Trải nghiệm thực tế F-Game với mức giá 400.000 VNĐ qua Lazada

Thảo luận trong 'Góc Review' bắt đầu bởi BinhDa, 25 Tháng bảy 2015.

  1. BinhDa Super Moderator

    (Gsm.vn) - Với mức giá dưới 400.000 VNĐ (không phải 4 triệu đồng) được chào bán ở Lazada thì việc mua một chiếc điện thoại/máy chơi game qua số tiền như trên cũng khá hợp lí để ôn lại tuổi thơ, nhớ lại kỉ niệm xưa. F-Game đến từ công ty FPT là một sản phẩm có kiểu dáng tương tự như chiếc N-Gage huyền thoại của Nokia năm xưa.

    f1.jpg
    F-Game có kiểu thiết kế giống như dòng máy N-Gage của Nokia.

    Sau bài viết và video đến từ bạn Sơn, chuyên gia review bên TT, mình đã quyết định rước một em về dùng thử xem như thế nào. Trong clip đánh giá về F-Game, nhiều người và có cả mình đều thấy rằng, khi chạy các trò chơi trên máy này vẫn không được mượt lắm. Điều này càng khiến mình tò mò hơn bao giờ hết. Công ty FPT chẳng lẽ lại không test thực tế mẫu sản phẩm trước, rồi mới quyết định sản xuất hàng loạt rồi bán ra thị trường? Nếu như việc trải nghiệm của mình hoàn toàn giống với bạn Sơn, rõ ràng công ty FPT không kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm đối với F-Game.

    Thiết kế “học hỏi” N-Gage

    Nếu bất cứ ai từng là người dùng (fan) qua chiếc N-Gage của Nokia thì chắc chắn sẽ cảm thấy rằng, F-Game giống sản phẩm trên đến hơn khoảng 85%. Do F-Game hỗ trợ 2 SIM và xem TV dạng analog nên bàn phím có thay đổi chút ít, không giống hoàn toàn với chiếc N-Gage.

    f5.jpg f2.jpg Thiết kế F-Game và hộp phụ kiện đi kèm khi bán ra thị trường.

    F-Game có thiết kế theo tối giản các chi tiết, có ăn ten thu sóng analog ở vị trí cạnh phải để xem TV, cạnh trái là giắc cắm âm thanh (tai nghe) chuẩn 3.5 mm. Mặt trước có kiểu dáng rất giống với chiếc N-Gage, khác biệt rõ nhất là ở loa thoại và micro, cùng với biểu tượng FPT. Mặt lưng F-Game có trang bị một camera VGA, cặp loa ngoài (thực tế chỉ có 1 loa). Nắp lưng F-Game sử dụng chất liệu bằng nhựa, có thiết kế 4 hàng chấm bi nằm đối xứng ở 2 bên, nhằm tạo ma sát để giúp cho bàn tay người dùng nắm chắc hơn.

    Tính năng chính và GAME

    Vẫn lấy N-Gage ra để so sánh, F-Game rõ ràng có thua kém ở phần nền tảng hệ điều hành. F-Game không có chạy hệ điều hành Symbian hoặc hệ điều hành “thông minh” nào khác. Chính vì lẽ đó, máy không thể tùy biến sâu, không thể cài thêm ứng dụng và trò chơi. Máy chỉ đơn giản chỉ là thực thi các tính năng, các trò chơi, cách giải trí tương tự như một chiếc điện thoại Trung Quốc cách đây khoảng 10 năm về trước.

    f4.jpg
    F-Game có đầy đủ các tính năng giải trí cơ bản nhất. Tuy nhiên, người dùng không thể tùy biến, cài đặt thêm bất cứ ứng dụng nào khác.

    Vậy F-Game tạo nên sự khác biệt ở chỗ nào? Đó chính là kiểu bàn phím được thiết kế theo nét đặc trưng cho dòng sản phẩm chơi game, hỗ trợ qua ứng dụng chơi game NES. Thay vì sử dụng màn hình 2.1 inch như N-Gage, F-Game được trang bị màn hình lên đến 2.4 inch. Bên cạnh đó, máy sử dụng màn hình loại cảm ứng điện trở, độ phân giải lên đến QVGA (240 x 320 pixels). Nhờ vào các yếu tố trên, người dùng có thể chơi các trò chơi cổ điển theo dạng game NES một cách thoải mái, tương tự như chiếc N-Gage.

    Qua trải nghiệm thực tế, F-Game khi chơi các trò chơi dạng game NES trên thẻ nhớ 1 GB loại thường (rẻ tiền), máy cho độ mượt về hình ảnh và thao thác cỡ 99%, âm thanh thỉnh thoảng có độ trễ chút ít và đạt được khoảng 97%. Mình cảm nhận tổng quan về khả năng đáp ứng chơi game ở mức tốt, độ “mượt mà” chưa phải xuất sắc như dạng game giả lập chơi trên các dòng máy Android bây giờ. Tất nhiên, người dùng phổ thông cũng khá đủ hài lòng về khả năng chơi game, bởi bàn phím hỗ trợ chơi game khá tốt.

