Mối quan hệ giữa Google và Microsoft lúc nào cũng hết sức căng thẳng và sự ra mắt của chiếc Nokia X chạy Android đã để lại rất nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Chỉ vài tuần trước khi về tay Microsoft, Nokia tung ra một sản phẩm có thể coi là cú đòn đau đối với Windows Phone: Nokia X, bộ 3 smartphone Android giá rẻ nhắm vào phần đông người dùng hạn hẹp chi phí. Các sản phẩm này sẽ không tranh giành thị phần với iPhone 5s, Galaxy S5 hay Lumia 1020, thay vào đó, chúng có nhiệm vụ chinh phục những người dùng đang chuẩn bị thực hiện bước tiến từ điện thoại phổ thông lên smartphone. Tại phân khúc thị trường cấp thấp này, Windows Phone đang đạt được các thành công bước đầu, trong đó chiếc Lumia 520 là một thành công không hề nhỏ. Vậy tại sao Nokia lại "chuyển" sang Android vào thời điểm này, chỉ vài tuần trước khi về tay Microsoft? Đây là một câu hỏi mà Nokia đang cố tình lẩn tránh. Công ty Phần Lan cho rằng những chiếc Nokia X chạy Android sẽ lấp đầy chỗ trống giữa dòng điện thoại phổ thông Asha và dòng Lumia cao cấp. Mục đích cuối cùng, theo Nokia, là để tạo ra "món khai vị" cho Lumia: thu hút mọi người đến với smartphone, giúp họ làm quen với trải nghiệm dịch vụ của Microsoft và cuối cùng là đưa họ đến với dòng Lumia đắt tiền hơn. Lý do này nghe có vẻ hợp lý, song những người tinh ý có thể dễ dàng nhận ra kế hoạch của Nokia có rất nhiều vấn đề tiềm ẩn. Trước hết, cấu hình của Nokia X gần như giống hệt với chiếc Windows Phone giá rẻ Lumia 520, trong đó sự khác biệt chỉ nằm ở camera, bộ nhớ và các nút điều hướng. Nokia có thể sử dụng dòng Nokia X để thay thế cho Asha, song với cấu hình như vậy, tại sao công ty Phần Lan lại không cài đặt Windows Phone lên những chiếc Nokia X? Cựu CEO của Nokia, Stephen Elop, người sắp tới sẽ về đứng đầu bộ phận Thiết bị tại Microsoft, đã phủ nhận rằng Nokia X, X+ và XL chỉ là các giải pháp tạm thời để chờ đợi các thiết bị Windows Phone giá thấp hơn nữa ra mắt. Ông khẳng định rằng Nokia cần các model này để cạnh tranh tại các phân khúc mà Windows Phone không thể chạm tay tới. "Ở các mức giá rẻ, nơi Windows Phone chưa có mặt, nơi mà chúng tôi chưa thể mang tới trải nghiệm Lumia, Nokia cần tạo ra một sản phẩm để xâm nhập thị trường song lại không thể xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ mới. Do đó, Dự án Mã nguồn Mở Android (AOSP) được tận dụng để mang lại lợi thế về tính tương thích ứng dụng". Elop và cựu CEO Steve Ballmer của Microsoft Nói cách khác, Nokia đang sử dụng các sản phẩm Android làm sản phẩm phụ, bổ trợ cho Windows Phone. "Đây là một mức giá, một thị trường mà chúng tôi nên sử dụng một công nghệ khác" thay cho Windows Phone, ông Elop khẳng định. Song, với cấu hình tương tự nhau và cùng tấn công vào thị trường cấp thấp – nơi Windows Phone đang dần chiếm được chỗ đứng, có vẻ Nokia X và các sản phẩm Windows Phone giá rẻ như Lumia 520 sẽ có ngày phải đối đầu. Hiện tại, Lumia 520 vẫn đang là chiếc Windows Phone thành công nhất, và bởi vậy việc Lumia 520 bỗng dưng có một đối thủ cùng cha đẻ nhưng lại chạy Android là khá khó hiểu. Microsoft sẽ phải tìm lời giải cho câu hỏi: nên từ bỏ dự án X hay là nên tìm sự cân bằng giữa quá trình quảng bá Windows Phone và quá trình phát triển ứng dụng và dịch vụ cho Nokia X. Rất có thể, Microsoft sẽ lựa chọn giải pháp đầu tiên. Trong "sự kiện" Nokia X này, Google cũng không phải là người thắng cuộc. Nokia X sẽ không chính thức hỗ trợ các dịch vụ của Google, ngoại trừ trường hợp Google tự ra mắt các dịch vụ trên chợ ứng dụng Android của Nokia. Bất cứ khi nào cái tên "Android" được xướng lên, Nokia sẽ nhanh chóng kể tên các dịch vụ của Microsoft. Người nghe sẽ có cảm giác rằng Nokia đang vừa ra mắt chiếc X, vừa phải xin lỗi Microsoft. Trong khi chiếc X sẽ quảng bá các dịch vụ của Microsoft, Windows Phone cũng phải đối mặt với một rủi ro không hề nhỏ: do Nokia X chạy Android nên người dùng chỉ cần lên một chợ ứng dụng nào đó và sử dụng các ứng dụng thay thế cho dịch vụ của Microsoft. Rõ ràng là người dùng hoàn toàn không bị bó buộc vào OneDrive, Outlook hay Skype khi sử dụng Nokia X. Bất kể là Microsoft có giết chết dự