Viettel đã hoàn thành quá trình tiếp nhận EVN Telecom, sau một quá trình vật lộn với không ít khó khăn, thậm chí sau 2 tháng tiếp nhận, có tới gần 50% nhân viên EVN Telecom xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Ngày 17/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 753/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giai đoạn 2013 - 2015. Quyết định này dành một mục nhắc đến “số phận” của EVN Telecom, đó là “Sáp nhập Công ty Viễn thông điện lực vào Công ty mẹ”. Dường như EVN Telecom đã hòa tan vào “gã khổng lồ” Viettel sau hơn 1 năm sáp nhập, kể từ thời điểm 1/1/2012. Thông tin mới nhất từ Viettel, tập đoàn này đã tiếp nhận hơn 12.000 tỷ đồng tài sản, chuyển đổi gần 1 triệu thuê bao từ mạng của EVN Telecom về mạng của Viettel, trả nợ khoản nợ 4.500 tỷ đồng của EVN Telecom, bố trí việc làm cho 1.600 người. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, mối lo lắng lớn nhất là việc tiếp nhận EVN Telecom có thể làm chìm “con tàu” Viettel, nhưng điều đó đã không những không xảy ra, mà Viettel vẫn phát triển rất tốt. Việc tiếp nhận thành công EVN Telecom đã giúp EVN tập trung vào lĩnh vực chính, sản xuất - kinh doanh hiệu quả hơn, giải quyết được nguy cơ sụp đổ của EVN Telecom và góp phần vào ổn định kinh tế đất nước. Thời điểm EVN Telecom “hấp hối”, Viettel đã không muốn tiếp nhận EVN Telecom, nhưng như một lãnh đạo hồi đó tâm sự rằng, việc nhận EVN Telecom “là một nhiệm vụ và Viettel không được phép từ chối”. Quả nhiên, đúng như dự đoán của Viettel, quá trình tiếp nhận EVN Telecom đã tốn không ít công. Ví dụ, với việc tiếp nhận nhân sự, không ít lãnh đạo và cán bộ trung tầng của EVN Telecom đã không chịu nổi triết lý tồn tại ở Viettel là “nước muốn trong phải chảy”, không chịu nổi việc phải điều chuyển công tác về các tỉnh xa xôi, vốn là điều rất bình thường ở Viettel và họ đã xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Kết quả sau 2 tháng tiếp nhận, có tới gần 50% nhân viên EVN Telecom xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Nhưng điều lãnh đạo Viettel “sợ” hơn là những thói quen của lối làm việc ở EVN Telecom “lây nhiễm” sang Viettel. Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel từng tuyên bố “sẽ buộc thôi việc tất cả những cán bộ tham nhũng, dù ít hay nhiều”. Chưa hết, xử lý khối tài sản của EVN để lại cũng là một vấn đề làm đau đầu Viettel, bởi thời điểm đó, tài sản viễn thông của EVN Telecom không có nhiều ý nghĩa với Viettel. Viettel dư sức để tiếp nhận toàn bộ khách hàng của EVN Telecom chuyển sang mà vẫn thừa dung lượng. Sau khi tiếp nhận tài sản viễn thông của EVN Telecom, Viettel đã tiến hành tháo bỏ mạng CDMA, tháo bỏ mạng 3G mà nhà mạng EVNTelecom đã đầu tư, tháo bỏ hệ thống cung cấp dịch vụ Internet cáp quang của các Tổng công ty Điện lực đầu tư, tháo dỡ hầu hết các cột ăng-ten và nhà trạm do các Tổng công ty Điện lực đầu tư… Việc xử lý khối tài sản này sao cho không lãng phí, đúng quy định của pháp luật đã tốn không ít công sức, thời gian của Viettel. Ngoài ra, trong quá trình sáp nhập cũng đã xuất hiện những hệ lụy khác, như việc xử lý nợ của các doanh nghiệp xây trạm BTS cho EVN Telecom, thắc mắc của khách hàng trong việc chuyển đổi từ mạng EVN Telecom sang Viettel… Không phải mọi cuộc kết duyên đều mang lại hạnh phúc cho người trong cuộc, đặc biệt là những cuộc se duyên trong lĩnh vực viễn thông. Nhìn một cách toàn diện, thương vụ sáp nhập EVN Telecom vào Viettel được coi là khá thành công. Tất nhiên, Viettel sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm trong thương vụ đó, nhưng thời điểm này, có thể nói, Viettel đã bước đầu gỡ bỏ được gánh nặng đè lên đôi vai của mình suốt thời gian tiếp nhận EVN Telecom. Rất có thể, trong thời gian tới, thị trường viễn thông sẽ chứng kiến nhiều thương vụ M&A. Đó có thể sẽ là một S-phone đang “chết lâm sàng”, nhưng cũng có thể là cái tên MobiFone, VinaPhone đang trong quá trình tái cấu trúc. Dù thương vụ nào diễn ra, thì những bài học hậu M&A từ thương vụ của Viettel và EVN Telecom cũng rất quý để các nhà mạng tham khảo. Theo VIR
Lúc mới có thông báo sát nhập từ nhà nước thì anh Viettel cay lắm mà ko làm đc gì, vì y như là đeo gánh nặng vào thân, giờ thì khỏe rồi. Mấy bố từ EVN qua mà xin nghỉ việc toàn lười lao động, muốn ngồi ko hưởng lợi, bảo sao EVN ko sụp.
nhưng cũng không thể phủ nhận rằng giá cước của evn tốt, lúc trước mỗi tháng chỉ cần nạp tiền 50.000 vnd mà vừa được tặng tiền vừa được tặng 1GB miễn phí, chuyển sang EVN xài đắt khiếp
Mấy anh Chính phủ mềnh làm ăn không tinh tế chút nào cả! Nhiệm kỳ mới sắp có ông nào lên làm bộ trưởng Bộ TTTT chắc ổng lại sát nhập VNPT và Viettel vào để tạo dấu ấn lãnh đạo! Thị trường viễn thông bây giờ cạnh tranh không lành mạnh tý nào! Vịt teo đang được ưu đãi quá nhiều!
bài báo này rõ ràng là pr cho viettel 1 cách ngu ngốc, thể hiện cái sự ngu ngốc của người viết... viettel hoàn toàn có thể tận dụng triệt để hạ tầng của evn nhưn lại ko làm điều đó... "...sau khi tiếp nhận tài sản viễn thông của EVN Telecom, Viettel đã tiến hành tháo bỏ mạng CDMA, tháo bỏ mạng 3G mà nhà mạng EVNTelecom đã đầu tư, tháo bỏ hệ thống cung cấp dịch vụ Internet cáp quang của các Tổng công ty Điện lực đầu tư, tháo dỡ hầu hết các cột ăng-ten và nhà trạm do các Tổng công ty Điện lực đầu tư… Việc xử lý khối tài sản này sao cho không lãng phí, đúng quy định của pháp luật đã tốn không ít công sức, thời gian của Viettel..." nói chung tại mấy ông evn ko có tầm nhìn, chứ ko thì đã phát triển mạnh rồi. Qua tay viettel thì tất cả những gì ông ấy làm đều được: Tháo... cả thằng nhà báo còn viết ngu.... sao cho không lãng phí đọc mà thấy hài, đúng là báo "lá cải"