều năm và đơn độc, nhưng tới năm 1999, giới truyền thông Mỹ đã bắt đầu lên tiếng về những sự cố và tai nạn trong giao thông liên quan tới việc sử dụng di động trong khi lái xe. Chính điều này đã giúp Jabra nhanh chóng bước vào thời kỳ “bùng nổ”. Tai nghe không dây Jabra đã trở nên phổ biến Chọn lựa sự mới mẻ, chỉ trong vòng 7 năm, tới năm 2000, Jabra đã đạt doanh thu tới 40 triệu USD, được Forbes và hãng Deloitte & Touche xếp hạng thứ 100 trong danh sách Top 500 doanh nghiệp công nghệ phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Nói đến câu chuyện thành công của Jabra trong những ngày đầu năm này, mới thấy ý nghĩa của sự sáng tạo và chấp nhận cái mới trong kinh doanh. Ngày nay, doanh nghiệp nào cũng nhắc đến sự khác biệt – đó chính là biểu hiện của cái nhìn sáng tạo trong kinh doanh. Chứng minh sự khác biệt này, Viettel- một doanh nghiệp đã từng làm rất nhiều… chuyện lạ đánh động thị trường viễn thông di động Việt Nam, mới đây đã tung ra gói cước Tomato - cái tên “chẳng giống ai”. Tại sao Viettel không chọn một tên thông thường như Z50 mà lại chọn Tomato? Khác với những gói cước mang tên phần nào khó nhớ với người dùng, Tomato đã đánh dấu một giấc mơ, một triết lý kinh doanh của Viettel với tính biểu tượng và sáng tạo cao, dễ nhớ, gắn với khẩu hiệu “Điện thoại di động cho mọi người”. Sự gần gũi của hình tượng trái cà chua trong đời sống người dân Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều thiện cảm cho người dùng và điều đáng nói, cái tên “tây” này lại rất dễ đọc, dễ “Việt hóa”. Trong khi đó, HT Mobile mới chính thức gia nhập “làng di động” Việt Nam cũng cùng lúc tung ra những gói cước gây sốc với hình ảnh rất thân thương của một con ong vừa cần mẫn, vừa có tính kỷ luật, đoàn kết cao đã ngay lập tức nhận được thiện cảm của những người dùng bình dân trong cả nước khi họ nhận thấy, họ có thể nhận được một điều gì đó tốt lành từ hình ảnh con ong này. Đôi khi, những ý tưởng như thế trong kinh doanh đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Và điều đó cũng khẳng định tầm quan trọng của sáng tạo, sự sẵn sàng chấp nhận những cái mới trong kinh doanh. Nếu không ngừng sáng tạo, không thường xuyên vận động để tìm ra những điều thật mới, doanh nghiệp sẽ chỉ “dậm chân tại chỗ” – cũng đồng nghĩa với sự thụt lùi. Và sự sáng tạo, đôi khi không quá khó khăn như người ta tưởng. Nó chỉ nằm đâu đó, ngay trong đời sống thường nhật này thôi! E Chip Mobile