án X Phone hay không, rất có thể chiếc điện thoại này là lý do Microsoft buộc phải mua lại Nokia. Dù nẵm giữ tới 90% sản lượng Windows Phone toàn cầu nhưng Nokia vẫn ra mắt một chiếc Android có cấu hình quá gần với mẫu Windows Phone phổ biến nhất. Dấu hiệu nguy hiểm này khiến Microsoft không thể ngồi im để cho đối tác chính của mình chuyển sang sử dụng Android được. Khi mua lại Nokia, Microsoft có thể định đoạt tương lai của dòng X. Nhưng, khi nhìn từ một khía cạnh khác, việc Microsoft vẫn để cho chiếc X ra mắt cho thấy công ty do Bill Gates sáng lập không còn ưu tiên xây dựng ra các hệ điều hành thống trị thị trường nữa. CEO mới Satya Nadella đã tuyên bố Microsoft giờ đây sẽ "đặt đám mây, đặt di động lên trên hết", và tuyên bố này phản ánh khá rõ ràng hướng đi của Microsoft. Stephen Elop cho biết: "Tôi nghĩ rằng trong nội bộ Microsoft sẽ có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng tôi nghĩ với chiến lược đặt 'đám mây lên trên hết', và với tham vọng đưa dịch vụ của Microsoft tới hàng chục triệu người trước đây chưa có cơ hội tiếp cận các dịch vụ này, [Nokia X] là một cơ hội rất lớn". Hiện tại, chiếc X mới chỉ là một cách để thử nghiệm chiến lược mới của Nokia, một biện pháp giúp cho công ty này có thể tiên lượng xem liệu các nhà phát triển phần mềm có chịu chuyển ứng dụng sang một nền tảng mới và giúp Windows Phone phát triển hay không. Tốc độ tăng trưởng của chợ ứng dụng Windows Phone chắc chắn đã là quá chậm đối với Nokia, và rõ ràng hệ điều hành của Microsoft không thể chạm tay vào tầm giá thấp như Symbian trước đây. Ngoài ra, với Nokia X, cả Microsoft lẫn Nokia đều có thể gây ảnh hưởng tới Google theo cùng một cách Amazon đã thực hiện với Kindle Fire. Trên Kindle Fire và trên Nokia X không hề có các dịch vụ của Google, do đó quá trình giao dịch bên trong ứng dụng, các dữ liệu địa điểm, các thông báo và tin nhắn đều sẽ do Nokia và Microsoft kiểm soát chứ không phải là Google. Bằng cách "loại bỏ" Google khỏi chính Android, Nokia sẽ thu hút được hàng triệu người dùng đang trong giai đoạn từ bỏ điện thoại phổ thông nhờ các sản phẩm siêu rẻ như Nokia X. Thực tế, điện thoại giá rẻ đã và đang là thị trường quan trọng nhất đối với Nokia. Điều này được thể hiện khá rõ tại MWC 2014: Nokia mở màn sự kiện này bằng cách ra mắt một chiếc điện thoại phổ thông có giá không tới 30 euro. Trên thị trường cấp thấp này, chẳng mấy ai bỏ tiền ra mua ứng dụng, nhưng giao dịch được thực hiện bên trong ứng dụng lại chiếm tới 92% doanh thu. Khi Nokia về tay Microsoft, tất cả những người dùng này sẽ thuộc về hệ sinh thái của Microsoft. Nhiều người cho rằng Microsoft sẽ sớm giết chết chiếc X, song rất có thể Microsoft sẽ cẩn thận dõi theo hành trình của chiếc smartphone này để đánh giá xem liệu Android có thể giúp thu hút người dùng về với dịch vụ của Microsoft hay không. Nói một cách đơn giản, số lượng người tham gia vào các dịch vụ của Microsoft quá thấp so với các dịch vụ của Apple và Google như iCloud hoặc Gmail. Tuy vậy, Microsoft sẽ phải rất cẩn thận khi đi theo hướng này. Các nhà phát triển ứng dụng có thể sẽ hiểu nhẩm rằng họ chỉ cần đem ứng dụng của mình lên chợ Android của Nokia và bỏ qua Windows Phone. Ngược lại, những người chưa từng có ý định phát triển ứng dụng cho Windows Phone giờ đã có thể "thử nghiệm" chất lượng dịch vụ của Microsoft thông qua Android, và sau đó có thể quyết định đặt chân lên Windows Phone. Quyết định ra mắt Nokia X là của Nokia, song Microsoft sẽ là người phải gánh chịu hậu quả. Nếu như gã khổng lồ phần mềm không biết lựa chọn hướng đi đúng đắn cho chiếc smartphone gây tranh cãi này, Windows Phone có thể sẽ trở thành cú ngã tiếp theo của Microsoft trên thị trường di động. Theo VnReview/The Vegre
Nokia X không có ch play thật sự là nưóc cờ cao tay của nokia, hãy tuởng tuợng, cùng là nền tảng android nên các lập trình viên không cần viết lại các ứng dụng mình mà chỉ cần đem nó tới cho Nokia ( hay Microsoft) duyệt và đẩy lên store, cho nên X ko có CH play ảnh huởng rất lớn. Ngoài ra nếu Nokia ( hay Microsoft ) quản lý store của mình tốt như Apple và ko cẩu thả như Google thì ... Đó là chuyện tuơng lại.