A500 trung thành với sự đơn giản và dễ dùng của dòng Alpha, thể hiện qua thiết kế giao diện trực quan, màn hình lật xoay đa năng và hệ thống Live View thú vị. Sony Alpha A500 hấp dẫn người dùng ở bộ tính năng phong phú và hệ thống điều khiển đơn giản, tiện dụng. Ảnh Ephotozine. Với việc tung ra hai model tầm trung A500 và A550 vào giai đoạn cuối năm 2009, Sony dần tạo được dấu ấn riêng trên thị trường DSLR phổ thông - bán chuyên bằng điểm nhấn ở mức giá cạnh tranh và bộ tính năng vượt trội. Ngoài mục tiêu hướng đến người dùng cao cấp, phiên bản Sony Alpha A500 vẫn trung thành với sự đơn giản và dễ dùng, thể hiện qua thiết kế giao diện trực quan, màn hình lật xoay đa năng và hệ thống Live View thú vị. Khả năng tái hiện màu sắc chính xác, tốc độ chụp liên tiếp nhanh cũng là những "điểm cộng" rất đáng hoan nghênh ở dòng máy mới này. Mặt sau với hệ thống phím thiết kế khá giống phiên bản A350. Màn hình lật xoay khá linh hoạt với giao diện tương đối trực quan. Ảnh: Imaging Resource. Nhìn bề ngoài, phiên bản A500 trông không khác gì "ông anh" A550. Mặc dù được trang web Ephotozine xếp vào dạng DSLR tầm trung (mid-range) nhưng A500 có vẻ giống với một phiên bản phổ thông cao cấp do sự tương quan giữa mức giá và bộ tính năng. Thân máy có kích thước ba chiều 137 x 104 x 84 mm và khối lượng xấp xỉ 600 gram, ngang ngửa đối thủ Nikon D90 và chỉ hơi nhỏ hơn Canon 50D một chút. Báng cầm ở mặt trước được bọc hoàn toàn bằng cao su, tạo cảm giác chắc chắn nhưng không quá cứng khi cần tì mạnh để tránh rung lắc. Tuy nhiên, phần báng này lại khá nông khiến những người có ngón tay to và dài cảm thấy hơi mỏi nếu sử dụng lâu. Mặt trước của máy vẫn duy trì thiết kế tương tự như một số model trước đó của Sony. Bạn có thể thay đổi nhanh một số chế độ thường dùng như Live View, kiểm soát dải tương phản, nhạy sáng ISO... mà không cần phải lục tìm trong menu hệ thống. Mặt sau của A500 tương đối giống với phiên bản A350, tuy nhiên, các phím phụ bên trái màn LCD đã được chuyển lên phía trên để tiện cho việc điều khiển bằng cả hai tay. Về mặt kết nối, máy hỗ trợ truyền tải dữ liệu thông qua cổng USB, HDMI và điều khiển bằng cảm ứng hồng ngoại gắn chìm trên báng cầm. Một điểm đáng hoan nghênh ở dòng máy mới này là Sony đã hỗ trợ việc sử dụng song song thẻ SDHC bên cạnh thẻ Memory Stick Pro Duo, vốn là định dạng độc quyền khá đắt đỏ của hãng. Màn hình của A500 có độ lớn 3 inch tương tự như "đàn anh" A550 nhưng độ phân giải chỉ lên tới con số 230.400 điểm ảnh nhằm giảm thiểu giá thành. Màn hình này còn có thể lật 90 độ dọc theo hai trục, rất hữu dụng khi sử dụng tính năng ngắm ảnh sống trong các góc chụp khó như cao quá đỉnh đầu hay đặt sát mặt đất. LCD này sử dụng công nghệ Xtra Fine giúp chống lóa và hạn chế các sai lệch màu sắc. Tính năng Auto Brightness Control giúp tự động điều chỉnh độ sáng và tương phản màn hình tùy theo môi trường. Nếu chưa ưng ý, máy còn cho phép bạn chỉnh tay lên tới 5 mức. Hơi đáng tiếc khi Sony không trang bị cho A500 và A550 màn hình phụ thứ hai trên mặt máy như các model tầm trung đến từ Canon và Nikon. Ảnh có xu hướng phới sáng hơi già với những cảnh có độ tương phản cao khiến bầu trời bị cháy. Ảnh: Ephotozine. Linh hồn của Sony A500 là cảm quang APS-C 12,3 triệu điểm ảnh chế tạo theo công nghệ Exmor CMOS. Toàn bộ cơ chế