    Tính năng giải trí khác

    Ở thời điểm hiện tại, F-Game vẫn tỏ ra khá “ngon” về khoản bắt sóng truyền hình theo chuẩn analog. Do mình ở Biên Hòa, máy nhận được khoảng hơn 10 kênh TV nhưng độ sắc nét để xem ổn thì chỉ dừng lại khoảng 3 đến 5 kênh. Điều này có nghĩa, nếu người dùng ở các trung tâm thành phố lớn, F-Game cho khả năng bắt sóng tốt hơn, nhiều kênh hơn. Tuy nhiên, thời gian tới đây (có thể năm sau trở đi) thì các nhà mạng đang chuyển dần cách phát sóng từ analog sang tín hiệu digital, F-Game sẽ mất dần các kênh TV vì tha đổi như trên.

    f3.jpg
    F-Game cho khả năng bắt sóng truyền hình analog để xem TV được khoảng 12 kênh, thực tế chỉ có thể xem tốt được khoảng 3 kênh. Muốn xem rõ nhất, người dùng phải đem ra ngoài đường, tránh xa các vật cản như trần nhà...

    Máy cho khả năng phát nhạc với âm lượng ở mức khá lớn, chất lượng âm thanh (có vẻ) gần giống với Lumia 435, khả năng xem video ổn định từ chuẩn SD trở xuống. Nhìn chung, máy có đủ các tính năng và giao diện của một chiếc điện thoại đến từ Trung Quốc với mức giá khoảng từ 900.000 đến 1.200.000 VNĐ thuộc cách đây khoảng từ 6 đến 8 năm về trước. Bởi hiện nay, phần lớn đã được thay thế bởi những dòng máy chạy giá rẻ chạy hệ điều hành Android.

    F-Game có camera 0.3 MP nên việc chụp ảnh và quay video clip chỉ mang hình thức cho vui là chính, nhằm chụp ảnh để ghi nhận sự kiện, ghi chú lại cảnh vật nào đó, không đáp ứng đủ khả năng chụp ảnh lưu niệm. Nhờ vào hỗ trợ kết nối bluetooh và cổng mini-USB, F-Game có thể trao đổi và chia sẻ dữ liệu một dễ dàng, nhanh chóng.

    Cuối cùng, F-Game hỗ trợ 2 khe cắm SIM mini (thông thường) và kết nối mạng GPRS (2G) nên người dùng vẫn có thể lướt các trang wap, trang web hỗ trợ phiên bản thiết bị di động. Điều đáng tiếc nhất khi nhận định về F-Game, máy không hỗ trợ JAVA để cài thêm ứng dụng và trò chơi. Có lẽ, hãng FPT sẽ rất khó để hỗ trợ cập nhật hệ thống firmware để bổ sung cho máy tính năng trên, vì có khá nhiều lí do về sự khó khăn khác nhau.

    Thay cho lời kết

    Cũng là một tín đồ N-Gage năm xưa, mình khá quan tâm đến những dòng sản phẩm tương tự như N-Gage. Có lẽ nắm được hiểu được thị hiếu một số người dùng yêu thích chơi game trên di động, hãng FPT đã cho ra mắt chiếc điện thoại F-Game dành riêng cho các đối tượng đã từng một thời “ăn nằm” với N-Gage. Với mức giá khoảng 370.000 VNĐ, F-Game là lựa chọn tốt cho những người có mức lương khá thấp, là sản phẩm phụ cho những ai đã sở hữu cho bản thân một chiếc smartphone “ngon lành”. Đối với những người dùng cần sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ cho công việc và giải trí nghiêm túc, F-Game cho khả năng đáp ứng ở mức trung bình khá, vì máy không phải là smartphone, không có kết nối WiFi. Xét cho cùng, F-Game có giá quá rẻ, được bảo hành 12 tháng vì là hàng mới hoàn toàn và chính hãng, cũng thật sự đáng được quan tâm.

    P/S: Ở thời điểm hiện tại, máy FPT F-Game của mình đang bị tình trạng phím lên trên (up) không còn nhậy như ban đầu, tình trạng bấm 10 lần mới thực hiện được khoảng 6 lần. Tình trạng vốn thường thấy trên các tay cầm chơi game ngày xưa, người chơi phải gỡ ra để vệ sinh máy. Tuy nhiên, mình sẽ chọn giải pháp đi bảo hành trong thời gian tới.

    Bài viết và hình ảnh
    BinhDa - GSM.VN
    ChiêuTrúc thích bài này.