Smartphone, TV và laptop có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm hàng hoá nếu những căng thẳng, xung đột giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn tiếp tục leo thang như hiện nay. Bởi vì các nhà sản xuất linh kiện lớn như Samsung và LG đều được đóng ngay tại Seoul, gần biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên, và khu vực biên giới này sẽ phát nổ nếu những căng thẳng gần đây giữa hai bên leo thang. Theo trang LaptopMag, Nếu các vụ thử tên lửa của Triểu Tiên có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh chính thức, thì chắc chắn các dây chuyền cung ứng những sản phẩm như TV LCD, màn hình smartphone và tablet sẽ gặp nhiều đình trệ. "Bất cứ gì phá vỡ luồng làm việc, hoạt động của dây chuyền cung ứng đều có thể trở thành vấn đề lớn", Thomas J. Dinges, nhà phân tích cao cấp của hãng nghiên cứu IHS nói. Hơn 50% các loại linh kiện được sản xuất tại Hàn Quốc Theo Dinges, hơn một nửa nguồn cung ứng linh kiện DRAM và bộ nhớ flash, tấm màn hình của thế giới được sản xuất tại Hàn Quốc. Hãng nghiên cứu TrendForce cho biết chỉ riêng trong quý IV/2012, Hàn Quốc đã chiếm tới 78,5% thị phần DRAM toàn cầu, Nhật Bản theo sau với khoảng cách rất xa là 19% thị phần. Hầu hết máy tính để bàn và laptop đều dùng DRAM để lưu trữ dữ liệu bởi vì DRAM rẻ hơn so với các linh kiện RAM thay thế khác như SRAM. Samsung là hãng hàng đầu trong thị trường bán dẫn ở Hàn. Các tập đoàn lớn như Apple, Qualcomm và Texas Instruments đều là khách hàng của hãng. Về lý thuyết, nếu cuộc chiến tranh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên nổ ra, khiến các nhà cung ứng linh kiện lớn như Samsung không xuất khẩu được sản phẩm, chúng ta có thể nhận ra tác động của cuộc chiến này lên thị trường sản phẩm điện tử tại Mỹ và toàn cầu trong khoảng 3 tháng nữa. "Có thể 2-3 tháng đầu mọi thứ vẫn an toàn, nhưng sau đó các công ty sẽ phải tìm các nguồn sản xuất thay thế khác", Gene Tyndall, phó chủ tịch hãng giải pháp cung ứng toàn cầu Tompkins International nói. Sự chậm trễ trong dây chuyền cung ứng sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến ngành TV bởi Hàn Quốc đóng vai trò lớn trong việc sản xuất màn hình LCD. "Nếu xét riêng về tấm màn hình, có thể mảng tablet và smartphone sẽ không gặp nhiều tác động như với TV", Dinges nói. "Hàn Quốc sản xuất panel dành cho TV nhiều hơn dành cho smartphone và tablet". Tác động lớn đến toàn cầu Samsung có thể sẽ là hãng phải hứng chịu nhiều vấn đề căng thẳng hơn so với các nhãn hiệu cạnh tranh. Những công ty như Apple và HP luôn có sẵn hàng tồn kho để đảm bảo an toàn từ 4-6 tuần nếu chẳng may có vấn đề xảy ra với dây chuyền cung ứng, Dinges nói. Nhưng Samsung hoạt động hoàn toàn khác. "Họ sẽ có cái gọi là kho hàng dành cho những tình huống khẩn cấp, nhưng họ không thích để hàng tồn kho có thể không bán ra được", Ryandall nói. "Họ rất chặt chẽ về lượng hàng tồn kho". Mặc dù Samsung có các nhà máy nhỏ hơn ở những khu vực khác trên thế giới, song hãng phụ thuộc lớn vào nhà máy ở Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm và linh kiện riêng dành cho khách hàng. "Samsung không có nhiều sự linh hoạt ở quy mô toàn thế giới bởi họ không có nhiều nhà máy ở ngoài Hàn Quốc", Tyndall nói. "Họ có một số nhà máy ở Mexico và một số ở châu Âu, nhưng vẫn chưa đủ. Bởi Samsung cơ bản là một công ty kiểu "sản xuất tại nhà"". Sự cố xảy ra với dây chuyền cung ứng linh kiện ở Hàn Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc gia tăng nhu cầu linh kiện mạnh mẽ của khách hàng Samsung. "Phản ứng tự nhiên là mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên tệ hơn", Dinges nói. "Phản ứng tự nhiên là những công ty phụ thuộc vào các loại linh kiện, sản phẩm này sẽ đột nhiên đề phòng và khẩn cấp yêu cầu mua bất cứ thứ gì có thể mua". Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với các khách hàng Samsung là tìm ra những nhà cung cấp mới, Tyndall nói. Tương tự như khi Nhật Bản phải gánh chịu cuộc động đất và sóng thần năm 2011, các nhà sản xuất panel đã buộc phải tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu mới để tiếp tục cho dây chuyền sản phẩm hoạt động. Sony, Toshiba và Texas Instruments đã phải ngừng sản xuất tại các nhà máy nhiều tháng liền sau thảm hoạ. "Đầu tiên, khách hàng của Samsung sẽ tìm kiếm nhà cung cấp thay thế, và điều này không dễ", Tyndall nói. Tất nhiên, trừ phi các mối đe doạ, căng thẳng chồng chất hiện nay leo thang và biến thành một cuộc chiến tranh lớn, nếu không các dây chuyền cung ứng sẽ không gặp vấn đề gì. "Tôi nghĩ hiện nay mọi thứ vẫn ổn, nhưng nếu xung đột tiếp tục trong những tháng tới, chúng ta có thể sẽ nhận thấy tất cả mọi loại khó khăn nảy sinh", Tyndall nói. "Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét tình huống một cách thận trọng và xem có thể làm gì tốt nhất". Theo VnReview