Mới đây, NTT Docomo, hãng cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản, tuyên bố đã đầu tư vào Công ty VMG Media nhằm mở rộng dịch vụ của hãng này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Docomo sẽ đầu tư vào Việt Nam theo hướng nào? Hiện, VMG Media là một trong những nhà sản xuất dịch vụ nội dung lớn nhất Việt Nam và VNPT đang chiếm 29% cổ phần trong công ty này. Còn NTT Docomo là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản, đồng thời là một trong những nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới đối với dịch vụ nội dung cho mạng di động 3G và 4G. Theo ông Bùi Thiện Minh, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, thực tế, NTT Docomo đã có mặt ở Việt Nam từ nhiều năm nay, song chỉ dưới hình thức văn phòng đại diện. Tại các cuộc triển lãm về công nghệ viễn thông tổ chức trong nước nhiều năm qua, NTT Docomo đã tham gia và trình diễn nhiều dịch vụ tiện ích, như quản lý con cái hay thanh toán hàng hóa qua di động, chăm sóc sức khỏe qua điện thoại, dùng điện thoại điều khiển các thiết bị trong ngôi nhà thông minh… Cũng theo ông Minh, trước đó, NTT Docomo đã tư vấn cho VinaPhone trong việc thi tuyển 3G và hỗ trợ nhà mạng này phát triển các dịch vụ nội dung. Về kế hoạch đầu tư của NTT Docomo vào VMG Media, Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc VMG Media cho biết, trước mắt VMG và NTT Docomo sẽ nhắm tới mục tiêu sản xuất dịch vụ nội dung cho mạng di động. VMG đang tập trung phát triển các dịch vụ nội dung cho mạng di động 3G và sắp tới là 4G. Trước đó, NTT Docomo đã tư vấn cho VinaPhone trong việc thi tuyển 3G và hỗ trợ nhà mạng này phát triển các dịch vụ nội dung. Nhiều chuyên gia và giới trong ngành cho rằng, đó là kế hoạch trước mắt, còn lâu dài tập đoàn này có tung ra mạng di động nào mới tại thị trường Việt Nam hay không thì chưa biết được. Theo ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty mạng lưới Viettel, hiện hết giấy phép mở mạng di động mới tại Việt Nam, “nên tôi nghĩ nếu một hãng viễn thông nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thời điểm này thì chưa thể mở mạng mới, mà chỉ có thể đầu tư vào phát triển dịch vụ nội dung”. Ông Bùi Thiện Minh cho hay, thực tế thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn rộng, chứ không phải đã bão hòa như báo chí thường nói, có chăng là thị trường thuê bao di động đã bão hòa. Ở Việt Nam, tỷ lệ thuê bao di động trên đầu người đã vượt quá 100%, theo thống kê có tới hơn 100 triệu thuê bao di động, trong khi số lượng dân số chưa tới 100 triệu người. “Theo tôi, nếu bây giờ một hãng viễn thông dù lớn đến mấy mà đầu tư vào Việt Nam theo phương thức mở thêm một mạng di động mới thì khả năng thành công là không cao. Thông thường, các quốc gia châu Á chỉ có tối đa 3 mạng di động lớn chiếm lĩnh thị trường, như Trung Quốc, và kể cả Việt Nam. Nếu một hãng viễn thông mới đầu tư vào Việt Nam, để có thể thành công, họ nên phát triển các giá trị dịch vụ gia tăng, sản xuất dịch vụ nội dung cho mạng di động. Hoặc họ có thể làm các dịch vụ mobile ảo, chẳng hạn họ không có băng tần và cơ sở hạ tầng, nhưng họ xin được đầu số để bán và chia doanh thu với các cơ sở. Tuy nhiên, khả năng này ít xảy ra”, ông Minh nói. Cũng theo ông Minh, nếu nói về dịch vụ giá trị gia tăng cho mạng di động thì thị trường này tại Việt Nam vẫn còn khá màu mỡ, nếu hãng nào biết cách khai thác thì cơ hội thành công là trong tầm tay. Với quan điểm của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM, kể cả trường hợp NTT Docomo mở mạng di động mới tại Việt Nam thì họ vẫn có thể “sống khỏe” và khả năng thành công không thể dưới 90%. Ông Dương phân tích lý do, Nhật Bản vốn có thế mạnh về công nghệ, quản trị rủi ro. Tập đoàn này lại có vốn lớn (Theo số liệu của hãng tin Reuters, tính tới hết ngày 14/4/2011, giá trị vốn hóa thị trường của NTT Docomo