Thiết bị cũ – nỗi lo mới sau sa thải

Thảo luận trong 'Máy Tính: Tin Tức - Đánh Giá Sản Phẩm' bắt đầu bởi Bright, 13 Tháng ba 2009.

  1. Thiết bị cũ – nỗi lo mới sau sa thải

    Sau những đợt cắt giảm nhân sự, các nhà quản lý doanh nghiệp đang phải đối mặt với một vấn đề: Làm gì với những thiết bị mà những nhân viên mất việc để lại?

    Nhận thức muộn

    Pat Beemer - Giám đốc CNTT của công ty Seattle Lighting (Mỹ) một ngày chợt nhận ra rằng trong tay ông giờ đây là cả một đống phần cứng và phần mềm vô chủ - hệ quả của một đợt sa thải hàng loạt mà ban lãnh đạo hãng vừa tiến hành hồi tháng 2 vừa qua. "Chúng tôi đang đau hết cả đầu vì chẳng biết làm gì với đống máy tính này bây giờ", Beemer thổ lộ, "Một số chiếc thì vẫn lưu trữ những thông tin rất nhạy cảm. Một số khác thì đã khá cũ và có thể bán thanh lý hoặc đem đi tiêu hủy nhưng những chiếc máy tính đắt tiền mới mua thì chúng tôi cũng chẳng còn cái kho nào trống để mà chứa nữa".

    Seattle Lighting không phải là công ty duy nhất đang phải đối mặt với một vấn đề khá mới vừa nảy sinh này. Theo ghi nhận của các hãng nghiên cứu thị trường, hầu hết các doanh nghiệp trên khắp thế giới vừa trải qua cuộc "thanh lọc nhân viên" bất kể ít hay nhiều cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Máy tính để bàn, laptop, máy chủ, điện thoại di động... nằm la liệt trong các kho chứa hay thậm chí là nằm phủ bụi trên những chiếc bàn làm việc trống không. Xử lý đống thiết bị này đã khó, cái khó hơn nữa là các doanh nghiệp đang không biết phải làm gì với những bộ phần mềm đắt tiền trong những thiết bị đó. Chưa kể đến việc giờ đây lại phải ngồi để lọc lại toàn bộ dữ liệu lưu trên đó để tránh việc thất thoát ra ngoài những thông tin quan trọng.

    Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ tính riêng từ tháng 12/2007 đến tháng 2/2009, nước Mỹ đã có thêm 4,4 triệu người bị sa thải. "Cứ giả sử một nửa số đó là những lao động trí thức thì lượng thiết bị và phần mềm đang nằm yên trong các doanh nghiệp Mỹ hiện nay khổng lồ đến thế nào", Peter O"Neill - nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Forrester Research Inc. phát biểu. Theo khảo sát của Forrester Research, có ít nhất 1/5 số doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu và châu Á đang phải tìm cách giải quyết tình trạng phần mềm và thiết bị "nằm phủ bụi". "Chúng tôi có thể nói rằng gần như tất cả các công ty đang gặp phải tình trạng này" O"Neill nói, "Ở châu Âu, tình hình còn bi đát hơn".

    [​IMG]
    Hết kho chứa là một trong những nguyên nhân khiến nhiều thiết bị chưa đến mức quá cũ cũng bị tiêu hủy

    Giải quyết vội vàng

    Vấn đề đó đang được nhiều doanh nghiệp giải quyết bằng các quyết định hết sức vội vàng và cẩu thả: Mang đi tiêu hủy hàng loạt. Các đơn đặt hàng liên tiếp đã khiến cho các công ty chuyên về xử lý rác thải điện tử và thiết bị cũ của Mỹ đang phải làm việc hết công suất và liên tục phải làm thêm giờ. Điều đáng nói không chỉ là sự lãng phí khổng lồ từ việc có những thiết bị như máy tính, máy chủ rất đắt tiền, mới hoạt động chưa được bao lâu nhưng vẫn bị các doanh nghiệp mang đi tiêu hủy chỉ vì: Bán chẳng ai mua mà để thì chật kho. Tiêu hủy một chiếc máy tính đồng nghĩa với việc nhiều bộ phần mềm trị giá hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn USD nằm trong đó cũng bị tiêu hủy theo.

    Sự lãng phí có thể nhìn thấy được nhưng có một yếu tố nhiều nhà quản lý đã không nhìn thấy đó là nguy cơ mất mát dữ liệu quan trọng vì hầu hết số máy tính mang đi tiêu hủy vẫn kèm theo đó là những chiếc ổ cứng. Angie Keating - Phó chủ tịch của Reclamere Inc. - một hãng chuyên về phục hồi dữ liệu, tiêu hủy và tái chế rác thải điện tử cho biết 8 trong số 10 chiếc máy tính mang đến tiêu hủy tại công ty của ông vẫn còn nguyên cả ổ cứng trong đó. "Trong một số trường hợp, các công ty đã hoặc đang trong quá trình chuẩn bị phá sản coi những dữ liệu đó cũng chỉ là "rác". Nhưng dù với bất cứ lý do gì, đó cũng là những nguồn thông tin rất quan trọng và cần phải được bảo vệ một cách nghiêm túc hơn", Keating nói.

    Giải pháp nào?

    Thực ra có khá nhiều cách đơn giản để giải quyết vấn đề này. Để bảo mật thông tin, lời khuyên mà nhiều chuyên gia đưa ra là các doanh nghiệp nên giữ lại những thiết bị lưu trữ. Laura DeBois - một chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường IDC thì đưa ra giải pháp đơn giản hơn: trước khi mang thiết bị đi tiêu hủy, các công ty nên mã hóa dữ liệu trong đó bằng một chuỗi mật khẩu "lung tung" nào đó mà chính họ cũng không biết hay đơn giản hơn nữa là ghi đè lên các thiết bị lưu trữ bằng một lượng dữ liệu vô giá trị nào đó.

    Sử dụng các thiết bị khử từ tính cũng là một giải pháp hay. Khi những chiếc ổ cứng được xử lý bằng thiết bị này, chúng sẽ trở thành một "cục sắt" và doanh nghiệp hoàn toàn có thể yên tâm mang đi tiêu hủy.

    "Nhưng tại sao các vị không chọn giải pháp tốt hơn nhiều là giữ lại những thiết bị đó và đợi đến khi kinh tế hồi phục nhỉ?" DeBois nêu vấn đề, "Khi đó, các vị sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ chút nào".

    Seattle Lighting cũng đã bắt đầu làm theo giải pháp này bằng cách tận dụng mọi khoảng trống để cất giữ thiết bị. Hiện nay hãng đã có tới 9 chiếc kho khác nhau và cũng đang bắt đầu đi làm việc lại với các hãng sản xuất phần mềm để đề nghị họ thay đổi thời gian sử dụng bản quyền các phần mềm cài đặt trong máy đó. "Cũng có những hãng đồng ý nhưng một số hãng lại từ chối và chúng tôi buộc phải chấp nhận nhưng có điều những hãng phần mềm đó chắc chắn đã mất đi một khách hàng lớn", Beemer kết luận.

    Theo ICTnews