Thị trường di động: Đủ mặt anh tài

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi Lightblue, 19 Tháng mười hai 2006.

  1. Lightblue Amie

    Thị trường di động: Đủ mặt anh tài

    Nhãn hiệu ĐTDĐ cao cấp và thời trang hàng đầu thế giới Vertu có mặt ở Việt Nam; EVN Telecom và Hanoi Telecom chính thức thương mại hoá dịch vụ, cùng một loạt sự kiện khác đã dưa 2006 trở thành năm mà “bản đồ” ngành truyền thông di động trọn vẹn hơn bao giờ hết.

    [​IMG]

    Thị trường điện thoại di động Việt Nam ngày càng cạnh tranh, cả về sản phẩm lẫn dịch vụ. Ảnh: Hoàng Hà. Số lượng nhãn hiệu ĐTDĐ hiện tại đang có trên thị trường Việt Nam trong năm 2006 là khoảng 20, tuy nhiên trong số này chỉ có BenQ-Siemens, Motorola, Nokia, Samsung và Sony Ericsson là thực sự được nhắc đến nhiều, còn hầu hết các nhãn hiệu khác chỉ có thị phần chưa dến 1%.

    Theo số liệu thống kê đến hết tháng 10/2006 của một nhà nghiên cứu độc lập có uy tín, Nokia vẫn tiếp tục dẫn đầu về số lượng máy ĐTDĐ bán ra tại thị trường Việt Nam với hơn 50% thị phần. Đây có thể coi là thành quả của Nokia trong năm qua dù ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Thị trường đã phản ứng khá tích cực trước các sản phẩm dòng N được Nokia tung ra dồn dập trong năm 2006. Tuy nhiên, bán chạy nhất của công ty trong năm lại là chiếc 6030, đây cũng là điện thoại di động bán chạy nhất trên thị trường Việt Nam năm 2006.

    Việc Nokia dẫn đầu thị trường không phải là điều ngạc nhiên vì vị trí này đã được họ nắm giữ từ hơn 10 năm qua. Nhưng sự kiện Motorola qua mặt Samsung leo lên vị trí thứ hai lại có thể làm nhiều người ngạc nhiên. Tính đến hết tháng 10/2006, Motorola nắm giữ khoảng 20% thị phần ĐTDĐ Việt Nam và Samsung giữ khoảng 19% thị phần. Khoảng cách giữa hai nhãn hiệu này không lớn nhưng cũng dã dủ làm thay đổi thứ hạng đã được thiết lập từ nhiều năm qua mà không phải ai muốn cũng có thể làm được. Theo nhận xét của giới kinh doanh, năm 2006 là một năm thành công của Motorola ít ra là về mặt khuếch trương tên tuổi.

    Cũng như năm 2005, trong năm qua, Sony Ericsson đứng thứ tư nhưng tụt lại phía sau khá xa do chỉ giữ chưa đến 5% thị phần, bất kể đã có nhiều đột phá với dòng sản phẩm nghe nhạc W. Càng về thời điểm cuối năm thị phần của Sony Ericsson càng gia tăng. Trong khi đó BenQ-Siemens dù đã có khá nhiều chiến dịch quảng bá thương hiệu mới nhưng có vẻ như sự thiếu đa dạng về chủng loại cộng với việc thiếu những sản phẩm có tính đột phá khiến cho nhãn hiệu này chưa thực sự “cất cánh”.

    Năm 2006 cũng chứng kiến sự đổ bộ của các nhãn hiệu ĐTDĐ Trung Quốc (trên cả hai công nghệ GSM và CDMA). Nhưng thực tế từ thị trường cho thấy chưa có nhãn hiệu Trung Quốc nào thành công. Những sản phẩm làm nhái các model ĐTDĐ nổi tiếng của các hãng tên tuổi được sản xuất từ Trung Quốc xuất hiện rất nhiều với giá vô cùng rẻ. Bạn hoàn toàn có thể mua được 1 chiếc “Vertu” với kiểu dáng giống Vertu thật đến 99% với giá dưới 3 triệu đồng. Điều bất ngờ khác của năm 2006 chính là việc xuất hiện các đối thủ đến từ Thái Lan như i-Mobile hay Welcome Mobile, với mặt hàng đa dạng và lạ mắt.

    Việt Nam có khoảng 20 triệu thuê bao ĐTDĐ
    Năm 2006 đánh dấu thời điểm tất cả các đơn vị được cấp phép khai thác dịch vụ ĐTDĐ đều đã thương mại hóa dịch vụ, hay chính xác hơn, 2 nhà khai thác EVN Telecom và Hanoi Telecom cũng bắt đầu hoạt động. Đây cũng là 2 mạng di động sử dụng công nghệ CDMA.

