Năm ngoái, Apple đã rời khỏi thị trường ốp điện thoại sau khi tung ra iPhone 5. Nhưng năm nay họ đã trở lại với những chiếc ốp mới cho iPhone 5c và 5s, bởi những lý do chính đáng. Một trong những bất ngờ hiếm hoi tại buổi công bố iPhone diễn ra tuần trước là Apple lại tiếp tục sản xuất ốp điện thoại cho iPhone. Đi kèm với hai mẫu iPhone mới là 11 mẫu ốp – sáu mẫu có giá 29 USD giành cho iPhone 5c và năm mẫu giá 39 USD giành cho iPhone 5s. Đó có vẻ chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tổng quan về iPhone, nhưng lại rất đáng chú ý khi nhớ lại năm ngoái Apple đã cho ra mắt iPhone 5 mà không có ốp bảo vệ đi kèm, phá vỡ truyền thống của những lần phát hành iPhone 4 và 4S trước đó. Những chiếc ốp loại 29 USD này, phần lớn được Apple tung ra ngay sau khi iPhone 4 được công bố, có chức năng như một "ăng ten", đã từng giúp Apple kiếm được bộn tiền, và giúp cho ngành kinh doanh này phát triển nhanh chóng. Theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group, công việc kinh doanh ốp điện thoại đã mang đến doanh thu 1.3 tỷ USD trong năm nay, tính đến cuối tháng Bảy. Đó là mức tăng 53% so với cùng kỳ năm trước. Một lý do đơn giản giải thích cho điều này là sự bùng nổ của thị trường smartphone, một thị trường vẫn đang phát triển với những sản phẩm có màn hình bằng kính với độ cứng ngày càng tăng (nhưng vẫn rất dễ vỡ). "Chiếc màn hình bằng kính ra đời là một món quà dành cho ngành công nghiệp sửa chữa"– Alex Iser, CEO của công ty sửa chữa Phone Doctors, trả lời phỏng vấn trên CNET – "Nó cũng là món quà tuyệt vời nhất từ trước đến giờ dành cho ngành sản xuất ốp điện thoại". Ngành công nghiệp sản xuất ốp điện thoại hiện đang được thống trị bởi năm công ty – theo dữ liệu của NPD – là Otter, Lifeproof (vừa được Otter mua lại), Belkin, Speck, và Incipio. Nhưng mọi thứ vẫn không ngừng thay đổi, với các công ty mới gia nhập ngành sản xuất ốp: Từ những dự án nhỏ trên trang web Kickstarter đến những công ty cổ phần hoạt động trên toàn cầu. Năm ngoái đã có thêm 34 thương hiệu ra đời – theo Ben Arnold, giám đốc của NPD Group. "Có lẽ đó là do doanh thu của ngành kinh doanh này – có rất nhiều cơ hội nên có rất nhiều thương hiệu tham gia vào thị trường, nhưng do sự cạnh tranh, chúng ta cũng sẽ thấy một số lượng đáng kể các công ty bị loại ra" – Arnold nhận định. Vậy liệu sự trở lại của Apple có lấn át các thương hiệu ốp điện thoại khác? Trong ngắn hạn có lẽ là không. "Tự sản xuất vỏ bọc cho điện thoại của mình không phải là điều gì mới lạ trong ngành sản xuất smartphone và chúng ta cũng đã từng thấy các OEM (Original Equipment Manufacturer – nhà sản xuất thiết bị gốc) khác làm điều tương tự"– hãng Otterbox tra lời phỏng vấn CNET – "Chúng tôi dự đoán sẽ không có sự tác động đáng kể xảy đến với doanh thu của Otterbox. Chúng tôi hiện đang là hãng sản xuất ốp điện thoại số một tại Mỹ và sẵn sàng cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào". Arnold cũng chỉ ra một vài điểm về ốp điện thoại của Apple mà những nhà sản xuất như Otterbox có thể lợi dụng để cạnh tranh: "Chúng tôi đã từng thấy ốp điện thoại đi kèm pin, giống như của hãng Mophie, một mẫu ốp được khách hàng đón nhận. Người tiêu dùng có vẻ thích những tính năng đó, vì vậy liệu những ốp điện thoại thông thường có còn tạo ra những ‘tác động' như ngày xưa?"– Arnold băn khoăn. Đối với trường hợp của Apple, "tác động" đó có thể thấy trên ốp của iPhone 5C, một mẫu ốp có các lỗ tròn ở đằng sau để người dùng có thể thấy được màu sắc của thiết bị kể cả khi đang mang ốp. Nó cũng góp phần giảm bớt lượng nguyên vật liệu cần dùng. Đối với iPhone 5S, Apple cung cấp loại ốp với màu sắc trang trọng hơn, và do đó giá của chúng tăng thêm 10USD. Vậy thực tế Apple phải mất bao nhiêu chi phí? Theo nhà phân tích Ahmed Abdallah của IHS, những chiếc ốp cũ của Apple có giá "thấp hơn 1 đô la, nhưng cao hơn mức 10 cent". Những chiếc ốp mới cũng tương tự như vậy, mặc dù ốp da của iPhone 5S được dự tính bao gồm nhiều công đoạn sản xuất hơn là chiếc ốp silicon của iPhone 5C, bởi lớp vỏ da phải được gắn chặt với lớp vỏ nhựa ở bên trong. Chuyện này giống với những gì đã xảy ra các phụ kiện khác mà Apple đã từng từ bỏ và giờ quay lại với chúng. Trong trường hợp này là những chiếc ốp mới của iPhone 5C và 5S, hai sản phẩm riêng biệt được bán với giá 29USD và 39USD một chiếc nhưng ước tính chỉ mất 2 đến 3USD chi phí để sản xuất. Đang có những băn khoăn về mức chi phí thực tế để sản xuất ra một sản phẩm, từ nghiên cứu cho tới phát triển, marketing, vận chuyển và chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ. Nhưng đừng tự lòe mình khi nghĩ rằng ranh giới giữa giá bán và giá trị thực là mong manh. "Ngành kinh doanh phụ kiện là ngành có mức chênh lệch rất lớn giữa giá bán và giá sản xuất. Các nhà sản xuất thiết bị di động đã nhận ra điều đó một năm trước. Đó là lý do tại sao điện thoại di động giờ không còn đi kèm với vỏ da và sạc pin" – Abdallah nhận định – "Có lẽ hiện giờ Apple cũng đã nhận thức được điều này". Theo VnReview