Các cổ đông đã dứt khoát bán Nokia cho Microsoft dù cho người Phần Lan có nuối tiếc đến đâu biểu tượng kinh tế của họ. Để tìm lại thời hoàng kim, một lần nữa, Nokia lại phải đánh cược với tương lai. "Nokia là công ty Phần Lan thành công nhất mọi thời đại. Trong thời kỳ hoàng kim, hãng mang lại phúc lợi lớn và uy tín, nâng cao lòng tự trọng của Phần Lan. Nó kết thúc một kỷ nguyên trong lịch sử kinh tế của Phần Lan", Bộ trưởng Kinh tế Jan Vapaavuori cảm thán trước thương vụ Nokia bán lại cho Microsoft. Có lẽ sẽ còn rất lâu để Phần Lan làm quen với việc biểu tượng kinh tế của quốc gia này bị bán rẻ cho người Mỹ. Tuy nhiên, dù người Phần Lan có nuối tiếc thời hoàng kim của Nokia thế nào thì cổ đông Nokia cũng đã thông qua kế hoạch bán mảng điện thoại di động cho Microsoft với giá 7,2 tỷ USD. Chủ tịch Nokia Risto Siilasmaa cho biết "Việc này sẽ khiến người dân Phần Lan rất hụt hẫng", còn Hannu Ryyppo, một cổ đông của Nokia, lại tỏ ra hài lòng với cuộc bỏ phiếu này "Đây là một kết quả tốt và là sự bắt đầu mới cho Nokia". Theo thỏa thuận với Microsoft, Nokia chỉ có thể sản xuất smartphone sử dụng logo của mình sau năm 2015. Chắc chắn, khi quay trở lại mảng sản xuất điện thoại di động, Nokia sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để tìm lại chỗ đứng cho mình. Theo thỏa thuận giữa Microsoft và Nokia, khoảng 32.000 nhân viên của Nokia sẽ được chuyển giao cho Microsoft. Đến thời điểm sản xuất smartphone trở lại, Nokia sẽ phải thuê hàng ngàn nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm. Vì vậy, dù cơ hội trở lại thị trường sản xuất điện thoại di động vẫn còn nhưng đây là một cánh cửa rất hẹp đối với Nokia. Như vậy, "đã leo lên lưng cọp" nên Ban lãnh đạo Nokia đang nỗ lực hoàn tất một chiến lược vào đầu năm 2014, dự kiến sẽ tập trung vào các bộ phận còn lại của Nokia với nguồn hỗ trợ là một phần tiền thu được từ hợp đồng bán cho Microsoft. Theo Jyrki Ali-Yrkkoe, một nhà kinh tế tại Helsinki, dựa trên nghiên cứu của ETLA, mặc dù đã thu nhỏ quy mô, Nokia vẫn còn hơn 56.000 nhân viên, trong đó khoảng 6.000 người tại Phần Lan. Nhờ vào tiền bán cho Microsoft, cộng với 1,65 tỷ euro từ bằng sáng chế cấp phép cho Microsoft trong 10 năm và 1,5 tỷ euro vay từ các công ty của Mỹ, Nokia vẫn còn dư dả nhiều tiền mặt để tái cấu trúc. Nokia "mới" sau thương vụ lịch sử sẽ có ba bộ phận. Lớn nhất là Nokia Solutions và Networks (NSN), chuyên bán thiết bị, phần mềm và dịch vụ cho các nhà khai thác viễn thông cạnh tranh với Ericsson (Thụy Điển), Huawei và ZTE (Trung Quốc) và Alcatel-Lucent (Pháp). NSN đã cắt giảm 26.000 nhân viên và hơn 1,5 tỷ euro chi phí trong hai năm nhưng hiện vẫn chiếm khoảng 90% doanh thu của Nokia. NSN sẽ dồn lực cho phân khúc kết nối mạng nhằm cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu di động tốc độ cao cho các hãng truyền tải lớn, trong đó có Verizon Wireless và Vodafone. Hồi đầu năm, Nokia đã bỏ ra 2,2 tỷ USD để mua nốt 50% cổ phần mà Siemens nắm giữ trong liên doanh Nokia Siemens Networks. Đơn vị kinh doanh lớn thứ hai của Nokia là HERE, duy trì bộ phận thiết lập bản đồ và nền tảng công nghệ đang được sử dụng trong 80% hệ thống định vị ô tô trên toàn thế giới. Risto Siilasmaa, Chủ tịch HĐQT của Nokia đánh cược rằng dịch vụ này "sẽ là nòng cốt trong giai đoạn tiếp theo của internet di động, nơi mà ngày càng nhiều thiết bị sẽ được kết nối với các đám mây điện toán. Đơn vị thứ ba là Advanced Technologies, sở hữu một loạt bằng sở hữu trí tuệ có thể đem bán cho các công ty khác hoặc được chính Nokia dùng để phát triển các sản phẩm mới. Đầu năm nay, CEO Stephen Elop của Nokia ước tính hãng này sẽ thu về 653 triệu USD tiền bản quyền trong năm 2013. Trong một diễn biến bất ngờ, Nokia đã gia hạn sử dụng bằng sáng chế cho Samsung thêm 5 năm nữa. Có lẽ đây là "cái bắt tay" gây bất ngờ trong làng công nghệ khi mà Samsung chính là đối thủ truyền kiếp hạ bệ Nokia trên thị trường smartphone. Tuy nhiên, khi không còn xuất hiện trên thị trường điện thoại di động, Nokia sẽ tích cực kiếm tiền bằng việc bán bản quyền công nghệ cho 50 công ty khác, trong đó hầu hết là hãng di động lớn trên thế giới. Kế hoạch của "niềm kiêu hãnh Phần Lan" là vậy nhưng các nhà phân tích cảnh báo kế hoạch kết hợp các bộ phận riêng biệt đang hoạt động độc lập vào làm một sẽ gặp phải không ít rủi ro và thách thức. Điển hình như bộ phận mạng, nòng cốt tạo ra 90% doanh thu cho Nokia sau này nên đứng biệt lập khỏi các bộ phận khác để được ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động cốt lõi. Cũng có nhà phân tích cho rằng Nokia là "người thắng cuộc" trong thương vụ Nokia - Microsoft, bởi công ty Phần Lan đã bán đi được một mảng kinh doanh quá thua lỗ và thu lại rất nhiều vốn để tập trung cho thế mạnh. Có lẽ quy luật suy thoái sau chu kỳ hoàng kim sẽ không có ngoại lệ, những tên tuổi đang thành công hiện nay cũng có thể sẽ trở thành dĩ vãng. Năm 1991, khi Liên Xô, đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Phần Lan, sụp đổ, kinh tế Phần Lan suy thoái sâu, Chủ tịch và sau này là giám đốc điều hành của Nokia, ông Jorma Ollila, quyết định tập trung vào công việc kinh doanh viễn thông. Chiến lược này đã giúp Nokia có được thế thống trị trong lĩnh vực điện thoại di động nhờ chuỗi dây chuyền sản xuất và cung cấp sản phẩm hoạt động hiệu quả. Một lần nữa, Nokia lại phải đánh cược với tương lai... Theo Doanhnhansaigon
Chờ ngày Nokia trở lại, biết đầu giờ này nokia đang nghiên cứu để đón đầu thị trường với cộng nghệ mới khi trở lại nhỉ? Nodroid
Vì xài wp của lumia 800 tự dưng ghét luôn Nokia. Nhưng vẫn thích Nokia drive trong 1 loạt tính năng có cũng như không của wp