Trở lại ý nghĩa ban đầu Con số tiêu thụ của Nokia 1100 đã đi vào lịch sử ngành công nghiệp di động, vượt qua tất cả những gì người ta từng tưởng tượng và chứng kiến trước đó. 50 triệu chiếc “dao cạo” của Motorola, 100 triệu máy nghe nhạc iPod hay 115 triệu máy chơi game PlayStation 2 đã trở thành quá khứ. 200 triệu máy đã được tiêu thụ, tương đương với gần 3% dân số thế giới sử dụng nó. Theo chiến lược sản xuất dòng điện thoại giá rẻ, tấn công vào các thị trường mới như các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi bắt đầu từ cuối năm 2002, chiếc điện thoại thanh của nhà sản xuất ĐTDĐ số 1 toàn cầu đã không ngừng tăng doanh thu tiêu thụ liên tục kể từ khi ra đời vào năm 2003. Không ai còn cảm thấy cần đặt ra một câu hỏi cho kỉ lục mới này. Ai cũng biết những sản phẩm càng đơn giản, dễ sử dụng, thì tính phổ cập của nó trong tiêu thụ càng cao. Vấn đề, liệu rằng sau Nokia 1100, các hãng di động có nhận ra được điều tạm gọi là “sự cảnh tỉnh” này khi sự tiêu thụ trong ngành trên toàn thế giới từ đầu năm nay đang không mấy lạc quan? Hãy nhớ lại, chỉ trong vòng 2-3 năm trước, ĐTDĐ trở thành nỗi đe dọa và sự ám ảnh thường xuyên cho nhà sản xuất các sản phẩm số khác. Doanh thu của các nhà sản xuất máy nghe nhạc, máy ảnh số, USB… đều sụt giảm khi ĐTDĐ liên tục tích hợp các chức năng mới. Hàng tuần, hàng chục mẫu điện thoại mới ra đời, nâng cấp dần độ “chấm” cho máy chụp hình, tích hợp các công nghệ loa nghe mới nhất và bộ nhớ tăng dần từ con số chỉ vài MB lên tới cả chục GB. Sự quay cuồng của các mẫu mã tạo ra một “cơn mê” trong tiêu dùng: Điều khách hàng quan tâm, không chỉ là độ bền của sản phẩm nữa, mà là tất cả những gì sản phẩm đó “bao gồm”. Nhưng một ngày, đột nhiên, những người tiêu dùng thông minh giật mình, tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao họ lại phải trả tiền cho những gì không dùng đến?”. Thử xem, ngay cả khi họ có trong tay chiếc mobile hiện đại, đầy đủ tính năng nhất thì rốt cuộc, họ vẫn cứ phải có máy chụp hình, USB, máy nghe nhạc riêng chuyên dụng… Thực chất, họ chỉ cần một chiếc mobile thực hiện đúng chức năng ban đầu của nó: Nghe và Gọi. Điều này cũng hé lộ một xu hướng mới, buộc các nhà sản xuất mobile phải thay đổi định hướng của mình. Sản xuất các sản phẩm giá rẻ ư? Không, nước cờ đó đã cũ quá rồi, vì cho dù thị trường vẫn còn mở nhưng sự cạnh tranh giữa hàng trăm hãng sản xuất lớn nhỏ trên khắp thế giới đã khiến “cuộc chiến giá rẻ” trở nên quá khắc nghiệt. Vậy thì, cần phải tìm lại lợi thế của chính mình. Sony Ericsson rốt cuộc đã trở thành người tiên phong. Định hình với một chiến lược PR và marketing hoàn hảo để “đóng đinh” trong đầu người tiêu dùng về ưu thế nghe nhạc vượt trội và bộ nhớ trong với dung lượng lớn, hãng này đã dùng những sản phẩm mới, đẹp nhưng không hề rẻ chỉ đi theo chuyên một hướng và giảm tải những tích hợp không cần thiết. W950i là một ví dụ. Nhiều người đã ngỡ ngàng khi mua chiếc điện thoại giá cả chục triệu này rồi phát hiện ra, nó không hề có máy ảnh. Sau khi đi loanh quanh để chạy đuổi theo nhau tung ra những thứ “từa tựa”, cuối cùng các hãng di động cũng rút ra bài học: Cần phải tìm lại những lợi thế khác biệt. Và có vẻ như nhận xét của Ben Wood - chuyên gia tư vấn hãng CCS Insight “1100, là điển hình của Nokia trong việc sản xuất những sản phẩm mang đúng nghĩa ĐTDĐ” lúc này đã có phần hơi “buồn cười” vì ông chỉ nói ra cái điều hiển nhiên ai cũng biết. eCHIP MOBILE SE