Tranh chấp tên gọi ‘netbook’ Sau Dell, đến lượt Intel cũng đệ đơn lên tòa án đề nghị bác bỏ vụ kiện của hãng công nghệ Psion đối với tên gọi 'Netbook' cho dòng máy tính xách tay giá rẻ. Chiếc netbook Psion series 5 ra đời năm 1997 Hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, Intel cho rằng đây là một vụ kiện đòi bản quyền thương hiệu một cách vô lý vì trước hết "netbook" không phải là một thương hiệu mà chỉ là tên gọi của một "họ các sản phẩm" máy tính và việc các hãng sản xuất, nhà bán lẻ, người tiêu dùng - gọi những chiếc máy tính xách tay có kích thước nhỏ, cấu hình thấp, giá bán rẻ là netbook thì họ "chẳng động chạm đến thương hiệu của ai cả". Tuy nhiên, trong khi tòa án chưa có phán quyết cuối cùng, hãng tìm kiếm trực tuyến Google cũng đã phải ra lệnh gỡ bỏ toàn bộ các quảng cáo có chứa từ "netbook" trên bộ máy tìm kiếm của mình. Theo hồ sơ mà Psion gửi đến tòa án "netbook" là thương hiệu của họ đã được đăng ký và thể hiện qua giấy phép số 2404976 ban hành ngày 21/11/2000, dành cho "thiết bị được sử dụng có liên quan đến máy tính xách tay". Không chỉ Dell, Intel mà nhiều hãng công nghệ khác trên thế giới cũng đã lên tiếng phản đối vụ kiện này. Theo lập luận của Intel, Psion Teklogix đã không sử dụng thương hiệu "netbook" trên các dòng sản phẩm máy tính xách tay trong 5 năm liên tục kể từ khi đăng ký (năm 2000) và điều này là không hợp pháp nên thương hiệu đó không còn được pháp luật bảo hộ nữa. Trên thực tế, các chương trình sản xuất netbook của Psion đã thất bại và bị hủy bỏ từ lâu. Psion Teklogix (hãng tự gọi mình là nhà cung cấp các giải pháp điện toán di động) hồi tháng 12/2008 đã gửi thư tới một loạt các hãng sản xuất máy tính, nhà bán lẻ, phân phối, các nhà nghiên cứu và thậm chí là cả các blogger để đề nghị họ dừng sử dụng tên gọi netbook. Theo ICTnews