đạt 77,1 tỷ USD). Trong khi đây là 3 yếu tố mà các doanh nghiệp viễn thông trong nước còn yếu. Vì vậy, không thể xem thường “kẻ đến sau” này. Thực tế tuy lượng thuê bao di động tại Việt Nam rất lớn, song phần nhiều là thuê bao ảo, mật độ người sử dụng di động chưa phải là lớn so với các nước. Hơn nữa, thị trường di động tại Việt Nam vẫn còn trẻ, mới phát triển chục năm trở lại đây, trong khi đó thị trường nhiều nước gần như đã bão hòa. Vậy nên, đầu tư vào thị trường viễn thông di động Việt Nam thời điểm này vẫn là hợp lý. Lại khốc liệt cạnh tranh Cứ tưởng cuộc cạnh tranh giữa các mạng di động đã dễ thở hơn suốt cả năm qua, khi Beeline dừng mọi hoạt động kinh doanh, còn một số mạng khác lao đao với việc khai tử công nghệ CDMA và chuyển sang mạng GSM. Thế nhưng cạnh tranh trên thị trường này lại bắt đầu bước vào thời kỳ khốc liệt hơn khi mới đây, nhiều hãng di động đồng loạt tuyên bố tăng đầu tư, và nhất là khi “đại gia” viễn thông lớn nhất Nhật Bản NTT Docomo quyết định “nhảy” vào tranh giành miếng bánh này. Hồi đầu tháng 7, Liên doanh GTel Mobile với thương hiệu Beeline vừa chính thức thông báo có tổng giám đốc mới điều hành khu vực Đông Dương, đồng thời công bố việc tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD để vực dậy Beeline. Sau sự kiện này, Beeline dường như quyết tâm hơn bao giờ hết, với mục tiêu chắc nịch là trở thành nhà mạng lớn thứ 4 tại Việt Nam. Beeline có chiến lược tăng thị phần khách hàng bằng cách chú trọng khâu phục vụ khách hàng và hậu mãi, và quan trọng hơn cả là tập trung cải thiện mạng lưới phủ sóng, chất lượng, giá trị sản phẩm. Nhà mạng này tuyên bố sẽ tăng số lượng trạm phát sóng BTS lên 5.000 trạm vào năm tới. Mạng di động S-Fone cũng chính thức đánh dấu sự trở lại thị trường bằng cách tung ra gói cước gọi nội mạng 0 đồng kể từ ngày 1/7. Theo đó, khách hàng mua bộ sản phẩm Eco trị giá từ 190.000 đồng sẽ được miễn phí tất cả cuộc gọi từ cuộc thứ 2 trở đi trong vòng 6 tháng. Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành S-phone Phạm Tiến Thịnh cho biết, đây là hành động bước đầu trong kế hoạch trở lại thị trường của S-phone với những chiến lược cạnh tranh mới. Ông Thịnh cũng khẳng định, số tiền đầu tư dự kiến trong thời gian tới để S-phone triển khai việc phủ sóng trên toàn quốc, đảm bảo chất lượng dịch vụ với giá cước hợp lý sẽ không thấp hơn khoản đầu tư mới của Beeline. Bên cạnh đó, mạng Vietnammobile vẫn “sống khỏe” khi kiên trì với chính sách khuyến mãi giá sốc như gọi 60 phút chỉ 1.000 đồng, hay gọi 1 phút tặng phút tiếp theo… để thu hút và giữ chân khách hàng. Còn EVN Telecom đang gặp nhiều thuận lợi trong việc phát triển dịch vụ điện thoại cố định và di động nội vùng. Còn với sự kiện NTT Docomo đầu tư vào thị trường viễn thông di động Việt Nam, Giám đốc Công ty mạng lưới Viettel Tào Đức Thắng không khỏi bày tỏ quan điểm lo ngại cuộc cạnh tranh giữa Viettel và hai “đại gia” di động MobiFone và Vinaphone vốn gay gắt sẽ ngày càng “nghẹt thở” hơn, khi VMG Media có tới 29% vốn thuộc về VNPT, cha đẻ của hai thương hiệu MobiFone và Vinaphone. Bởi khi NTT Docomo đầu tư vào VMG Media để phát triển các giá trị dịch vụ gia tăng cho mạng di động, thì tất nhiên MobiFone và Vinaphone sẽ được hưởng lợi, là đối tượng ứng dụng các tiện ích này. So sánh về cuộc cạnh tranh giữa các hãng di động hiện nay, một chuyên gia kinh tế ví von, cũng giống như cuộc cạnh tranh của các ngân hàng. Việt Nam có hàng trăm ngân hàng hoạt động, nhưng có nhà băng nào phá sản đâu. Trong khi số lượng mạng di động vẫn chưa nhiều, nếu ba bốn mạng nhỏ chỉ có tỷ trọng khách hàng chiếm 10% dân số như thống kê, thì duy trì tốt, họ vẫn sống. Song để hy vọng vào một sự bứt phá của mạng nhỏ thì không tưởng. Theo Đông Nhiên Đất Việt
Chỉ đầu tư nội dung chứ chưa nghe nói tới "thiết bị đầu cuối". Mơ ước full chức năng với Docomo ở Vn hãy còn xa.