Thị trường viễn thông qua góc nhìn của các nhà cung cấp dịch vụ Qua sự kiện Hội nghị Mobiles Vietnam 2007, 6 nhà cung cấp dịch vụ di động của Việt Nam là VinaPhone, MobiFone, Viettel, HT mobile, S-Fone, EVN Telecom đã có buổi trao đổi rất sôi động về hiện trạng thị trường viễn thông Việt Nam và định hướng phát triển trong tương lai. Mỗi ý kiến của một nhà cung cấp dịch vụ có thể coi là một góc nhìn về thị trường viễn thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh mạnh mẽ. Ông Hồ Công Việt, trưởng phòng Kinh Doanh-Tiếp Thị của VinaPhone: "Chúng tôi hướng đến một nền viễn thông bền vững..." Trong nhiều năm, VinaPhone liên tục là nhà cung cấp dịch vụ dẫn đầu thị trường trong nước. Điều này một phần là nhờ truyền thống hơn 10 năm phát triển của VinaPhone, một phần nhờ những chính sách về mạng lưới của công ty. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới với những chương trình khuyến mãi gây sốc, hiện tượng thuê bao rời bỏ mạng VinaPhone là đáng kể. Trước tình hình đó, VinaPhone một mặt vẫn phát triển thị trường theo định hướng của mình, một mặt nâng cao chất lượng mạng lưới, công tác chăm sóc khách hàng và cung cấp những dịch vụ giá trị gia tăng cho người dùng. Xét một cách tổng quan, chất lượng cuộc gọi của Việt Nam là thấp so với thế giới. Vì thế, mục tiêu nâng cao chất lượng mạng và đưa đến cho khách hàng những tiện ích là mục tiêu lâu dài, cần sự kiên trì của nhà cung cấp. Bên cạnh đó, VinaPhone không chỉ tính đến thị trường là các thành phố lớn, mà còn hướng tới đối tượng là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Việc cung cấp các dịch vụ GTGT, dịch vụ tiện ích trên nền công nghệ cao là điều cần thiết, nhưng đấy không phải là mục tiêu hiện tại của VinaPhone. Chúng tôi hướng tới một nền viễn thông bền vững, nơi mọi người dân đều có cơ hội được sử dụng những dịch vụ viễn thông cơ bản nhất và thông qua đó thúc đẩy sự phát triển đồng đều của nền kinh tế quốc dân. Bà Elizabete Fong, đại diện của HT Mobile: "Thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng" Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, dân số Việt Nam thuộc loại trẻ trên thế giới. Đấy chính là nguồn khách hàng lớn và đầy tiềm năng của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Tuy nhiên, vấn đề thu nhập thấp của người dân cũng cần được tính đến như một yếu tố quan trọng. Cách thức sử dụng điện thoại và các dịch vụ viễn thông của người dân Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn, sẽ giống như cách thức họ sở hữu chiếc xe máy. Họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá thành rẻ của thiết bị đầu cuối và các gói cước ưu đãi. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của các nhà cung cấp một khi thị trường tại các thành phố lớn dần đi đến bão hòa. Ông Nguyễn Việt Dũng, phó giám đốc Viettel Mobiles: "Khách hàng nông thôn sẽ chiếm tới 75% thị phần trong tương lai" Trong tương lai gần, thị trường viễn thông di động tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ chật hẹp hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Vì thế, việc hướng tới thị trường nông thôn là xu hướng tất yếu. Theo tính toán, khách hàng khu vực nông thôn sẽ chiếm tới 75% thị phần dịch vụ viễn thông trong tương lai. Thế nhưng, đối tượng khách hàng trên, phần nhiều, lại ít khi sử dụng những dịch vụ mang tính chất công nghệ cao như GPRS, truy cập Internet băng thông rộng... Điều này khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải tính toán thật kỹ để vừa đảm bảo thị phần luôn mở rộng, vừa đảm bảo tính cập nhật công nghệ, phục vụ thị trường thành phố. Ông Đỗ Vũ Anh, trưởng phòng Kỹ Thuật Khai Thác, công ty VMS-MobiFone: "Mức sử dụng trên một người dân Việt Nam chưa cao" Các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối đều cố gắng đưa ra những công cụ "Tất cả trong một" (All in one) nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ, nhưng hầu hết những người dùng đều chưa sử dụng hết các công cụ đó. Hạn chế này cho thấy tỷ suất sử dụng dịch vụ của người dùng Việt Nam tập trung hầu hết vào thoại, chứ chưa phải là các dịch vụ GTGT. Tuy nhiên, với xu thế cập nhật công nghệ, MobiFone nói riêng và các nhà cung cấp dịch vụ khác vẫn định hướng phát triển công nghệ đến 3G và NGN. Đây là xu thế tất yếu của các nhà cung cấp. Qua hội nghị Mobiles 2007, mỗi nhà cung cấp đều đưa ra một tiêu chí phát triển khác nhau cho riêng mình. Chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh tổng quan khá sôi động thông qua sự kiện này. Ông Đặng Tùng Sơn, trưởng phòng Quan Hệ Quốc Tế, công ty Viễn Thông Điện Lực: "Mở rộng số thuê bao là trọng tâm của EVN Telecom trong thời gian tới" Là một doanh nghiệp mới tham gia thị trường viễn thông Việt Nam, EVN đặt mục tiêu hàng đầu là mở rộng thị phần, tăng trưởng thuê bao. Bên cạnh đó là công tác phát triển thương hiệu và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng. Hiện tại, với 6 nhà cung cấp dịch vụ di động, thị trường Việt Nam sẽ không có nhiều chỗ cho doanh nghiệp nào chậm chân, chậm đáp ứng những nhu cầu về công nghệ cho khách hàng. Mạnh Trường(Theo VN)