thu sáng nằm trên một phiến di động cho phép cơ chế chống rung thân máy SteadyShot làm việc với tất cả các ống kính tương thích. Thử nghiệm cho thấy, cơ chế này làm việc khá tốt. Thời gian phơi sáng có thể nâng lên tới 2,5-4 stop mà ảnh hầu như không bị nhòe do các rung lắc của thân máy. Hệ thống đo sáng 40 vùng có xu hướng làm ảnh phơi sáng hơi già đối với khung cảnh có độ tương phản cao khiến một số chi tiết như bầu trời hay màu áo thường xuyên bị cháy nếu chụp vào lúc nắng gắt. Khi các nguồn sáng đồng đều và không quá phức tạp, đo sáng của máy làm việc chính xác hơn hẳn. Ảnh có độ bão hòa màu tương đối cao. Gam đỏ hơi rực hơn các màu khác một chút nhưng chưa ảnh hưởng xấu đến chất lượng hình. Thử nghiệm tính năng Tối ưu hóa dải tương phản khi thiết lập ở mức Tự động (ảnh trái) và mức Tối đa (ảnh phải). Các vùng tối được đẩy sáng lên đáng kể, màu sắc tươi tắn chứ không có dấu hiệu bị xỉn hay nhiễu thái quá. Tuy vậy, khu vực bầu trời trên ảnh lại có xu hướng bị cháy quá mức. Ảnh: Ephotozine. Với việc tích hợp một lượng điểm ảnh vừa đủ trên phiến sensor cỡ 23,5 x 15,6 mm, Sony đã giúp A500 chống chọi tốt với những tình huống chụp thiếu sáng nghiêm trọng. Nhiễu hầu như không xuất hiện dưới ISO 800. Tại nhạy sáng ISO 1.600, có một chút nhiễu kết tủa màu và sạn trắng xuất hiện trong các vùng tối. Thậm chí, bạn vẫn có thể sử dụng ảnh để in cỡ trung bình khi thiết lập ISO lên tới 3.200. Tính năng tự động tối ưu hóa dải tương phản hoạt động rất tuyệt vời, giúp kiểm soát tốt chi tiết trên các vùng thiếu và thừa sáng. Cân bằng trắng làm việc hoàn hảo dưới điều kiện ánh sáng ban ngày. Với nguồn sáng đèn dây tóc công suất lớn, ảnh hơi ngả vàng. Trong một số trường hợp đặc biệt (chẳng hạn dưới ánh sáng đèn huỳnh quang studio), cân bằng trắng trên A500 nhiều khi hoạt động kém chính xác khiến tương phản và màu bị đẩy cao quá mức. Máy cũng cung cấp hai chế độ Live View tương tự như phiên bản A550 là Quick AF Live View và MF Check Live View. Tốc độ lấy nét khá chính xác và nhanh hơn các đối thủ ngay cả khi sử dụng tính năng ngắm ảnh sống. Tuy nhiên, theo Ephotozine, 9 điểm lấy nét lại được thiết kế quá gần trung tâm khung hình khiến việc lấy nét vào các khu vực ở rìa ảnh tương đối khó khăn. Trong 9 điểm nét này chỉ có một điểm ở trung tâm thuộc dạng cross-type. Do vậy, với cảnh có độ tương phản thấp và ánh sáng yếu, bạn buộc phải lấy nét vào vùng trung tâm, thực hiện khóa lấy nét và tái bố cục khung hình. Đây là điều khá bất tiện với những người thích nhiếp ảnh đêm hoặc chụp ảnh lúc hoàng hôn. Sony Alpha A500 có tốc độ chụp liên tiếp khá tốt, vào khoảng 5 hình/giây (4 hình/giây nếu sử dụng tính năng ngắm sống). Tuy nhiên, bộ nhớ đệm của máy chỉ cho phép chụp với tốc độ này trong 6 ảnh RAW hoặc 12 ảnh JPEG đầu tiên, kém xa "đàn anh" A550. Tốc độ ăn đèn của A500 cũng chỉ đạt 1/160 giây, khá bất lợi nếu bạn muốn phả flash vào ban ngày mà không muốn ảnh bị cháy. Điểm hơi đáng tiếc ở A500 là vẫn chưa được trang bị chức năng quay phim vốn đang dần thịnh hành trên các đời máy DSLR mới ra hiện nay. Pin Lithium NP-FM500H đi kèm cho phép chụp được tới 1.000 kiểu ảnh nếu sử dụng kính ngắm quang hoặc 520 kiểu nếu kích hoạt tính năng ngắm ảnh sống. Giá bán của Sony Alpha A500 theo Sony Việt Nam là 13.490.000 đồng, chưa kể ống kính. theo: số hóa