    Những chương trình khuyến mãi về giá cước cùng nhiều chính sách cước gây “sốc“ cũng đã diễn ra trong năm 2006. Chưa bao giờ người dùng ĐTDĐ Việt Nam được ưu ái như năm vừa qua. Viettel luôn dẫn đầu với nhiều chương trình khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn, đôi khi đến mức khó tin. Chẳng hạn, với chương trình “Mừng Giáng Sinh và chào 2007”, khách hàng hòa mạng mới trả sau sẽ được tặng 100% phí hòa mạng, tặng 60.000 đồng/tháng trong tài khoản, liên tục trong 5 tháng kể từ tháng liền kề sau tháng hòa mạng; khách hàng hòa mạng mới trả trước cũng được cộng tiền vào tài khoản và nhân đôi ngày sử dụng cho tất cả các mệnh giá thẻ...
    Không chỉ có các chương trình khuyến mại, mà ngày càng có nhiều gói cước cho khách hàng lựa chọn và đi đầu trong việc “sáng tạo” này là S-Fone. Lần đầu tiên người dùng ĐTDĐ theo dạng trả trước không bị giới hạn thời gian nghe khi sử dụng gói Forever hoặc gói Forever Couple của S-Fone hay được miễn phí 60 phút gọi nội mạng với gói Smile. Tương tự, Hanoi Telecom cũng có chính sách tặng thời gian gọi cho người gọi nội mạng và giảm giá cước cho các cuộc gọi khác mạng...

    Các chính sách mới về cước và những chương trình khuyến mãi cũng là một trong những nguyên nhân đẩy số lượng thuê bao ĐTDĐ tăng một cách chóng mặt. Số thuê bao di động tính đến hết quí III năm 2006 của Mobifone, Vinaphone, S-Fone, Viettel và EVN Telecom khoảng 15 triệu. Trong khi đó, số liệu dự kiến đến hết năm 2006 tổng hợp từ phía các nhà khai thác mạng lại là một con số khổng lồ khác - khoảng 20 triệu thuê bao.

    Tuy nhiên, hiện vẫn có tranh cãi về việc mạng thì thông báo số thuê bao đang hoạt động (thuê bao thật), mạng thì lại “khai khống” khi cộng luôn cả thuê bao không còn hoạt động (thuê bao ảo). Trong số 6 nhà khai thác di động hiện nay, Viettel đang xuất sắc dẫn đầu về số thuê bao, bỏ qua cả đàn anh Mobifone và Vinaphone. Cũng cần phải nhắc lại là Vinaphone và Mobifone đã có hơn 10 năm triển khai dịch vụ, trong khi Viettel chỉ mới kỷ niệm 2 năm thành lập. Trong khi đó, đúng như dự đoán, EVN Telecom dù chỉ mới khai thác dịch vụ chưa đầy một năm họ đã có thuê bao lên đến gần một triệu.

    Khuyến mãi, giảm cước ồ ạt, số lượng thuê bao tăng lên nhanh chóng cũng đi kèm với chất lượng dịch vụ giảm sút, nhất là thoại và tin nhắn SMS; ngoài ra, năm qua cũng có khá nhiều khách hàng của các mạng di động bị tính cước “nhầm”. Trong khi đó, dịch vụ thoại và nhắn tin vẫn là các dịch vụ chủ đạo của toàn bộ ngành ĐTDĐ Việt Nam. Dịch vụ giá trị gia tăng đình đám nhất và được kỳ vọng nhiều là TV Mobile đã được S-Fone cung cấp trong năm 2006, tuy nhiên giá cước vẫn bị coi là quá cao và chưa phổ biến.

    Trong năm 2006 Viettel cũng nâng cấp hệ thống GSM lên GPRS. Các dịch vụ giá trị gia tăng, nhất là các dịch vụ có liên quan đến nội dung đang bị coi là kém phát triển. Ngược lại các dịch vụ nhắn tin SMS trúng thưởng, tải nội dung... đang phát triển như vũ bão trong năm và được dự báo là sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các đơn vị cung cấp dịch vụ trong các năm tiếp theo.


    Với số lượng các nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ được cấp phép tại Việt Nam hiện nay, cuộc cạnh tranh vốn đã nóng được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt. Dịch vụ ĐTDĐ giá cạnh tranh, đảm bảo chất lượng và các dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp chính là những điều người dùng luôn mong muốn từ các nhà khai thác trong những năm tiếp theo.


    (sohoa.net)